Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
22:57 (GMT +7)

Muối của đất

VNTN - Dòng sông Thames âm thầm chảy về phía Bắc. Những tia nắng mặt trời mỏng manh nhẹ nhàng vươn mình chiếu qua làn sương sớm đẹp như một tấm khăn voan kỳ ảo bỗng trở nên vàng rực. Đó là một buổi sáng mùa thu đẹp trời như mơ mà hiếm hoi lắm mới thấy xuất hiện ở thành Luân Đôn.

Tuy vậy, với từng dòng người đang hối hả qua lại trên phố, họ phải cọ vai vào nhau mà ních chật kín một đoạn đường dài ở phía nam thành phố thì khung cảnh trên kia xem ra chẳng có ý nghĩa gì. Bởi một lẽ, nhiều người đã phải rất kiên nhẫn với việc cuốc bộ trên một quãng đường kéo dài tới vài ba cây số để có thể đến được đây. Tất cả đều trở nên mệt mỏi, tái nhợt, lờ đờ bước đi như một con rối hỏng đang ở thời kỳ cuối hạn sử dụng. Trong khi đó, những người khác khỏe mạnh hơn thì thúc cùi chỏ rồi len lỏi mở lối đi riêng cho mình giữa rừng người như nêm cối.

Tưởng như toàn bộ những người thị dân thành Luân Đôn đều tụ tập về đây. Họ là thợ may, đầu bếp, kế toán, giáo viên,v.v… Họ hơn những người vô sản ở chỗ là có nhà và công việc. Nhưng cũng giống như tầng lớp lao động, họ hoàn toàn không có một chút tự do hay hy vọng nào mà phải sống nhờ vào lòng bác ái của các ông bà chủ. Phụ nữ và những người già bị bỏ lại phía sau cùng. Người ta lê bước, đôi khi lại tần ngần dừng lại. Có lẽ họ đang tự đặt cho mình câu hỏi chung nhất: cái điều mà mình đang làm đây liệu có thể để lại thứ di sản gì cho con cháu mình?!

Từ cái cách ăn mặc cho đến đi đứng, Thomas Bird giống hệt như hàng trăm người nhân viên văn phòng khác trong biển người khổng lồ này, ấy là: một cái mũ vải đã sờn, chiếc ô cắp bên nách và cuối cùng, cách sải bước của một người không thường xuyên rời khỏi bàn làm việc. Thật khó để có thể đoán được tuổi chính xác qua khuôn mặt đờ đẫn vì thiếu ngủ của Thomas.

 

Phải cho đến khi tia sáng mùa thu chạm đến mình thì Thomas mới ngỡ ngàng ngước nhìn lên, và trong mắt anh bỗng hiện ra một cái gì đó như là một sự hy vọng vô cùng lớn lao. Với cảm giác thiêng liêng đó, bất giác Thomas nở một nụ cười rồi cố gắng tự tin ngẩng cao đầu mà rảo bước dấn lên phía trước.

Hơn 15 năm nay, Thomas đã sống như một chiếc đồng hồ, cứ đúng tám giờ sáng rời khỏi nhà và chẵn bảy giờ tối trở lại căn hộ của mình. Vì chịu sự ảnh hưởng của người cha đã khiến Thomas lựa chọn nghề kế toán, và anh kiếm đủ để sống. Tuy vậy, đã từ lâu Thomas nhận ra rằng, dù có nỗ lực kiểu gì đi chăng nữa thì anh cũng không thể vượt lên được vị trí hiện tại của mình, vì thiếu cả tài năng lẫn mọi mối quan hệ cần thiết có thể đáp ứng cho con đường công danh. Cha mẹ đã mất, còn Thomas thì sống một mình mà không có gia đình.

Tuy vậy, người kế toán viên vẫn giữ lại được cái tính lạc quan, thân thiện vốn có. Thomas là một con người đơn giản và dễ gần. Không ai bảo ai, mọi người đều tìm đến anh khi đã thật sự mệt mỏi, vì tất cả đều có một niềm tin vững chắc giống nhau, đó là, Thomas sẽ lắng nghe và an ủi họ.

Thomas nhẩm tính những con số trong đầu mình. Anh đang băn khoăn không biết nên mua gì sau kỳ lĩnh lương hôm nay: một chiếc mũ hay là đôi giày mới?! Anh hầu như không có một chút gì dành dụm lại được sau khi đã trả hết tiền thuê nhà nên phải tìm mọi cách để “giật gấu vá vai” mong có thể đắp đổi qua ngày đoạn tháng.

Cho đến tận buổi tối hôm đó Thomas vẫn còn đang tính nhẩm, kể cả khi trong túi anh đã đầy những đồng Bảng còn thơm mùi mực in. Bàn chân đi trong đôi ủng đã vá nhiều lần vô thức dẫn anh đi về phía nhà ga. Anh quyết định là sẽ đi tàu điện để kịp đến cửa hàng giầy trước lúc đóng cửa. Đúng lúc đó thì có người cất tiếng gọi anh từ phía sau: “Chào anh, anh Thomas. Tối nay đẹp trời quá nhỉ.”.

Theo phản xạ, Thomas hấp tấp ngoảnh lại và nhận ra một người đàn ông khoảng 50 tuổi, thân hình đầy đặn nhưng lại có vẻ rất lanh lợi. Ông ta ăn nói thân mật, nhưng nếu người nào để ý kĩ thì có thể nhận ra một chút gượng gạo gì đó ẩn ở phía dưới.

“Chào ông Warbeck! Ông cũng đi tàu này à?” - Thomas vui vẻ lên tiếng.

Hai người bắt tay nhau rồi trò chuyện một lúc đến khi ông Warbeck lên tàu. Trong khi đó Thomas bỗng dưng đổi ý và đi bộ về nhà. Thế rồi bất giác Thomas nghĩ tới chuyện liệu bà Warbeck có biết rằng chồng mình đang nợ tiền anh hay không. Khoản vay không dưới 30 Bảng và đã kéo dài hơn một năm nay.

Thomas quen biết gia đình nhà Warbeck từ khi anh mới tới Luân Đôn lập nghiệp, và mặc cho khoảng cách của tầng lớp, họ đối xử với anh như một người bạn thân. Tháng nào bà Warbeck cũng mời anh đến anh cơm, và con gái bà, Alma, tâm sự gần như hết mọi chuyện trong gia đình cũng như những tâm sự của cô ấy với anh. Sự thân tình như người trong một nhà ấy khiến Thomas chẳng mảy may nghĩ đến số tiền nợ của ông Warbeck nữa. Anh chỉ mong bà Warbeck không biết chuyện việc buôn bán của chồng mình đang gặp khó khăn.

Khi Thomas đến chỗ ngã tư đường Camberwell Green, không hiểu sao tự dưng anh lại bắt đầu có cảm giác băn khoăn: không biết có nên rẽ vào cửa hàng bán giầy gần đó hay không?! Vậy nhưng trong khi Thomas còn chưa kịp đưa ra quyết định cuối cùng cho mình thì bất ngờ anh lại gặp một người quen khác. Đó là bà Pritchard, một nhà hảo tâm có tiếng ở thành Luân Đôn. Bà ta chủ động lên tiếng một cách hết sức thân thiện: “Thật là may quá. Tôi cũng đang định gặp anh đấy!”.

Nói rồi bà Pritchard kể cho Thomas câu chuyện của một cô bé công nhân ốm yếu, đang nằm mấy tuần nay ở bệnh viện vì làm việc quá sức. Thomas lắng nghe từng lời, phần vì thương cảm với mảnh đời bất hạnh, phần vì cảm phục lòng thiện tâm của người đàn bà.

“Cô bé sẽ được xuất viện vào cuối tuần này, nhưng rồi chắc cũng bị quản đốc đuổi đi thôi! - Bà Pritchard tỏ ra vô cùng hoang mang xen lẫn sự bối rối - Tôi đang định nói chuyện với bà Doubleday và một vài người khác xem có thể cùng nhau quyên góp được chút nào cho cô bé sống tạm qua ngày không…”

“Tôi e rằng mình sẽ không thể giúp được gì nhiều đâu, thưa bà Pritchard!” - Thomas nói mà trong đầu hiện ra hình ảnh của đôi giày. Thậm chí anh còn tưởng tượng ra được mùi da thuộc còn tinh khôi và màu si bóng loáng trên đôi giày mới cứng đó.

“Không, không, chuyện tại tâm ấy mà. Nhưng… Kể cả một chút thôi cũng sẽ làm cô bé đó vui lên đấy, anh biết không?” - Bà Pritchard hết sức chân thành.

Thế là cuối cùng thì lòng tốt đã thắng. Thomas rút từ trong túi mình ra vài bảng đưa cho bà Pritchard. Mặt anh đỏ hẳn lên vì ngượng khi nghĩ đến sự chần chừ của mình trước đó vài giây.

Thomas đi thêm mười phút nữa thì về tới ngôi nhà thân thuộc. Anh sống trong hai căn phòng rất nhỏ, có mốc, và gần như trống không. Anh trả tiền thuê nhà hằng tháng không chỉ với đồng bảng, mà còn bằng việc lắng nghe những lời ca thán của bà chủ nhà. Thomas hiểu người đàn bà đó để đủ tin rằng bà ta không bao giờ nói dối anh cả.

Bà chủ nhà chỉ đơn giản là một con người nhu nhược. Bà ta có một ông chồng nghiện rượu và đứa con tàn tật cả về thân thể lẫn đầu óc. Chàng trai đã nhiều lần bị đuổi việc vì sự khuyết tật của mình, và chỉ nhờ lòng tốt của Thomas mà bây giờ anh ta mới có cơ may được làm ở một tiệm cắt tóc.

Bà chủ nhà vừa thắp đèn dầu lên, vừa đưa cho Thomas một phong bì và nói: “Bưu tá vừa mới chuyển thư này tới anh hồi chiều. - Bà chủ nhà bỗng rạng rỡ khác thường - À phải rồi, hôm nay lần đầu tiên trong đời, thằng Sam có được cái vinh hạnh cạo râu khách đấy. Nó còn không làm chảy máu khách nữa!”

“Thế thì tốt quá!” - Thomas thật thà reo lên - “Tôi đã hứa là sẽ cho Sam một bảng sau khi cháu cạo râu xong cho ông khách đầu tiên. Đây, bà cầm lấy mà đưa cho cháu Sam giúp tôi!”

Ngay sau đó, Thomas vội vàng mở chiếc phong bì đề tên bà Warbeck rồi đọc ngấu nghiến trang thư. Bức thư viết bằng những nét chữ nguệch ngoạc không nói gì ngoài một lời mời Thomas đến nhà bà trước mười giờ tối nay. Thomas bèn sửa soạn quần áo để ra ngoài, vừa làm vừa liếc nhìn bức ảnh được đóng khung trên bàn làm việc của anh.

Trong ảnh là Alma Warbeck. Cô bé - nay đã là một thiếu nữ - không có vẻ gì đặc biệt ngoài một chút duyên dáng tỏ ra dưới vẻ thẹn thùng. Ngoài bức ảnh ra còn có một bức thư mà Alma viết cho anh hồi cô mới 16 tuổi, và một tấm vé kỷ niệm dịp hai người cùng đi xem kịch.

Thomas chưa bao giờ nghĩ đến từ “hy vọng” giữa anh và Alma. Anh đã chứng kiến cách mà Alma từ cô bé mảnh khảnh lớn lên thành một thiếu nữ lạc quan, tốt bụng. Cô là con gái nhà buôn, và chắc hẳn đang tìm kiếm một người đàn ông có thể kiếm được ba, bốn trăm bảng một năm. Còn Thomas “đều đặn như vắt chanh”, mỗi tháng chỉ được lĩnh đúng 12 bảng tiền lương.

Tuy vậy, Thomas vẫn giữ thái độ gần như tôn sùng Alma. Cô thiếu nữ chưa bao giờ nói hay làm bất cứ điều gì xấu xa, hay tỏ ra nhiều chuyện hoặc kiêu ngạo như những bạn cùng trang lứa. Thomas biết rằng Alma coi anh chỉ như một người bạn cũ, và anh lấy đó làm điều hân hạnh riêng có của mình.

Cạo râu xong, Thomas đi bộ đến nhà Warbeck. Căn nhà lọt thỏm trong con ngõ cuối đường Brixton. Một người hầu mà Thomas không quen mặt dẫn anh vào phòng chờ. Cũng giống như người hầu, mọi thứ đồ đạc trong căn phòng luôn thay đổi mỗi lần Thomas đến thăm nhà Warbeck.

Bà Warbeck cũng đầy đặn như chồng vậy, nhưng lại ít chỉn chu hơn. Tuy vậy, bà có một vẻ xuề xòa dễ gần. Thomas coi bà như bạn, vậy nên anh có phần hơi ngạc nhiên trước giọng gượng gạo của bà: “Anh Thomas này, tôi có chuyện muốn nói với anh như những người bạn cũ với nhau. Anh biết đấy, con gái tôi, nó sắp đính hôn!”.

Cơn sốc của Thomas được giảm đi phần nào nhờ việc bà Warbeck vẫn chưa phát hiện khoản vay của đức ông chồng. Tuy vậy, anh vẫn không nén nổi tiếng thở dài.

“Chắc anh cũng biết rằng chuyện này sẽ đến sớm hay muộn thôi mà đúng không?” - Bà Warbeck giả vờ không nghe thấy tiếng thở dài của Thomas - “Anh đừng nói với ai nhé, nhưng hôn phu của nó là anh Fisher, chủ của công ty cùng tên ấy. Nhà tôi mới chỉ quen anh ta thôi, nhưng tôi nghĩ rằng anh ta đã chết mê mệt con Alma thật rồi!”

Thật ra Thomas có biết chút ít về Fisher. Anh ta là một doanh nhân trẻ đang lên, lại xuất thân từ một gia đình giàu có. Bà Warbeck bỗng hạ giọng: “Được rồi, tôi sẽ đi thẳng vào vấn đề. Tôi không muốn… chà… hiểu nhầm xảy ra nếu Fisher lại bắt gặp anh khi đến thăm nhà tôi!”

Những lời sau đó của bà chủ nhà thật không khác gì những tiếng vo ve trong tai Thomas. Anh hoàn toàn hiểu logic đằng sau yêu cầu của bà Warbeck, nhưng anh chỉ mong bà ấy có chút tinh tế để tìm cách lịch sự hơn trong lúc nói chuyện với mình.

“Alma nhà tôi tất nhiên không biết chuyện này, và tôi mong rằng anh sẽ giữ bí mật cuộc trò chuyện này! - Bà Warbeck bỗng làm bộ cực kỳ nghiêm trọng - Giữa hai chúng ta thì vẫn thoải mái như bạn bè thôi, nhưng tôi sợ rằng người quen của Alma sẽ hiểu lầm, anh Thomas ạ. Thật ra tôi làm thế này cũng chỉ vì con gái thôi chứ chẳng phải vì tham lam. Anh đừng có suy nghĩ sai về tôi nhé. Chúng ta bắt tay nhau nào!”

Với người khác chắc hẳn đã chẳng buồn chìa tay đâu, nhưng Thomas thì cố nặn ra một nụ cười rồi nắm lấy bàn tay của bà Warbeck. Đúng lúc đó thì ngoài hành lang vang lên tiếng nói chuyện và tiếng cười khúc khích của một cô gái trẻ. Tức thì bà Warbeck hốt hoảng giật mình, sắc mặt đầy vẻ bối rối: “Sao mà hôm nay chồng tôi với Alma về sớm thế nhỉ? Lại còn dẫn cả khách theo nữa chứ!”.

...“Thưa bà Warbeck, bà hãy ra ngoài giữ chân họ, còn tôi thì sẽ đi ra cửa sau!” - Vừa nói Thomas vừa vội vàng đứng lên và chỉ trong tích tắc, anh mất hút.

*

Hơn ba tuần sau, Thomas thay đổi hẳn lịch trình đi làm của mình. Anh không muốn chạm mặt ông Warbeck. Oái oăm thay, cũng chính thời điểm đó, tự nhiên sức khỏe của Thomas kém đi, cho dù anh vẫn còn lạc quan và tốt tính như từ khi được sinh ra đến giờ.

Dẫu đã chủ động sắp xếp lại quá trình đi lại, nhưng cuối cùng, một ngày nọ Thomas tình cờ gặp lại ông Warbeck. Vị thương gia kéo tay Thomas rồi ôm chầm lấy anh mà sốt sắng hỏi: “Anh đi đâu đấy mà mấy tuần nay tôi không gặp hả Thomas?! Có phải lâu nay anh cố tình tránh mặt tôi không? Tôi cũng đoán được là vợ tôi đã nói với anh điều gì đó. Cảm ơn anh. Cảm ơn anh nhiều lắm. Chỉ cần con Alma nhà tôi làm đám cưới xong trong tháng một thì mọi chuyện đâu sẽ lại về đấy. Anh cứ việc lại nhà tôi dùng bữa. Mùa này mà làm bữa sườn nướng thì tuyệt, phải không anh Thomas?!”

Rồi thì cũng tới lúc hai người chia tay trong sự thân tình. Thomas rất mừng, mừng đến mức ngày hôm sau anh sẵn sàng cho ông Warbeck vay thêm tiền.

Vào một ngày tháng Một, Thomas xin nghỉ việc sớm vì bị cảm lạnh và đau đầu. Đây là lần đầu tiên anh bị ốm kể từ khi học đại học. Trong lúc ngồi trên tàu điện, Thomas vẩn vơ nghĩ về gia đình nhà Warbeck. Chắc hẳn hai ông bà đang rất bận rộn với việc tiếp khách đến dự lễ cưới, còn Alma thì đang rất hạnh phúc trong lúc sửa soạn bộ váy cưới của mình.

Thomas mệt đến mức anh không thể ngồi nghe hết những lời than thở của bà chủ nhà. Anh đi ra công viên để hít thở không khí trong lành, nhưng khi về đến nhà Thomas lại nhìn thấy một chú bé gầy guộc và đen đủi đang đứng chờ trước cổng từ bao giờ. “Mẹ cháu bảo đi tìm chú! - Thằng bé hấp tấp cất lời - Mẹ cháu đang có việc vội rất cần chú giúp ạ!”

Nghe nói vậy, không một phút đắn đo, Thomas vội vàng cùng đứa bé đi đến nhà nó. Thằng bé ấy là con trai một người bạn đồng nghiệp của anh. Anh này thường xuyên bị mất việc vì các ông chủ không thể nào chịu nổi tính nghiện rượu.

Vợ của người bạn gặp anh với gương mặt đầm đìa nước mắt. Hóa ra, sau tám tuần không kiếm chác được gì, cuối cuối cùng thì người bạn của Thomas đã nhận năm trăm bức thư về nhà để chỉ làm một việc duy nhất: viết địa chỉ lên tất cả số phong bì đó. Nhưng khốn thay, ngồi vào bàn để viết phong bì còn chưa kịp nóng chỗ thì cái gã bạn của Thomas được người quen rủ đi uống rượu, thế nên chỉ còn trơ lại người vợ với số phong thư.

“Tôi đã mong sau này chồng mình sẽ kiếm được thêm việc làm, nhưng nay thì mất cơ hội thật rồi, trong khi đó cả cơ nghiệp nhà tôi không còn một xu nào nữa, anh Thomas ạ!” - Người vợ tức tưởi mếu máo.

Nhìn người phụ nữ run rẩy quệt nước mắt trong trạng thái bi thương khủng khiếp, Thomas vội vàng nhét vào tay chị ta một đồng xu rồi thì thầm bằng cái giọng nghèn nghẹn: “Cô hãy bảo cháu ra ngay hàng bánh mì đầu ngõ đi kẻo muộn! - Thomas đột nhiên tươi cười và trở nên linh hoạt một cách chưa từng thấy - À, còn mấy trăm chiếc bì thư ở đâu rồi nhỉ?! Kia hả?! Được rồi! Được rồi! Cô đừng lo lắng gì cả. Có tôi ở đây rồi mà! Nào, hãy tin tôi đi!”

Khoảng cách giữa lúc 9 và 12 giờ đêm, mỗi giờ Thomas lại điền xong địa chỉ lên tám mươi chiếc phong bì. Cho đến lúc gã bạn của anh lê lết bò vào nhà vì say khướt, Thomas đã làm xong một nửa trong số năm trăm bì thư.

Sau khi đã rất khó nhọc với việc vật vã dìu gã chồng nát rượu của mình lên giường, người vợ của chủ nhà liền quay ra với bộ mặt sượng sùng đoạn gằm mặt lí nhí một cách khổ sở: “Cám ơn anh Thomas vô cùng. Nhà tôi sẽ làm hết số bì thư còn lại trước khi người ta đến lấy!”

Một lúc sau Thomas Bird ra khỏi căn hộ của người bạn. Anh thong thả tản bộ trở về ngôi nhà bé mọn của mình bằng một tâm thế vô cùng thanh thản với gương mặt đẹp như một vị thánh huyền tích. Chính lúc này đây, trong người Thomas hoàn toàn không còn đau đầu hay ngạt mũi nữa. Thậm chí Thomas còn tự trách mình, đã rất thất thố khi quên béng cái việc gửi thiệp mừng đến đám cưới của Alma.

Thomas là thế. Xưa nay anh luôn duy trì thói quen thường trực là hay tự trách mình mà không hề mảy may nghĩ tới cái điều giản dị nhưng vô cùng cao quý này: giữa cái biển đời chật hẹp, xô bồ và đầy những thói tật bon chen, ích kỷ thì con người anh giống như một hạt muối của đất vậy. Và chính nhờ có hạt muối đó mà cây cối mới có cơ may đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa kết trái, gọi những mùa vàng.

Truyện ngắn. George Gissing (Mỹ)

Lê Công Vũ (dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước