Mỏ neo và con dao
Jesse Goolsby (Mỹ) là tác giả của cuốn tiểu thuyết I'd Walk with My Friends If I Could Find Them (Houghton Mifflin Harcourt, 2015) được nhận giải truyện ngắn Richard Bausch và giải văn xuôi Memorial John Gardner.
Lần đầu dượng gặp cháu là hôm dượng đã đánh nhau với cha cháu trong chỗ dừng xe. Cha cháu nắm cây sắt nạy lốp xe, nhưng đã say rượu và chỉ đánh sượt cánh tay dượng với cú vặn trẹo người của ông. Đó chính là lí do mang tới cho dượng một vết sẹo. Buổi chiều thật đẹp, mẹ cháu làm món thịt nướng trộn rau, nhưng cháu không đụng vào ớt xanh, và không nói chuyện với dượng, vì vậy mẹ cháu mang quả bóng ra để cháu và dượng cùng đá với nhau ở cái sân nhỏ sau nhà và dượng đóng kịch cho cháu xem vài kiểu chơi bóng của danh thủ Pelé, rồi mẹ cháu bắt cháu ôm dượng trước khi dượng rời bước ở cửa trước, rồi chạy vào với cha cháu, ông ta dòm ngó cảnh chúng tôi ôm nhau.
Cháu mười tuổi. Cháu đứng trước cây sồi mùa thu của gia đình, cánh tay phải của cháu cứng đơ ép bên hông; mặt đất lẫn nhiều đá đã làm gãy khuỷu tay của cháu khi cháu ngã từ trên cây xuống. Dượng đã cảnh báo cháu việc leo lên cành cây chết, cho tới lúc nghe tiếng rên đau đớn của cháu, thì thấy cánh tay dưới của cháu treo lủng lẳng, lật xoắn lại, lúc chờ đưa cháu đến bệnh viện là lần đầu tiên cháu để dượng băng bó cho, bởi vì cháu không bao giờ nghe lời dượng, một người cha ghẻ, và cảm thấy rõ lằn roi da ở dưới lưng cháu, nghe độ sắc buốt trong không khí, cơ thể cháu yên lặng và đơ cứng.
Thỉnh thoảng cháu muốn bò vào giường ngủ và chui tọt vào người của mẹ cháu. Cháu trông giống như mẹ cháu, và dượng tưởng tượng cháu thấm trở lại vào tử cung của mẹ, hít thở nước ối của mẹ, chia tách thành các tế bào, chui vào trứng của mẹ, tinh trùng của cha, nhưng khi dượng mới thiêm thiếp ngủ thì cảm thấy ngón tay của cháu lần tìm cái hình xăm mỏ - neo - và - con dao trên cánh tay của dượng.
Cháu đã thử sức dượng hai lần khi cháu mười sáu tuổi, mỗi lần dượng cho phép cháu ra đòn trước, chỉ để cháu tin cháu có một cơ hội. Dượng nhớ căn phòng khách: chiếc thảm màu xám cũ mòn, cửa sổ nhỏ màu hồng; dượng nhớ việc chọn nơi ngã xuống cho cú đánh tiếp theo, rồi vật cháu xuống sàn nhà, nằm trên đầu cháu, mẹ cháu kéo ra, la hét, cầu xin khi dượng nắm cánh tay của cháu bắt lên trên đầu cháu và khóa chúng chỉ với một bàn tay, cháu cảm thấy trượt ngã và bất lực bên dưới người dượng, biết không ai cho điều đó là nghiêm trọng bởi vì cháu không phải là ruột rà của dượng.
Cháu hai mươi tuổi. Cháu kéo tay áo của mình lên lúc ở bàn ăn, cho xem tên mẹ cháu xăm trên bắp tay sau chuyến đi đầu tiên của mình đến Iraq. Khi mẹ cháu hỏi cháu có giết ai không, miệng cháu đang ngốn khoai tây nghiền, và cháu nói sẽ đi lại. Hồi cháu tình nguyện đi, mẹ cháu đã từ chối gặp mặt cháu, nhưng dượng đã ở đó, đứng mắng mỏ cháu giữa cái nóng ban trưa, nhìn chiếc C-17 đưa cháu đi, nán lại đó cho đến khi người ta bắt đầu thu dọn những chiếc ghế nhựa.
Khi cháu gọi điện trước cuộc chiến chống Al-Qaim, cháu hỏi mẹ, mẹ cháu khóc nức nở và đẩy điện thoại cho dượng, để dượng cầm nó, và cháu nói với dượng rằng cháu yêu dượng. Cháu cảm ơn dượng về những chuyến đi câu cá, cho ngồi trên khán đài tại buổi biểu diễn của ban nhạc khốn khổ, làm cho cháu cứng rắn lên để vào Thủy quân lục chiến. Và sau trận đánh cháu nói với dượng là cháu đã nói dối, cháu không hề yêu dượng, rằng cái đai siết và nắm tay của dượng vẫn tràn vào những giấc mơ của cháu, và nỗi lo sợ cái chết đã làm cho cháu nói những điều cháu nghĩ rằng Chúa muốn lắng nghe.
Mẹ cháu và dượng đang nhổ cỏ dại ở sân trước thì chiếc xe hòm kính màu xanh sạch bóng của vị tuyên úy tới đậu bên lề đường. Ông hỏi mẹ và dượng để xin vào nhưng mẹ cháu không nhúc nhích, bà đã nhận tin ngay bên lề đường với một nắm tay đầy cỏ dại. Dượng lái xe như xuyên qua giông bão hướng tới chiếc cầu màu xanh lá cây mà cháu và dượng thường xuống câu cá. Chính nơi đó dượng đã dạy cháu đập đầu cá hồi vào tảng đá lớn màu đen trước khi cắt lấy ruột cá ra. Khi đó, cháu đã cố gắng để bắt cá bằng tay, và dượng đã chỉ cho cháu cách với tay xuống nước và xoa vào phần bụng mềm của cá, ru ngủ chúng một lúc trước khi bất ngờ siết chặt và nhấc bổng nó lên. Dượng đã kể cho cháu bằng cách ấy dượng đã bắt hàng trăm con cá hồi, và vết sẹo của dượng là từ một cuộc vật lộn với một con cá nặng hai mươi pound trên tảng đá. Nhờ tất cả những điều dượng kể đó, cháu đã tin dượng.
Mẹ cháu sụp đổ. Bà nhốt mình trong phòng ngủ tối, đến bữa ăn qua loa ở đó. Bà không nói chuyện với bất cứ ai, nhưng đến ngày thứ ba, bà đến với dượng: Hãy báo với cha cháu, bà nói. Dượng hoãn một vài giờ, rồi sau khi chửi rủa và đảo quanh thành phố, dượng lái xe đến chỗ của ông ta bên cạnh nhà máy gỗ. Bàn tay dượng nắm chặt thanh mở cửa xe nhưng không thể đẩy thứ chết tiệt ấy, và ngồi đó hơn hai mươi phút, con chó của cha sủa vang suốt cả thời gian ấy. Cuối cùng, cha cháu xuất hiện và từ từ đến gần chiếc Ford rỉ sét của dượng. Trong cánh tay mạnh mẽ của ông là cây gậy bóng chày. Dượng không ưa thích chuyện tin tức. Cậu ấy chết rồi, dượng nói xong là lái xe đi ngay. Dượng lái xe chạy cho đến khi cạn xăng trên một con đường đất gần nơi chúng cháu đã bắn những con chim bồ câu bằng đạn đất sét. Dượng đi bộ hơn tám dặm để về thành phố.
Khi về đến nhà, chiếc xe tải của cha cháu đã ở chỗ đỗ xe. Khi dượng đi ngang qua chiếc xe tải, nhìn vào trong xe để có cơ may bắt gặp ông ta vừa đến, có lẽ ông đang ngồi trên ghế lái xe, phung phí thời gian, nó hoàn toàn trống rỗng. Dượng bước lên những bậc thềm mà cháu đã giúp dượng xây và đứng ở ngưỡng cửa với một sự thôi thúc nặng nề không thể chịu đựng nổi để gõ cửa nhà mình.
Jesse Goolsby (Mỹ)
Dịch giả: Dương Đức
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...