Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
07:10 (GMT +7)

Miền thương xanh mãi

VNTN- Tôi đến Bình Long. Lần đầu đặt chân lên đất Thái, cũng là lần cuối ngậm ngùi, tôi vĩnh viễn không còn thấy cô trong đời. Chứng kiến những người dân nơi đây đến tiễn đưa cô, chứng kiến họ góp từng bó củi, mớ rau, cân gạo, lăn xả lúc nửa đêm gà gáy lo hậu sự cho cô như cho chính người thân của họ, tôi đã hiểu vì sao cô từ chối cha tôi, dù bao lần ông tha thiết muốn đón cô về quê sinh sống.

Cầu treo Bình Long. Ảnh minh họa, nguồn: binhlong.vonhai.thainguyen.gov.vn/

“Cậu, cậu ơi! Con chào cậu! Con lạy cậu, con đi!...”

Chị đăm đắm nhìn tấm ảnh cha tôi, mắt nhòe nhoẹt. Tôi hiểu và đọc được tất cả những điều chị đang thầm thĩ. Bởi lúc còn sống, cha tôi là người duy nhất ủng hộ chị đi bước nữa như năm mươi năm trước ông từng khuyên nhủ cô (chị gái ruột của bố tôi). Ông nói với chị: “Con còn trẻ, không thể cứ ở vậy một mình. Các cháu lớn rồi cũng xa. Con không thể cứ đối diện với cái bóng của mình đến tận khi nhắm mắt. Chỉ cần con hạnh phúc là được, đừng quan tâm đến cảm xúc của người ngoài. Vì họ đâu có sống thay con!”.

Chị ôm thằng bé chưa đầy năm tháng tuổi - đứa con với người chồng mới, vội vàng bước lên xe sau chuyến về quê cúng trăm ngày cha tôi. Chuyến xe lên thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) hàng vài trăm cây số. Khuôn mặt chị xanh mét, đượm buồn. Nhưng ánh nhìn có phần kiên định lắm…

Tôi đứng lặng nhìn theo chiếc xe. Tay giơ vẫy liên hồi đến khi chiếc xe mất hút trong làn mưa lạnh buốt. Bấy giờ, tôi mới dám để những giọt nước mắt rơi…

Chị là con gái của cô tôi, cô con gái út xinh đẹp, giỏi giang, thục hiền. Chồng chị bị tai nạn mất đi năm chị hai bốn tuổi. Khi ấy, chị vừa sinh bé thứ hai. Mười sáu năm đằng đẵng, chị nuôi hai con khôn lớn - sớm tối chỉ có đồi chè bầu bạn…

Hơn năm mươi năm trước, mảnh đất Thái Nguyên cũng từng ôm trọn lấy cô tôi mà vỗ về - khi cô là vợ liệt sĩ mà dám bỏ lại đứa con gái duy nhất cho gia đình nhà chồng để đi tái giá.

Chuyến đi ấy với cô không chút dễ dàng. Bởi níu vít chân cô là gia đình nhà chồng tình nghĩa, đứa con gái bé bỏng, là mẹ cha, anh chị em ruột thịt, nơi chôn nhau cắt rốn, và trên hết là tình yêu thương với người chồng đã khuất. Nhưng rồi cô đã dứt áo ra đi đến với Võ Nhai cùng với bác rể thứ hai viết tiếp những trang mới của cuộc đời.

Bước đi trong nước mắt, bước đến nhiều thương lo. Mà xã Bình Long (Võ Nhai) đồi núi gập ghềnh, đói khổ, lấy gì “bảo hành” cho chuyến đi xa? Đó là tấm vé khứ hồi của đời cô hay “khứ” mà không bao trở lại? Người phụ nữ gốc Hưng Yên quen sống ở đồng bằng, lành như sợi khói chiều hôm, trái tim mong manh yếu đuối - cô tôi, đã bước đi đầy định mệnh như thế đó.

Cô và bác rể tôi đến đây cùng với cả đoàn người đi xây dựng vùng kinh tế mới. Họ đã lao động tảo tần, chắt chiu từng hạt ngô, củ sắn, biến vùng đất hoang vu, cỗi cằn thành xóm thôn ấm áp, mướt xanh. Bác rể bận rộn vắng nhà luôn, một tay cô chăm sóc nuôi nấng ba người con riêng của bác mà người con nhỏ nhất mới vừa ba tháng tuổi. Cô thấu hiểu nỗi đau của những đứa trẻ non nớt khi không còn mẹ, thương đứa con đỏ hỏn còn ẵm ngửa trên tay nên cô chăm chút cho con của chồng như với đứa con cô dứt ruột đẻ ra.

Tình yêu thương khiến nước mắt hóa nụ cười. Ven đồi kia có ngôi nhà tranh nho nhỏ, rộn vang tiếng cười dù bữa sắn, bữa khoai, đói no không hẹn trước. Rồi những người con chung kế tiếp chào đời. Cô đặt tên các con là Nghĩa, Lý, Tình, Duyên. Biết bao ý nghĩa, bao tạ ơn mảnh đất quê hương, mảnh đất Thái Nguyên nghĩa tình cô gửi vào trong đó - mà chỉ nghe thôi, đã thương đến nghẹn lòng.

Núi rừng chở che, nương rẫy vỗ về. Bất chấp những ngày rét căm căm, những ngày lũ xối, cô vẫn mạnh mẽ, âm thầm vươn lên như cây chè, cây keo ở nơi đây. Hạnh phúc nhỏ nhoi cứ dần lớn lên như thế.

Tôi miên man nhớ những lần cô về quê. Năm nào cô cũng về hai lần vào ngày giỗ ông, bà và ngày giỗ người chồng cũ. Cô là người duy nhất từ xa trở về nên cả nhà ai cũng mong ngóng lắm. Ngày ấy đói nghèo, quà bánh là thứ gì vô cùng xa xỉ. Nhưng trong tâm thức của tất cả anh em chúng tôi, cảm giác ấy tuyệt đối không phải vì quà bánh. Dù lần nào về, cô cũng mua cho chúng tôi gói kẹo Bon Bon mà khi chia nhau cái kẹo có khi đã chảy nước, hay lợt vỏ. Dẫu vậy vị ngọt thần thánh, thơm đến mê hồn của những chiếc kẹo ấy vẫn vẹn nguyên đến tận hôm nay.

Cô trở về mang theo một thứ gì rất lạ - ấm áp và yêu thương lắm, hệt như một làn gió đến từ phương khác. Lúc bấy, tôi không định nghĩa được và ngay cả bây giờ vẫn thế. Chỉ cảm giác là nó đặc biệt vô ngần.

Hôm trước, cha nhắc ngày mai cô về, vậy là chúng tôi mừng lắm. Đứa nào đứa nấy háo hức, đợi chờ. Vì chúng tôi nào có biết Thái Nguyên là gì. Hai tiếng “Thái Nguyên” vang lên sao mà thân thương, tự hào, kiêu hãnh thế. Ấy là vì tôi sẽ đem cái tin ấy mà khoe với chúng bạn: “Ngày mai tao được đạp xe đi đón cô tao ở Thái Nguyên về!”. Cái tin ấy khiến nhiều đứa bạn thèm thuồng vì nhà chúng chẳng có ai đi xa, vì nữa, chúng đâu có được đi ra khỏi cái cây đa đầu làng. Nghĩ thế, tôi lấy làm tự đắc lắm…

Niềm vui nhảy múa trong lòng đến nỗi, đêm đến tôi không sao ngủ nổi, nghĩ ra đủ chuyện, chiếc ô tô thế nào, hình ảnh cô ra sao. Khuôn mặt hiền từ, đôn hậu, giọng nói nhẹ nhàng, đôi bàn tay nhỏ, nụ cười hiền như nắng mai. Trong số mấy chị em trong nhà, tôi là đứa giống cô nhất nên cô cưng tôi lắm. Lần nào về, cô cũng hỏi tôi bao nhiêu là chuyện. Chúng tôi rủ rỉ chuyện trò không biết chán.

Sáng hôm sau, mặc trời mưa rét cắt da, tôi hăm hở đạp xe đi cùng bố. Tôi đứng lên hóng từng chiếc xe, căng mắt đọc từng chữ. Kia rồi! “Đình Cả - Thái Nguyên”, tôi nhảy cẫng lên. Xe chầm chậm đến, tôi hét vang như thể trên xe chỉ có mình cô tôi vậy: “Cô! Cô ơi! Cô!”. Cô cũng rối rít bước xuống, nhoẻn cười, cùng chiếc túi vải cũ lỉnh kỉnh bao nhiêu là thứ mà tôi biết chắc chắn sẽ có thẻ hương cúng ông bà, gói chè cho cha tôi, nhà chồng cũ, quà cho con gái cô và gói kẹo cho anh em tôi nữa. Bữa đó, tôi đòi chở cô bằng được, kệ gió bấc ngược chiều suốt đoạn đường năm cây số. Thấy tôi nằng nặc, cô và cha tôi buộc phải nuông theo. Hôm ấy, tôi cũng không thể hiểu vì sao mình khỏe thế.

Nhưng chẳng có niềm vui nào là mãi mãi. Dù tôi lớn lên, niềm vui thơ ấu ấy vẫn mang theo.

Cô đã yếu dần đi mà tôi vẫn nợ một lời mời: “Mai này con lớn, lên nhà cô chơi, xem Thái Nguyên thế nào con nhé!”.

Có quá nhiều lí do để tôi trì hoãn. Cô đã không đợi được tôi mà lặng lẽ về miền mây trắng trong một đêm mùa đông mưa lạnh thấu xương.

Tôi đến Bình Long. Lần đầu đặt chân lên đất Thái, cũng là lần cuối ngậm ngùi, tôi vĩnh viễn không còn thấy cô trong đời. Chứng kiến những người dân nơi đây đến tiễn đưa cô, chứng kiến họ góp từng bó củi, mớ rau, cân gạo, lăn xả lúc nửa đêm gà gáy lo hậu sự cho cô như cho chính người thân của họ, tôi đã hiểu vì sao cô từ chối cha tôi, dù bao lần ông tha thiết muốn đón cô về quê sinh sống.

Cô nằm lại ở ven đồi, nhìn về ngôi nhà cũ gắn với cô suốt mấy mươi năm…

Mưa tầm tã, gạt đi nước mắt, tôi nghĩ đến cái lắc đầu của chị khi chúng tôi ngỏ lời tha thiết: “Anh chị về quê sinh sống đi!”.

Tôi nghĩ đến nghĩ đến ánh mắt xanh kiên định, vững vàng như cây keo, cây chè Đình Cả của người phụ nữ xinh đẹp, hiền lành, bé nhỏ - khi chị bước lên xe…

Dương Châu Giang (Giáo viên Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Yên Mỹ, Hưng Yên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một cánh chim bằng

Xem tin nổi bật 6 ngày trước

Mái trường của tôi

Tôi và Thái Nguyên 1 tuần trước

Dọc miền kí ức

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vẳng tiếng chuông chùa

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 5 tháng trước