Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
12:41 (GMT +7)

Một thế hệ lặng lẽ gắn bó và cống hiến

Kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên (1987 - 2017)

 

VNTN - Từ trước năm 1970, những ai tốt nghiệp Đại học lĩnh vực kiến trúc xây dựng về tỉnh đều được nhận công tác tại tổ thiết kế, sau là Phòng thiết kế - quy hoạch thuộc Ty Kiến trúc, Ty Xây dựng, rồi Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên như ngày nay. Hội Kiến trúc sư Việt Nam (KTS) trước đây gọi là Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam, hội viên gọi là đoàn viên. Thời đó ở địa phương chưa có tổ chức Đoàn Kiến trúc sư.

Năm 1976, cố kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp (1910 - 1982) - Tổng Thư ký Đoàn KTS Việt Nam về Bắc Thái vận động kết nạp đoàn viên. Đợt này kết nạp các KTS cả miền Nam, miền Bắc, gọi là “đợt kết nạp nhân dịp thống nhất đất nước”. Kỹ sư xây dựng đang làm nghề thiết kế cũng được xét kết nạp duy nhất trong đợt này. Lúc ấy, tỉnh Bắc Thái được kết nạp 07 đoàn viên gồm 05 KTS là: Mã Sôi, Lê Biên, Lê Vinh, Trần Văn Khánh, Trương Văn Thích và 02 Kỹ sư xây dựng là: Bế Đồng, Trần Thiện Giác.

Ông Bế Đồng là Phó Ty Xây dựng được chỉ định là Tổ trưởng tổ KTS. Sau giải phóng miền Nam có các đợt chuyển vùng, hồi hương rầm rộ, nhiều KTS, kỹ sư, các kỹ thuật viên xây dựng đã di chuyển cả gia đình, vợ con đi nơi khác: KTS Lê Biên về Hà Nội, rồi chuyển sang vẽ mỹ thuật, hội họa trang trí; KTS Lê Vinh về Kon Tum; Trương Văn Thích đi Quảng Bình (đã mất). Năm 1997 tách tỉnh Bắc Thái, KTS Trần Văn Khánh đi Bắc Kạn (đã mất). Còn Kỹ sư Trần Thiện Giác thì bỏ sinh hoạt nghề nghiệp đã lâu.

Làm lĩnh vực kiến trúc, cá nhân các KTS ai cũng muốn có công trình để được tư duy, trải nghiệm. Nhưng một thời kỳ bao cấp kéo dài, Nhà nước ta không có đầu tư kiến thiết nhiều, các cơ quan, trường học, bệnh viên, nhà dân…. chủ yếu là tranh tre nứa lá. Cả tỉnh Bắc Thái bấy giờ chỉ có một Phòng thiết kế - quy hoạch, có công trình nào thì đều được giao nhiệm vụ đến phòng luôn. KTS Lê Biên có công trình 3 tầng đầu tiên, hiện nay vẫn đang tồn tại đó là nhà Quốc doanh dược phẩm Bắc Thái. Ông có tài vẽ rất nhanh, ngày ấy KTS thường vẽ bằng bút chì, sau đó được anh họa viên, kỹ thuật viên can lại bản vẽ bằng mực tàu, sau nữa là in nhân bản lên mỗi công trình lập thành 07 bộ hồ sơ. KTS Trương Văn Thích chủ trì các công trình thuộc Xí nghiệp dược phẩm của tỉnh, về sau công trình này đã được cải tạo, hiện nay Trường Cao đẳng Y Thái Nguyên quản lý. Tôi và KTS Lê Vinh có bằng tốt nghiệp về thiết kế công nghiệp, vậy nên thường được phân công các loại công trình liên quan đến công nghiệp địa phương, đó là các loại lò: lò gạch, lò ngói, lò vôi, lò nằm rồi lại lò đứng. Các cơ sở gạch Tân Long, Cao Ngạn, Tân Tiến, Vôi Nha Trang… (các loại lò này vẽ ra để tính dự toán, xác định mức đầu tư để được cấp vốn xây dựng là chính). KTS Bế Đồng thiết kế nhà làm việc 2 tầng Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Nguyên (cũ) từ thập niên 60 của thế kỷ trước, lúc bấy giờ ông là cán bộ trung cấp thiết kế. Nhà này hiện nay vẫn thuộc UBND tỉnh quản lý sử dụng. Ông Trần Thiện Giác thiết kế nhà làm việc 3 tầng UBND tỉnh Bắc Kạn (cũ) hiện nay vẫn đang được UBND thành phố Bắc Kạn quản lý sử dụng.

Đội ngũ kiến trúc sư Thái Nguyên

Còn nhớ năm 1974, UBND tỉnh triệu tập một số cán bộ các ngành: xây dựng, thủy lợi, giao thông, điện, phòng thiết kế Công ty Gang thép Thái Nguyên… phối hợp với Viện Thiết kế quy hoạch Đô thị - Nông thôn chuẩn bị các số liệu hiện trạng và dự báo phát triển thành phố. Các KTS ngành xây dựng Bắc Thái gồm có tôi, KTS Bế Đồng, Lê Biên, Nguyễn Thị Thủy, Ma Văn Ký được cử đi. Sang năm 1975 tiếp tục làm việc với Đoàn chuyên gia quy hoạch Trung Quốc về quy hoạch thành phố Thái Nguyên.

Nơi đón tiếp và làm việc được UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Ty Xây dựng  thiết kế nhanh, xây dựng khẩn trương, yêu cầu các cơ sở sản xuất vật liệu trong ngành đều ưu tiên cho công trình. Hồi ấy tất cả các loại vật liệu xây dựng đều phải phân phối, xưởng gỗ Tháng 8 ưu tiên đóng mới các loại bàn ghế theo yêu cầu để sử dụng. Cố KTS Nông Quốc Đạt, Chủ tịch Hội KTS Bắc Thái, nguyên là Viện trưởng Viện Thiết kế quy hoạch, là người được giao nhiệm vụ thiết kế nhà đón tiếp Đoàn. Nhà xây bằng gạch 01 tầng lợp ngói (đây là nhà xây đầu tiên của Sở Xây dựng). Đoàn Bộ Xây dựng có cố KTS Vũ Ngọc Liên và hơn 10 kỹ sư các chuyên ngành. Sau khi các chuyên gia rút đi, KTS Vũ Ngọc Liên chuyển về Sở Xây dựng làm Trưởng phòng quản lý quy hoạch (ông mất năm 1996). Nhà này sau là nơi làm việc của Viện Thiết kế quy hoạch, hiện nay Công ty CP xây dựng đô thị và phát triển nhà Thái Nguyên sử dụng.

Các thế hệ KTS kế tiếp có ông Nguyễn Văn Đề thiết kế nhà làm việc Sở Xây dựng (cũ), tham gia phản biện nhiều công trình và các dự án về Quy hoạch - Kiến trúc. Ông nguyên là Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Chủ tịch Hội KTS Thái Nguyên. 2 KTS quy hoạch Phạm Đức Lộc và Trần Kim Cúc đã tham gia thiết kế quy hoạch khu trung tâm thành phố, các thị trấn huyện lỵ của 2 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, các thị trấn, thị tứ các điểm dân cư tập trung… KTS Phạm Đức Lộc là Giám đốc Công ty tư vấn xây dựng Thái Nguyên từ năm 1988,  công ty duy nhất của tỉnh làm công tác khảo sát thiết kế quy hoạch ở thời kỳ đó.

KTS Phan Ngọc chủ trì thiết kế Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Thái Nguyên, xây dựng trên đồi Đội Cấn. Đây là một công trình tiêu biểu với nhiều ý nghĩa tâm linh và ghi ơn công trạng các Anh hùng liệt sĩ Thái Nguyên.

Các KTS có tuổi đời từ trên 60, trên 70… đã nghỉ hưu tại Thái Nguyên đến thời điểm này là 15 người. Những người đã đóng góp không nhỏ cho lĩnh vực thiết kế quy hoạch - Kiến trúc và xây dựng Thái Nguyên. Nhiều người đã làm công tác quản lý chuyên môn ở các cấp bậc khác nhau, có người trưởng thành từ chuyên môn, sau là quản lý Nhà nước. KTS Đinh Văn Thể trước khi nghỉ hưu là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên.

Thế hệ kiến trúc xưa không có được những công trình đầu tư lớn về vốn hay tính chất công trình, nhưng thật đáng trân trọng và yêu quý, bởi họ đã lăn lộn với cuộc sống thường ngày và tạo dựng được nền móng cho các thế hệ KTS sau này. Tôi nhớ năm cuối thập kỷ 80, những năm đầu 90, cả Công ty hầu như gác bút. Các KTS, kỹ sư và các kỹ thuật viên, anh em khảo sát… phải tổ chức đóng gạch men lát nền, tự tổ chức làm mành trúc (rèm cửa). Sản phẩm bán đi lấy tiền trang trải cuộc sống. Những người hàng ngày thọc chân dưới gầm bàn làm bạn với bút chì đen mà nay phải sắn ống tay, lộn ống quần, chân tay lóng ngóng, anh nọ chỉ huy anh kia… Họ đã lặng lẽ gắn bó, tâm huyết với nghề, cống hiến cả cuộc đời, kiến tạo bộ mặt đô thị Thái Nguyên như thế.

…Thế rồi mọi thứ cũng qua đi, đất nước đổi thay và phát triển. Những người cầm bút tư duy bởi những đường thẳng, đường cong tạo nên những ngôi nhà cao thấp khác nhau. Các thế hệ KTS kế tiếp đã có dịp phóng tay theo nhiều ý tưởng mới mẻ…, tiếp nối sự nghiệp kiến thiết, làm đẹp cho công chúng yêu nghệ thuật kiến trúc. Những KTS yêu nghề như Nguyễn Văn Cường, Đỗ Thế Nghiệp, Triệu Văn Trọng, Đỗ Quang, Nguyễn Thị Liên, Vũ Đình Ấm… đã có nhiều đóng góp về quy hoạch và kiến trúc hiện hữu tại tỉnh Thái Nguyên.

Ngày nay lớp các KTS trẻ tuổi đời, trẻ tuổi nghề, có cơ hội nắm bắt về khoa học công nghệ cao, tin rằng sẽ có nhiều sản phẩm đẹp và có giá trị, những tác phẩm kiến trúc xứng tầm hội nhập trong nước và khu vực.

 

KTS. Mã Sôi

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy