Món quà Giáng sinh
VNTN - Mary Clay nhìn ra ngoài cửa sổ của một trang trại cũ. Khung cảnh thật ảm đạm - từ núi đồi, cánh đồng tới rừng cây đều trần trụi, vô sắc, chìm trong sương mù - không trông thấy ngôi nhà nào khác cả. Nàng chưa khi nào là một người đàn bà thích tụ tập. Nàng thích may vá. Nàng có thú vui đọc sách. Nàng không ưa buôn chuyện. Hẳn là nàng rất vui vẻ khi ở trang trại Cromb - một mình. Trước khi kết hôn nàng chờ đợi những buổi đêm dài dằng dặc để may vá và đọc sách. Nàng biết rằng nàng sẽ phải bận rộn cả ngày, vì trang trại đã quá cũ và nhiều việc vặt, mà không ai giúp nàng cả. Nhưng nàng muốn được yên tĩnh, bình an, mỗi tối sáng đèn; và chỉ mới gần đây, sau mười năm kết hôn, nàng phải miễn cưỡng từ bỏ hi vọng về nó. Vì bình yên là quá xa vời với căn bếp của trang trại vào buổi tối. Nó bị phá tan bởi tiếng nói to của John Clay, luôn cao giọng khi ra lệnh hay phàn nàn, hoặc lầm rầm đọc báo thành tiếng.
Mary là một người đàn bà kín đáo và ưa sự tĩnh lặng. Nhưng John lại thích nghe giọng nói của mình; hắn thích quát nàng; gọi nàng từ phòng này sang phòng khác; tóm lại là, hắn thích đọc to tờ báo cho nàng nghe vào mỗi tối. Nàng ghê sợ tất cả điều đó. Dường như gần đây nàng bị ức chế thần kinh tới mức nàng cảm thấy muốn hét lên thật to. Còn hắn vẫn tiếp tục phát ra giọng nói ấy, khàn khàn và liên thanh, bực không thể tả. Tiếng gọi “Mary!” sai khiến nàng khi nàng đang dở việc nhà tới bất cứ nơi đâu hắn có chuyện, hay “Mang dép lại đây!” hoặc “Đưa hộ điếu thuốc”, đã khiến nàng điên tiết. “Anh tự mà lấy dép đi”, môi nàng run lên khi nói như vậy, nhưng chưa khi nào nàng vượt quá điều đó, vì nàng là người đàn bà không chịu nổi sự giận dữ. Nàng sợ tất cả tiềng ồn.
Nàng đã phải chịu đựng nó trong mười năm, vì vậy chắc chắn nàng vẫn nín nhịn tiếp được. Nhưng hôm nay, khi nàng nhìn vào khung cảnh mùa đông nông thôn một cách vô vọng, nàng hiểu rõ rằng mình không thể tiếp tục như vậy nữa. Cần phải làm một điều gì đó. Nhưng đó là gì đây?
Đó là Giáng sinh vào tuần tới. Nàng cười mỉa trong một ý nghĩ. Rồi nàng chú ý đến dáng điệu của chồng đang đi ra đường. Hắn vào cổng và vòng qua cửa bên.
“Mary!”
Nàng chậm rãi đáp lại các mệnh lệnh. Hắn cầm trong tay một bì thư.
“Vừa gặp người đưa thư”, hắn nói. “Thư của bà dì.”
Nàng mở thư và im lặng đọc. Cả hai đều biết rõ nội dung là gì.
“Dì ấy muốn chúng ta tới dự lễ Giáng sinh lần nữa”, Mary nói.
Hắn bắt đầu càu nhàu.
“Bà ta điếc đặc ra. Điếc như mẹ của bà ta vậy. Bà ấy phải biết rằng tốt nhất là không nên mời người khác khi bản thân chẳng thể nghe bất kỳ ai nói gì.”
Mary không nói gì. Hắn bao giờ cũng cằn nhằn về lời mời trước, nhưng lại thực sự muốn đi. Hắn thích nói chuyện với ông chú của nàng. Hắn thích thay đổi không khí xuống làng vài ngày và hóng chuyện phiếm. Hắn có thể rời trang trại để đến với “những cái bắt tay” trong thời gian đó.
Sự điếc đặc của bà Crewe thì ai cũng biết. Bà cố của Mary bị điếc năm 35 tuổi; con gái của cụ cũng bị di truyền chứng bệnh này và người con gái đầu lòng, người dì của Mary cũng bị điếc đúng ở độ tuổi đó.
“Được rồi”, cuối cùng hắn nói một cách miễn cưỡng, như đáp lại sự im lặng của nàng, “chúng ta nên đến. Hãy viết thư hồi âm chúng ta sẽ đến.”.
***
Đó là đêm Giáng sinh. Họ ở trong căn bếp của trang trại người chú. Bà lão điếc ngồi trong chiếc ghế bành cạnh lò sưởi đan len. Trên khuôn mặt lõm sâu của bà ẩn chứa một nụ cười châm biếm khó hiểu là biểu hiện quen thuộc của bà. Hai người đàn ông đứng ở ngưỡng cửa. Mary ngồi vào bàn mơ hồ nhìn ra cửa sổ. Ngoài trời, tuyết rơi trong mưa rào. Bên trong, ngọn lửa ánh lên những chiếc hũ và chảo bằng đồng, đồ sành sứ trên cái tủ gỗ sồi cũ, những bó giăm bông treo trên giá cao.
Bỗng nhiên James quay lại.
“Crewe!” ông ta gọi.
Bà lão điếc không hề động cựa.
"Crewe!"
Vẫn không có động tĩnh gì trên khuôn mặt già nua khó hiểu cạnh lò sưởi.
"Crewe!"
Bà lão hơi quay lại theo hướng tiếng gọi.
“Lấy mấy tấm ảnh trên lầu cho John xem,” ông ta nói oang oang.
“Tàu nào cơ?” bà lão nói.
“Ảnh!” lão chồng gầm lên.
“Áo khoác à?” bà run run nói.
Mary nhìn người này sang người khác. Người đàn ông ra hiệu phát cáu và đi ra khỏi phòng.
Ông ta quay lại với một tệp ảnh trong tay.
“Tốt nhất là tự lấy vậy,” ông ta càu nhàu. Đây là người anh em gửi từ Thụy Sỹ, ông ấy đang lao động bên đó. Đó là một xứ sở đẹp, nếu xét về quang cảnh của nó.”
John lấy chúng từ tay ông ta. “Tình trạng dì ấy lại tệ hơn sao?” hắn nói và gật đầu về phía bà lão.
Bà đang ngồi nhìn ngọn lửa, đôi môi cong lên trong một nụ cười khó hiểu.
Chồng bà nhún vai. “Haizz. Giống hệt mẹ của bà ta vậy.”
“Và cả bà ngoại bà ta nữa.”
“Haizz. Quá mất thời gian để yêu cầu bà ấy làm gì đó thà bằng tự làm. Và những người điếc thường lại ngốc nghếch nữa. Các người không thể hiểu được đâu. Họ là những kẻ cô độc nhất trần đời.”
Người đàn ông kia gật đầu và châm thuốc. Rồi James mở cửa.
“Tuyết ngừng rơi rồi,” ông nói. “Chúng ta sẽ đi đến cuối làng rồi quay về chứ?”
Người kia gật đầu, và lấy mũ ở phía sau cánh cửa. Một cơn gió lạnh ùa vào căn phòng khi họ ra ngoài.
Mary lấy một cuốn sách có giấy lót trên bàn đi đến lò sưởi.
“Mary!”
Bà lão đã bắt đầu. Đó không phải là một giọng nói sắc sảo hay cằn nhằn của một bà lão điếc, nó giống giọng người dì còn trẻ mà Mary nhớ khi nàng còn nhỏ hơn. Bà già nghiêng người về phía trước, chăm chú nhìn nàng.
“Mary à! Giáng sinh vui vẻ nhé!”
Và, như thể không có sự ngăn trở nào, Mary đáp lại bằng giọng nói nhỏ thông thường.
“Dì cũng vậy nhé!”
“Cảm ơn con. Cảm ơn con.”
Mary thở hổn hển.
“Dì à! Dì có nghe thấy con nói như thế này không?”
Bà lão cười, im lặng, lắc lư chiếc ghế như thể đã vui vẻ trong nhiều năm.
“Có chứ, dì có nghe thấy, con à. Dì nghe thấy rõ cả những lời bóng gió.”
Mary nắm chặt tay người dì.
“Vậy thì - dì đã khỏi bệnh rồi, dì à”.
“Haizz. Dì đã khỏi bệnh cho tới nay vì có bệnh gì cần phải chữa đâu.”
“Nói vậy là?”
“Dì chưa khi nào bị điếc, con à, tạ ơn Chúa. Tất cả đều ổn cả.”
Mary bối rối đứng dậy.
“Dì? Chưa khi nào điếc ư?”
Bà lão lại khúc khích cười.
“Đúng vậy, mẹ dì cũng không, bà ngoại dì cũng không luôn.”
Mary bước lùi lại.
“Con - con không hiểu dì nói gì nữa,” nàng hoang mang nói. “Dì đã giả vờ ư?”
“Dì sẽ tặng con món quà Giáng sinh, con yêu,” bà lão nói. “Mẹ dì đã tặng món quà ấy cho dì khi dì bằng tuổi con bây giờ, và bà ngoại dì cũng tặng mẹ dì như vậy. Dì không có con gái để tặng cho nó, vì vậy tặng nó cho con. Nó có thể xuất hiện khá bất ngờ, nếu con muốn, và con có thể nghe thấy hoặc không nghe thấy những gì mình chọn. Con hiểu chứ?”. Bà rón rén lại gần và nói thầm, “Con phải khép lại tất cả, việc phải hầu hạ mang vác thứ gì cho chúng, trả lời những câu hỏi gàn dở của chúng và lao đi làm việc vặt như một con chó. Ta đã dõi theo con, con gái à. Con cũng chẳng có được nhiều bình an, phải không?”.
Mary run rẩy.
“Ôi, con không biết nên nghĩ thế nào nữa,” nàng nói. “Con - con không thể làm được đâu.”
“Hãy làm những gì con thích,” bà lão nói. “Hãy coi nó là một món quà, dù gì đi nữa - cái điếc của bà Crewe này là một món quà Giáng sinh,” bà lão khúc khích cười. “Con có thể dùng nó hay không tùy thích. Dù sao đi nữa, con sẽ thấy thú vị đấy.”
Và thoáng trên khuôn mặt già nua lại xuất hiện nụ cười khó hiểu như thể bà đã mang trong tim một vài trò cười hợp với những vị thần nơi thiên đàng.
Cánh cửa đột nhiên mở toang với cơn gió lạnh khác, và hai người đàn ông bước vào, người phủ đầy tuyết.
“Con - con không làm được đâu,” Mary run rẩy nói thầm.
“Chúng tôi chẳng đi xa được. Tuyết lại rơi”, John nói, treo mũ lên giá.
Bà lão đứng dậy và bắt đầu soạn bữa tối, lặng lẽ và khéo léo, di chuyển từ tủ bếp sang bàn ăn mà không nhìn lên. Mary ngồi bên lò sưởi, bất động và không nói lời nào, mắt nàng dán vào những viên than sáng lóa.
“Có phải cô ta cũng có dấu hiệu của bệnh điếc không?” James nói thầm, nhìn về phía Mary. “Căn bệnh đó đã đến với vợ của ta khi bà ấy vào tầm tuổi đó.”
“Haizz. Vì vậy cháu rất lo.” Rồi hắn nói to, “Mary!”.
Một màu hồng nhạt thoáng hiện trên má nàng, nhưng nàng không thể hiện bằng cách nhìn hay di chuyển theo hướng tiếng gọi. James nhìn chồng nàng một cách nghiêm trọng.
Bà lão vẫn đứng đó một lúc với tách trà trên tay và khẽ mỉm cười bí ẩn.
Truyện ngắn. Richmal Crompton (Anh)
Nguyễn Thị Thùy Linh (dịch)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...