Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
08:23 (GMT +7)

Nghĩa lí của thi ca – cảm hứng sống và hy vọng

VNTN- Diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang gây ra nhiều gian khó nhọc nhằn và mất mát cho con người, với tinh thần thơ ca nâng đỡ con người bằng sự yêu thương và sẻ chia, Đêm Thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên năm 2022 hướng về chủ đề “Sống và Hy vọng”. Bằng những nỗ lực và sự sáng tạo của những người tổ chức, thực hiện, Chương trình đã đem đến công chúng yêu thơ những cảm hứng đẹp đẽ, trong sự kết nối mới mẻ nhờ công nghệ.

Hoạt cảnh “Chợ Tết” của (thơ Đoàn Văn Cừ) qua phần thể hiện của các nghệ sĩ, diễn viên Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh tại Đêm thơ 

Một đêm xuân thắp dậy thi ca

Trực tiếp tham dự để đồng hành và chia sẻ với tinh thần thi ca của Đêm Thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên 2022, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã dành cho Chương trình sự quý trọng và ghi nhận đặc biệt: “Một đêm thánh thiện. Tôi nhận thấy sức sống mãnh liệt của con người hiện lộ trong dòng chảy thơ ca. Các nhà thơ đã thực thi một sứ mệnh tuyệt vời - mang giọng nói của tình yêu thương chân chính và khát vọng làm người chân chính đến với bạn đọc Thái Nguyên cũng như bạn đọc cả nước”.

Đón nhận sự hiện diện của những người “bạn văn” đại diện đến từ Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Diễn đàn văn chương Quán Chiêu Văn, đồng thời kết nối online đến công chúng yêu thơ cả nước qua không gian mạng, đêm thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên năm 2022 đã thực sự thắp dậy được tinh thần đẹp đẽ của thi ca giữa bối cảnh nhiều khó khăn trước dịch bệnh. Với chủ đề “Sống và Hy vọng”, Chương trình đã đem đến những tác phẩm mà giá trị đã được khẳng định trong lòng công chúng yêu thơ qua thời gian.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã dành cho Chương trình sự quý trọng và ghi nhận đặc biệt

Hoạt cảnh “Chợ Tết” (thơ Đoàn Văn Cừ) qua phần thể hiện của các nghệ sĩ, diễn viên Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh đã đưa người xem được trở về với những phiên chợ xuân dạt dào sự sống, căng tràn niềm yêu đời, yêu người, yêu thiên nhiên. Qua đó khơi gợi không khí Tết cổ truyền cùng những nét đẹp phong tục, văn hóa đã được lắng kết theo chiều dài lịch sử dân tộc, những điều có sức sống bền bỉ mạnh mẽ trong lòng mỗi người dân Việt. Sức sống và vẻ đẹp của tuổi trẻ, của tình yêu đôi lứa làm nên dòng xúc cảm đẹp đẽ trong thi phẩm “Vội vàng” của thi sĩ Xuân Diệu, qua giọng đọc của nghệ sĩ Dương Tuấn Dũng (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh) giúp lòng người rộn lên những say đắm giữa tiết xuân.

Bên cạnh những tiếng thơ thăng hoa về mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu, Chương trình còn đưa người thưởng thức đến những cung bậc lắng sâu với những tác phẩm về chiến tranh, về người lính, về sự hồn nhiên lạc quan tin yêu cuộc đời, về tâm tình của những thanh niên xung phong, những con người dám đặt mạng sống cá nhân trong vận mệnh dân tộc. Đó là những tác phẩm xúc động như “Nắng đêm” của Thế Chính, “Bài thơ không viết nháp” của Đoàn Tuấn.

Điều đáng nói là các tác phẩm đã được các nghệ sĩ, diễn viên của Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc dàn dựng, biểu diễn công phu, giàu cảm xúc giúp cho thi ca được hòa điệu với âm nhạc, vũ đạo,… để cho thi ca và nghệ thuật được cất lên một cách mới mẻ trong sự kết nối hài hòa.

Tiết mục hát múa “Mùa xuân nho nhỏ” (Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh)

Tiết mục thơ múa “Bài thơ không viết nháp” (Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc)

Tiết mục múa “Những cô gái Lô Lô” (Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc)

Tạo nên điểm nhấn ấn tượng của đêm thơ là những tác phẩm vừa giàu tính nghệ thuật vừa chạm vào trái tim bạn đọc, bằng sự trình bày tinh tế đủ để tôn cao vẻ đẹp tự thân của thi ca. Những phát hiện, liên tưởng, ngẫm suy và bài học đầy bất ngờ thú vị, đáng yêu mà cũng vô cùng sâu sắc về cuộc sống, về tình yêu đối với trẻ thơ trong tác phẩm “Chuyện cổ tích về loài người” của Xuân Quỳnh được nhà giáo Lê Ngân (Đại học Thái Nguyên) cùng các học sinh đọc vang lên một cách giản dị, sáng trong. Những chiêm nghiệm lắng sâu về thi ca, nghệ thuật đặt trong tình yêu con người, tình yêu cuộc sống trong thi phẩm “Mây trắng của đời tôi” của Lưu Quang Vũ được giọng đọc Hạnh Quyên (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên) thể hiện như một câu chuyện tự nhiên mà lôi cuốn. Trong khi đó, xúc cảm và suy tưởng trong tác phẩm “Bài thơ viết cho ngày mai” của Quyên Gavoye từ nước Pháp gửi về được vang lên đầy tinh tế, đầy sẻ chia bởi nhà giáo Ánh Nguyệt (Đại học Thái Nguyên) -  giọng đọc đoạt Giải Nhất Cuộc thi “Đọc từ trái tim” do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức vừa qua. Có thể nói, sự tinh tế của những người thể hiện đã giúp các bài thơ thơ tránh khỏi sự tô vẽ hình thức, để thơ được tự lên tiếng, thơ được tự là chính nó.

Tác phẩm “Chuyện cổ tích về loài người” của Xuân Quỳnh được nhà giáo Lê Ngân (Đại học Thái Nguyên) cùng các học sinh đọc vang lên một cách giản dị, sáng trong

Được ghi hình và phát trực tiếp trên các nền tảng internet với chất lượng kĩ thuật đảm bảo, Chương trình đã nhanh chóng đến với đông đảo người quan tâm trong cả nước và rộng hơn thế. Ngay trong thời điểm diễn ra, chương trình có đến hàng nghìn lượt xem. Chỉ sau một ngày phát sóng, chương trình đón nhận đến hơn 7.000 lượt xem và lượt tương tác trên các nền tảng mạng xã hội. “Hình thức tổ chức trực tuyến cũng là một cách chuyển hướng phù hợp thích ứng với điều kiện thực tế. Tuy nhiên, cách làm mới mẻ, sáng tạo và sự hấp dẫn, cuốn hút cũng đã tạo nên sự chú ý và sức lan toả mạnh mẽ đến đông đảo công chúng và người yêu thơ. Việc tổ chức cuộc thi thơ và cách thức truyền thông đi trước sự kiện đã tạo nên một không khí và sự chú ý, đón đợi của công chúng trước khi đêm thơ diễn ra là những “tính toán” rất hiệu quả...” - nhà văn Trịnh Đình Nghi (người sáng lập và điều hành Diễn đàn văn chương Quán chiêu văn) tâm đắc về những sáng tạo trong phương thức tổ chức chương trình.

Cùng với đó, nhiều tương tác, phản hồi từ các bạn văn gần xa đã ghi nhận đây là một chương trình trình diễn thơ rất đặc sắc và đầy tính sáng tạo; là sự kết hợp đẹp đẽ giữa nghệ thuật và thi ca tạo nên một sự cảm thơ, tiếp nhận thơ nhẹ nhàng, hấp dẫn và thú vị, xóa đi cảm giác nhàm nhạt khi tiếp nhận thơ của công chúng; những thi ảnh đẹp, ấn tượng của tác phẩm thơ được minh họa sống động bởi nghệ thuật, mang đến nhiều cảm xúc và chuyển tải được thông điệp một cách tươi mới… Sự kết nối, lan tỏa tuyệt vời này có lẽ chính là một tặng thưởng hết sức ý nghĩa từ thơ ca, từ công chúng yêu thơ ca dành cho chương trình.

Cảm ơn sự đồng hành của tất cả những người tổ chức và bạn yêu thơ, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: “Thái Nguyên kết nối với cả nước trong một tinh thần rất tuyệt vời: Sống và hy vọng. Trong những tháng ngày qua và ngay lúc này đây, những câu thơ đang được cất lên từ khắp mọi miền đất nước, cất lên từ những tháng ngày nhọc nhằn gắng gỏi vượt qua đại dịch, cất lên từ yêu thương và sẻ chia, từ mất mát, khổ đau và hy vọng. Thơ, với giá trị đích thực và sứ mệnh thiêng liêng của mình đã góp phần làm ấm lên tâm hồn của chúng ta, giúp chúng ta yêu thương nhau hơn, giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Đêm thơ Nguyên tiêu của Thái Nguyên hôm nay là một trong những điểm gặp gỡ ấm lành của tinh thần ấy”.

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên cảm ơn sự đồng hành của tất cả những người tổ chức và công chúng yêu thơ  

Những ngày “nhóm lửa”

Để thắp dậy được những ngọn lửa thi ca ấm áp và mạnh mẽ, đã có rất nhiều bàn tay cùng chung sức để “nhóm lửa” một cách tận tâm. Sự quyết tâm, sáng tạo, nhạy bén của lãnh đạo Hội; sự phối hợp chặt chẽ và nhiệt tình của các đơn vị tham gia; sự nỗ lực, cần mẫn, trách nhiệm của cán bộ cơ quan Hội… tất cả đã làm nên một chương trình mà người tổ chức, người thực hiện, người tham dự, công chúng yêu thơ đều nhận về nhiều cảm xúc thật đẹp.

Bộ phận trợ lý, hậu cần chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ tốt nhất cho Chương trình

Cô giáo Lê Ngân đồng ý nhận lời tham gia cũng vì thấy nội dung chương trình thực sự của thơ, cho thơ, chứ không vì tính hình thức biểu diễn. Cô cũng chia sẻ rằng trong thâm tâm ấp ủ mong muốn sẽ đọc một cách thuần khiết, ở đó thơ không bị những yếu tố khác che lấp hay làm loãng ra. Do dịch COVID-19, cô và trò đã phải tập hoàn toàn bằng online, vào các buổi tối, chỉ có được 1 buổi trước khi lên sân khấu gặp nhau để khớp tiết mục ở Hội. Lúc đầu cũng sợ các bạn nhỏ không thuộc, không đọc được, nhưng thật mừng khi thấy các bạn đã rất vui và làm tốt, đến khi bài thơ vang lên trên sân khấu thì tất cả nhường chỗ cho niềm hạnh phúc.

Cảm xúc của nhà giáo Lê Ngân sau Đêm thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên 2022

Để chuẩn bị cho tiết mục đọc thi phẩm “Mây trắng của đời tôi” của Lưu Quang Vũ, chị Hạnh Quyên cho biết, chị đã bắt đầu bằng việc dành những khoảng lặng cho chính mình để tự mình cảm nhận về bài thơ. Biết rằng đây là tác phẩm nổi tiếng của một nhà thơ lớn, đã được đông đảo bạn đọc biết đến, cho nên “áp lực” không nhỏ là phải đọc sao cho có ấn tượng riêng. “Tôi đã suy nghĩ để rồi lựa chọn, chuẩn bị một bối cảnh sân khấu gợi lên cảm giác xưa cũ, gần gũi, chỉ với bình hoa chuông trên bàn cũ, bởi tôi mong muốn liên tưởng đến căn phòng nhỏ của Lưu Quang Vũ. Chọn cách đọc với giọng kể tự nhiên, tôi mong muốn tự thơ sẽ lên tiếng, những gửi gắm trong tầng vỉa ý nghĩa của Lưu Quang Vũ sẽ bằng câu chữ lời thơ thấm vào người nghe từ cảm nhận của chính họ. Mà tôi không cần tô vẽ thêm” - Hạnh Quyên tâm huyết chia sẻ về tiết mục của mình.

Hạnh Quyên tinh tế, kỹ lưỡng chuẩn bị cho tiết mục của mình: bình hoa chuông trên bàn cũ - gợi liên tưởng đến căn phòng nhỏ của Lưu Quang Vũ

Với các tiết mục thơ múa, hoạt cảnh, hát múa thì việc chuẩn bị lại có những khó khăn đặc thù, mà có lẽ chỉ những người trực tiếp thực hiện mới hiểu hết. Sau khi chương trình kết thúc thành công, nghệ sĩ ưu tú Trần Thị Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh chia sẻ: Với thời gian gấp rút, khối lượng công việc nhiều, đòi hỏi yêu cầu chương trình có vừa đảm bảo chất lượng nghệ thuật, phù hợp với chủ đề đêm thơ, vừa nghiêm túc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, cho nên lãnh đạo và tập thể diễn viên đã tìm mọi cách khắc phục những khó khăn, chủ động linh hoạt thay đổi quy mô tiết mục cho phù hợp, đặc biệt dành tất cả tâm huyết, trách nhiệm để phối khí, biên đạo, tập luyện theo yêu cầu của chương trình.

Với mong muốn đem đến những tiết mục ấn tượng và chất lượng, anh Trang Minh Thắng - thí sinh có giọng đọc truyền cảm trong cuộc thi “Đọc từ trái tim” 2021 đã được BTC chọn lựa để cùng các nghệ sỹ diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc dàn dựng, tập luyện cho tiết mục thơ múa “Bài thơ không viết nháp” của Đoàn Tuấn (tác phẩm đã đoạt giải A Cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1984); bên cạnh đó là tiết mục múa “Những cô gái Lô Lô” - một tác phẩm xuất sắc của cố NSƯT Vương Thào - người được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Cũng cần nói rằng, sân khấu và khán phòng của Nhà hát đã đem đến cho Chương trình một không gian nghệ thuật tinh tế, sang trọng - một yếu tố tuyệt vời để đêm thơ được thăng hoa, lan tỏa.

Với chương trình Thơ Nguyên tiêu năm nay, bên cạnh yêu cầu về sự thích ứng, còn là mong muốn và đòi hỏi về sự sáng tạo, chất lượng cũng như sự hấp dẫn lôi cuốn để đưa thơ ca được thực sự trân trọng, lan tỏa. Những bàn tay chung sức, những tấm lòng đồng cảm, tất cả đã cùng nhau “nhóm lửa” cho thi ca với tinh thần Sống và Hy vọng.

(Ảnh trong bài: Thanh Lên, Phan Thái, Đào Tuấn, Quang Khải)

Minh Khuê

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy