Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:08 (GMT +7)

Mùa Xuân Bondino

VNTN - Tháng đầu tiên của mùa xuân, tôi đến trại sáng tác của các nhà văn ở Bondino, “nhà máy liên hợp văn học” gồm bảy mươi chỗ. Ở đó, vào mùa thu, các “tác gia kinh điển” ùn ùn kéo đến. Họ muốn lặp lại cuộc thí nghiệm lịch sử(2). Vào mùa xuân, kiếm được tấm phiếu đến đó dễ hơn, vì trong lịch sử, mùa xuân Bondino chưa bao giờ “chịu bộc lộ” mình.

Ông bạn ngồi cùng bàn ăn với tôi, trước đây là nhà văn trào phúng nổi tiếng, thời gian sau lại là nhà thơ có tên tuổi, gần đây lại trở thành nhà viết văn xuôi có hạng, giới thiệu với tôi nếp sinh hoạt ở Bondino, kể từng đặc điểm của các bạn đồng nghiệp, nhưng dành nhiều thời giờ hơn cả để kể về cuộc đời của mình.

 

Vâng, ông ta đã trải qua một chặng đường đời, con đường ấy, dĩ nhiên sau này sẽ trở nên nổi tiếng; nhưng đối với tôi, ông bạn đã làm một việc ngoại lệ, muốn tôi chú ý rằng, con đường ấy đã nổi tiếng ngay từ bây giờ.

- Tại sao tôi lại chuyển từ văn châm biếm sang thơ ca, rồi lại bỏ thơ để nhảy sang văn xuôi? Anh bạn thân mến ơi! Trong chuyện này, chính môn số học có lỗi. Đúng, chẳng phải văn trào phúng, chẳng phải thơ ca, chẳng phải văn xuôi có lỗi, đơn giản là số học có lỗi.

Ông ta gật đầu với một người, cúi chào một người khác, giơ tay ôm một người nào đó đi ngang qua rồi tiếp tục.

- Bây giờ ta chọn các nhà viết văn xuôi. Hãy lấy những nhà văn lớn nhất! Lev Tolstoy, “lấy đi”, Dostoyevsky, Turgenev, Goncharov... rồi đến Gherxen, “nhặt” đi - ông ta nói như thể đưa cho tôi các món ăn nguội - Gorky, Aleksey Tolstoy, Paustovsky... Còn ai nữa? Bunhin, Kuprin... Độ tuổi trung bình của mười nhà văn lớn nhất này là bao nhiêu? Tính toán chẳng khó gì: Vừa vặn bảy mươi.

Ông ta chén xong món thứ nhất và bắt đầu xơi món thứ hai.

- Bây giờ anh hãy “lấy” các nhà thơ. Dĩ nhiên cũng phải “nhặt” các nhà thơ nổi tiếng nhất. Puskin “lấy đi”, Lermontov, Nhekraxov, Chiutchev, Phet, Blok và Mayakovsky, “lấy đi”. Exenhin, “lấy đi”. Paxternac và Akhmatova. Tuổi thọ trung bình: Năm mươi hai. Kém các nhà văn xuôi mười tám năm. Anh hiểu không?

Vâng, bây giờ thì tôi bắt đầu hiểu ra.

- Nào, bây giờ ta hãy chọn các nhà văn châm biếm. Chúng ta “lấy” Gogol, Sedrin, Tsekhov, dĩ nhiên rồi. Sau đó là Averchenko, Sasa Chuarnưi, Bulgakov, Inphơ và Petrov. Còn các nhà văn “nhai lại” - bây giờ các nhà văn “nhai lại” rất phổ biến - trong số họ, ta sẽ lấy Arkhanghenxki. Số học sẽ nói gì với chúng ta? Tuổi thọ trung bình là bốn mươi tám, mặc dù gần một nửa các nhà thơ kể trên chết không bình thường. Còn các nhà văn trào phúng, trừ trường hợp Petrov chết trong chiến tranh, còn tất cả đều chết một cách bình thường. Nhưng họ chết sớm quá. Gogol và Tsekhov mới chớm vượt qua tuổi bốn mươi. Inphơ và Petrov không thọ được đến bốn mươi. Người ta còn nói rằng sự hài hước kéo dài tuổi thọ. Không, bạn thân mến ơi, Đgiambun(3) sống đến chín mươi chín tuổi rưỡi, anh hãy thử tìm xem ông ta có một tác phẩm hài hước nào không?

Tôi nhăn trán một cách nhã nhặn, cố nhớ lại các tác phẩm của Đgiambun.

- Bây giờ chúng ta hãy nhìn lên trần nhà. - Đến đây quả thực ông ta nhìn lên trần nhà, ý muốn nói đến giới hạn cao nhất của tuổi thọ, chứ không phải trần nhà ăn tập thể của chúng tôi. Ở nhóm văn xuôi, ông ta đặt con số tám mươi hai, nhóm các nhà thơ: bảy mươi, còn nhóm các nhà văn trào phúng vẻn vẹn chỉ có sáu mươi ba năm. - Anh có thể nói gì về điều này?

- Tôi nghĩ như thế còn ít quá.

- Nhưng tại sao? Anh hãy đặt ra cho mình câu hỏi: Tại sao? Có nghĩa là có một cái gì đó rút ngắn cuộc đời của các nhà văn trào phúng còn nhanh hơn các nhà thơ đấu súng và tự tử. Zosenko chết lúc còn đang sung sức, mà trong số các nhà văn trào phúng ông ta được coi là sống lâu. Tuổi bốn tám - độ tuổi trung bình. Nếu như Doxtoievxki chỉ sống bằng chừng ấy năm, ông ta sẽ chẳng để lại cho chúng ta “Lũ quỷ” cũng như “Anh em nhà Karamazov”.

Ông ta xơi xong món thứ hai và lấy món nước quả.

- Dĩ nhiên, khi còn trẻ có thể viết văn châm biếm. Tôi viết văn châm biếm, anh đã biết rồi. Vượt quá tuổi buốn mươi, tôi nghĩ. Stop! Tính như thế cũng chưa dài. Tôi chuyển sang thơ ca. Dĩ nhiên, sống biết kiềm chế, giữ gìn, không như một số nhà thơ: không tham gia đấu súng, không tự tử. Biết nén những đam mê của mình. Đã sang độ tuổi trung niên. Thế là đã vượt quá tuổi năm mươi hai - Stop! Tôi nghĩ. Và chuyển sang văn xuôi. Đến độ tuổi bảy mươi thì tôi còn những mười năm nữa. Được sống và làm việc. Và sau đó có thể tôi sẽ chuyển sang dịch thuật. Các nhà dịch thuật ở nước ta sống rất dai, đặc biệt là dịch văn châm biếm.

- Tôi thấy ở nước ta rất ít văn châm biếm.

- Tất nhiên. Làm sao mà văn châm biếm có nhiều khi mà người làm nghề này không sống được lâu. Thơ ca chân chính cũng hiếm, vì trong thơ ca người làm nghề này tuổi thọ cũng rất ngắn.

Tôi muốn nói rằng văn xuôi thật sự cũng rất hiếm, nhưng kìm lại được: Ông bạn tôi có thể nghĩ rằng dường như ông ta viết rất ít. Còn tôi, tôi biết ông ta viết không phải là ít, thậm chí rất nhiều, nhiều lắm.

Bondino xào xạc ngoài cửa sổ, không nghe thấy cuộc trò chuyện của chúng tôi.

- Mùa Thu ở đây thật tuyệt vời - ông bạn văn xuôi thốt lên và uống cạn cốc nước quả

Chú thích:

(1). Krivin Phelich Davidovich: Nhà văn Nga, sinh 11/6/1928 tại Mariupol (Ucraina). Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kiev. Là nhà văn nổi tiếng viết truyện trào phúng và viễn tưởng, đồng thời là nhà thơ, nhà báo, nhà sư phạm. Từ năm 1988 sống tại Beer Sheva (Israel), mất ngày 24/12/2016 tại Israel.

(2). Bondino là vùng đất nhà vua ban thưởng cho ông tổ của nhà thơ Puskin (Pheođo Pheđorovich Puskin) năm 1619 do có công trong cuộc bảo vệ Matxcơva chống Ba Lan xâm lược. Puskin đã ba lần về Bondino vào các năm 1830, 1833, 1834, đều vào mùa thu. Thời kì “Mùa Thu Bondino”, ông viết sung sức nhất và thiên tài phát sáng nhất. Các tác phẩm trong thời gian này gồm có: Evghenhi Onheghin; Các bi kịch nhỏ; Các truyện vừa của ông Ivan Petrovich quá cố; Lịch sử làng Goriukhin; Chuyện Pugachov; Kị sĩ đồng; Chuyện ông lão đánh cá và con cá vàng; Con đầm Pich và hàng chục bài thơ và dịch ballat của nhà thơ Balan Adam Miskievich...

(3). Các nhà văn kể trên đều là người Nga. Riêng Đgiambun Đgiambaiep (1864-1945) là nhà thơ dân gian người Kazak.

 

Truyện ngắn trào phúng. Krivin Phelich Davidovich (1)

Châu Hồng Thủy (dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 4 tuần trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước