Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
12:51 (GMT +7)

Một lớp người tài hoa, tinh anh của Mỹ thuật Thái Nguyên

Một lớp người tài hoa, tinh anh của Mỹ thuật Thái Nguyên

VNTN - Ngày đầu thành lập (1987), Chi hội Mỹ thuật Thái Nguyên có tám hội viên, bảy họa sỹ (Dương Thị Nội, Lê Như Hạnh, Đỗ Tố, Nguyễn Văn Chính, Đặng Cử, Tuấn Vinh, Nguyễn Thế Hòa), và một nhà điêu khắc (Hứa Tử Hoài). Họ là lớp tiền bối, những người có công tạo tiền đề cho Chi hội Mỹ thuật phát triển như ngày nay. Họa sĩ Dương Thị Nội, Đặng Cử, Trần Tuấn Vinh, Đỗ Tố và nhà điêu khắc Hứa Tử Hoài đã rời cõi tạm, song những dấu ấn của con người và sự nghiệp, mãi còn được hậu sinh nhắc nhớ.

Thời kỳ bao cấp, cả tỉnh Bắc Thái (tên gọi cũ) không có cửa hàng nào bán họa phẩm. Các họa sĩ hầu hết phải xuống Hà Nội mua. Ở Hà Nội lúc đó cũng chỉ có một vài cửa hàng, rải rác ở Hàng Ngang, Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm bây giờ). Họa phẩm thiếu thốn nên tranh vẽ cũng đơn giản, nhỏ gọn, phổ biến khuôn khổ 60 x 80 cm, hoặc 73 x 92 cm, còn lớn hơn thì rất hiếm hoi. Khó khăn là vậy, nhưng sức sáng tạo vẫn không ngừng tuôn chảy. Vừa đảm nhiệm việc truyền thụ tri thức, kinh nghiệm - đào tạo thế hệ họa sĩ cho khu vực Việt Bắc, vừa sáng tác, nuôi dưỡng phong trào mỹ thuật cho tỉnh. Ngay trong năm 1987, một triển lãm nhóm họa sĩ Bắc Thái đầu tiên đã ra mắt công chúng, được tổ chức long trọng tại Công ty Hội chợ - Triển lãm Bắc Thái (Nhà Thi đấu thể thao hiện nay).

Năm 1995, Triển lãm Mỹ thuật khu vực III, Tây Bắc - Việt Bắc lần thứ nhất được tổ chức tại Thái Nguyên. Khi đó, việc tổ chức cũng đơn giản, gọn nhẹ, chỉ có vài chục bức tranh, chưa đông đủ các gương mặt họa sĩ của các tỉnh Tây Bắc - Việt Bắc như bây giờ. Tranh được trưng bày tại khu nhà cấp bốn của Trung tâm Văn hóa tỉnh. Dù người đến thưởng lãm chưa nhiều, song hoạt động đó cũng đã mở ra, tiếp thêm  “lửa” cho người làm nghề. Và dù hạn chế về vật liệu nhưng năm nào các họa sĩ cũng có tác phẩm mới. Lớp hậu sinh như tôi khi đó chưa hiểu rõ về tổ chức Hội, cũng chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc với các họa sĩ, với triển lãm, nhưng thỉnh thoảng được gặp gỡ, được xem tranh, chỉ “lảng vảng” vòng ngoài mà cảm thấy thích thú, lại nuôi ước mơ, mong sao sớm có ngày được sống chung trong “làng họa sĩ”.

Khi về công tác tại trường Sư phạm 10+2 Bắc Cạn, tôi được gặp cô giáo, họa sĩ Dương Thị Nội. Bà rất có uy tín không chỉ trong việc giáo dục - đào tạo ở trường Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, mà trong cả công tác hội viên. Gần mười năm là Chi hội trưởng, bà luôn quan tâm đến anh em họa sĩ, luôn tạo những điều kiện tốt nhất để hội viên sáng tác. Bà hay mời các họa sĩ đến nhà xem tranh và tọa đàm - trao đổi, bày tỏ ý tưởng. Bà đã truyền thụ, giúp tôi nhận thức được nguyên tắc trong nghề nghiệp, đức tính thẳng thắn - kiên trì - tự tin, và điều quan trọng nhất đó là phải thường xuyên luyện bút.

“Bản Nản” (tranh lụa) của họa sĩ Dương Thị Nội.

Qua đời ở tuổi 51 (1947 - 1998), khi còn nhiều tác phẩm đang dang dở. Gia tài của bà để lại khoảng hơn 200 tác phẩm lớn nhỏ, chủ yếu là chất liệu lụa, bột màu, màu nước, hơn chục tranh sơn mài; đậm đặc sáng tác về đề tài dân dộc miền núi như: “Tin khau ngào”, lụa, (60 x 80 cm), 1982; “Bản Nản”, lụa, (40 x 60 cm), 1992; “Mùa xuân trên núi Đôi”, lụa, (40 x 60 cm), 1993; “Chợ vùng cao”, lụa (40 x 60 cm), 1993; “Hội Lùng tùng”, sơn mài, (100 x 120 cm), 1994; “Đập lúa”, sơn mài, (100 x 120 cm), 1995;…

Hầu hết các tác phẩm đã được giới thiệu với công chúng tại triển lãm nhóm ở Hà Nội; triển lãm trong tỉnh; triển lãm toàn quốc (1995) và triển lãm khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc (1995). Do có nhiều thành tích trong sáng tác Văn học nghệ thuật, họa sĩ đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huy chương vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam; giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam; giải thưởng Hội VHNT tỉnh Bắc Thái (cũ).

Được ví như một “viên ngọc”, Nhà điêu khắc Hứa Tử Hoài (1942 - 2008) là nhà điêu khắc duy nhất của làng mỹ thuật Thái Nguyên. Năm 38 tuổi (1980), ông đã là hội viên ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật Việt Nam. Trong quá trình công tác, Hứa Tử Hoài đã được tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.

“Hình tượng văn hóa Việt Nam”

(phác thảo, Hứa Tử Hoài)

Với bản tính cần cù, chịu khó, hiền lành ít nói của chàng trai xứ Lạng, sinh thời ông được nhiều người biết đến với những tác phẩm: "Bác Hồ với thiếu nhi vùng cao" - tượng xi măng, cao 200 cm, sáng tác từ năm 1990 - 1996; "Bên bếp lửa" - gỗ, cao 60 cm, (1985); "Tuổi thơ"- tượng gỗ, cao 40 cm; "Bi hùng"- tượng gỗ, cao 120cm, (1990); "Sloong sli"- tượng gỗ, cao 60cm, (1983); "Ác mộng" - tượng gỗ, cao 140 cm, (1996).

Sáng tạo trên chất liệu gỗ cùng với bố cục chặt chẽ, tình cảm, dung dị với các hình khối chắt lọc, căng nở và ngôn ngữ tạo hình riêng biệt tràn đầy cảm xúc, có sự truyền cảm…, Hứa Tử Hoài luôn được đánh giá cao đối với nền điêu khắc hiện đại Việt Nam. Người con dân tộc Nùng ấy rất vinh dự là người dân tộc thiểu số đầu tiên được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Ông ra đi ở tuổi 66, để lại đằng sau bao nuối tiếc, bao kế hoạch dự định dở dang mà không có người kế thừa. Bởi thế cho nên gần mười năm nay, Chi hội Mỹ thuật Thái Nguyên vẫn thiếu vắng ngành điêu khắc.

Thầy giáo - họa sĩ Tuấn Vinh (1959 - 2004), quê Hà Nam, nguyên là giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Việt Bắc. Ông là thạc sĩ ngành mỹ thuật đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên. Đảm nhận vai trò Chi hội trưởng, ông đã đem tài hoa, đam mê và tình yêu nghệ thuật mãnh liệt của mình “truyền lửa” đến nhiều họa sĩ trẻ.

Nhớ năm đó (1998), gần đến ngày khai mạc Triển lãm khu vực III lần thứ IV, tổ chức tại Thái Nguyên, Tuấn Vinh đến tận nhà các họa sĩ thông báo chuẩn bị tranh tham dự. Với tác phẩm “Đồi cọ” (lụa), lần đầu tiên (khi chưa là hội viên), tôi có tác phẩm ra mắt công chúng. Cùng với đó, các họa sĩ trẻ cùng thời với tôi như Lê Thái, Nguyễn Lộc… cũng đã có những tác phẩm được ghi danh trong danh sách triển lãm. Năm 2001 nhóm mấy người chúng tôi được kết nạp hội viên mới. Tuấn Vinh đến tận nhà trao Quyết định, nhưng phát hiện ghi sai nơi công tác, ông lấy bút bi đỏ chữa ngay, dễ dàng như không, khiến tôi rất xúc động.

Trong sự nghiệp đã qua, thầy giáo - họa sĩ Tuấn Vinh để lại những tác phẩm đầy ấn tượng như: “Bác Hồ thăm Khu Gang thép Thái Nguyên”, Sơn dầu, 1998, đoạt giải Nhì Triển lãm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc - Việt  Bắc năm 1998. “Thiếu nữ Dao”, sơn dầu, 1999; “Thiếu nữ Tày”, sơn dầu, 1999; “Vết tích chiến tranh”, sơn dầu, 2000.

Tác phẩm “Bác Hồ thăm khu Gang thép Thái Nguyên”

(sơn dầu  - 1998) của cố họa sĩ Tuấn Vinh

Khác với Tuấn Vinh, họa sĩ Đặng Cử (1945 - 2004) có lối tư duy nghệ thuật rất riêng và cá tính. Sinh thời ông luôn nói với đồng nghiệp “tớ vẽ để thỏa lòng đam mê, thích là theo đến cùng”.

Còn nhớ Triển lãm khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc lần thứ VI tổ chức tại Sơn La (2000). Đường thì xa, Thái Nguyên lúc đó lại chưa có xe chạy tuyến ấy, thành ra ít người đi được. Vốn thích ngao du nên tôi và Đặng Cử rủ nhau quyết tâm đi dự. Chúng tôi xuống bến xe Thanh Xuân Bắc (Hà Nội) từ chiều hôm trước để kịp đi chuyến Sơn La lúc 4 giờ sáng hôm sau. Tối ở Sơn La, qua thông tin “rò rỉ” từ thành viên nào đó, Đặng Cử biết mình đoạt giải C với tranh khắc gỗ “Sau diễn tập”, tác phẩm ông vừa thử nghiệm in trên giấy đen. Bữa tối vì vui nên rượu quá tầm, về phòng nghỉ là lăn ra ngủ để nguyên cả giầy, đến 3 giờ sáng hôm sau thì lục đục kéo tôi dậy uống trà để… dốc bầu tâm sự.

Tác phẩm “Sau diễn tập” (khắc gỗ - 2000) của họa sĩ Đặng Cử

Hoạ sỹ Đặng Cử là người nỗ lực bươn chải để sống bằng nghề, giữ lấy nghiệp. Sự đam mê mỹ thuật đó giúp ông đạt được những thành công nhất định. Ông đoạt giải Nhì Cuộc thi tranh công nhân toàn quốc (1984); giải Nhì, Hội Mỹ thuật tỉnh Thái Nguyên (1986); giải Ba, Triển lãm mỹ thuật khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc (2000); giải Ba, Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên (1997- 2001).

***

Tính đến nay, đội ngũ hội viên của chúng ta khá mạnh cả về số lượng và chất lượng với tổng số gần 40 người, trong đó chiếm một phần ba họa sĩ là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nghĩ về chặng đường 30 năm phát triển của Chi hội Mỹ thuật nói riêng, chưa dài những cũng chẳng ngắn, thời gian ấy hẳn cũng đủ để các họa sĩ có thời gian trải nghiệm, có nhiều những bài học, kinh nghiệm lĩnh hội từ các bậc tiền bối; tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống mỹ thuật Thái Nguyên trong những năm qua. Hy vọng rằng đội ngũ họa sĩ Thái Nguyên đương thời sẽ tích cực - sáng tạo hơn nữa để có thêm những tác phẩm lớn, gắn liền với đời sống văn hóa địa phương và cả nước. Góp phần làm cho nền mỹ thuật tỉnh nhà tươi sáng hơn - phục vụ được đông đảo công chúng, đáp ứng được công cuộc đổi mới xây dựng đất nước hiện nay.

 

Gia Bảy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy