Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
16:16 (GMT +7)

Ngôi nhà trên núi

Truyện ngắn. Ivanytchouk (Nga)

Âm sắc ì ầm triền miên từ cánh rừng xa xa hòa với tiếng sóng nước của con suối nhỏ vẫn không thể vọng tới dãy núi cao mà lưng của nó phình ra tựa vào ngôi làng, nơi mà ở đó luôn chứa đựng bầu không khí bí ẩn giống như một tu viện luôn đóng kín cửa; không một tia nắng nào có thể chui lọt qua sân nhà Pantela bởi vòm lá của những cây táo sum suê bao phủ xung quanh, thậm chí nó vươn lên phủ kín cả mái nhà, trong sân, luôn luôn là bóng tối. Nó cách biệt hẳn với bên ngoài giống như một kẻ ngoại đạo, xung quanh bao bọc bởi vườn cây ăn quả - đầy thách thức và huyền bí, vườn cây rậm rạp hung dữ, nhìn từ bên ngoài trông nó giống như dạ hội của mụ phù thủy, nhìn xuyên qua những vòm cây, một cái cần múc nước chọc thẳng lên, cái đầu nhọn hoắt của nó nghếch xiên về phía chân trời giống như chiếc giá treo cổ.

Phía sau vườn cây ăn quả là nơi an nghỉ của tổ tiên nhà Pantela, không ai dám ở lại trong nghĩa trang gần tu viện có mái lợp bằng gỗ, nhưng gia đình này thì hoàn toàn khác biệt, họ xuất thân từ một dòng dõi khác.

- Cha chẳng hề giữ con đâu Nastia ạ, thế giới này rộng lớn lắm - Pantela luôn nhắc đi, nhắc lại với con gái mình như thế, những gì đáng nói ông đã nói hết cả rồi bởi ông biết Nastia gắn bó với ngọn núi này còn hơn cả ông. Nhưng nếu con bé lại từ chối kết hôn với Yourko, thì có lẽ là...

Ngôi làng chạy dọc theo triền sông cho đến tận chỗ có mỏm đá chìa ra, ở dưới đó là nơi những người dân du cư sinh sống, dòng sông vẫn chảy đơn độc và bình yên. Mỗi buổi sáng, Nastia - con gái của Pantela, men theo bờ sông để đến Potitchia nơi cô đang làm việc cho một văn phòng khai thác tài nguyên rừng của huyện. Cô di chuyển tới đó giống như một người xa lạ, dân làng cũng chẳng biết cô là ai. Và rồi, khi trở về ngọn núi, nơi bao trùm sự tĩnh lặng nên cũng chẳng có ai thèm trèo lên đó cả.

Pantela tự thu xếp cuộc sống của mình mà chẳng cần đến sự giúp đỡ của dân làng. Tổ tiên của ông đã từng gắn bó sinh sống mật thiết với người dân nơi đây, nhưng với ông, ông lại chạy trốn điều đó. Ngày trước, những người trong làng quy phục theo tổ tiên của ông nhưng giờ với Pantela họ lại không muốn làm thế nữa vì nó can hệ đến sự bình đẳng của dòng dõi cho nên ông không thể bám víu mãi vào đó nữa. Cụ tổ của ông đã từng là một người sống ngoài vòng pháp luật. Ông thường nhìn mọi người theo kiểu ban ơn. Ông nội ông cùng với những người lính thường đi trừng trị những kẻ bất lương, riêng ông, ông nhìn mọi người với thái độ ngạo mạn theo cách nhìn của lính cảnh sát. Còn bố ông, cũng đã từng là người quản lý những đồng cỏ trên núi cao, ngược lại, Pantela chỉ là một người đàn ông bình thường nhưng trong ông luôn ẩn chứa một thái độ kiêu ngạo và với nó ông chẳng bao giờ thay đổi.

Và rồi liệu ông còn cần gì nữa ở người dân trong làng? Họ đã thành lập những nông trang tập thể, cùng nhau làm việc, chia sẻ thu nhập, còn ông, ông luôn có của cải riêng của mình. Đôi khi, ông cũng nhận ra rằng có cái gì đó đã làm ông hài lòng ở những con người trong xứ sở này nhưng mà ông đã không sớm nhận ra điều đó, vậy thì ông còn cầu xin và khẩn khoản họ để làm gì?

Ông có thể kiên nhẫn, yên tâm chờ đợi và chắc chắn điều đó sẽ làm cho mọi người hiểu ông hơn. Từ chuyện về cây anh đào của người thầy giáo cũng chẳng có ai trồng và phát hiện ra quả của nó màu trắng nâu, to mập như trái hồ đào. Này những người năng nổ, nếu các bạn phát hiện ra giá trị của chúng thì những trái cây này đã được mang bán vào các buổi chợ ngày thứ sáu hàng tuần trong khi đó nó có đầy ở nhà thầy giáo mà cũng chẳng có ai biết mà thu lượm, chỉ tổ vỗ béo cho những chú chim sẻ.

Có một lần vào xuân, Pantela đã tìm đến cây đào này và chặt một cành rồi ghép sang cây đào nhà mình nhưng không có kết quả. Thế nhưng, ông thầy giáo già đã mất, vợ ông ta đã chuyển lên thành phố, bà ta không thể mang theo cây đào, cây cối và cả những mét vuông đất màu mỡ theo mình, thành thử những thứ đó đành để lại trên núi và đương nhiên nó thuộc sở hữu nhà Pantela.

Mùa thu, những trái anh đào chín rụng rơi xuống, có một số lăn xuống sườn dốc, Pantela đã leo ngay lên đó và nhặt chúng cho vào chiếc đẫy mang theo, chỉ những lúc như vậy mọi người mới nhìn thấy ông ta và rồi cũng cho việc đó là bình thường nên chẳng ai thèm nhún vai lắc đầu nữa. Đặc biệt hơn, những người dân trong làng còn gặp lão ở các buổi chợ phiên phố thị vào các ngày thứ Sáu hàng tuần để bán đủ thứ lặt vặt từ mật ong đựng trong thùng gỗ, đinh sắt gỉ… đến những thứ đồ vật tạp dụng khác.

Ông ta phải làm gì và làm sao khi sống cô độc? Tổ tiên ông sung túc là do lấy tiền của người giàu, ông nội ông giàu có cũng là do thu tiền phạt người nghèo, người ta mang đến cho bố ông mọi thứ, còn Pantela, ông phải tự kiếm sống bằng việc bán lặt vặt từ những trái táo rụng, cho đến những cái đinh sắt gỉ.

Năm tháng qua đi như bóng câu qua cửa sổ, dòng sông vẫn chảy từ trên núi xuống rồi chảy qua địa phận Potitchia, tuổi trẻ của Nastia cũng dần qua đi, những người mai mối cũng không còn muốn đặt chân lên con đường mà nó dẫn lên trên núi nữa bởi họ không thích đến nhà Pantela.

Tuy vậy, chỉ có một người duy nhất là đã đến nơi này, đó là chàng Yourko. Anh đến bởi vì hai anh chị đã quá yêu nhau! Nhưng Yourko thì lại áp đặt điều kiện: “Anh không muốn đến sống ở một nơi đầy chết chóc”. Còn Nastia thì say sưa nói rằng: “Trong nhà em chẳng có ai muốn sống ở nơi khác cả”. “Em này, em còn trẻ, em có thể xuống núi cùng anh, còn bố em, cứ để cụ sống một mình trên núi”. “Không, riêng em thì không thể, em sẽ không bao giờ rời bỏ nơi này...”

“Tự do thuộc về con, Nastia ạ, con hãy cứ đi! Cha không bao giờ ngăn cản con đâu”, người cha già luôn miệng giục con gái.

Vậy điều gì đã giữ cô ở lại? Mùa đông đang đến, gió rít lên từng hồi trên đỉnh núi, nó cuốn đi những cây ăn quả và cả những ngôi nhà. Mùa hè sang, những tia nắng cũng không thể lọt qua ô cửa sổ do lớp thảm xanh biếc dày đặc của những vòm cây. Con bò bình thản nhai cỏ trong chuồng năm này qua năm khác. Những con cừu cũng vẫn kêu lên như mọi khi. Cây bạc hà trong vườn nhấp nhô dưới những ô cửa sổ, nó bám đầy dưới chân và đang leo lên những tảng đá phủ lên một màu xanh căng tràn nhựa sống.

Những điều đó, phải chăng đã níu giữ cô lại? Hay là nỗi sợ phải sống bên cạnh những người hàng xóm? Họ chia sẻ tất cả mọi thứ, từ việc đồng áng đến những câu chuyện hàng ngày nhưng cô đã không biết sống một cuộc sống như họ. Vậy thì, chỉ có Chúa mới biết tại sao nhưng sự đời chẳng bao giờ có ai đó lại dám từ bỏ những nơi này không phải vì sự sống hay cái chết.

- Nastia ạ, em hãy để lại tất cả, lấy anh đi và hãy sống cho mình. Chúng ta sẽ luôn ở bên nhau trong một bầu trời mà ở đó những đứa con của chúng ta được tự do bay nhẩy như sức sống mãnh liệt của mầm hạt cây thông. Chả nhẽ những điều đó không làm em dứt bỏ được sao…

- Cha ạ, con không hiểu vì sao mọi người lại không muốn đến nơi này?

Pantela ngắm nhìn cô con gái yêu, nó cũng đẹp đấy chứ, nhan sắc của nó đang có dấu hiệu tàn phai. Thằng Yourko đã ngủ với con bé trên tầng áp mái của chuồng bò nhưng giờ thì Yourko lại đang sống với một người phụ nữ khác ở dưới thung lũng rồi, lý do cũng tại anh chàng không muốn lên núi... Hãy đi đi, con gái tội nghiệp của cha, hãy xuống thung lũng thật nhanh để không trở thành một bà cô già nua, cha không thể làm được gì nữa nếu như thời gian còn lại chúng ta vẫn sống ở đây và cuộc sống đều đều như cuộc sống của một thầy tu...

Nastia không thể rời bỏ ngọn núi mà tổ tiên của cô ngàn đời đã sống, và cô cũng không thể ra đi để đến sống ở một nơi mà cô hoàn toàn xa lạ, hoàn toàn chẳng hiểu gì cả. Đã có một thời bọn trai trong vùng thường bình phẩm về cô, nhưng bây giờ, ở Potitchia cũng chẳng có ai thèm tán tỉnh cô nữa.

- Cha ơi, con không thể nào đi khỏi đây được đâu!

- Thôi thì tùy con!

Có một lần, khi đi dọc triền sông từ Potitchia trở về, Nastia đã ngắm rất lâu ngọn núi nhà mình. Cái bóng đen sắc nhọn của cần múc nước nghiêng nghiêng như cái giá treo cổ, phía dưới là những bóng đen của các cành cây rủ xuống, những thứ ấy làm cô xúc động mạnh. Một ý nghĩ chợt lóe lên làm cô thấy vui vui. Cô sẽ đập phá tất cả những gì đang tồn tại ở đây để xây một ngôi nhà mới, một tầng với nhiều cửa sổ to rộng, mái nhà được lợp tôn kẽm lấp lánh dưới ánh mặt trời, từ đó có thể quan sát toàn cảnh dưới thung lũng. Và rồi như thế, những ông mối, bà mối sẽ chắc chắn lại tìm đến...

Pantela không hề phản đối dự án của con gái. Ông có khá nhiều tiền, mỗi mùa xuân đến, ông đi bán những trái táo ở Kotlass, thêm vào, ông còn có một khoản thu nhập khác từ những phiên chợ, ông sẽ đưa tất cả cho con gái. Dù vậy, dường như vẫn còn một vấn đề làm ông trăn trở? Hơn một lần, lòng mong muốn được thống trị tất cả mọi người làm ông ám ảnh, duy chỉ có nỗi cô độc là không thỏa mãn với bản tính kiêu căng cố hữu của ông. Nhưng làm cách nào để đạt được điều đó? Người ta sẽ không cam kết thực hiện theo kiểu trưởng nhóm chăn cừu, bố ông cũng đã nổi tiếng vì làm điều xấu xa. Sự giàu sang không phải lúc nào cũng hợp thời, nên sau này, ông cũng không thể mua nổi một đồng cỏ trên núi cao. Vậy nên, cầu Chúa che chở cho con gái ông có suy nghĩ đúng! Ừ! Một căn nhà một tầng gồm nhiều phòng tất nhiên mỗi người sẽ có phòng ngủ riêng. Nhưng, hãy nghĩ xem, ai sẽ là người sở hữu điều đó: phòng dành cho con rể, những đứa cháu, chắt và tất cả chúng sẽ ở đây. Tổ tiên đã hủy diệt dòng dõi này mất rồi!

Những cây táo hàng trăm năm tuổi đến mùa quả chín rụng, cây bạc hà xanh sẽ bị đè nát, người ta sẽ đuổi bắt những con cừu và những con bò, Pantela và Nastia sẽ sống trong chuồng thú và trong ngôi nhà cũ nát bằng gỗ đầy bụi bặm với những vết mối mọt đục khoét, tất cả điều đó sẽ sụp đổ, chỉ còn lại là một đống hoang tàn.

Người dân trong làng bây giờ với những ánh mắt tò mò, để ý, rồi kèm theo những cái nhún vai: để làm gì? Điều đó có ích gì nhỉ? Nastia, một cô gái già nua tội nghiệp đang tự kiếm cho mình một ông chồng và cũng đang xây cho anh ta một cái lồng chăng! Rồi những người thợ mộc đang xẻ gỗ, tiếng cưa rít lên từng hồi, cắt đứt những cây gỗ thông rắn chắc, móng nhà bằng xi măng đã được đổ xong, người ta chồng lên đó là những cây cột bằng gỗ sồi. Nastia đã thôi việc ở văn phòng khai thác tài nguyên rừng của huyện, cô thu nhặt nguyên vật liệu, vất vả đến nỗi người cô gầy rộc đi, già hẳn với dáng vẻ đầy lo âu, khô đét lại như cây dương rụng lá đã phai màu.

Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ, dòng sông vẫn chảy qua Potitchia, tuổi trẻ của Nastia cũng dần ra đi, nhưng một ngôi nhà lộng lẫy được dựng lên ở trên núi. Pantela già nua nhìn con gái tội nghiệp của mình người phẳng lì như cái bàn giặt: ngực lõm sâu, chân nổi đầy gân, nếp nhăn chằng chịt trên khuôn mặt như mạng nhện. Ôi, trong số những người đàn ông tốt bụng, liệu cô còn có thể tìm được cho mình một đức lang quân, liệu cô còn có khả năng sinh nở?

Rồi tầng trệt cũng được xây xong, tiếp đó đến tầng thứ nhất, tầng hầm mái với ban công được trang trí, những cửa số to rộng lấp lánh nhìn ra khoảng đất của làng. Nào xin mời những ông mai, bà mối hãy đến nơi đây, hãy động viên những người trẻ tuổi tìm đến để kết hôn nên vợ nên chồng!

Thế nhưng, họ cũng chẳng muốn đến! Và cũng đã từ lâu, mọi người không muốn đến nhà Pantela…

Một thợ lò sưởi đã luống tuổi từ Kossiv được mời đến để lắp những cái lò sưởi bằng sành trong ngôi nhà mới của Nastia. Dù là góa vợ nhưng nhìn ông ta vẫn còn nhanh nhẹn, ông vừa thao tác lắp đặt vừa đọc những câu thành ngữ rồi nghêu ngao hát. Nastia chuyển cho ông ta những viên gạch hình vuông, cô cũng chẳng chuẩn bị cơm nước để mời ông ta, cô thúc giục người thợ sớm hoàn thành công việc, thái độ đó ít khi thấy cô ứng xử với những người khác. Trông cô đáng yêu và người thợ ngắm nhìn với ánh mắt lạ lùng nhất là khi cô cúi xuống chuyển tận tay cho ông ta một viên gạch.

- Này, hình như cô có việc gì rất bận, tôi có chuyện này muốn nói… ông ngập ngừng rồi lại tiếp tục.

Nastia thậm chí không bực mình vì câu nói lấp lửng này, da cô ửng hồng, những nếp nhăn cũng biến mất bởi đôi gò má ửng đỏ, tuổi thanh xuân bấy lâu nguội lạnh bỗng bùng lên trong đôi mắt xanh. Rồi cuối cùng mọi việc cũng xong, người thợ rửa tay, và nhìn Nastia một cách trực diện: Lạy Chúa nhân từ, với vóc dáng này, cầu mong người phụ nữ đây sẽ sống chung thủy và cho ra đời những đứa trẻ tuyệt vời! Vừa nghĩ ông ta vừa gạt xếp tiền mà Nastia trả đặt lên mép bàn.

- Thôi khoản thu nhập này là của chúng ta, thưa bà chủ, anh sẽ cưới em làm vợ.

Nastia đỏ bừng, bối rối, mặt cô dần ửng hồng, dưới lớp áo sơ mi nhuốm bẩn là tiếng đập thổn thức của con tim, cô thầm kêu lên sung sướng vì niềm hạnh phúc bất ngờ không mong đợi.

- Này Petro, hãy nói cho em biết, anh không đùa đấy chứ?

- Tại sao anh phải lừa dối nhỉ? Hãy sắp xếp đồ đạc, hãy nói lời tạm biệt với bố em và chúng mình sẽ ra đi...

- Thế đi đâu? Cô gào lên, những đường gân xanh lan nhanh trên khuôn mặt, lên mắt và lên đến tận trán.

- Đi đâu ấy nhỉ? Đương nhiên là đến nhà anh! Con trai anh đã lớn, nó đã kết hôn và ở riêng, anh có một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi và chúng ta có thể sẽ đu đưa chiếc nôi của con mình ở đó.

- Vậy thì tất cả những cái này? Em sẽ dành cho ai?

- Ồ, em biết đấy... Bố của em có thể sống ở đây, chúng ta sẽ đến thăm ông thường xuyên, còn những căn phòng và những hành lang, so với chúng ta nó quá thừa, rồi chúng ta sẽ làm gì trong đó? Theo anh, tất cả những thứ này đều thừa thãi, thật điên rồ, khi hàng ngày phải đi hết từng ấy căn phòng. Thế còn thời gian đâu để mà làm việc? Ở chỗ anh, bầu không khí ấm áp hơn, chúng ta sẽ sống ở đó với tất cả mọi người....

Người thợ ý chừng chưa muốn kết thúc, ông ta vẫn còn muốn nói thêm điều gì nữa, nhưng Nastia kêu lên như một người điên. Cô giật phăng chiếc khăn quàng trên cổ, luồn những ngón tay vào trong tóc, với cơn tức giận cuồng nộ, cô giật tóc của mình liên hồi, sau đó cô ném xấp tiền vào mặt ông ta và đuổi ra khỏi nhà.

Pantela chạy theo tiếng hét của con gái. Ông đã tận mắt chứng kiến con gái mình với ánh mắt hốt hoảng, cô tự đánh mình rồi vừa cười vừa khóc, ông đã cố gắng hết sức để đến gần con gái nhưng đôi chân của ông không nghe theo ông bởi ông hiểu có một điều gì đó không thể cưỡng lại được đang xảy ra, trong cổ ông nghẹn tắc, tim ông ngừng đập mãi mãi.

…Nastia một mình chôn cất cha mình trên núi, không có linh mục cũng không có nhân danh đấng tối cao. Bởi vì từ nay về sau cũng chẳng còn có ai xuống thung lũng nữa và đương nhiên cũng không một ai lên nơi này.

Một thời gian sau, cứ đêm đêm khoảng thời gian từ tối đến lúc bình minh, dân làng đều nhận thấy trong phòng của Nastia đèn luôn thắp sáng, nếu ai đó có dịp ghé lên núi thì đều nghe thấy giai điệu bài hát về ngày lễ vu quy.

Một đêm, ngôi nhà đơn độc trên núi bất ngờ bị lửa thiêu cháy. Đó cũng là lần đầu tiên mọi người chạy đến nơi này để cứu chữa, nhưng lại không thể lấy nước giếng để dập lửa vì không có cần múc nước.

Họ lại quay trở về như những kẻ ngốc nghếch. Nhưng Nastia thì đã biến mất.

…Năm tháng trôi đi như bóng câu qua cửa số, dòng sông vẫn chảy từ trên núi xuống, rồi chảy qua địa hạt Potitchia, phía trên đỉnh núi cao, chỗ ngôi nhà bị cháy trụi, giờ mọc lên một cây ăn quả luôn xanh tốt.

Và tiếng đồn thổi thì vẫn xì xào trong làng, chẳng ai biết nó đến từ đâu, rằng người ta đã nhìn thấy Nastia ở ngoại ô thành phố Kossiv, một Nastia xinh đẹp, giàu có và đang bồng đứa con trên tay…

Dịch giả: Nguyễn Hùng Vỹ

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Mối tình si của người thiếu nữ

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 2 tháng trước