Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
04:18 (GMT +7)

Một cuộc thi khép lại, một hành trình sáng tạo mới sẽ mở ra

(Phát biểu của nhà thơ Trần Hữu Việt, Trưởng ban Chung khảo Cuộc thi thơ “Sống và Hy vọng”. Tên bài do Tòa soạn đặt)

 Kính thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam

Kính thưa đồng chí Vũ Duy Hoàng, ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban TG tỉnh ủy Thái Nguyên,

Thưa nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT Thái Nguyên

Thưa các nhà thơ, nhà văn, và các bạn!

Tôi rất vinh dự được thay mặt Ban Chung khảo nói đôi lời về cuộc thi thơ Sống và hy vọng.

Theo quan niệm của tôi, người viết văn, làm thơ nghĩ cho cùng là một người kể chuyện. Chúng ta viết khi chúng ta muốn nói một cái gì đó, chia sẻ một điều gì đó nung nấu trong lòng và không thể không nói ra với một ai đó, cho dù người ấy có thể là chính chúng ta.

Nhưng có sự khác nhau cơ bản về cách kể chuyện của thơ ca so với văn xuôi. Với thơ cốt truyện đã được giấu đi, được tàng hình hay hóa thân trong những rung động của cảm xúc và trí lự của người viết thông qua sự ảo diệu của ngôn từ.

Một bài thơ ra đời như một sản phẩm hoàn chỉnh của sáng tạo, nghĩ cho cùng cũng không nằm ngoài ýtứ. Một bài thơ nếu không có ý tứ chỉ là những câu văn vần rời rạc. Có ý mà không có tứ thì câu thơ vụng về, thiếu đi sự truyền cảm, đôi khi phản cảm, giống như nghe một bài hát hay bị hát sai nhạc. Còn có tứ mà không có ý hoặc không có đủ ý thì lại như trong một trận bóng đá, đội có lợi thế hơn người mà không thể ghi bàn vào lưới đối phương. Chỉ khi ýtứ đủ đầy, mênh mênh mang mang, ngày đêm tơ tưởng, quấn quýt không rời, thì lúc ấy mới có cơ may để một bài thơ hoàn chỉnh xuất hiện. Nhưng thế thôi vẫn chưa đủ, phải nói như nhà thơ Thạch Quỳ: khi trong anh có lời, có ý rồi còn phải có thêm cái gì cựa quậy muốn nói, muốn hét lên và bật ra thành âm điệu, tư thế, độ vang vọng thì đó mới là sáng tạo.

Thưa quý vị và các bạn,

Hơn hai năm qua, phần lớn nhân loại trong đó có chúng ta đã phải trải qua những ngày tháng phấp phỏng, lo âu, hoảng hốt thậm chí tuyệt vọng… để cuối cùng nhận ra, rằng cuộc sống vẫn tiếp diễn cho dù nhiều biên giới đóng cửa, những khu cách ly dựng lên ở khắp nơi và những người khốn khổ vật lộn với bệnh tật với sinh tử. Chừng nào trái đất vẫn còn quay thì con người vẫn phải tiếp tục sống, cho dù những điều tồi tệ đang đe dọa tiêu diệt sự sống của con người. Nhưng đã sống thì đó không phải cuộc sống nhẫn nhịn, cam chịu, chờ đợi một phép mầu sẽ đến, mà đó phải là cuộc vật lộn kiên cường, can đảm đối mặt với thực tại, nhìn thẳng vào nó khiêm nhường hay ngạo nghễ, để tiếp tục tiến về phía trước cho dù có thể thất bại nhưng không thể bị đánh bại. Đó chính là sống với một niềm tin mãnh liệt rằng những gì chúng ta đã làm, đang làm, sẽ làm ngày hôm nay và ngày mai sẽ không phí hoài, có lẽ đó là lý do BTC đã lựa chọn chủ đề cuộc thi thơ là “Sống và hy vọng”.

Được sự tin cậy của Ban Tổ chức cuộc thi, chúng tôi đã đọc rất kỹ 35 tác giả được lựa chọn vào vòng chung khảo. Ưu điểm nổi bật là các bài thơ đều bám sát chủ đề của cuộc thi, trong đó đa số các bài thơ viết về cuộc sống, thân phận con người, những thử thách khắc nghiệt trong đại dịch COVID-19, đè nặng lên mỗi gia đình, tác động sâu sắc tới đời sống xã hội.

Chúng ta có thể nhận thấy trong nhiều bài thơ thấp thoáng những câu chuyện, phận người đã xuất hiện trong các bản tin thời sự hằng ngày trên TV, báo chí, mạng xã hội… Đó là những cuộc trở về (hay đào thoát?) vĩ đại của những người lao động nghèo rời khỏi thành phố trong Hồi hương của Lữ Mai, Lưu dân  của Nguyễn Đức Hậu, Thiên sứ của Nguyễn Văn Song, Chào con đến cõi nhọc nhằn của Đinh Hạ… hay những chuyến xe giải cứu hàng trăm trẻ em khỏi vùng tâm dịch trong Góc lều bạt gió và chuyến xe dài nhất cuộc đời của Ngô Bá Hòa. Bên cạnh đó là những bài thơ bày tỏ sự biết ơn và khâm phục với các bác sĩ và tình nguyện viên tham gia chống dịch quên mình trong Chốt làng, trong Với yêu thương ai chọn chỗ cho mình của Ngọc Tuấn. Khó khăn của cuộc sống không chỉ đến từ đại dịch mà còn hiện lên ở những thân phận nhỏ bé, nghèo khó như trong Vào bệnh viện chăm chồng của Nguyễn Chí Diễn; hay trong Mẹ quê và phố, trong Đốt thời gian của Nguyễn Văn Biên. Các tác giả này đã có những câu thơ cảm động về những người vợ, người mẹ, những phụ nữ làm nên niềm cảm hứng bất tận của thi ca.

Cũng với tinh thần lạc quan và niềm tin của mình, nhà thơ Trần Vạn Giã lại chọn góc nhìn “hậu Covid” qua bài thơ vạm vỡ mang cảm hứng lịch sử Sự tái tạo đất nâu sau mùa ôn dịch.

Điều đáng mừng là nội hàm Sống và hy vọng còn được các tác giả dự thi tiếp cận ở góc độ rộng hơn, đa chiều hơn. Nhà sàn và Đời sông của Lương Mỹ Hạnh là những suy ngẫm về thiên nhiên, đời sống, phận người với những thi ảnh đẹp và chiêm nghiệm khá sâu sắc. Cánh đồng biết hát của Hoàng Thị Hiền mang âm hưởng của ca dao về sự tuần hoàn của đời sống đậm chất Á đông. Quyên Gavoye khi Nói với con về những vì sao là một trò chuyện về điều con người ta vẫn mãi đi tìm cả từ góc độ vật chất lẫn phi vật chất về nguồn gốc của sự sống, để thấu hiểu sự trao truyền, giao cảm ấm áp giữa hai thế giới này. Thiên đường mây của Ngô Bá Hòa là vẻ đẹp thiên nhiên có phần day dứt; Vắng của Trương Thị Bách Mỵ lại mang nỗi bồi hồi ký ức về những gì đã qua không bao giờ trở lại của đời sống, nhưng để lại ám ảnh khôn nguôi.

Tuy nhiên, Ban Chung khảo cũng nhận ra, chính tính thời sự của chủ đề cuộc thi đã khiến khá nhiều tác giả bị phụ thuộc vào từng đề tài, câu chuyện cụ thể. Chỉ những tác giả thoát ra khỏi sự ràng buộc đó thì mới chạm đến được rung động thẩm mĩ của người đọc.

Trong số này tôi muốn nhắc đến Lữ Mai, một nhà thơ trẻ có nhiều thành tựu, là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, với chùm thơ ba bài Hồi hương, Thư gửi mẹ từ chốt trựcHồi sinh cùng tác giả Lương Mỹ Hạnh với hai bài thơ Đời sôngNhà sàn vừa bám sát chủ đề cuộc thi vừa thoát khỏi ràng buộc của chủ đề bằng sự vững vàng về cấu tứ, chặt chẽ, nghiêm cẩn về nghề nghiệp, phong phú về cảm xúc với nhiều thi ảnh đẹp. Bên cạnh đó các tác giả Trần Vạn Giã, Ngô Bá Hòa, Nguyễn Văn Song, Nguyễn Văn Biên, Nông Ngọc Mạnh, Nguyễn Chí Diễn… và nhiều tác giả nữa cũng đã để lại rất nhiều thiện cảm cho Ban Chung Khảo.

Một cuộc thi khép lại, nhưng một hành trình sáng tạo mới sẽ mở ra với cả những người được giải và người tham gia thi chưa được giải, đây mới thật sự là chiến thắng của thi ca.

Thưa quý vị,

Gần 30 năm trước, tôi đến Thái Nguyên với tư cách một người làm thơ trẻ cùng nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn, Nguyễn Trọng Hoàn, nhà phê bình văn học Vũ Nho (anh Vũ Nho từng có nhiều năm làm công tác giảng dạy ở Thái Nguyên). Chúng tôi đã tọa đàm và đọc thơ với các sinh viên trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên. Tôi vẫn nhớ rõ cảm giác hoang mang sung sướng và rạo rực khi nghe những câu thơ cất lên. Tôi đọc thơ mà không dám nhìn xuống phía dưới sân khấu vì sợ mình quên lời, bởi dưới đó lấp lánh những ánh mắt, gương mặt của các bạn trẻ, và đặc biệt, có rất nhiều thiếu nữ xinh đẹp mà có lẽ bây giờ đã trở thành những người mẹ, người bà. Cho dù sau này tôi nhiều lần đến Thái Nguyên với tư cách một người làm báo, một khách du lịch hoặc đơn giản là một người qua đường thì tôi cũng không bao giờ tìm lại được cảm giác đó. Bây giờ, các nhà thơ tôi cùng đi ngày ấy đã đều vượt xa ngưỡng thất thập cổ lai hy, trong đó nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn đã rời xa dương thế, còn tôi cũng đã là một người làm thơ luống tuổi, đôi khi thấy mệt mỏi trước trang giấy trắng…

Nhưng hôm nay, đứng ở đây, tham dự đêm thơ Nguyên Tiêu Nhâm Dần, tôi bỗng thấy mình trẻ lại, được sống lại những năm tháng xa xôi với cảm xúc rạo rực tuyệt vời. Và tôi chợt nhận ra rằng, chính thi ca với sức quyến rũ phi thường vượt thời gian, vượt mọi giới hạn khắc nghiệt của đời sống để đưa tôi và tất cả chúng ta trở về ngày xưa. Để chúng ta được lạc quan sống và hy vọng.

Xin cảm ơn Thái Nguyên, cảm ơn Ban Tổ chức cuộc thi và chúc mừng các tác giả!

"Sống và hy vọng" - Cuộc thi chạm tới trái tim độc giả

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy