Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
08:16 (GMT +7)

Năng lực biến chuyển của Ruth

Truyện ngắn. Suchen Christine Lim

Suchen Christine Lim, quốc tịch Singapore, nhưng sinh tại Ipoh, Malaysia năm 1948. Bà đến Singapore năm 14 tuổi, học tại Tu viện nữ Holy Infant Jesus và đại học Quốc gia Singapore. Bà dạy học tại một trường cao đẳng và là một chuyên viên ở Bộ Giáo dục Singapore. Suchen về hưu năm 2003 và viết văn toàn thời gian.

Các tác phẩm nổi tiếng của bà có: Fistful of Colours (1992); The Lies that build a marriage: stories of Unsung, Unsaid and Uncelebrated in Singapore (2007).

Các giải thưởng: Merit Prize, NUS-Shell Short Play Competition (1986); Inaugural Singapore Literature Prize (1992); S.E.A Write Award (2012).

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Ruth ở tu viện, tất cả những gì tôi thấy là nàng gầy trơ xương, nằm co như một bào thai trên cái bàn lớn, có vóc dáng như một đứa trẻ chín tuổi. Được mặc đồ len dầy, nàng nằm trong trạng thái bất động. Nàng không cử động được mà cũng không nói được.

“Đó là Ruth, con gái của tôi,” Helen, người phụ trách hướng dẫn thiền định của chúng tôi nói.

Năm đó, tôi đã bay đến Denver, Colorado, lòng vẫn sục sôi tức giận và phẫn uất. Quyết tâm gác lại đau khổ phía sau, tôi quyết định ẩn cư thiền định hai tuần ở tu viện Benedictine tại Snowmass. Tôi thuê một chiếc xe và lái xe đưa tôi lên vùng núi Rocky đến thị xã Aspen, cao 2.400 mét so với mặt nước biển.

Đó là một việc làm liều lĩnh. Tôi chưa bao giờ đi xa một mình. Lawrence sẽ không nghe chuyện này. Tôi cũng chưa từng đi xe lên vùng cao nguyên nào trước đây, vì thế tôi không nghĩ rằng vào giữa tháng ba thời tiết vẫn còn là mùa đông ở vùng núi Rocky.

Mới đi được nửa chặng đường lên núi, trời bắt đầu đổ tuyết dữ dội. Sáng hôm sau, thị xã Aspen trông giống như một cảnh trong thiệp Giáng sinh, tất cả đều phủ tuyết, và Helen thì đang đợi tôi để đưa tôi đến tu viện.

“Bà Sarah Verghese?” - Người đàn bà Mỹ mập mạp đi ủng và mặc áo da bắt tay tôi. Cái bắt tay của bà nhiệt tình và đôi mắt xám của bà cũng vậy.

“Cứ để tôi.” Với một cái hất tay khéo léo, bà thả cái va li nặng của tôi vào thùng chiếc xe lớn của bà.

Tôi buột miệng, “Chị có thể đau lưng đấy”.

Bà chừng 60, lớn hơn tôi 20 tuổi, tuy vậy bà xách cái va li của tôi như xách một túi hàng bách hóa. “Đừng lo. Tôi quen rồi. Mình đi nhé?”.

Tu viện tọa lạc trong một thung lũng cao vây quanh là rừng và những ngọn đồi phủ tuyết. Có một cư xá, một nhà nguyện, và vài gian nhà biệt lập được gọi là nhà ẩn dật cho những ai muốn thiền định một mình. Nhóm chúng tôi gồm hai mươi người đủ ngành nghề và từ nhiều nơi khác nhau cư ngụ trong cư xá. Không phải tất cả đều là người theo Công giáo.

Sau này tôi biết được, một số người là thành viên của Hội Giám lý, một số theo học thuyết của John Calvin, và một số là tín đồ của giáo hội Xcốtlen. Tu viện hoan nghênh mọi người, nhưng họ phải tuân theo một luật đơn giản - im lặng suốt thời gian ở trong các tòa nhà của tu viện.

Sáng hôm sau chúng tôi thức dậy lúc 4 giờ 30 phút bởi một hồi chuông êm ái. Đến 5 giờ, chúng tôi đi vào phòng thiền định có ánh sáng dịu. Helen đã ngồi ở chỗ thiền của bà rồi. Khi ở trên xe đến tu viện, bà kể là bà sống cách tu viện vài dặm ở khu làng bên dưới. Tôi cho là bà phải dậy sớm hơn 4 giờ 30 phút để lái xe lên con đường núi khi trời còn tối để đến tu viện trước 5 giờ, và phải bị lạnh gắt, vì trời đổ tuyết suốt đêm.

Chúng tôi ngồi trên những tấm nệm thiền đặt trên sàn, và đã tự quấn chăn dầy và khăn quàng cổ. Một trong bốn bức tường là tường kính từ sàn đến trần, và tôi thấy ngoài trời tối đen khi Helen gõ chuông và tôi nhắm mắt.

Khi tôi mở lại mắt vì tiếng chuông của bà, ngoài trời vẫn tối. Chúng tôi đứng dậy chầm chậm đi quanh phòng thư giãn đôi chân trước khi ngồi phiên kế tiếp. Vài người đến trễ vào phòng và chúng tôi lại ngồi thêm nửa giờ nữa cho đến 6 giờ. Lúc ấy ánh sáng trời xám dịu đã lan vào phòng qua bức tường kính, và những bụi cây phủ tuyết bên ngoài ánh sắc hồng. Chúng tôi yên lặng rời phòng thiền đi vào phòng ăn, tại đó có một cảnh tượng chờ làm chúng tôi choáng váng.

Nằm nghiêng khoanh mình ngủ trên chiếc bàn lớn là người đàn bà - con gái gầy guộc toàn da và xương. Chúng tôi ăn điểm tâm bánh mì mới nướng trong sự im lặng khó chịu, dùng mắt để nhờ người bên cạnh đưa giùm bơ hay mứt. Mắt tôi tránh nhìn chiếc bàn lớn đó.

Sự khắc nghiệt trong nhân dạng dị hình của người đàn bà làm tôi lo lắng. Tôi không thể nào nhìn nàng được, và tôi xấu hổ. Xấu hổ về sự lo lắng của tôi. Tôi liếc nhìn những người khác. Không ai nhìn cái bàn lớn đó. Không ai lại gần bàn đó trong buổi sáng đầu tiên ấy.

Chiều hôm ấy, một số người trong chúng tôi, không thể chịu đựng sự im lặng lâu hơn, nên ra ngoài vườn để trò chuyện. Một chị đã đến đây tham dự ẩn cư trước chúng tôi nói rằng Ruth 36 tuổi, và bị điếc. Tôi vào lại trong nhà. Tôi không muốn nghe thêm nữa. Tôi không muốn bàn về đối tượng trẻ con - người lớn dị dạng này. Lawrence đã nằng nặc đòi phá thai khi chúng tôi được cho biết bào thai trong tôi có những khiếm khuyết gien nghiêm trọng. Anh không thích có con, anh nói.

Tôi không muốn nghĩ về Ruth. Tuy nhiên, sự tồn tại của nàng không thể nào chối bỏ. Mỗi ngày, nàng hiện diện giữa chúng tôi, nằm co trên chiếc bàn lớn khi chúng tôi dùng bữa và uống cà phê giải lao giữa những phiên thiền định. Mỗi giờ ăn trưa, chúng tôi nhìn Helen, mẹ của nàng, bế nàng như bế một em bé vào phòng riêng để cho ăn và thay tã, và tim chúng tôi tràn đầy niềm thương cảm đối với Helen. Vào những lúc như thế, tôi cảm thấy Lawrence và tôi đã làm điều đúng.

Vào buổi sáng thứ ba, tôi thấy đôi mắt đen của Ruth nhìn theo chúng tôi khi chúng tôi di chuyển trong phòng ăn. Ngày kế, tôi nghĩ nàng chớp mắt với tôi khi tôi đi ngang qua. Cái chớp mắt làm tôi dừng lại. Khi tôi nhìn nàng, mắt nàng dường như cười mặc dù không một cơ nào chuyển động trên gương mặt cứng đơ của nàng.

Buổi sáng hôm sau, tôi dừng tại bàn và mở miệng nói không thành tiếng “xin chào bạn”. Mắt nàng dường như sáng lên khi tôi nói, và tôi cảm thấy vui. Vào ngày thứ năm, tôi cúi xuống gần nàng và thì thầm, “Chào bạn, tôi đến từ Singapore.”.

Từ đó trở đi, tôi quyết định dừng bên bàn như những người khác để nói vài lời với Ruth bất chấp việc chúng tôi đã được báo là nàng điếc.

“Tôi thấy một con chim ngoài cửa sổ phòng tôi,” một buổi sáng tôi nói với nàng như thế, và sờ bàn tay đơ của nàng. Cảm giác đụng chạm làm tôi chới với và tôi rút tay về ngay lập tức. Những ngón tay xương của nàng cứng và cong như móng chim chết. Mặc dù Ruth không nhìn được mặt tôi vì nàng không thể ngoái đầu, tôi cảm thấy tôi phải xin lỗi nàng.

“Xin lỗi Ruth,” tôi thì thầm, “Tôi không quen việc đụng vào xương”. Và cố mỉm cười. Tôi nói nghe ủy mị. Tuy vậy, nhìn vào mắt Ruth, tôi biết nàng hiểu lời xin lỗi vụng về của tôi.

Qua vài ngày sau đó tôi để ý thấy những người khác trong nhóm của tôi tiếp xúc Ruth với sự thân mật ngày càng nhiều. Như tôi, họ cầm tay nàng, vỗ về nàng và cười không thành tiếng với nàng như thể họ đang trò chuyện. Vào buổi sáng thứ chín trong khi tôi thì thầm với Ruth, tôi xúc động nhận ra rằng tôi đã thôi không còn xem nàng như là một người khốn khổ xấu xí dị dạng.

“Một điều gì đó đã biến chuyển trong tôi,” tôi thì thầm với nàng. “Tôi không còn muốn lao vào cầm dao đâm vào tim chồng tôi nữa. Vì anh cũng đau đớn như nỗi đau anh gây ra cho tôi. Tôi vẫn còn đau, nhưng không còn muốn báo thù.”

Vào lúc đó, tôi cảm thấy cái cơ thể co quắp trên bàn có chứa một tia lửa của sự thương cảm. Mỗi ngày tôi thấy mình dừng lâu hơn một chút ở chiếc bàn ấy. Tôi có thể đang nói với chính mình, tuy vậy khi tôi nhìn vào đôi mắt đen của Ruth, chúng dường như ánh lên sự thấu hiểu. Thực tế là Ruth có vẻ ít dị dạng hơn. Nàng không còn là một người cần được thương hại. Tôi không còn miêu tả nàng là một bào thai người lớn trơ xương. Nàng là một con người. Như tôi.

Nghĩ về những ngày yên lặng ấy trong phòng ăn của tu viện, tôi tin rằng sự im lặng hàng ngày của Ruth đã làm tôi có cái nhìn xa hơn thể xác. Hàng ngày, tôi thấy cách Helen bế người con gái 36 tuổi của chị giống như bế em bé vào phòng riêng để cho ăn và thay tã mà không chút phàn nàn như thể đó là việc bình thường cần làm. Sự tận tụy của Helen làm tôi thấy được bản chất của tình yêu không có gì ngăn cản. Vào ngày cuối cùng của đợt ẩn cư, tôi lấy can đảm hỏi Helen về Ruth, và đây là chuyện của họ.

Ruth sinh ra trong gia đình gồm sáu người. Helen là người nấu ăn ở tu viện trước khi bà trở thành người hướng dẫn thiền định. Cha của nàng là một thợ mộc. Khi các tu sĩ lần đầu tiên mời Helen tham gia nhóm hướng dẫn thiền định của tu viện, bà từ chối vì bà không thể bỏ Ruth ở nhà cả ngày. Các tu sĩ bảo bà cứ đưa Ruth đến tu viện cùng bà.

Sau đó các tu sĩ khám phá ra sự hiện diện của Ruth có một tác động tích cực lên những người đến ẩn cư, họ sắp xếp Ruth trở thành một bộ phận của nhóm hướng dẫn thiền định, và chi cho nàng hàng tháng một khoản thu nhập chính thức. Tu viện trưởng nói rằng Ruth có những bài học dạy cho chúng tôi.

Qua nhiều năm, tôi tự hỏi những bài học gì chúng tôi đã học từ Ruth, một con người không thể nào tự lực và lệ thuộc vào những người khác như một em bé, tuy vậy có sự biến chuyển trong ảnh hưởng của nàng lên người khác.

Như một em bé.

Võ Hoàng Minh (dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước