Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
11:02 (GMT +7)

Một câu chuyện kì lạ

Akutagawa (sinh năm 1892, tự sát năm 1927) là nhà văn cận đại Nhật Bản nổi tiếng với thể loại truyện ngắn, là thủ lĩnh của văn phái Tân hiện thực Nhật Bản, một khuynh hướng dung hòa được những tinh hoa lý trí của chủ nghĩa tự nhiên và sắc màu lãng mạn phóng túng của chủ nghĩa duy mỹ, thể hiện một phong cách riêng biệt hòa trộn giữa hiện thực và huyền ảo bằng bút pháp hoa mỹ mà súc tích.

Một buổi chiều mùa đông nọ, tôi ra ngoài đi dạo trên trục đường chính của quận Ginza với một người bạn cũ tên là Murakami.

“Cách đây không lâu tôi có nhận được thư từ Chieko”. Nó nói. Murakami vừa nói vừa nhớ lại cuộc nói chuyện với em gái mình sống ở thành phố Sasebo.

“Chieko ổn cả chứ?”

“Ừ, nó khá ổn được một thời gian rồi. Lần đó tới Tokyo nó đang bị suy nhược thần kinh ghê lắm… mà chắc cậu đã nghe chuyện đó rồi.”

“Ừ. Nhưng tôi không biết liệu đó là suy nhược thần kinh hay thứ gì khác nữa.”

“Ồ, cậu không chắc sao? Lúc Chieko đến tối hôm đó, cứ như nó mất trí rồi ấy. Nhưng khi tôi nghĩ nó sắp khóc thì nó lại bắt đầu cười to. Rồi khi tôi nghĩ nó sẽ cười thì… mà thôi, nó có một câu chuyện khá là kì lạ để kể cho tôi.”

“Một câu chuyện kì lạ à?”

Murakami chưa trả lời vội và đẩy mở cánh cửa kính của một tiệm cà phê. Rồi anh dẫn tôi vào trong và chúng tôi ngồi xuống bàn nhìn ra kẻ đến người đi của thế giới bên ngoài.

“Một câu chuyện kì lạ. Chắc là nó chưa kể cho cậu rồi. Nó kể tôi nghe thế này trước khi về lại Sasebo”

Minh họa: Đào Tuấn

Chắc cậu cũng biết là chồng Chieko ở châu Âu hồi chiến tranh và đóng quân gần Địa Trung Hải, anh ta là sĩ quan hành chính chính thức thuộc nhóm A. Nó tới gặp tôi trong thời gian anh ta ở đó khoảng vào cuối cuộc chiến. Chứng suy nhược thần kinh của nó đã nặng hơn. Có khả năng là vì thư của chồng nó bình thường tuần nào cũng tới thì lúc này lại không tới nữa mà không một lời báo trước.

Chieko chỉ mới kết hôn được có nửa năm trước khi chia tay chồng, thế nên nó lúc nào cũng trông ngóng số thư đó. Nó làm con bé đau khổ tới mức nếu tôi mà thử chọc nó một chút thôi thì chắc con bé sẽ trầm cảm mất.

Đúng vào khoảng thời gian đó, đúng rồi, chính là vào hôm đó ngày nghỉ lễ. Trời mưa cả ngày và buổi chiều lạnh tê tái. Chieko nói lần đầu tiên sau một thời gian dài nó sắp đi tới quận Kamagura. Nó nói là sẽ ra ngoài gặp một người bạn học giờ đã cưới một doanh nhân ở Kamagura. Tôi thì không nghĩ là nên bỏ công đi tới tận Kamagura trong trận mưa như trút này, thế nên vợ chồng tôi đều bảo nó chờ tới hôm sau hãy đi. Nhưng Chieko lại kiên quyết đi vào hôm đó dù mưa hay nắng. Vậy là nó giận dỗi bỏ đi, quả quyết rằng đó là điều nó sẽ làm.

Lúc bước ra khỏi cửa, nó bảo chúng tôi là chắc nó sẽ ở lại nhà bạn và hôm sau về. Chỉ lát sau nó đã trở lại, người ướt sũng và mặt mày tái mét. Nó nói nó đã đi từ nhà ga trung tâm tới tận ga ven sông trong mưa mà không cầm theo dù. Tôi hỏi sao nó làm một việc như thế và chuyện nó kể ra thật kì lạ.

Hẳn chuyện xảy ra khi con bé tới được ga trung tâm - mà chờ đã, chắc là ngay trước lúc đó một chút. Nó chỉ mới lên tàu nhưng toàn bộ ghế đều đã có người ngồi. Nó nắm lấy một cái tay cầm bằng da treo phía trên và nhìn ra mặt biển lặng ngoài cửa sổ. Nhưng chuyến tàu đó lại đi tới khu Jinbo-Town vậy nên không lí nào nó lại nhìn thấy biển được. Trong khoảng không sáng rõ bên trên những con đường giao thông đông đúc phía dưới nó có thể nhìn thấy sóng dâng lên. Nó nghĩ rằng mưa đang quất vào cửa sổ và đường chân trời trông mù mịt sẽ giải thích vì sao nó thấy sóng biển, nhưng có điều gì đó trong tâm trí Chieko vụt lóe lên ngay khoảnh khắc đó.

Lúc nó tới ga trung tâm, có một nhân viên nhà ga đội chiếc mũ đỏ đồng phục bất thình lình chào nó. “Chồng cô sao rồi?” anh ta hỏi. Thế cũng đủ lạ rồi nhưng chuyện thậm chí còn lạ lùng hơn nữa khi anh ta hỏi Chieko thế mà nó lại không hề cho đó là lạ. “Cảm ơn. Nhưng tôi cũng không rõ anh ấy ra sao nữa vì gần đây tôi không nghe tin gì từ anh ấy hết,” nó bảo người nhân viên đó. Rồi anh ta nói, “Vậy để tôi đi xem chồng cô ra sao nhé.” Chính câu đó khiến Chieko nhận ra lời người nhân viên đó nói thật là điên khùng. Anh ta cúi đầu chào nó thật nhanh và biến mất vào trong biển người ngay khi nó đang nghĩ gì đó để nói. Dù Chieko có ráng sức tìm người đàn ông đó tới cách mấy thì cũng không bao giờ gặp lại anh ta. Mà còn hơn cả việc không thể tìm ra anh ta ấy chứ, nó nói dù có chết nó cũng không nhớ ra được khuôn mặt anh ta trông ra sao; tất cả những nhân viên nhà ga đều có vẻ giống nhau cả. Chieko không biết chuyện gì đang xảy ra. Nó cảm thấy như đang bị mọi người xung quanh theo dõi. Không còn muốn đi Kamagura nữa, nó chỉ thấy là cần phải ra khỏi nhà ga. Thế nên nó mơ hồ lao ra khỏi đó mà không thèm bật dù lên và bị ướt sũng trong cơn mưa như trút.

Lúc nó kể chuyện này thì tôi nghĩ hẳn là do trạng thái thần kinh và nó đã mắc bệnh gì đó rồi. Liền một mạch ba ngày sau đó nó lên cơn sốt như nung và cứ lẩm bẩm, “xin hãy tha thứ cho em,” và “sao anh không về nhà?” như thể nó đang nói chuyện với chồng vậy. Nhưng sự trừng phạt dành cho nó vì cố đi Kamagura không dừng lại ở đó. Ngay cả khi đã hết bệnh, cứ nghe gì về nhân viên nhà ga là nó lại rầu rĩ suốt khoảng thời gian còn lại trong ngày và tôi chẳng cạy miệng nó nói được lời nào. Có một chuyện làm tôi thấy tức cười đó là khi nó nhìn thấy một bức ảnh chụp một nhân viên nhà ga đội mũ đỏ trên một tấm biển quảng cáo cho một công ty vận chuyển hàng hải, thế là nó về nhà ngay mà không đi tới chỗ nó đang đi tới nữa.

Chuyện này tiếp tục kéo dài được khoảng một tháng tới khi nỗi sợ nhân viên nhà ga và cái mũ đỏ của họ bắt đầu giảm bớt. “Này, có một nhân viên nhà ga có khuôn mặt giống con mèo trong cuốn tiểu thuyết đó của Kyoka Izumi phải không? Có khi do em đọc nó mà phát điên đấy,” Chieko vừa nói vậy với vợ tôi vừa cười to. Rồi một ngày nọ trong tháng ba, nó lại chạm trán với một nhân viên nhà ga. Từ đó tới khi chồng nó về, nó cũng không bao giờ tới nhà ga nữa, bất kể việc cần làm là gì. Thế nên nó không tới tiễn cậu đi Hàn Quốc đấy; nó sợ nhân viên nhà ga.

Mấy tuần sau, một người bạn của chồng nó vừa ở Mĩ về lần đầu sau hai năm. Chieko rời khỏi nhà vào sáng sớm để đi đón anh ta, nhưng cậu cũng biết đấy, khu phố của chúng tôi khá yên tĩnh nên hầu như không có ai trên phố lúc giữa trưa hết. Trên một con phố vắng vẻ ai đó đã đặt một cái chong chóng giấy hình bông hoa, loại mà bình thường thì chả ai thèm nghĩ tới nó lần thứ hai. Hôm đó trời đầy mây và có gió nên mấy cánh chong chóng màu mè quay điên cuồng. Chieko nói là chỉ cần nhìn vào thứ đó thôi cũng đủ làm nó thấy khó chịu, và khi nó quay lại nhìn dọc con phố thì thấy một người đàn ông đội mũ đỏ đang cúi mình xuống nhìn theo hướng đối diện. Đương nhiên đó sẽ là cái người bán chong chóng hay có lẽ chỉ là anh chàng nào đó đang hút thuốc. Nhưng khi nó nhìn thấy cái mũ đỏ đó, nó lại có cùng cái cảm giác kì lạ như lần trước, thế nên nó nghĩ mình nên đi khỏi đó. Nhưng không có gì xảy ra hết. Tới khi nó tới nhà ga.

Trong khi nó đang chen qua đám người trước cửa bán vé để đi đón bạn của chồng thì ai đó tới sau nó và nói, “chồng cô đã bị thương bên ngực phải nên cô không nhận được lá thư nào hết.” Chieko quay sang nhìn quanh nhưng không có nhân viên nhà ga hay bất kì ai khác đằng sau mình hết. Mà tôi chắc chắc là cậu có thể tưởng tượng được rằng ở đó chỉ toàn các sĩ quan hải quân và vợ họ thôi. Dĩ nhiên là không có lí nào mấy người đó lại tự dưng nói như thế với nó hết, mà cái điều giọng nói đó vừa nói cũng thật kì lạ. Nhưng dù sao thì hẳn nó cũng vui vì ít ra không có nhân viên nhà ga đội mũ đỏ nào xung quanh.

Từ chỗ đó nó đi qua các cửa như người ta và nhìn thấy bạn của chồng mình lúc anh ta đang đi từ lối vào tới một chiếc xe rồi leo lên. Lúc ấy, nó lại nghe thấy một giọng nói sau lưng mình nói rõ ràng là “cô ơi, chắc là chồng cô sẽ về nhà trong tháng tới.” Nó lại quay quanh nhìn xem đó là ai và lại cũng không thấy ai ngoài những người vợ đang vẫy tay chào chồng. Sau lưng nó không có ai hết, nhưng có vài nhân viên nhà ga phía trước mặt cách nó một quãng đang chất hành lí lên toa tàu.

Nó phân vân về một trong số mấy nhân viên đó vì anh ta nhìn lại về phía nó với một nụ cười toe toét kì lạ. Khi Chieko nhìn thấy thế, nó tái cả người đi tới mức mấy người đi ngang qua cũng chú ý. Nhưng khi nó cố bình tĩnh lại thì nhận ra hai người đàn ông mà nó nghĩ là nhân viên nhà ga thực ra chỉ là một. Thêm vào đó, cái người nhân viên đang kéo hành lí kia lại hoàn toàn là người khác với người vừa cười với nó. Có chết con bé cũng không nhớ được chính xác là người nhân viên cười với nó trông ra sao vì trí nhớ nó đã trở nên mơ hồ. Dù có cố nhớ bao nhiêu đi chăng nữa thì tất cả những gì nó có thể hình dung ra được là cái mũ đỏ trên đầu anh ta với gương mặt chả có mắt mũi gì hết. Rồi Chieko kể tôi nghe phần thứ hai trong câu chuyện của nó.

Chỉ một tháng sau thôi, khoảng trước hay sau lúc cậu đi Hàn Quốc một chút thì chồng nó về. Do bị thương ở phía bên ngực phải nên anh ta không thể viết thư được, thật sự lạ lùng vì điều mà nhân viên nhà ga kia nói hóa ra lại đúng sự thật. “Chieko lúc nào cũng nghĩ tới chồng nên dĩ nhiên là nó biết thế mà,” vợ tôi nói như đùa. Rồi khoảng hai tuần sau, Chieko đi với chồng tới vị trí công tác của anh ta ở Sasebo, nhưng khi họ tới nơi thì số thư không được gửi đi của anh ta đã nằm trong hộp thư rồi. Họ ngạc nhiên khi thấy chúng lắm, nhưng câu chuyện lạ lùng vẫn chưa dừng ở đó.

Không lâu sau, lúc Chieko và chồng đang đứng ở ga trung tâm thì một nhân viên nhà ga đội mũ đỏ, người đã chuyển hành lí của họ, ló đầu lên cửa sổ tàu và nói lời chào họ hay gì đó. Ngay khi anh chồng nhìn vào người nhân viên đó, anh ta đột nhiên tái mặt, hay ít nhất thì đó là điều con bé kể cho tôi, hơi xấu hổ.

Hóa ra chồng con bé đã ra ngoài với một đám bạn tới một tiệm cà phê hồi đóng quân ở Marseille, và không hiểu vì sao lại có một nhân viên nhà ga Nhật đội một chiếc mũ đỏ ở đó. Người này tới hỏi anh ta dạo này ra sao như thể họ đã biết nhau rồi. Dĩ nhiên chẳng lí nào một nhân viên nhà ga Nhật lại lảng vảng quanh Marseille hết. Nhưng chồng con bé nói anh ta không nghĩ nhiều tới chuyện đó và kể cho người kia nghe về vết thương bên ngực phải và khi nào mình sẽ về nhà. Một người bạn của anh ta say rượu làm đổ li rượu cô-nhắc của mình. Lúc chồng Chieko quay lại tìm người nhân viên nhà ga Nhật thì không thấy đâu nữa.

Vậy thì đó là cái quái gì thế? Giờ khi anh ta nói về chuyện đó thì vẫn không thể biết rõ là mình mơ hay đó là thật dù rằng lúc đó anh ta khá tỉnh táo. Thêm vào đó, không ai trong mấy người bạn kia trông có vẻ gì là họ để ý thấy người nhân viên nhà ga đội mũ đỏ hết. Cuối cùng anh ta quyết định không nhắc đến chuyện đó với ai nữa hết. Chieko kể anh ta nghe về hai lần chạm trán với mấy nhân viên nhà ga đội mũ đỏ kì lạ.

Vậy nên anh ta nghĩ rằng người mà anh ta gặp ở Marseille chính là người đó, nhưng nghe sao giống chuyện ma quá. Vì anh ta sắp được thăng chức, lại không muốn khiến vợ mình lo và cảm thấy người ta sẽ chế giễu câu chuyện của mình nên anh ta không nói lời nào hết cho tới hôm đó. Nhưng người anh ta nhìn thấy hôm đó ở Nhật lại giống y chang cái người đã gặp ở Marseille, không mảy may khác chỗ nào hết. Khi chồng con bé ngừng nói, nó cắn môi một lát trước khi nói với cái giọng cực kì lo lắng: “Nhưng chuyện đó không lạ chút nào sao? Cùng là một người không khác chút nào nhưng tại sao em lại không nhớ ra được mặt anh ta trông ra sao hết? Lúc nhìn thấy anh ta qua cửa sổ thì em đã biết là anh ta rồi,…”

Murakami ngưng lại giữa chừng lúc anh nhìn thấy ba người bạn của mình đi vào quán cà phê, ngồi xuống một bàn gần đó và vẫy tay chào. Thế nên chúng tôi đứng dậy. “Thôi, tôi nghĩ mình nên đi là hơn. Tôi sẽ đến gặp cậu lần nữa trước khi cậu trở lại Hàn Quốc.” Tôi ra khỏi quán cà phê và lơ đãng buông một tiếng thở dài.

Đã ba năm rồi, cuối cùng tôi đã hiểu ra vì sao nàng lại không thực hiện lời hứa bí mật đi gặp tôi ở ga trung tâm mà nói trong một bức thư gửi tôi rằng nàng muốn sẽ mãi là một người vợ chung thủy.

Akutagawa Ryunosuke (Nhật)

Dịch giả: Trương Thị Mai Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 3 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước