Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
22:31 (GMT +7)

Người đàn ông không tin vào vận may

VNTN - Người đàn ông lên tàu ở ga Ipswich với bảy tờ giấy khác nhau được kẹp cẩn thận trong nách. Nhờ tinh mắt mà tôi nhận ra những tờ giấy đó chính là các tấm vé bảo hiểm dành cho hành khách đi tàu hỏa.

Sau khi đã cất hành lý lên trên khoang ngay dưới ghế ngồi của mình người đàn ông bèn cởi mũ ra và lấy chiếc khăn mùi xoa lau mồ hôi trên cái đầu hói. Xong cái việc đó, tiếp đến anh ta bèn tỉ mẩn dùng bút viết tên và địa chỉ của mình lên từng tờ bảo hiểm một.

Trong khi đó, ngồi đối diện người đàn ông kỳ lạ kia, tôi mải mê đọc một tờ tạp chí châm biếm. Hai chúng tôi chăm chú với việc riêng của mình nên không nói một lời nào với nhau cho đến khi con tàu bất thình lình cua ngoặt một phát, và chiếc móng ngựa được người đàn ông treo lên trên đầu như một thứ bùa may lại đột ngột rơi thẳng xuống đầu anh ta.

Mặc dù thế thì thật kỳ lạ sao, người đàn ông kia chẳng hề tỏ vẻ ngạc nhiên hay đau đớn gì hết kể cả khi đầu mình bị rớm máu. Sau khi lấy khăn mùi xoa lau hết chỗ máu đi, anh ta nhặt chiếc móng ngựa lên, rồi với vẻ mặt ngao ngán, liệng nó ra ngoài cửa sổ.

“Anh có đau không?” - Tôi hỏi - “Chiếc móng ngựa chắc hẳn cũng phải nặng 5 lạng, nhưng tôi không thấy anh ta tỏ vẻ gì cả?!”.

“Chỉ hơi đau một chút thôi!” - Người đàn ông bình thản trả lời.

“Vậy thì vì sao anh lại lên tàu với cái móng ngựa?!”

“Nó nằm ngay cạnh lối ra ga tàu” - Người đàn ông giải thích - “Tôi nhặt nó lên chỉ để làm vật may mắn mà thôi!”

Đến lúc này thì trên đầu anh ta đã mọc lên một cục sưng to tướng và đỏ hỏn. Người đàn ông luôn tay dùng khăn thấm máu, còn tôi thì lẩm nhẩm vài câu về những thói mê tín ngày xưa: “Từ trước đến nay tôi luôn gặp may, nhưng cuối cùng lại chẳng ra sao cả!”.

Như đọc được ý nghĩ trong đầu tôi, người đàn ông bèn nói: “Tôi được sinh ra vào thứ tư. Anh biết chứ, người xưa vẫn nghĩ rằng, bất kỳ đứa trẻ nào sinh ra vào thứ tư đều sẽ gặp may. Mẹ tôi là một quả phụ. Và vì tôi sinh ra đã may mắn như thế cho nên bà và cả dòng họ chỉ chăm lo cho người anh tên Sam của tôi. Anh ấy không may là sinh ra vào thứ sáu. Chú tôi mất đi cũng để lại hết tài sản của mình cho Sam, còn tôi, ông chỉ cho một quyển sổ dày toàn những câu răn đời…”.

Người đàn ông dừng lại giữa chừng để gấp lại chỗ phiếu bảo hiểm cho vào túi áo ngực: “Hay như ngay hôm nay tôi gặp một con mèo đen. Thế là may lắm đó. Con mèo đen tuyền lách vào khe cửa nhà tôi rồi đánh một giấc đến sáng trên ghế sofa!”.

“Vậy thì con mèo có khiến anh gặp may không?”

Người đàn ông lắc đầu, rồi giơ cổ tay ra làm lộ ba vết rạch rõ ràng do móng của một con mèo gây ra. “Tùy vào cách anh nhìn nhận vấn đề!” - Người đàn ông nói - “Nhưng chắc chắn là tôi với con mèo đó không hợp nhau!”.

Tôi cố giữ im lặng trong khi người đàn ông lơ đãng nhìn ra cửa sổ. Chắc chắn anh ta đang hồi tưởng những ký ức không hề dễ chịu đối với bản thân.

“Vậy thì chuyện gì xảy ra sau đó?” - Không nhịn được nữa, tôi bèn hỏi.

“Cũng chẳng có gì đâu. Bạn gái của tôi sẽ đi khỏi Luân Đôn trong vòng vài tháng, nên cô ấy nhờ tôi nuôi hộ con vàng anh của mình!”

“Thế thì có gì là không may đâu nhỉ?”

“Tôi chỉ mong rằng trong lúc tôi đi vắng, con mèo đen kia sẽ không mò vào nhà xơi tái con vàng anh. Nhưng tôi cũng chẳng dám chắc nữa!”

Không nói một lời, cả hai chúng tôi đều châm điếu thuốc, rồi ngồi lặng đi vừa hút vừa nhìn khung cảnh vùng quê nước Anh thoáng hiện vùn vụt qua khung cửa sổ. Tôi không thể nghĩ ra một lời nào đủ để an ủi người đàn ông bất hạnh này.

“Anh nhìn kìa!” - Người đàn ông chỉ tay vào một đàn ngựa đang gặm cỏ trên đồi - “Người ta bảo rằng cái giống ngựa đốm mà nhỏ con may lắm. Anh mà có một con thì thể nào cũng giàu cả đời!”

“Thế anh cũng có một con rồi à?”

“Cách đây lâu rồi. Nó làm tôi mắc chứng nghiện rượu!”

“Sao lại thế được chứ?!”

Người đàn ông gạt tàn thuốc xuống bệ cửa sổ đoạn thong thả trả lời:

“Nói đúng ra thì tôi cũng có lỗi! Nếu tối hôm đấy tôi không rẽ vào quán bar thì…”

“Hay là anh thử kể cho tôi đầu đuôi câu chuyện được không?”

“Được rồi!” - Người đàn ông xoa hai tay vào nhau - “Con ngựa ấy thuộc về một nhà buôn bia rượu. Mỗi khi vị này đi qua thị trấn của tôi thì thể nào ông ta cũng đến thăm từng quán bar một. Nhưng vấn đề là một con phố bé xíu mà đi đâu cũng thấy quán bar. Thế là con ngựa của ông ta cứ thế mà chắn hết đường!”

“Tôi đi qua đấy không chịu được cảnh này nên bèn thử đẩy con ngựa ra lề đường. Cái giống quỷ đó trông nhỏ mà nặng ra phết, tôi kéo nài mãi mà nó chẳng chịu nhấc một bước. Thế rồi đám đông bắt đầu vây quanh bàn tán, điếc hết cả tai. Họ còn đánh cược xem tôi có đẩy được con ngựa đi không nữa!”

“Thế rồi cuối cùng anh có làm được việc đó không?”

“Có chứ! Những người đánh cược họ còn phải trả tiền cho tôi nữa mà. Sau đó thì vì khát quá nên tôi rẽ vào quán bar gọi một vại bia. Khốn khổ, từ trước đến nay tôi có ham mê gì cái thứ rượu chè đâu, nhưng từ sau lần đó chiều nào tôi cũng phải nốc vài vại bia mới tỉnh người được. Cứ thế được vài năm thì bác sỹ bảo tôi bị viêm gan, phải cai bia. Cũng may là mình cai được, anh ạ!”

Thật trái với câu chuyện buồn, khuôn mặt người đàn ông rạng rỡ hẳn lên. Có lẽ anh đã chờ lâu lắm để tìm được người giãi bày câu chuyện đời của mình. Anh ta nói liên hồi: “Nhưng dịp đấy cũng không “đen” như lần ông sếp tặng tôi một con gà Tây nặng ba cân nhân dịp Giáng Sinh. Cả phòng cứ thế mà há miệng chữ “O”, vì từ trước nay sếp nổi tiếng là keo kiệt, có cho ai cái gì bao giờ đâu!”.

“Chẳng phải là anh gặp may rồi sao?”

Người đàn ông đánh một hơi thở dài não nuột rồi chua chát lên tiếng tiếp: “Nếu chỉ có thế thì chẳng nói làm gì. Tôi gói con gà lại trong một cái túi màu nâu rồi đi về. Khi về tới căn nhà thì lời đầu tiên mà bà chủ trọ nói là: ‘Chà, con chim to thật đấy. Một mình cậu không ăn hết đâu!’… Đến lúc đó tôi mới ngớ ra là mình đang ở một nơi không ai thân thích cả. Tôi không thể ở lại đây đón Giáng Sinh một mình, nên quyết định sẽ đến thăm nhà bạn gái trong vòng vài hôm…”.

“Có phải là cái cô nhờ anh nuôi hộ con vàng anh không?” - Tôi cắt lời người đàn ông.

“Không! Đây là cô trước đó. Cái cô này, cha mẹ cô ấy là nông dân chuyên sống bằng nghề nuôi gà, nên tôi không thể đem con gà làm quà ra mắt họ được. Tôi cũng chẳng biết ai ở Luân Đôn mà cho nó đi cả. Thế nên tôi mới đánh liều hỏi bà chủ nhà xem bà ấy có muốn mua nó không! Bà ta trả lời: 'Không, tôi có đến tận ba con gà rồi, còn mua của anh làm gì. Nhưng anh thử hỏi mấy người kia xem sao!'. Thế rồi bà ta chỉ tay vào ba người đang ngồi uống trà ở quán café bên kia đường. Cả ba chẳng có ai trông ra người ngợm gì cả. Nhưng tôi vẫn lại gần thử bắt chuyện với họ.

Gã trông dớ dẩn nhất bọn bèn bảo tôi mở cái túi ra xem. Hắn nhìn ngắm rồi sờ soạng con gà từ đầu đến chân, còn hỏi tôi đến phát mệt nữa. Thế rồi tự nhiên hắn lại đổ cả tách trà lên con gà. Ba thằng chúng cười phá ra, còn tôi thì giận quá nên đi thẳng!

Tôi đi đến một cột điện thì dừng lại để chỉnh lại đầu tóc quần áo. Lúc đó thì trời bắt đầu lách tách mưa. May là tôi có đem theo một chiếc ô trong túi. Tôi đặt con gà xuống đất để lấy cái ô ra, nhưng loạng quạng làm sao mà cả cái túi lẫn gấu quần tôi đều dính bùn!

Quán bar mà tôi đến sau đó chật ních người tránh mưa. Tôi thầm nhủ: “Gặp may rồi! Thể nào cũng tìm được người mua!”. Nhưng nhìn kỹ lại thì ai cũng đang mải mê nói chuyện. Tôi mà xen giữa câu chuyện của họ thì chỉ có thể làm người ta tức lên mà thôi. Vì vậy tôi bèn gọi một vại bia… Cơn thèm lại lên ấy mà!” - Người đàn ông nói với vẻ ngượng nghịu.

“Hơi bia bốc lên đầu, thế là tôi lại nghĩ ra cái trò đem con gà ra đấu giá. Như thế mới thu hút sự quan tâm của mọi người được. Thế là tôi mới xin phép ý kiến của ông chủ, rồi vứt con gà lên cái bàn ở giữa quán…

Hóa ra làm thế cũng chẳng thu hút được ai. Cuối cùng thì chỉ có đúng năm người tham gia cuộc đấu giá. Một người trong số đó bèn hỏi: “Sao lại có bùn ở đây thế này?”.

Tôi trả lời: “Chỉ có cái túi bị dính bùn thôi, còn con gà bên trong không hề hấn gì!”. Một người khác mở cái túi ra, hít hít vài hơi rồi quay sang tôi: “Lạ thật nhỉ? Sao tôi lại ngửi thấy mùi nước trà ở đây?”.

“À, người ta ướp con gà theo kiểu phương Đông ấy mà!” - Vì bí quá nên tôi mới nói dối như thế. Ba người còn lại, mỗi người hỏi vài câu rồi chẳng nói chẳng rằng, cả năm người tuyên bố sẽ không tham gia đấu giá. Biết là chẳng làm ăn được gì nữa, tôi đành lê bước khỏi quán bar.

Lúc đó thì cũng đã gần nửa đêm rồi. Không biết làm sao mà trên đường từ quán bar về nhà trọ, càng đi tôi lại càng thấy con gà càng thêm nặng. Biết thế thì tôi đã chẳng nhận nó ngay từ đầu…

Khi đi qua một cửa hàng bán thịt, tôi lại chợt nảy ra ý nghĩ bán quách con gà cho ông đồ tể. Tôi bước vào cửa hàng thì gặp ngay ông ấy đang tươi cười đứng sau quầy!

'Chào anh, anh cần gì ạ?' - Ông ta hỏi. Tôi bèn để con gà lên trên mặt quầy rồi nói: 'Đây, tôi có con gà này, ông muốn giá nào tôi cũng bán!'. Nụ cười của ông đồ tể vụt tắt. Ông ta bèn cầm lấy cẳng chân con gà ném thẳng vào mặt tôi. May mà tôi kịp tránh nên con gà chỉ trúng vào bên tai phải thôi, nhưng cũng đau lắm. Tôi lao vào tẩn cho ông đồ tể một trận cho đến khi cảnh sát đến và hỏi: 'Phiền hai ông cho biết chuyện gì đã xảy ra?'. Ông đồ tể lật đật chạy lại cái giá treo thịt và nói: 'Tôi có đến gần hai tá gà ở đây cho đi cũng không được, vậy mà gã ngốc kia lại đến hỏi tôi có muốn mua một con nữa không. Anh cảnh sát nói xem ai mà không nổi điên lên được chứ!'.

 

Cũng may là người cảnh sát còn hiền nên mới tìm cách hòa giải để hai chúng tôi ai đi đường nấy. Đến lúc này thì tôi chẳng còn tâm trí nào mà đi bán con gà cả. Tôi định gặp người ăn xin nào thì sẽ dúi nó cho anh ta. Nhưng cái dở là đêm hôm đó ra đường ai cũng ăn vận đàng hoàng cả, còn ăn mày chỉ thấy “nhõn” một bóng cô độc duy nhất!

Người duy nhất có vẻ rách rưới mà tôi tìm được hóa ra là một gã say. Tôi nghe hắn nói mà chẳng hiểu từ gì cả. Thế mà hắn còn bám theo tôi la hét nữa chứ. Phải một lúc sau hắn mới nhận ra mình chửi nhầm người!

Tôi quyết định sẽ vứt con gà xuống chỗ nào đó. Nhưng anh cũng biết mà, đêm trước ngày Giáng Sinh nên cảnh sát ra đường tuần tra nhiều lắm. Tôi mà vứt con gà thể nào cũng sẽ mắc tội “xả rác bừa bãi”. Tôi phải lựa mãi mới tìm được chân một cây cầu không có ánh đèn điện. Chưa lúc nào tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi ném con gà xuống sông!

Nhưng… Chưa kịp phủi tay xong thì một viên cảnh sát ôm choàng lấy tôi từ phía sau. Vậy là tôi bị giải về đồn cảnh sát. Viên đồn trưởng trực tiếp tra hỏi tôi xem tôi vừa mới ném cái gì xuống sông. Tôi kể hết mọi chuyện từ đầu đến đuôi cho ông ta. Viên đồn trưởng còn đang bán tín bán nghi thì cấp dưới của ông ta đi vào với chiếc túi màu nâu ướt sũng…

Những tưởng tôi cuối cùng sẽ được tự do để về nhà thì… Trời đất ơi! Hai ông cảnh sát mở cái túi ra thì nhìn thấy…”

Tôi bèn nhoài cả về phía người đàn ông mà nôn nóng hỏi:

“Cái gì ở trong túi vậy!?”

“Không phải là một con gà… mà là một hài nhi còn đỏ hỏn!” - Khuôn mặt người đàn ông mất hết cả thần sắc - “Tôi đã nói mãi rằng cái túi đó không phải của mình, nhưng chẳng ai tin cả. Lập tức tôi bị nhốt vào buồng giam. Vì chẳng có ai thân quen ở Luân Đôn để mà đóng phí tại ngoại, nên tôi đành phải gửi một bức điện tín cho bạn gái của mình… Trong hai ngày Giáng Sinh, chẳng có ai đến giải cứu cho tôi cả!”

“Vậy thì rốt cuộc làm sao anh được thả ra?”

“Họ không có đủ chứng cớ để buộc tội tôi tội sát nhân, nên đành gán tội say xỉn và làm mất trật tự. Tôi đóng tiền phạt xong thì được thả ra, trong túi không một xu, còn bị bạn gái bỏ nữa. Nhưng đúng là không còn con gà nữa, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hẳn!”

Câu chuyện của người đàn ông đến đây thì chấm dứt. Tôi cố ép anh uống một ngụm Whisky cho tỉnh người ra, nhưng anh ta từ chối vì sợ nghiện.

Con tàu dừng bánh là người đàn ông vội đứng dậy để lấy hành lý xuống. Anh ta cũng cố đội lại cái mũ. Nhưng vì cục sưng to tướng trên đầu nên cái mũ cứ rớt ra. Cuối cùng thì người đàn ông ấy đành để nó lại trên ghế tàu.

“Cũng may là tàu không gặp sự cố gì!” - Bất giác người đàn ông nhún vai sau khi nói với chính mình như thế.

Lê Công Vũ (dịch)

Truyện ngắn. Jerome K. Jerome (Anh)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 1 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước