Một sinh vật không thể tự vệ
VNTN - Bất chấp cơn đau gút tấn công trong đêm và sự mệt mỏi đáng ngại do bệnh gây ra, Kistunov đi làm buổi sáng và bắt đầu gặp khách hàng của nhà băng và những người đến khiếu nại đúng giờ. Ông có vẻ lừ đừ và mệt, và nói bằng giọng yếu ớt như tiếng thì thào, cứ như ông đang chết.
“Tôi có thể làm gì cho bà?”, ông hỏi một quý bà mặc măng tô lỗi thời, có cái lưng trông cực kỳ giống lưng một con bọ rùa.
“Thưa ngài,” quý bà đến khiếu nại bắt đầu, nói nhanh, “ông Shtchukin chồng tôi, là người định giá tài sản của trường đại học, đã bệnh năm tháng, và trong khi ông ấy nằm nhà, xin ông thứ lỗi, ông ấy bị sa thải không lý do, thưa ông; và khi tôi đến hỏi lương của ông ấy thì họ khấu trừ hai mươi bốn rúp ba mươi sáu cô pếch từ lương của ông ấy, ông tin được không?
'Trừ vì lý do gì?', tôi hỏi.
'Ông ấy đã vay quỹ câu lạc bộ,' họ bảo tôi, 'và những người nhân viên khác đã đứng bảo lãnh cho ông ấy.' Sao lại thế? Sao ông ấy lại vay tiền mà không có sự đồng ý của tôi? Thưa ngài, không thể nào như thế. Lý do gì cho chuyện vay mượn này? Tôi là một người phụ nữ nghèo, tôi kiếm sống bằng cách cho người ở trọ. Tôi là một người phụ nữ yếu đuối, không thể tự vệ... Tôi phải chịu đựng sự bạc đãi của mọi người và chưa hề nghe được một lời tử tế…”
Quý bà khiếu nại hấp háy mắt, và cho tay vào áo măng tô để lấy khăn tay. Kistunov lấy đơn khiếu nại của bà ta và bắt đầu xem.
“Xin lỗi bà, đơn gì thế này?”, ông hỏi, và nhún vai. “Tôi không hiểu gì. Rõ là bà đã đến sai chỗ, bà ạ. Đơn khiếu nại của bà không liên quan gì đến chúng tôi cả. Bà sẽ phải nộp đơn ở nơi thuê ông nhà làm việc.”
“Sao lại thế, thưa ngài, tôi đã đến năm chỗ rồi, và họ - không chỗ nào nhận đơn của tôi,” bà Shtchukin nói. “Tôi đã quẫn trí, nhưng tạ ơn Chúa - Chúa phù hộ cho ông ấy về việc này - con rể tôi là Boris Matveyitch, khuyên tôi đến gặp ngài. 'Mẹ đến gặp ngài Kistunov đi: ông ấy là người có thế lực, ông ấy có thể làm bất kỳ chuyện gì cho mẹ…' Xin giúp tôi, thưa ngài!”
“Chúng tôi không thể làm gì cho bà được, bà Shtchukin ạ. Bà phải hiểu: chồng bà phục vụ trong Ban Quân y và tổ chức tư nhân của chúng tôi đơn thuần hoạt động thương mại, là một nhà ngân hàng. Chắc chắn là bà phải hiểu điều đó!”
Kistunov nhún vai lần nữa và quay sang một người mặc quân phục, với gương mặt bực bội.
“Thưa ngài,” giọng của bà Shtchukin gợi lên lòng trắc ẩn, “tôi có giấy bác sĩ chứng nhận chồng tôi bị bệnh! Giấy đây, nếu ông muốn xem.”
“Rất tốt, tôi tin bà,” Kistunov khó chịu nói, “nhưng tôi nhắc lại là chúng tôi không làm gì được. Chuyện này thật lạ lùng! Chắc chắn chồng bà phải biết nơi bà đến nộp đơn chứ?”
“Ông ấy không biết gì, thưa ngài. Ông ấy cứ nói: 'Đây không phải là việc của bà! Bỏ đi!' - tôi chỉ nghe ông ấy nói thế thôi…Vậy thì việc này là của ai? Chính là tôi phải đảm trách!”
Kistunov lại quay sang bà Shtchukin và bắt đầu giải thích sự khác biệt giữa Ban Quân y và một ngân hàng tư nhân. Bà lắng nghe chăm chú, gật đầu đồng ý, và nói:
“Vâng... vâng… vâng… tôi hiểu, thưa ngài. Trong trường hợp đó, thưa ngài, bảo họ chi cho tôi ít nhất là mười lăm rúp! Tôi chấp nhận như vậy!”
“Đủ rồi!”, Kistunov thở dài, ngửa đầu về phía sau. “Không thể làm cho bà hiểu. Hãy hiểu rằng nộp một đơn khiếu nại như thế này cho chúng tôi thì cũng lạ lùng như gửi đơn khiếu nại về việc ly dị, ví dụ, cho một nhà hóa học hay cho Ban Phân tích kim loại. Bà đã không được họ chi trả lương đúng mức, nhưng chúng tôi phải làm gì với chuyện này?”
“Thưa ngài, hãy làm tôi nhớ đến ngài khi cầu nguyện trong những ngày còn lại của tôi, hãy thương cho một người phụ nữ cô độc,” bà Shtchukin nói như rên; “tôi là một người phụ nữ yếu đuối, không thể tự vệ... Tôi lo đến chết, tôi đã dàn xếp với những người ở trọ và thấy những chuyện lăng nhăng của chồng tôi và liên miên chăm lo việc nhà, và tuần này ngày nào tôi cũng đi nhà thờ, và con rể tôi thì thất nghiệp… tôi có thể không ăn không uống… tôi không thể đứng vững… tôi không ngủ được ban đêm…”
Kistunov thấy tim ông đập mạnh. Với vẻ mặt đau khổ, tay áp lên ngực, ông lại bắt đầu giải thích cho bà Shtchukin, nhưng giọng ông yếu xìu.
“Không, xin thứ lỗi, tôi không thể nói chuyện với bà được nữa.”, ông vẫy tay nói. “Đầu tôi quay mòng mòng. Bà đang gây trở ngại cho chúng tôi và làm lãng phí thời gian của bà. Đủ rồi! Alexey Nikolaitch,” ông gọi một nhân viên của ông, “anh làm ơn giải thích cho bà Shtchukin nhé?”
Kistunov, bỏ qua những người khiếu nại khác, đi vào phòng riêng và ký khoảng chục văn bản trong khi Alexey Nikolaitch vẫn làm việc với bà Shtchukin. Ngồi trong phòng mình Kistunov nghe hai giọng nói: giọng trầm trầm đơn điệu, kiềm nén của Aleixey Nikolaitch và giọng lanh lảnh, rên rỉ của bà Shtchukin.
“Tôi là một phụ nữ yếu đuối, không thể tự vệ, tôi là một phụ nữ kém sức khỏe,” bà Shtchukin nói. “Trông tôi khỏe mạnh, nhưng nếu anh kiểm tra thì thấy không có một cơ quan nào khỏe mạnh nơi tôi. Tôi khó đứng vững, và không còn thèm ăn… Tôi uống tách cà phê sáng nay mà không thích thú gì…”
Alexey Nikolaitch giải thích cho bà ta sự khác biệt giữa các ban bệ và hệ thống phức tạp trong việc gửi các hồ sơ. Anh sớm cảm thấy mệt, và chỗ của anh bị một nhân viên kế toán chiếm.
“Một phụ nữ khó chịu lạ lùng!”, Kistunov nói, chán ghét, lo âu bẻ đốt tay và liên tục đi đến chỗ bình đựng nước uống. “Bà ta là một người dốt đặc! Bà ta đã làm mình kiệt sức và sẽ làm kiệt sức họ, sinh vật khó chịu này! Đủ rồi!... Tim mình đang đập rộn lên.”
Nửa giờ sau chuông phòng của ông reo. Alexey Nikolaitch xuất hiện.
“Sự việc ra sao rồi?”, Kistunov uể oải hỏi.
“Chúng tôi không thể làm bà ấy hiểu ra, Pyotr Alexandritch à! Chịu thua. Chúng tôi nói một đường bà ấy nói một nẻo.”
“Tôi… tôi không chịu nổi giọng nói của bà ấy… tôi bệnh mà… không thể chịu nổi.”
“Pyotr Alexandritch, gọi người gác cổng, lôi bà ấy ra ngoài.”
“Không, không!”, Kistunov giọng cảnh báo. “Bà ấy sẽ ré lên, và tòa nhà này có nhiều phòng, và có trời mới biết họ sẽ nghĩ gì về chúng ta… Cố gắng giải thích cho bà ấy, bạn ạ.”
Một phút sau lại nghe thấy giọng trầm trầm của Alexey Nikolaitch vang lên. Mười lăm phút trôi qua, và thay cho giọng trầm của anh ta là tiếng nam cao khỏe khoắn của người kế toán.
“Người đàn bà này cực kỳ quái đản”, Kistunov căm phẫn nghĩ, bồn chồn nhún vai. “Não không bằng con cừu. Mình tin rằng lại một cơn đau gút nữa… Chứng đau tiền đình của mình đang trở lại…”
Trong phòng kế bên Alexey Nikolaitch, đang bế tắc, cuối cùng gõ ngón tay lên bàn và rồi gõ ngón tay lên trán.
“Sự thực của vấn đề là bà không có đầu trên vai”, anh nói.
“Nè, nè!”, bà ta gây. “Về mà nói với vợ anh như thế nhé… Anh ăn nói bừa bãi! Đừng có ăn nói tùy tiện nhé.”
Và nhìn bà ta với sự giận dữ, như thể anh sẽ nuốt sống bà, Alexey Nikolaitch nói bằng giọng điềm tĩnh, kiềm chế:
“Bà đi về đi.”
“Nói gì?”, bà Shtchukin ré lên. “Anh dám nói thế à? Tôi là một phụ nữ yếu đuối, không thể tự vệ; tôi sẽ không cam chịu. Chồng tôi là người giám định giá của trường đại học. Anh ăn nói bừa bãi. Tôi sẽ đi gặp ông Dimitri Karlitch, luật sư, và các anh sẽ không còn gì! Tôi đã dùng luật với ba người thuê nhà, và tôi sẽ làm cho các anh quỳ mọp dưới chân tôi vì những lời hỗn xược của anh. Tôi sẽ gặp Tổng Giám đốc của các anh. Thưa ngài, thưa ngài!”
“Cứ đi, bà quấy rầy,” Alexey Nikolaitch nói như thêm dầu vào lửa.
Kistunov mở cửa phòng ông nhìn vào văn phòng.
“Chuyện gì thế?”, ông hỏi bằng giọng thiểu não.
Bà Shtchukin, mặt đỏ như cua, đang đứng giữa phòng, trợn mắt và chỉa ngón tay lên trời. Mấy nhân viên nhà băng đứng quanh đó mặt cũng đỏ, và, bị quấy rầy hiển nhiên, đang nhìn nhau một cách bực bội.
“Thưa ngài,” bà Shtchukin ré lên, lao tới chỗ Kistunov. “Đây, anh này, anh ta đây… người đàn ông này…”, bà chỉ Alexey Nikolaitch, “tự gõ tay lên trán rồi gõ lên bàn… Ông bảo anh ta giải quyết trường hợp của tôi, mà anh ta lại giễu cợt tôi! Tôi là một phụ nữ yếu đuối, không thể tự vệ… Chồng tôi là giám định viên tài sản của trường đại học, còn chính tôi là con gái của một thiếu tá.”
“Rất tốt, thưa bà,” Kistunov nói như rên. “Tôi sẽ giải quyết… tôi sẽ tiến hành từng bước sau… Bà về đi!”
“Và khi nào thì tôi lấy được tiền, thưa ngài? Tôi cần tiền hôm nay!”
Kistunov đưa bàn tay run run lau trán, hổn hển thở, và lại bắt đầu giải thích.
“Bà ơi, tôi đã nói với bà rồi đây là một nhà ngân hàng, một tổ chức thương mại tư nhân… Bà muốn gì nơi chúng tôi? Và bà hãy hiểu rằng bà đang quấy rầy chúng tôi.”
Bà Shtchukin lắng nghe và thở dài.
“Chắc là vậy, chắc là vậy,” bà đồng thuận. “Chỉ có điều, thưa ngài, xin tử tế với tôi, để tôi cầu nguyện cho ngài suốt những ngày còn lại của đời tôi, hãy là một người cha, hãy bảo vệ tôi! Nếu giấy chứng nhận y khoa không là đủ thì tôi có thể đưa thêm một tờ khai từ cảnh sát… Bảo họ chi tiền cho tôi.”
Mọi thứ bắt đầu chao đảo trước mắt của Kistunov. Ông thở hắt không khí từ buồng phổi ra bằng một hơi dài và tuyệt vọng thả mình xuống một chiếc ghế.
“Bà muốn có bao nhiêu?”, ông hỏi bằng giọng yếu ớt.
“Hai mươi bốn rúp và ba mươi sáu cô pếch.”
Kistunov rút ví trong túi ra, lấy một tờ hai mươi lăm rúp đưa cho bà Schtchukin.
“Cầm lấy và… đi đi!”
Bà Shtchukin gói tiền vào khăn tay, cất đi, và trên gương mặt của bà nở một nụ cười dịu dàng, màu mè, thậm chí là đỏm dáng, hỏi:
“Thưa ngài, liệu ngài có thể cho chồng tôi một vị trí công tác được không ạ?”
“Tôi sẽ… tôi đang bệnh…”, Kistunov nói bằng giọng mệt lử. “Tôi có bệnh tim mạch trầm trọng”.
Khi ông đã lái xe về nhà, Alexey Nikolaitch bảo Nikita lấy rượu nguyệt quế, và, sau khi mỗi người uống hai mươi giọt, tất cả các nhân viên bắt tay làm việc, trong khi đó bà Shtchukin còn nán lại thêm hai giờ ở tiền sảnh, nói chuyện với người gác cổng và đợi Kistunov trở lại…
Bà lại đến ngân hàng ngày hôm sau.
Truyện ngắn. Anton Chekhov (Nga)
Võ Hoàng Minh (dịch)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...