Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
06:57 (GMT +7)

Ngẫm ngợi trước thềm Xuân

VNTN - Xuân về, khởi đầu một năm mới với biết bao dự định khiến lòng người không thể dửng dưng. Năm 2020 có thể coi là một năm bản lề để 2021 Văn nghệ Thái Nguyên sẽ bước sang một giai đoạn mới: thực hiện việc chuyển đổi loại hình xuất bản sang tạp chí in và tạp chí điện tử theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc mà Chính phủ đã phê duyệt.

Những thành viên “nhà” Văn nghệ Thái Nguyên chào đón năm với những suy tư đầy trách nhiệm. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.


Cơ hội, đang chờ chúng tôi phía trước…

Ngẫm ngợi   trước thềm Xuân
Nhà báo Thu Huyền, Thư kí Tòa soạn

Là tôi đang nói về việc chuyển đổi Báo Văn nghệ Thái Nguyên thành Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, sẽ được thực hiện từ năm 2021. Theo đó có 24 tờ báo đang xuất bản dưới hình thức báo sẽ chuyển sang tạp chí, trong đó có Văn nghệ Thái Nguyên.

Thực ra, lúc đầu chúng tôi cũng tâm tư lắm khi nhận thông tin này. Buồn, tiếc thậm chí cả lo lắng vì tại sao mình đang hoạt động có hiệu quả như thế, được đồng nghiệp và bạn đọc yêu mến, trân trọng như thế mà lại phải thay đổi? Và không hiểu rồi Tòa soạn sẽ bắt đầu thế nào với việc xuất bản tạp chí, trong khi đã quá quen thuộc với việc làm báo? Không chỉ riêng chúng tôi trăn trở, mà tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức vào đầu tháng 11/2019, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo, Sở Thông tin - Truyền thông và các cơ quan báo chí trong tỉnh cũng đều cho rằng: việc chuyển đổi báo Văn nghệ Thái Nguyên từ loại hình báo in sang tạp chí in là rất đáng tiếc, vì đây là một tờ báo có lịch sử quá trình ra đời và phát triển, có nhiều đóng góp trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; là 1 trong 3 tờ văn nghệ địa phương trên cả nước xuất bản hàng tuần…

Nhưng, đã là quy hoạch thì không thể không thực hiện. Bởi chúng tôi hiểu, đây là việc làm nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí; đảm bảo sắp xếp hệ thống báo chí một cách tinh gọn để phát triển theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại và chất lượng. Vậy là, sau một thời gian hết trăn trở lại đến buồn lo, tiếc nuối, kể cả thất vọng, rồi âm thầm mong mỏi những tia hy vọng lóe lên phía trước…, chúng tôi bỗng nhận ra rằng, tại sao lại cứ phải tự buộc chân mình mãi ở một vị trí? Tại sao không dám dũng cảm bước lên phía trước, coi đó là cơ hội làm mới chính mình và tự tin rằng mình sẽ thành công? Tại sao không chủ động biến thách thức thành thời cơ mà cứ ngồi một chỗ âu sầu ôm giấc mộng vàng xưa cũ? Chuyển sang tạp chí chẳng phải là một cơ hội mới để tiếp tục được cống hiến đó sao! Tiếp cận một nền báo chí hiện đại, trên nền tảng công nghệ số hóa, tính chất đa phương tiện không phải là một cơ hội mới để chúng tôi hội nhập với thế giới rộng lớn hay sao?

Giải được bài toán tinh thần đó, Ban Biên tập như cởi bỏ được gánh nặng trong lòng, sẵn sàng cho những bước tiếp theo của một chu trình chuyển sang tạp chí. Chúng tôi càng vững tâm hơn, vì Văn nghệ Thái Nguyên luôn luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các sở- ban- ngành, địa phương, đơn vị cùng các đồng nghiệp; sự đồng hành của các cộng tác viên trên khắp mọi miền đất nước, thậm chí vượt ra ngoài lãnh thổ; và sự yêu mến của các bạn đọc gần xa… Vấn đề còn lại là, mỗi cá nhân chúng tôi đều phải chủ động tiếp cận, nỗ lực trau dồi kiến thức, để điều chỉnh tư duy và hành động cho phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ mới. Từ nay đến 30/6/2020, Hội Văn học nghệ thuật sẽ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động cho Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên. Và đến tháng 1 năm 2021, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên số đầu tiên sẽ chính thức ra mắt bạn đọc. Hy vọng, đó sẽ vẫn là món ăn tinh thần của công chúng, được đồng nghiệp yêu mến.

Xuân mới đến rồi, vài lời chia sẻ như một sự tri ân với độc giả và những người luôn đồng hành cùng Văn nghệ Thái Nguyên; đồng thời cũng thay một lời nhắn gửi tới bạn bè, chúng tôi đã sẵn sàng cho một chặng đường mới với một quyết tâm cao và sự cầu thị. Hãy cùng Văn nghệ Thái Nguyên nở một nụ cười tươi để đón chào Mùa Xuân ấm áp.

Thu Huyền (Thư kí tòa soạn)


Muốn chuyên nghiệp cần chuyên tâm

Nhà báo Lê Đình
Nhà báo Lê Đình

Cá nhân tôi luôn tâm niệm rằng, được làm việc mà mình yêu thích và có hứng thú, thì càng dễ dàng có được thành công, hoặc ít nhất là đạt được mục tiêu, có thu hoạch. Trong hơn 8 năm gắn bó với nghề báo, tôi đã được sống với đam mê đi, khám phá và viết. Nhưng không thể phủ nhận rằng tôi thực sự đã có một vài khoảng thời gian cảm thấy vơi đi nhiệt huyết với công việc. Khi tôi không tìm thấy niềm hứng thú, tôi luôn tự vấn bản thân trước khi truy tìm nguyên nhân khách quan. Tôi vốn thích khám phá và thử thách, nên từng đặt ra mục tiêu về một mẫu hình nhà báo “đa năng”. Nhưng sau quãng thời gian trải nghiệm thực tiễn, tôi nhận ra mưu cầu đó không thật sự là điều lý tưởng.

Mấy năm trở lại đây, ngoài nhiệm vụ là phóng viên, tôi còn tiếp cận và đảm nhiệm công tác tổ chức, biên tập trang mục cùng một số công việc “bếp núc” khác. Công việc biên tập vốn là “làm dâu” thiên hạ, nó không chỉ cần sự tỉ mỉ, cẩn thận, mà còn đặt ra yêu cầu phải tích cực đọc - hiểu nhiều hơn để có đủ năng lực thẩm định và đối thoại với người viết. Cùng với đó, việc soát lỗi morat cũng là cơ hội để tôi thu nạp, trau dồi kiến thức. Làm những công việc ấy, thời gian ngồi tại chỗ của tôi dần nhiều hơn. Ngoài công việc chuyên môn, bản thân tôi cũng thường tham gia hỗ trợ các công việc khác của Văn phòng Hội VHNT khi cần. Công việc của Văn phòng thì chủ yếu là liên quan đến thủ tục, văn bản, kinh phí… Một đầu việc khi triển khai ra có rất nhiều khâu “lắt nhắt”, không biết thì làm đến đâu học hỏi, tháo gỡ đến đấy. Tuy nhiên, làm nhiều việc khác nhau nên tôi phải san sẻ quỹ thời gian, việc đi cơ sở cũng ít dần, tư duy sáng tạo ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Dẫu vẫn viết đều và nhiều, nhưng cứ bàng bạc, thiếu sức bật…

Chúng ta đang nói rất nhiều về sự chuyên nghiệp, trong đó tiêu chí của chuyên nghiệp là mục tiêu đặt ra và kết quả sẽ tương đương nhau. Chuyên nghiệp còn thể hiện qua tác phong làm việc nhanh nhạy, khoa học kết hợp với việc nắm vững về kiến thức chuyên môn. Và điều then chốt làm nên sự chuyên nghiệp là chuyên tâm. Chuyên tâm được định nghĩa là: làm việc gì cũng cần sự tập trung tâm trí một cách bền bỉ. Điều đó có nghĩa rằng, làm bất cứ việc gì, dù nhỏ hay lớn thì việc đầu tiên là phải chuyên tâm, một lòng một dạ, tập trung cao độ, thông suốt nội dung chủ yếu cần giải quyết thì mới có thể đạt được kết quả như mong muốn. Nếu chiếu theo những điều ấy, thì quả thực tôi thấy mình đang thiếu sự chuyên tâm.

Tôi hiểu rằng, đa năng có những ưu thế nhất định. Biết nhiều thứ sẽ giúp chúng ta thích nghi và ứng biến linh hoạt hơn, thậm chí nó tạo ra bản năng sinh tồn mạnh mẽ. Nhưng cái gì cũng tồn tại tính hai mặt của nó, đa năng cũng tạo ra sự hời hợt, cái gì cũng biết nhưng lại không thể giỏi thứ gì. Thiển nghĩ, công việc làm báo cũng là một ngành sáng tạo, sáng tạo từ việc phát hiện vấn đề, tiếp cận đề tài, tung hứng với từng con chữ… Muốn có những tác phẩm giá trị mang hơi thở cuộc sống, sát thực những vấn đề tốt - xấu của xã hội, thì phóng viên, nhà báo cần phải đi, phải khám phá, phải đằm mình trong thực tiễn đời sống. Có được điều đó, hẳn rất cần sự chuyên tâm. Có thể suy nghĩ về sự chuyên tâm của tôi chỉ đúng một phần nào đó, và tôi cần thay đổi, cần sắp xếp lại chính mình khi muốn theo đuổi hình mẫu nhà báo đa năng? Dù thế nào thì tôi vẫn tin rằng, nếu được thỏa sức làm công việc mình yêu thích, được toàn tâm toàn ý cho điều mình say mê, thì khi đó giá trị của sự chuyên nghiệp được khẳng định.

Suy nghĩ về điều đó, và tôi nhận diện bản thân một cách sâu sắc hơn. Có lẽ, tôi thực sự cần sắp xếp lại mình, làm thế nào để có thể chuyên tâm theo đúng bản chất. Khi còn tình yêu, còn nhiệt huyết, tôi tin nghề báo vẫn đón đợi để trao cho mình những trải nghiệm thú vị, và sẽ có biết bao những điều bất ngờ vẫn đang ở phía trước!

Lê Đình (Phóng viên)


Nhìn lại để đổi thay

Ngẫm ngợi   trước thềm Xuân
Nhà báo Bích Hồng

Vậy là chỉ còn một năm nữa, chúng tôi “được” làm Báo, năm 2021 Văn nghệ Thái Nguyên sẽ chuyển sang Tạp chí. Nghĩ đến đây, tự thấy lòng chùng xuống. Buồn... và Tiếc...! Song chúng tôi vẫn luôn động viên nhau: Dù là Báo hay Tạp chí thì vẫn phải tận tâm tận lực với nó. Cuộc đời như chiếc bánh xe xoay vòng, luôn luôn chuyển động. Có lẽ chuyển sang Tạp chí lại là cơ hội cho chúng tôi học cách tự thay đổi để thích nghi và làm mới mình! Năm 2020 này là khoảng thời gian để chúng tôi chuẩn bị cho hành trình chuyển đổi đó.

Và trước khi nghĩ đến sự làm mới mình có lẽ cần phải nhìn lại mình của những ngày đã cũ, soi chiếu lại bản thân để hiểu được mình cần thay đổi ở đâu, bắt đầu từ điều gì? Tôi nhớ đến hai lời khuyên của Maggie Samways - Tổng Biên tập Báo Metro (một tờ báo được đọc bởi gần 20 triệu người trên tổng số hơn 20 quốc gia mà Metro hiện đang có mặt) dành cho nhưng ai muốn theo đuổi nghiệp báo: Trước hết bạn phải là một người viết dồi dào, có thể xây dựng các lập luận thuyết phục và thứ hai là bạn phải quản lý được những “dấu vết” của mình trên mạng Internet, cần phải tồn tại trong thế giới đó, nhưng đừng quá nhạt nhẽo, cũng tránh “huênh hoang”.

Một người viết dồi dào, có thể xây dựng các lập luận thuyết phục chính là phải viết được nhiều mà vẫn đảm bảo hay. Nhìn lại gia tài của 4 năm làm báo, tự hỏi “Mình có bao nhiêu bài viết gây được hiệu ứng xã hội, thu hút sự quan tâm của lượng lớn độc giả?” để rồi tự thấy bản thân mình là một kẻ nghèo, bút lực còn hạn chế. Thực tế cho thấy nhà báo tham gia mạng xã hội vừa là cơ hội, vừa là thách thức trong xu thế hiện nay. Nó trợ giúp rất nhiều cho hoạt động báo chí, tìm kiếm thông tin, kết nối nhân vật; đặc biệt là một kênh hữu hiệu để quảng bá các tác phẩm báo chí đến gần và nhanh hơn tới đông đảo độc giả. Song, nó cũng có thể là con dao hai lưỡi khiến nhà báo dễ dàng bị tổn thương bởi búa rìu dư luận khi có những phát ngôn chưa chuẩn, thiếu tính định hướng; hay nguy hiểm hơn là vô tình dẫn dắt công chúng tin vào những định hướng thiếu đúng đắn của mình. Bởi vậy mà việc quản lý được những “dấu vết” của mình trên mạng Internet là một điều vô cùng quan trọng. Bản thân tôi luôn tự ý thức: mạng xã hội cũng giống như một tờ báo, chơi facebook cũng giống như mình làm báo, phải cẩn trọng, đúng mực, chịu trách nhiệm trong từng phát ngôn của mình. Song có lẽ, chính sự e dè, sợ “sự cố”, cẩn trọng quá mức mà dường như tôi chưa biết cách tận dụng, phát huy hết lợi thế mà mạng xã hội đem lại, thậm chí là chưa ứng xử đúng với trách nhiệm của một nhà báo: biết khai thác, sử dụng mạng xã hội một cách thông minh trong việc định hướng dư luận. Bởi vậy mà nhìn lại, “dấu vết” của mình dường như quá nhạt nhòa.

Nhìn lại để thấy những thiếu sót, hạn chế của bản thân, qua đó có những định hướng để sửa chữa, thay đổi và làm tốt hơn. Hy vọng năm 2020 này, tôi và những đồng nghiệp của mình sẽ cùng nhau nỗ lực hơn trong việc tự hoàn thiện bản thân, sẵn sàng cho một sự thay đổi mới, một diện mạo mới của Văn nghệ Thái Nguyên.

Bích Hồng (Phóng viên)


Làm đẹp… không khó

Ngẫm ngợi   trước thềm Xuân
Họa sĩ Đào Tuấn

Gắn bó với Báo Văn nghệ Thái Nguyên thấm thoắt đã chục năm trời. Bấy nhiêu năm cũng gom góp kha khá vốn liếng về nghề báo. Nào là chụp ảnh nghệ thuật, ảnh báo chí, vẽ tranh, viết bài, thiết kế đồ họa và quản trị trang thông tin điện tử. Lĩnh vực nào cũng đạt được thành quả nhất định. Cũng biết bản thân là người đa năng nhưng đứng trước sự thay đổi này, tôi sẽ phải gác lại một số “năng” để chuyên tâm vào cho hình thức của tạp chí.

Quãng thời gian mười năm đã hình thành và hằn sâu nghiệp làm báo, nó hao hao giống ông thợ mộc. Đồng nghiệp cứ mang về những “mảnh gỗ” và sau đó mình là người thiết kế ra những “bộ bàn ghế”. Những thói quen đã trở thành quá quen, những nếp nghĩ đã hằn sâu trong tư duy của những người làm Báo Văn nghệ Thái Nguyên.

Tất cả đang đều đều trong quỹ đạo. Nhưng trong tương lai gần, Báo Văn nghệ Thái Nguyên sẽ trở thành Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên bởi thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc. Đó là sự thay đổi rất lớn về hình thức cũng như nội dung. Là một người thiết kế, tôi cảm thấy khá hụt hẫng và tiếc nuối bởi những kinh nghiệm về việc làm đẹp cho tờ báo sẽ khó có thể ứng dụng trên tạp chí bởi quy cách và kích thước là khác nhau khá xa. Muôn vàn cái khó nhưng khó khăn nhất chính là tình cảm của mình đối với tờ báo Văn nghệ Thái Nguyên đã đong đầy! Chia tay tờ báo để đến với tạp chí mới là điều khiến tôi không định nghĩa được.

Khó khăn chính là thách thức, nhưng sau hẫng hụt lúc đầu, tôi đã lấy lại được tinh thần: đây chính là điều kiện và động lực để mình được thay đổi, làm mới. Mọi điều đang ở phía trước, tôi rất tự tin đón chờ để tạo cho Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên một diện mạo mới, hiện đại hơn, tinh tế hơn và bắt mắt hơn.

Hy vọng, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên trong tương lai sẽ trở thành một trong những tạp chí đẹp trong khu vực.

Đào Tuấn (Họa sỹ)


Nhanh nhạy, chuẩn xác hơn

Phóng viên Anh Thắng
Phóng viên Anh Thắng

Năm qua, với chuyên môn là một phóng viên, quả thực là một năm “đáng quên” đối với tôi. Không có nhiều bài viết mang lại hiệu ứng xã hội mà chủ yếu là tin tức và những bài “tàng tàng”. Tự nhận ra “sức ì” trong mình nhiều quá, nếu không nghiêm túc nhìn nhận và khắc phục thì khó có thể tồn tại trong thời đại báo chí hiện nay.

Trong thời kỳ này, tốc độ lan truyền thông tin rất nhanh, nhất là trên mạng xã hội - một kho thông tin khổng lồ, đa dạng và phong phú không chỉ trong nước mà trên toàn cầu. Đây cũng là một kênh, nguồn thông tin hữu ích để anh em phóng viên chúng tôi khai thác, tham khảo phục vụ cho việc sản xuất tin bài.

Cùng với đó, nhiều người sử dụng mạng xã hội đã tận dụng ưu thế này để làm “nhà báo công dân”, đưa thông tin về mỗi sự kiện, hiện tượng được xã hội quan tâm theo quan điểm riêng của mình. Cộng đồng người sử dụng mạng xã hội chia sẻ, bình luận khiến cho thông tin lan truyền nhanh và rộng, đôi khi tạo nên dư luận xã hội lớn. Tuy nhiên, tính hai mặt của mạng xã hội và Internet đang ngày càng bộc lộ rõ ràng hơn khi chúng đăng tải quá nhiều thông tin không được kiểm chứng, xuất hiện nhiều thông tin thất thiệt, gây hoang mang trong dư luận. Thậm chí có những người chủ đích sử dụng thông tin bịa đặt, sai sự thật để kích động, bôi nhọ cá nhân hay tập thể…

Đã có những người làm báo căn cứ vào các nguồn tin đăng tải trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng để xào xáo biến thành các sản phẩm báo chí. Và cũng đã có trường hợp những tòa soạn báo đăng tải thông tin sai sự thật bị phát hiện và xử lý. Tất cả dẫn đến hệ lụy là độc giả dần mất niềm tin vào uy tín của báo chí, cũng như năng lực chuyên môn, đạo đức của những nhà báo. Quả thật khi nghe những lời bình luận, chê trách như: “báo lá cải”, “lều báo”; có người còn đánh đồng hết rằng “bọn nhà báo toàn bốc phét” khiến tôi không khỏi chạnh lòng.

Hơn lúc nào hết tôi biết mình phải đặt ra những mục tiêu, tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với bản thân. Chỉ có vậy tôi mới có thể thực hiện tốt trách nhiệm của một nhà báo với những thông tin chính xác, chân thực nhất. Vốn là dân “ngoại đạo”, không được rèn luyện chính quy về báo chí nên việc trau dồi nghiệp vụ báo chí cơ bản từ sách vở, đồng nghiệp, thực tế là điều tôi ưu tiên. Ngoài ra, với tình hình mới thì việc học tập rèn luyện ngoại ngữ, am hiểu kiến thức chung về công nghệ thông tin cũng là điều tiên quyết. Tôi cũng sẽ chú ý trau dồi thêm những kiến thức tổng hợp trong đời sống, xã hội có như vậy thì mới nắm bắt được thông tin khách quan và có khả năng “thanh lọc” thông tin chính xác nhất trước một “mê cung” thật giả lẫn lộn. Bản thân tôi cần nỗ lực hơn nữa, dấn thân nhiều hơn nữa để có những sản phẩm báo chí mang tính định hướng đúng đắn, tính nhân văn, bám sát hơi thở cuộc sống.

Thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 thì song song với Tạp chí in Văn nghệ Thái Nguyên, tòa soạn cũng sẽ có thêm trang Tạp chí điện tử (được nâng cấp lên từ trang Thông tin điện tử tổng hợp của Báo hiện nay). Điều này mở ra một “vùng đất mới” cho chúng tôi thử sức, trải nghiệm và cũng không ít thách thức phải đối mặt. Trước việc phải cạnh tranh với những trang báo, tạp chí điện tử ra đời trước chuyên nghiệp và hiện đại, chúng tôi cần nỗ lực để làm chủ công nghệ, ứng dụng, phần mềm mới phục vụ cho báo chí; sử dụng thành thạo các thiết bị hiện đại... và đặc biệt cần nhanh nhạy hơn đối với các vấn đề sự kiện của đời sống, chuyên nghiệp hơn trong các khâu tác nghiệp. Tất nhiên nhanh không đồng nghĩa với cẩu thả, nên tiêu chí hàng đầu là chính xác và chất lượng. Đôi lúc có thể chậm nhưng nội dung sâu, đa chiều hơn và đầu tư hình ảnh đẹp, chất lượng thì vẫn sẽ thu hút nhiều độc giả. Nhất là với Văn nghệ Thái Nguyên, bên cạnh nội dung còn đặc biệt chú trọng tới hình thức. Có đôi chút hồi hộp, lo lắng, nhưng cũng thật háo hức. Chúng tôi đã cùng nỗ lực để Văn nghệ Thái Nguyên có được chỗ đứng nhất định đối với đông đảo bạn đọc như hôm nay thì tôi tin rằng với thử thách đó chúng tôi vẫn có thể vượt qua và làm thật tốt.

Anh Thắng (Phóng viên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy