Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
03:17 (GMT +7)

Ngày mùng năm tết ở ga xép – Phạm Đại Tự (Trung Quốc)

VNTN - Ga Trương Thôn là một ga ở vùng núi  hẻo lánh, trong ngành đường sắt nó là ga nhỏ xếp vào hạng bốn. Làm việc ở ga có 15 nhân viên, trưởng ga là Vương Đại Bưu. Ơ đây cách xa thành phố, tuy nhiên mỗi ngày cũng có hơn chục chuyến tàu kéo còi "u... u" chạy qua nhưng chỉ có một đôi tàu khách chậm dừng lại vài phút để cho hành khách lên xuống.

Sáng sớm ngày mùng 5 Tết đã có người đến gõ cửa  nhà riêng của trưởng ga Bưu ầm ầm. Hôm qua trưởng ga Bưu trực ban đêm vẫn chưa dậy nên hơi bực hỏi: "Ai đấy? Đây có phải là quán hàng đâu mà làm ầm lên như thế?".

Ở ngoài cửa Tiểu Lưu nói với giọng lo lắng: "Trưởng ga Bưu, có một người ăn mày đến ga mình".

"Cái gì? Ăn mày đến thì đuổi nó đi chứ làm sao?"

"Nhưng người ta không đi".

"Không đi thì cứ cho nó đợi ở đấy".

"Không được, trưởng ga Bưu, chiều nay không phải là lãnh đạo cục đến chúc Tết ga mình à?".

Câu nói này làm trưởng ga Bưu nhảy ngay khỏi giường. Đúng rồi, đã thành thói quen nhiều năm nay cứ mùng 5 Tết là lãnh đạo cục lại đến đây chúc Tết, có thế mà mình lại quên đi mất. Lãnh đạo đến chúc Tết mà lại có người ăn mày thì mất vui.

Trưởng ga Bưu vội vàng rửa mặt rồi cùng Tiểu Lưu lên ga. Ga là ga nhỏ, phòng đợi chỉ có vài chục mét vuông nên bình thường không mở vì không mấy khi có khách. Hôm nay vì là để đón lãnh đạo cục nên mới mở cửa dọn dẹp, làm vệ sinh, ai  ngờ vừa mở cửa thì một người ăn mày đã mò vào nằm dài trên ghế không chịu dậy.

Đến phòng đợi, trưởng ga Bưu vừa vén rèm cửa đã ngửi thấy mùi hôi chua, bước vào xem, thấy một người đang nằm ngáy khò khò trên ghế. Người này lưng hơi cong, chân trái đi chiếc giày vải đen, chân phải đi chiếc giày đá bóng, trên người mặc chiếc áo khoác cáu bẩn, không ra đen cũng không ra xám.

Trưởng ga Bưu bước đến lay lay người ăn mày: "Này, ông già, dậy đi, đây là nhà ga không phải là chỗ ngủ của ông, dậy đi thôi!"

Người ăn mày giở mình, quay cái mặt không biết bao nhiêu ngày chưa rửa về phía trưởng ga Bưu, ông ta lấy tay dụi dụi đôi mắt hé mở nói một câu rất nhỏ: "Tôi khổ, tôi đói!" rồi lại nhắm đôi mắt lại.

Đôi mắt của người ăn mày có điều gì đó làm trưởng ga Bưu hơi giật mình. Ông bước lên nửa bước vén vén mái tóc dài rối bù như rơm của người ăn mày nhìn kỹ mặt ông ta, nhìn đi nhìn lại, lắc đầu rồi lại gật đầu, sau đó quay lại hỏi Tiểu Lưu: "Bây giờ có nước tắm không?"

"Có đấy, vừa mới đun xong".

Trưởng ga Bưu nói với người ăn mày: "Này tôi đưa ông đi tắm nhé!". Nói xong cúi xuống cõng ngay lão ăn mày xuống nhà tắm của tập thể ga, sau đó còn dặn Tiểu Lưu: "Đi về bảo nhà tôi lấy mấy bộ quần áo của tôi đến đây".

Tiểu Lưu gãi gãi đầu cảm thấy hôm nay trưởng ga Bưu đầu óc như để đi đâu mất rồi, với người ăn mày mà làm như thế này thì thật là chuyện lạ. Trên đường đi gặp ai cũng đem chuyện lạ này ra kể, về đến nhà trưởng ga Bưu, Tiểu Lưu lại nói rõ đầu đuôi câu chuyện với vợ con trưởng ga Bưu nhưng cũng chẳng ai hiểu ra làm sao cả.

Trưởng ga Bưu cõng lão ăn mày một mạch đến nhà tắm rồi tự tay tắm rửa, kỳ cọ cho lão. Tắm xong, lấy quần áo của mình mà vợ đưa đến cho lão mặc. Ôi, đúng là "người đẹp về lụa, ngựa đẹp về yên". Lão ăn mày như biến thành người khác. Trưởng ga Bưu lại đưa lão về nhà mình làm cơm rượu cho lão ăn.

Sự việc này có thể là việc đại sự của ga Trương Thôn năm Bính Thân, nhân viên nhà ga trừ trực ban chạy tàu còn tất cả đều đổ về nhà trưởng ga Bưu xem chuyện lạ. Đúng là lão ăn mày quá đói, lão ăn ngốn ngấu như hổ đói ăn mồi, có lúc nghẹn trợn trừng cả mắt, chừng nửa tiếng thì lão ăn xong. Khi đã ăn no, uống đủ lão vái trưởng ga Bưu một vái nói: "Ông có lòng tốt, xin cảm ơn" sau đó định đi.

"Khoan đã, tôi có cái này ông có muốn xem không?" Trưởng ga Bưu gọi lão.

Không đợi lão ăn mày nói gì, trưởng ga Bưu đã trải ra một tờ giấy ở trên bàn, mọi người nhìn vào thì đây là tờ thông báo của tỉnh phát ra cách đây nửa năm, thông báo truy nã người mắc tội tham ô tên là Quan Học Minh.

Nhìn lão ăn mày, trưởng ga Bưu nói dằn từng tiếng: "Tự thú đi!".

Mọi người rất kinh ngạc, sao thế? Lão ăn mày lại là tội phạm bị truy nã? Nhưng lão ăn mày mặt không biến sắc, chớp chớp mắt nói một câu: "Cảm ơn ông đã tiếp đãi tử tế, sau này sẽ báo đáp" - Nói xong lại quay ra định đi.

Trưởng ga Bưu vừa hô: "Đứng lại!", vừa bước tới đứng ngăn trước mặt lão ăn mày nói tiếp: "Ông phải nghe tôi kể một câu chuyện sau đó đi cũng không muộn".

Lão ăn mày nhìn trước nhìn sau thấy đều có người cả, nếu cố đi chắc không được đành phải ngồi xuống, lão lim dim mắt nghe trưởng ga Bưu nói. Trưởng ga Bưu lấy giọng rồi bắt đầu kể: "20 năm trước có một người đã mãn hạn tù tìm được một nơi làm việc nhưng bị mọi người coi thường, trong khi tuyệt vọng quyết định làm một trận liều: Cướp ngân hàng, nhưng bởi vì đã mấy ngày không có ăn nên không còn sức lực, vì thế nên phải ăn no mới hành động được.

Anh ta đến một quán ăn, xin ông chủ quán một bữa ăn nhưng ông chủ không cho. Lúc này có một người con trai đang ăn trong quán gọi anh ta lại mời anh ta ăn và cho uống rượu. Vừa ăn vừa nói chuyện anh ta đã nói ra dự định đi ăn cướp của mình, người con trai giật mình nói: Trên đời không có đường tuyệt vọng, chỉ có mình tuyệt vọng với chính mình, không tự mình đứng lên thì không ai đỡ được.

Câu nói này đã xoá bỏ được ý định đi ăn cướp của anh ta và từ hôm đó anh ta đến làm thợ bốc xếp hàng ở một ga tàu của ngành đường sắt, tự kiếm tiền bằng đôi tay của mình, sau này anh ta được nhận vào làm việc và trở thành một trưởng ga của ngành đường sắt. Hai mươi năm rồi anh ta vẫn không quên được người thanh niên ấy - đó là Quan Học Minh, một trưởng phòng của Cục đường sắt".

Trưởng ga Bưu nhìn vào lão ăn mày, lão vẫn ngồi bất động. Trưởng ga Bưu thở một hơi dài rồi nói với lão ăn mày: "Trưởng phòng Quan, tuy rằng ông không nhận ra tôi nhưng tôi vừa nhìn đã nhận ra ông. Tôi biết ông do tham ô mà phải trốn chạy đã hai năm, tôi cũng không ngờ lại gặp ông ở đây. Ông là ân nhân của tôi, không có ông có lẽ tôi không còn sống đến ngày hôm nay. Bây giờ tôi lại muốn nói với ông một câu: Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt. Ông là người có tội chứ không phải là ma quỷ, trốn đi đâu được? Ông tự thú đi, án bao nhiêu năm nhưng vẫn còn có hy vọng. Trong cuộc sống có vấp ngã cũng không sợ, gượng dậy tiếp tục đi mới là hảo hán".

Sau câu nói của trưởng ga Bưu mọi người đều nhìn thấy lão ăn mày ứa hai hàng nước mắt, không, đó là nước mắt của Quan Học Minh. Gian nhà tự nhiên tĩnh lặng, tĩnh lặng đến mức có thể nghe thấy tiếng kim rơi xuống đất. Cũng không biết qua bao nhiêu lâu Quan Học Minh mới mở mắt nhìn trưởng ga Bưu, con người mà 20 năm trước đã từng vấp ngã được Quan Học Minh giúp đỡ. Quan Học Minh khe khẽ hỏi trưởng ga Bưu: "Có điện thoại không?".

Trưởng ga Bưu đưa cho Quan Học Minh điện thoại di động, ông ta bấm bấm số rồi bình tĩnh nói: "A lô! Có phải cục chống tham nhũng không? Tôi là Quan Học Minh, tôi xin đầu thú ..."

Bên ngoài chợt vang lên tiếng pháo nổ giòn rã. Tiếng pháo mừng đầu năm.

Nguyễn Thiêm (dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước