Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
09:13 (GMT +7)

Người soát vé tàu và ván cờ năm ấy

VNTN- Tôi giật mình sực nhớ mình chưa mua vé, vội ba chân bốn cẳng chạy nhanh vào phòng bán vé. Nhưng khi gần đến nơi, tôi bước chậm lại vì đâu có phải xếp dài loằng ngoằng như ngày xưa. Tôi dễ dàng lấy cho mình một tấm vé và đàng hoàng lên tàu tìm một chỗ ngồi, trong lòng hy vọng sẽ gặp bác soát vé tàu năm xưa…

Tàu khách thời bao cấp. Ảnh minh họa, nguồn: internet
Tàu khách thời bao cấp. Ảnh minh họa, nguồn: internet

Ai cũng bảo nhìn tôi không giống bà buôn, người thì bảo: “Làm cơ quan nào?” Người lại hỏi: “Dạy ở đâu đấy?”. Hôm qua đi gội đầu có một em nói: “Bác tham quá đấy! vừa dạy học mà còn bán hàng”. Tôi bảo nhầm! em ấy còn không tin.

Ấy vậy mà tôi là một người buôn bán vào loại khá “siêu đẳng”. Ngay từ hồi bé, tôi bán cái gì cũng đắt hàng. Không phải buôn bán bình thường, tôi còn đi “buôn lậu” nữa kia. Thế nhưng chưa một lần nào tôi bị bắt, vậy mới tài...

Tôi bắt đầu biết bán hàng từ năm học lớp 6. Thường vào dịp nghỉ hè hay nghỉ tết là tôi cùng mấy đứa bạn đi buôn. Khi thì vài bao thuốc lá, lúc lại bánh kẹo, hoa quả, nước chè, cả những quả bóng bay… Nói chung tôi thấy ai làm gì cũng làm theo, vì tôi cầm tinh con “khỉ gió” nên rất hay bắt chước.

Khi vào cấp ba, tôi làm ăn, buôn bán “lớn hơn”. Tôi theo cái H, bạn học lớn hơn mình một tuổi về quê nó ở tận Hải Hậu - Nam Định. Và chúng tôi thực hiện những chuyến “buôn lậu” của mình. Những chuyến “buôn lậu” của tôi chỉ vẻn vẹn có 2 kg chè mang về quê nhờ bác nó bán hộ. Khi về thì là mấy cân cá khô hay cá mắm gì đó, rồi tôi lại mang ra chợ Vó Ngựa bán kiếm lời. Không hiểu vì lý do gì mà hàng của tôi lúc nào cũng hết đầu tiên. Lúc đó ai cũng bảo: Nhìn tôi họ đã muốn mua rồi. Tôi rất thích và nghĩ chắc người ta thương mình là trẻ con nên mua hộ...

Cái H hơn tôi một tuổi nhưng nó thấp hơn tôi. Nhìn nó sắc sảo nhanh nhẹn vậy nhưng cứ thỉnh thoảng lại bị bắt một lần. Còn tôi thì lần nào cũng trót lọt, có lẽ do mặt mình quá trẻ con. Nó luôn dặn tôi phải tự nhiên, không được nhìn ai cả để đỡ bị nhớ mặt?...

Xách chiếc làn lên tàu thấy vắng người, song không hiểu sao tôi cứ có cảm giác bất an. Vừa giả vờ cầm quyển truyện đọc mà vẫn run khi nhìn thấy ba người soát vé tàu tiến về phía mình. Hai người sau khi kiểm vé xong đến ngay cạnh chỗ tôi ngồi. Người tôi nóng bừng và run lên bần bật, nhưng mắt không dám rời quyển truyện. Tôi nghĩ phen này chắc chắn là mình bị bắt chứ không thể thoát được.

Đang trong tâm trạng lo sợ thì tôi nghe tiếng một người bảo tôi ngồi xịch vào trong. Tôi liền làm theo như một cái máy. Nhưng rồi... không thấy họ kiểm tra hành lý, hàng hóa gì cả. Tôi hồi hộp cũng không dám thở mạnh. Nếu để ý nhìn vào nét mặt âu lo bối rối, họ sẽ biết ngay tôi là tên “buôn lậu chính hãng”. Một bác luống tuổi ngồi cạnh tôi, người còn lại trẻ hơn ngồi đối diện. Họ nói với nhau hôm nay vắng khách, nhàn quá, rồi bỏ ra một quyển vở cũ để chơi cờ với nhau. Tôi thở phào... vừa giả vờ đọc truyện vừa hé mắt nhìn họ. Với bản chất ham đánh cờ tôi quên ngay mình là “tội phạm”. Tôi sấn vào và say sưa nhìn họ đánh cờ. Có một chú hỏi:

- Có biết gì không mà nhìn vậy ?

Tôi gật đầu và nhắc cho một bác già hơn nên bác đó thắng liên tục. Bác thích chí cười và khen:

- Cô cháu này được đấy!

Chơi một lúc, chú bị thua đưa bút cho tôi và bảo:

- Cho hai bác cháu mày đánh này. Tôi sướng quá cầm ngay cái bút và đánh với bác đó. Mỗi khi hết ván, bác đều khen tôi thông minh và hỏi han chuyện trò:

- Nhà cháu ở đâu ? Bố mẹ cháu làm nghề gì?

- Dạ! nhà cháu ở Thái Nguyên ạ.

- Thế có chè không đấy?

Tôi giật mình nhưng cũng không dám nói dối:

- Dạ, cháu chỉ có một ít mang về biếu bà thôi, bà cháu ở một mình, thỉnh thoảng cháu về chơi thăm bà ạ!

Rồi bác hỏi chuyện gia đình, học hành và động viên tôi… bác hẹn tôi lần sau sẽ chơi tiếp.

Đôi khi tôi cũng thắc mắc không biết bác nhìn tôi bé bỏng quá mà bỏ qua hay là bác không biết? Dẫu thế nào thì tôi vẫn rất kính trọng bác.

Như thành quy luật, những năm đó trên chuyến tàu Hà Nội - Thái Nguyên, mỗi tháng một vài lần tôi lại mang danh nghĩa đi... “thăm bà”. Mỗi khi nhìn thấy tôi, bác nheo mắt thay lời chào thể hiện rất quý tôi!...

Sau khi học xong cấp ba, tôi không đi buôn chè nữa và cũng không có dịp đi tàu. Nhưng khoảng bảy tám năm sau, tôi quyết định đi một lần và nghĩ: Biết đâu mình được gặp lại bác.

Lần đó... tôi đã lớn và chững chạc hơn trước rất nhiều. Tôi nhờ bạn đèo ra ga Lưu Xá từ sáng sớm. Tôi nhởn nhơ nhìn xung quanh, thỉnh thoảng cười thầm nhớ lại chuyện mấy năm về trước. Vì hôm nay tôi đâu có gì phải sợ sệt, vội vàng…

Ga Lưu Xá ngày nay đã không còn những chuyến tàu khách. Ảnh: Võ Hằng.
Ga Lưu Xá ngày nay đã không còn những chuyến tàu khách. Ảnh: Võ Hằng.

Sân ga không đông như những năm trước. Từng bao tải chè to đùng chất đống, chủ nhân vẫn đàng hoàng ăn uống nói cười vô tư. Tôi nhìn mấy bao chè đó như thôi miên, khiến chị chủ hàng hỏi:

- Em gái đi Hà Nội à?

- Vâng chị!

- Đã mua vé chưa mà đứng đấy?

Tôi giật mình sực nhớ mình chưa mua vé, vội ba chân bốn cẳng chạy nhanh vào phòng bán vé. Nhưng khi gần đến nơi, tôi bước chậm lại vì đâu có phải xếp dài loằng ngoằng như ngày xưa. Tôi dễ dàng lấy cho mình một tấm vé và đàng hoàng lên tàu tìm một chỗ ngồi. Trong lòng hy vọng sẽ gặp bác soát vé tàu năm xưa, xem bác có còn nhớ và nhận ra mình không?

Tôi đang mông lung suy nghĩ, bỗng thấy từ đầu toa bác đang đi cùng ba người soát vé. Tôi nhận ra bác ngay, vì tuy đã già hơn nhưng bác gầy nhất trong mấy người và khuôn mặt xương xương năm xưa không lẫn vào đâu được.

Tôi hồi hộp mong bác chóng đến chỗ mình. Vừa cách một hàng ghế, bác sững lại nhìn tôi. Hai bác cháu nhìn nhau chưa kịp nói gì thì một chú đẩy bác ấy ra rồi cười nói:

- Già rồi vẫn thích ngắm gái à?

Thế là chú trẻ hơn xé vé của tôi. Bác ấy đi hết toa nhưng cũng vẫn ngoái lại nhìn tôi rất lâu. Còn tôi cũng luống cuống không biết nói gì cả. Nhưng thực tình trong lòng rất tiếc nuối.

Sự việc xảy ra ngoài ý muốn. Tôi bước xuống sân ga với vẻ mặt thẫn thờ vì không thực hiện được mục đích của mình...

Thời gian thấm thoát trôi nhanh. Tôi lấy chồng, sinh con... công việc bận rộn và không đi tàu nữa. Nhưng tôi vẫn hay kể cho cho bạn bè, chồng con về những chuyến buôn chè, những ván cờ ca rô ngày ấy và lòng thầm luôn cảm ơn bác soát vé tàu. Tôi nuối tiếc lần gặp bác mà không dám chào và luôn tự trách mình thật hèn nhát...

Mấy hôm nay tôi luôn nghĩ đến bác. Lúc ăn cơm, tôi lại hỏi ông xã:

- Anh có nhớ ngày xưa em đi buôn...

- Em buôn chè và chơi cờ ca rô với bác trên tàu chứ gì?

Tôi gật đầu nói:

- Không biết mấy hôm nay em làm sao mà cứ nghĩ nhiều về bác ấy, hay là bác bị ốm? Hay là...

Chồng bảo ăn đi, nhưng tôi cứ ngồi nghệt mặt ra và lẩm nhẩm tính bác khoảng bao nhiêu tuổi, bây giờ chắc bác già lắm... và tôi lo lắng chuyện gì xảy ra với bác. Tôi quay mặt đi vì không muốn chồng biết là tôi đã khóc.

Mấy chục năm bác xé vé trên chuyến tàu Hà Nội - Thái Nguyên. Tiếp xúc với biết bao nhiêu là hành khách, có thể bác sẽ chẳng bao giờ nhớ tôi giữa hàng vạn người. Nhưng cả đời này, tôi không thể quên được bác, người xé vé tàu năm ấy.

Tôi cầu mong cho bác khỏe mạnh, mặc dù tôi biết bác chẳng nhớ gì về tôi... Nhưng cả đời này tôi luôn biết ơn vị thánh cứu tinh của đời mình.

Hồ Quỳnh Châu (Tổ 1/phường Mỏ Chè / thành phố Sông Công, TN)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một cánh chim bằng

Xem tin nổi bật 3 ngày trước

Mái trường của tôi

Tôi và Thái Nguyên 6 ngày trước

Dọc miền kí ức

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vẳng tiếng chuông chùa

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 5 tháng trước