Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
03:44 (GMT +7)

Người bạn thân thiết

VNTN - Cha tôi đang nằm trên giường. “Mẹ đâu cha?", tôi hỏi. Cha ngáp, rên ư ử và kéo chăn qua đầu. Giường bên cạnh cha bỏ trống.

“Mẹ đang sửa soạn trong phòng tắm”, cha tôi lầm bầm trong chăn. Tôi để cha nằm một mình. Cha thường làm việc đêm vì vậy suốt ngày chúng tôi không được làm phiền ông quá nhiều. Mẹ tôi đứng trong phòng tắm, miệng ngậm bàn chải răng. Mẹ đang chải mái tóc đen, dài của mình.

Tôi hỏi “Con chải được không?” rồi nhón chân với lấy chiếc lược trên tay mẹ. Tôi thích chải tóc mẹ; nó dày và nặng như bờm ngựa. Tôi tưởng tượng mình là người hầu chải chuốt cho mẹ, chiếc lược gần như trong tầm tay. Nhưng mẹ đưa tay lên cao và nói “chúng ta không có thời gian”. Mẹ mặc áo ngủ in hoa tử đinh hương. Tôi thích tất cả các màu sắc mà mẹ tôi thích. Tôi đứng trên cạnh của bồn tắm bằng những ngón chân trần và cố rướn tới bức vách đối diện.

“Dừng lại”, mẹ tôi nói. “Mang vớ vào ngay, trời lạnh đấy. Mà con có thực sự muốn giữ cái váy không vậy?”. Tôi gật đầu, đó là chiếc váy yêu thích của tôi. Lúc nào mẹ cũng quên, mẹ luôn có rất nhiều việc để lo nghĩ. Mẹ thích nghĩ cả khối việc và thỉnh thoảng thở dài khi tôi làm đứt quãng mạch suy nghĩ của bà để nói với bà một điều gì đó. Vì vậy, tôi phải chờ đợi thời điểm được cho là thích hợp. Mẹ bới tóc lên rồi chồm về phía tôi và bật vòi nước nóng. Nước phun ra trên vành hoa sen màu vàng đổ vào bồn tắm. Hơi nước bốc lên, cái nóng có mùi mặn. Mẹ cởi áo và tôi nói “trông mẹ như Morgan Le Fay lang thang trong sương mù của Avalon”.

“Nhích lên một chút”, mẹ nói và thúc vào đầu gối tôi để tôi nhón nhén di chuyển dọc theo cạnh của bồn tắm. Mẹ cúi xuống trước mặt lò nấu nước tắm và mở cánh cửa sắt nhỏ ra. Mẹ cúi xuống, thổi, và châm một điếu thuốc vào chỗ than còn lẫn tro. Mẹ thổi một lần nữa. Than bắt đầu đỏ lên. Tôi bịt mũi. Mẹ cười và bảo tôi chuồn đi.

Toàn bộ sàn phòng ngủ rải đầy mảnh giấy vụn vàng, đỏ, đen. Em gái tôi Hanna đang ngồi trên tấm thảm, đưa lưỡi ra nhay và cố tình kéo một mảnh giấy màu vàng ra khỏi lá cờ của tôi.

“Đừng!”, tôi la lên.

“Tại sao không?”, nó hỏi. “Nếu chị gỡ miếng ấy ra thì sẽ có một lá cờ Tây Đức.”

“Em không được gỡ nó”, tôi nói.

“Trông nó xấu xí thế này”, em đáp lại. “Có thể chị không hề biết đến thứ gì nữa.” Chuông cửa reo. “Em đi đây”, Hanna kêu lên, thả lá cờ của tôi lại và nhảy cẫng đi. Tôi chộp tay nó trước khi tới cửa lớn rồi đẩy nó ra ngoài. Thorsten đang đứng đợi, cười rất tươi. Ông ấy đưa hai cánh tay ra, nhưng chúng tôi không sà vào đó như vốn phải làm thế, hoặc ít nhất là tôi không làm, bởi vì ông lại mặc áo ghi lê da cừu và ông chỉ tới khi mẹ và chúng tôi có việc gì đó cần làm cùng nhau.

“Mẹ đang tắm”, tôi nói với Thorsten.

“Và cha đang ngủ”, Hanna nói.

“Để chú xem”, Thorsten nói và bước vào bên trong. “Rồi, chú sẽ tự pha cà phê trong khi chờ đợi mẹ các cháu. Các cô gái muốn gì nào?”. Ông vỗ đầu tôi và Hanna. Chúng tôi theo Thorsten vào nhà bếp và chỉ nơi cho ông pha cà phê.

“Cháu muốn món bí”, Hanna kêu lên khi nó sà vào lòng Thorsten. Thorsten đổ một ít bí vào ly cho Hanna và hỏi tôi có muốn ăn bí như Hanna không. Tôi lắc đầu.

“Hôm nay, chúng cháu không có thời gian”, tôi báo cho ông ấy biết và khi ông bận ăn uống thì tôi muốn xem mẹ tôi đang làm gì, tìm hiểu khi nào chúng tôi sẽ đi được. Mẹ đang tắm rửa phần dưới vai khi tôi bước vào.

“Con rửa cho mẹ được không?”, tôi hỏi mẹ, nhưng tốt hơn để mẹ tự làm; tôi luôn làm công việc cuối cùng là tắt các vòi phun nước ở khắp mọi nơi. Mẹ lau khô người và hỏi cha còn ngủ không. Tất nhiên rồi. “Chúng ta để cho cha ngủ, cha thích sự nghỉ ngơi”. Mẹ tròng vào người chiếc áo lụa màu đỏ và thoa ít son lên môi. Mẹ có cây son màu đỏ sẫm mà cha yêu thích, và tôi cũng vậy. Chưa bao giờ mẹ đẹp như bữa nay.

“Con chải tóc cho mẹ nhé?”, tôi hỏi.

“Ừ, cưng!”. Mẹ cười và mở kẹp tóc. Nó đúng là mái tóc đẹp. Tóc của mẹ buông xuống vai và dài gần chạm eo. Có lẽ tôi nên nói với mẹ là Thorsten đang ngồi trong nhà bếp và tôi không muốn ông ấy đến chỗ chúng ta. Nhưng mẹ sẽ gạt qua; từ khi bà quen biết với Thorsten xem ra cũng đã lâu và luôn luôn vui mừng khi ông ấy lui tới. Mẹ cũng luôn luôn cười thật lạ khi cha nói với bà rằng người bạn của gia đình lại đến và đã để lại một ghi chú trên cửa, rồi cha tôi cũng mỉm cười. Gia đình chúng tôi có rất nhiều bạn bè nhưng gần đây Thorsten lui tới quá thường xuyên làm tôi tự hỏi liệu có lúc nào cần nói với mẹ điều đó hay không. Có lẽ mẹ đã không thực sự chú ý, vì mẹ có rất nhiều điều để nghĩ tới, mấy việc đơn giản bà không một chút lưu tâm. Cũng giống như đêm qua, khi mẹ hoàn toàn quên đưa chúng tôi đi ngủ và chúng tôi đã nán lại chơi cho đến một giờ sáng. Mẹ tôi xịt thứ gì đó lên cổ tay bà.

“Cái gì vậy mẹ?”

“Thuốc phiện”. Mẹ cười một cách bí ẩn và thì thầm, “Của ông già Noen ở Tây Đức gửi tới”.

“Mẹ có mùi thơm hơn mà không cần nước hoa”, tôi nói. Bà vuốt tóc tôi và đẩy tôi ra khỏi cửa trước. Trong nhà bếp, mẹ lom khom phía sau Thorsten và đặt hai bàn tay lên bịt mắt ông ấy, ông ấy giả vờ như không cần nghĩ đó là ai. Sau đó, mẹ nghiêng người và áp khuôn mặt mẹ vào mặt ông ấy. Tôi có thể hiểu lý do tại sao Thorsten thường xuyên đến thăm chúng tôi.

Ống ấy nói có mang thứ gì đó cho mẹ. Ông dúi một vật vào tay mẹ. Tôi có tính hơi xấu muốn biết nó là gì, nhưng mẹ không muốn cho tôi thấy. Bà cười và nhấp một ngụm cà phê trong cốc của Thorsten.

“Chúng ta ổn chứ?”, ông ta hỏi. Mẹ gọi chúng tôi, “Nào, đến đây, bây giờ, mang giày, áo khoác vào và chào cha đi, nhưng khe khẽ thôi”.

Tôi hỏi cha tôi, rốt cùng bất cứ thế nào cha cũng không muốn đi với chúng tôi. Tất cả mọi người sẽ ra phố mừng ngày Quốc tế lao động, và sẽ mang hoa cẩm chướng đỏ đến làm nên niềm vui tràn ngập. Chúng tôi đã làm những lá cờ trong những tuần trước ở trường, thậm chí việc Thorsten đến thăm cũng tốt. Hanna sẽ thổi kèn melodica của nó. Cha tôi không thể nghe thấy tiếng trống ư? “Đi đi cha”, tôi nói và cố kéo tấm chăn trùm người cha ra. Không, cha muốn chúng tôi đi nhưng không có ông vì ông còn có thể ngủ thêm. Mẹ đến, hôn lên cổ cha và thì thầm vào tai ông. Cha ôm mẹ và tôi cố tìm cách luồn vào giữa hai người. Tôi cũng ôm cha, cho đến khi ông nói rằng ông không thể thở được nữa, nhưng tôi vẫn không bỏ đi. Ông cù léc vào bụng, tay tôi, khắp mọi chỗ. Hanna kêu lên, “Con cũng vậy, con cũng vậy chứ”.

Tôi sẽ rất vui nếu ở lại với cha nhưng mẹ nói rằng chúng tôi không nên làm phiền cha, rồi kéo tôi và Hanna ra khỏi phòng. Trước khi mẹ có thể đóng cửa, tôi liếc nhìn cha khi ông tung chăn qua đầu. Ông vui mừng khi cuối cùng chúng tôi đã rời đi.

Thorsten đứng ở hành lang và để Hanna lên vai. Tôi nắm tay mẹ và tay còn lại cầm cờ. Trong tàu điện tôi muốn được nhìn ra ngoài cửa sổ và có mẹ bên cạnh. Nhưng bà không muốn ngồi với tôi, bà thì thầm với Thorsten và sau đó họ nói bằng tiếng Nga nên chúng tôi không thể hiểu họ nói gì.

“Tại sao mẹ và chú luôn luôn phải giữ bí mật?”, Hanna hỏi. Thorsten và mẹ cười. Hoa cẩm chướng tuột khỏi tay lần nữa và tôi cố gắng ghìm chặt nó lại cho đến khi Thorsten lấy nó đi và nói ông có thể sửa lại. Tuy nhiên, ông không sửa được và cho tôi bó hoa thay thế.

Chúng tôi đổi ý ở Alexanderplatz. Hanna và tôi thà ở lại đó còn tốt hơn. Trẻ em được nghịch nước ở đài phun nước và chúng tôi cũng thích chơi té nước. Nhưng mẹ nói rằng chúng tôi trước tiên sẽ đi đến chỗ Thorsten, ông ấy có một bộ Meccano để chúng tôi có thể chơi với nhau, một trò chơi mà chúng tôi rất thích. Chúng tôi thích vẫy cờ theo tiếng nhạc cùng với mọi người hơn. Mẹ hứa là Thorsten có món cốm gạo nhiều màu ở chỗ ông ấy.

Thorsten gật đầu và nói ông cũng có chỗ để té nước. Chúng tôi có thể làm gì khác được chứ? Dù vậy, đó không có nghĩa là tôi phải nắm tay Thorsten, tôi chỉ muốn nắm tay mẹ. Mẹ khoác áo lông thú lên, mặc dù trời ấm và bà đổ mồ hôi. Nhân cơ hội này tôi chui vào bên trong áo khoác của mẹ. Người mẹ có mùi rất dễ chịu. Hanna cố sờ tìm đầu tôi dưới chiếc áo khoác và tôi giơ hai nắm đấm lên để nó nghĩ đó là đầu tôi. Chúng tôi đi tàu điện ngầm và xuống tàu sau vài trạm dừng.

Căn phòng của Thorsten nhỏ và có mùi. Đó là do thùng rác, Thorsten giải thích và chỉ xuống sân. Tôi nghĩ mùi đó là từ chiếc áo ghi lê da cừu của Thorsten, nhưng ông sẽ không thừa nhận điều đó. Một chén cốm gạo đặt trên bàn ăn cho Hanna và tôi. Chúng tôi chia chúng theo màu sắc. Tôi thích màu đỏ, còn em gái thích màu xanh. Thorsten nắm tay mẹ tôi dắt vào phòng ngủ chính và đóng cửa lại. Hanna muốn hôm nay màu đỏ là màu nó yêu thích và đòi tôi phải chọn một màu khác. Nó bị điên. Màu đỏ luôn là màu yêu thích của tôi, không có gì làm tôi có thể thay đổi điều đó lúc này. Chúng tôi có thể nghe mẹ và Thorsten cười khúc khích. Họ không cần phải đóng cửa phòng. Hanna không muốn chơi, nó thấy chán quá. Chúng tôi muốn đi ngay bây giờ. Tôi đi tới cửa phòng mà Thorsten và mẹ đã biến mất phía sau nó. Quả khó khăn, tôi cố gắng kéo đẩy một vài lần nhưng cánh cửa không hề nhúc nhích.

“Mẹ ơi!”, tôi gọi to. Phía sau cánh cửa im lặng. Hanna đi tới và húc người vào cửa.

“Cửa không mở đâu”, tôi nói.

“Mẹ ơi”, Hanna gọi, lần này to hơn. Không có động tĩnh gì phía sau cánh cửa. Tôi đá vào cửa và giật cửa kêu lách cách, Hanna tạo ra một nhịp điệu trên cánh cửa bằng nắm đấm, gọi to các tên, lúc đầu có vẻ vui, sau đó chệch đi. “Mẹ ơi! Chú Thorsten ơi! Mẹ ơi! Me-ơ-chu-Tho-sen-ơ”.

Sau đó chúng tôi nghe thấy tiếng bước chân và cánh cửa mở tung. Tôi ngã nhào và đầu gối khuỵu xuống còn Hanna ngã lên người tôi.

“Tại sao lúc nãy mẹ đóng cửa lại?”, tôi hỏi, khi mẹ cười và bảo chúng tôi đứng dậy. Bà đứng ở giữa phòng và Thorsten - người đã mở cửa cho chúng tôi - đang ngồi trên giường có đặt một chiếc vớ.

“Chúng con muốn đi ngay bây giờ”, Hanna nói và nhảy vào lòng của Thorsten. Thorsten nhờ mẹ lấy giúp đôi giày, thế là mẹ lấy đôi giầy dưới gầm bàn lên và mang nó tới giường cho ông.

“Cháu sẽ mang giày cho chú, được không?”, Hanna ướm hỏi. Lộn ngược xuống như kiểu con khỉ đu người từ một cành cây tưởng tượng, từ trong lòng Thorsten nó ngã ra sau rơi xuống sàn nhà và cố gắng mang giày cho ông. Mẹ phải đi vệ sinh. Tôi theo mẹ vào phòng tắm nhưng mẹ bảo tôi nên chờ bên ngoài. Ở nhà thì tôi luôn được mẹ cho phép đi với bà.

“Trước hết, chúng ta sẽ ăn chút gì thôi”, mẹ quyết định khi bà ra khỏi phòng tắm. Mẹ muốn nấu cơm và đậu Hà Lan.

“Không đâu, con nghĩ chúng ta sẽ đến lễ hội May Day1.”

Thorsten nói rằng tôi không thể đi đến lễ May Day bởi vì nó là một ngày chứ không phải là một nơi chốn hay một người nào cả. Thorsten luôn nghĩ là mình thông minh, cái đó làm cho ông ta hơi ngớ ngẩn. Tôi không muốn ở lại chỗ Thorsten. Mỗi lần chúng tôi đi đến chỗ ông, mẹ muốn nán lại và thường rất trễ nải trước khi chúng tôi có thể ra về. Thậm chí có khi phải ngủ lại vì trời tối và không còn tàu điện nữa.

Mẹ đang đứng bên bếp chiên hành. Bà nói rằng họ đã bất ngờ lên kế hoạch tối nay cho chúng tôi, vì vậy chúng tôi phải ăn uống cho no. Thorsten đặt miếng các tông lên sàn nhà và bảo chúng tôi có thể chơi bộ Meccano của ông. Nhưng tôi không muốn và Hanna không biết chơi.

“Bất ngờ gì thế mẹ?”, tôi hỏi.

“Nếu mẹ nói, nó sẽ không còn bất ngờ”, bà nói và bắt đầu hát. Thorsten đứng cạnh mẹ và ngửi mái tóc bà, rồi nói gì đó không thể nghe hiểu được.

“Thorsten không nên làm điều đó”, tôi thì thầm vào tai Hanna. Hanna quay mặt về phía hai người.

“Em nghĩ Thorsten thích mẹ”, Hanna thì thầm đáp lại.

“Vậy là gì? Miễn sao không có nghĩa là chúng ta uổng phí cả ngày ở chỗ ông ta, phải không?”. Tôi nắm mũi của mình và giả vờ như bị bệnh. Hanna làm theo, dù vậy tôi không chắc chắn nó có thực sự giữ bí mật với ông ấy tương tự như nhiều lần trước đây, nó luôn luôn nhảy thẳng vào lòng ông ấy ngay khi mẹ đi khỏi.

“Chúng ta cần đến đây và ăn uống, nếu không sẽ không có bất kỳ bất ngờ nào”.

“Gì vậy nhỉ?”, tôi nói, và bắt chéo hai cánh tay của mình. Thorsten cho Hanna ăn, dùng nĩa đưa tới giống như chiếc máy bay mặc dù nó không còn là con nít nữa.

“Cháu cau có điều gì thế?”, ông ta hỏi tôi.

“Cháu không cau có”, tôi giận dỗi và quay lưng lại. Bên ngoài trời đã tối và chúng tôi đã không được dự lễ kỷ niệm ngày Quốc tế lao động. Thorsten thực sự làm tôi bực, ông ta không hiểu gì cả.

“Đừng bắt đầu cãi nhau chứ hai người”, mẹ tròn mắt.

“Đừng cáu kỉnh”, tôi nói với mẹ. Cha cũng luôn nói như vậy với bà. Mẹ không trả lời và quay ra hỏi xin Thorsten thuốc lá. Thorsten châm một điếu thuốc và đưa qua cho mẹ. Cả hai người liếc nhìn nhau.

“Bây giờ làm gì đây?”, tôi hỏi. Tôi muốn về nhà. Không ai trả lời. Chuông cửa reo. Thorsten đưa nĩa cho Hanna cầm và đi ra mở cửa. Một người bạn của Thorsten đã đến. Mẹ, người bạn và Thorsten đứng ở hành lang nói chuyện nho nhỏ với nhau. Bất ngờ là ngu ngốc. Ngu ngốc, ngu ngốc, ngu ngốc. Tôi chắc chắn sẽ nói với mẹ điều đó khi bà trở vào bếp.

“Ăn trước đã, sau đó chúng ta sẽ đi.”

Tôi nhai cơm và đậu Hà Lan, lăn từng hạt một trên lưỡi cho đến khi mẹ quát tôi phải cư xử bình thường nếu đó không phải là đòi hỏi quá đáng. Giọng của bà bị biến dạng lạ lẫm giống như máy ghi âm cũ của chúng tôi, khi giọng nói của Peter và Wolf mỗi lúc một sâu hơn và cha nói rằng động cơ không quay đủ nhanh nữa. Giọng của Hanna cũng sâu như vậy. Đầu nó chúi xuống phía trước đặt lên hai cánh tay, dường như nó đang ngủ. Tôi không thể ngăn mình ngáp.

“Hanna”, tôi gọi, và lưỡi của tôi cảm thấy nặng trĩu. Nhìn Thorsten giống như ông ấy trong khu nhà gương. Lần đó chúng tôi đã đi đến một nơi ở Treptow. Ở đó cũng có tàu lượn siêu tốc và quay về ngay khi Thorsten có cái cười ngớ ngẩn đó, nó ngớ ngẩn, cái cười ngớ ngẩn quá. Tôi đẩy đĩa sang một bên và đặt đầu trên bàn, tóc mẹ thả xòa trên mặt tôi, đưa tới đưa lui. Tôi có thể cảm thấy cánh tay của mẹ nâng tôi lên, đưa tôi đến giường Thorsten, tôi không muốn ngủ ở đó. Dù vậy, mẹ vẫn tiếp tục đi, đưa tôi đi càng lúc càng xa hơn. Tôi không thể nói với mẹ tất cả những gì tôi thấy ở ông ấy mới ngu ngốc làm sao, lưỡi của tôi cảm thấy như có một khối u trong miệng và tôi thậm chí không thể khóc vì mí mắt trĩu nặng.

Không khí ngột ngạt, tỏa mùi thuốc lá và trời tối. Tôi cảm thấy một cái gì đó ầm ầm và rần rật xung quanh. Tôi cố gắng chịu đựng. Có thứ gì đó đè nặng lên ngực và tôi với tay để bắt nó. Đó là cánh tay của Hanna, nó vẫn ngủ say. Tôi nghe thấy giọng mẹ ở phía trước, bà nói rằng “chúng ta cần phải rẽ trái ở đây”. Tôi cảm thấy nhuốm bệnh vì xe chạy. Tôi không nghĩ chính Thorsten có xe hơi. Tôi nhắm mắt lại một lần nữa. Thật tốt, tôi nghĩ thầm, như vậy ông ấy luôn có thể lái xe đưa chúng tôi về nhà ngay buổi tối, cả khi tàu điện ngầm nghỉ hoạt động. Mưa rơi mạnh trên nóc xe. Tôi thấy một dòng nước nhỏ chảy qua cửa sổ. Có âm thanh rít lên khi gặp xe vượt qua.

“Con khát”, tôi nói. Mẹ quay sang và vuốt tóc tôi.

...“Thế chứ, cuối cùng con đã thức dậy rồi phải không?”, mẹ lấy chai nước lại cho tôi uống. Đó là nước chanh Astoria, tôi nghĩ - nhưng thấy cái chai hơi khác. Điều đó không quan trọng, tôi nghĩ thầm, có lẽ tôi đang mơ. Có vẻ kỳ lạ là tôi có thể nghĩ về một giấc mơ trong một giấc mơ. Tuy nhiên, cảm giác như có kiến bò vào cánh tay chứng tỏ rõ ràng tôi không ngủ.

“Con thấy mình bị bệnh”, tôi nói.

“Ồ, sẽ qua thôi”, mẹ vuốt trán tôi một lần nữa, dường như tôi đã bị bệnh rồi. Thorsten nhô vai để nhìn và hỏi: “Này, ngủ có ngon không?”.

Một giấc ngủ tốt ư? Tôi nhắm mắt thật chặt và chỉ mở mắt lại khi chắc chắn rằng Thorsten không còn nhìn tới nữa.

“Khi nào chúng ta về nhà?”, tôi muốn biết. Mẹ không rời tay khỏi trán tôi. “Rồi khi nào chúng ta mới trở về nhà?”, tôi đẩy tay ​​mẹ ra, tôi muốn mẹ trả lời.

“Mấy giờ rồi?”, mẹ hỏi.

“Bốn giờ rưỡi”. Thorsten châm một điếu thuốc.

“Vẫn còn đợi thêm chút nữa mới đi được. Ráng ngủ thêm đi”. Mẹ nói giọng vỗ về. Lúc này xe đang chạy trong thành phố, tôi có thể nhìn thấy đèn đường bên ngoài. Chúng tôi dừng lại ở cột đèn giao thông. Có đèn vàng ở phía trước và tôi cố gắng đọc những gì người ta viết: Tempelhof, Marienfelde. Không biết được mình đang ở đâu. Tôi nhắm mắt và cố ngủ lại, tôi cảm thấy mệt, dạ dày chộn rộn. Tôi lại ngồi dậy và nôn mửa. Mẹ cố dùng tay để bụm nó nhưng hầu hết đã rơi xuống giữa hai ghế trước. Tôi khóc vì miệng đắng ngắt. Mẹ lấy nước chanh cho tôi và hỏi liệu tôi có muốn tháo khăn quàng cổ màu xanh để lau người không.

“Mẹ có điên không?”, tôi nói với mẹ, “đó là chiếc khăn quàng Pioneer2 của con”. Nhưng rõ ràng mẹ rất ít quan tâm về chiếc khăn quàng Pioneer cũng như ngày Quốc tế lao động hoặc việc cha tôi thực sự lo lắng về nơi mà chúng tôi đang ở lại.

 

1. May Day: Ngày Quốc tế lao động 1/5

2. Ở Đông Đức thời XHCN, nhi đồng mang khăn quàng xanh, thiếu niên mới mang khăn quàng đỏ.

Truyện ngắn. Julia Franck (Đức)

Dương Đức (dịch từ bản tiếng Anh)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 1 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước