Mẹ và những tấm ảnh
VNTN - Nay Win Myint là nhà văn quốc tịch Miến Điện, sinh ngày 6/2/1952 tại Pwintbyu Township, khu Magwe, Burma (Myanmar). Ông sáng tác nhiều truyện vừa và đã được giải thưởng Myanmar National Literature Award năm 1992. Ông còn có các bút danh Win Phwe và Aung Maung. Ông cũng là một nhà báo nổi tiếng trong các vấn đề về môi trường.
Truyện ngắn dưới đây được Dr.Khin Maung Win (Maths) dịch từ tiếng Miến Điện sang tiếng Anh.
Nhà văn Nay Win Myint (Nguồn: WordPress.com)
I. Một khách du lịch đi dọc theo sông Ayeyarwadi có thể thấy những mỏm đá cao phía trên dòng sông. Ở khoảng giữa dòng sông và chân vách đá là một con đường đất dẫn tới một ngôi làng. Khi đi từ Sagaing theo đường sông bằng thuyền máy, thấy những mỏm đá thì biết là Yenangyaung không còn xa. Chính xác hơn, khách đang đến cảng Nyaung Hla. Khi thuyền máy vượt qua các mỏm đá và sắp dừng ở cảng, những kỷ niệm về nơi sinh của mẹ trở về trong trí tôi.
Từ cảng Nyaung Hla, khách có thể đến Yenangyaung bằng xe buýt hay bằng xe ngựa. Đi xe buýt thì rẻ hơn đi xe ngựa nhiều. Tuy nhiên tôi luôn luôn chọn đi bằng xe ngựa hay nói đúng hơn, tôi thuê một xe ngựa cho riêng mình, vì hiếm có dịp tôi về vùng quê này, tôi muốn ngoạn cảnh những ngọn đồi, cánh đồng, dòng suối, những tòa tháp cao của những giếng dầu. Con đường có nhiều chặng lên và xuống dốc. Vừa khi khách gắng sức lên dốc xong, lại phải cẩn thận nhiều để xuống dốc.
Mẹ tôi sinh ra trên vùng quê này. Bà sống ở đây phần lớn quãng đời tuổi trẻ. Bất kỳ khi nào bà nói về chặng đường đời đầu tiên đó, bà không hề biết mệt khi nói về vùng đất này, những ngôi nhà, con người, những giếng dầu, các khu dành cho công nhân của hãng BOC (Công ty Hóa dầu Anh), những cây Htanaung và Tamar. Ôi, bà thường nói về những điều này. Vì thế, bạn có thể hiểu vì sao tôi bỏ thời gian để thưởng ngoạn phong cảnh trong những dịp hiếm hoi khi về đây, mỗi năm một lần hay có khi hai năm một lần. Cùng với sự thích thú về cảnh quan nơi này, những kỷ niệm về mẹ tôi trở lại. Với những kỷ niệm về mẹ, về những tấm ảnh có lần bà đã cho tôi xem. Đặc biệt là…
II. Càng nghĩ về chuyện đó, tôi càng nhận ra không có gì khác thường về mẹ tôi. Bà xuất thân từ một gia đình nghèo bình thường, như một trong những gia đình nghèo khác, như một chiếc lá trên cây ở trong rừng. Vâng, như một trong những chiếc lá, nhưng là một chiếc lá của cây Htanaung. Bà chào đời ở Nyaung Hla. Bà đã lấy chồng. Rồi bà theo cha tôi đến Yangon nơi cha tôi làm việc. Đó là cuộc đời của bà từ lúc khởi đầu đến khi kết thúc. Không có gì khác để biết. Bà rất ít nói. Người ta có thể nói cha và mẹ tôi là hai thái cực đối lập nhau. Vì thế, nếu bạn biết mẹ tôi như thế nào, bạn sẽ biết chính xác cha tôi như thế nào bằng cách hình dung ngược lại những gì mẹ tôi biểu hiện. Tôi tin rằng một trong những phẩm chất tôi thừa hưởng nơi mẹ tôi là sự yếu đuối trong tính cách và khuynh hướng dễ mủi lòng rơi nước mắt. Đó là lý do tại sao, tôi tin vậy, trong số năm người con, mẹ yêu thương tôi nhất.
Cha tôi thường nói, “Cuộc đời với mẹ của con là rất buồn tẻ. Mẹ con ít nói, chi tiêu khá ít và tằn tiện đến mức khi bà chết, bà sẽ trở thành một vị thần giữ của hay gì đó tương tự. Cứ nhìn cái chìa khóa bà luôn đeo trên cổ thì biết”. Thực ra cha tôi hơi cường điệu. Cái chìa khóa mà cha tôi nói đó không phải đeo trên cổ bà. Nó được gài vào áo ngoài của bà bằng một cây ghim an toàn. Tôi nhớ là đã thấy chiếc chìa khóa luôn luôn ở đó. Bà không bao giờ để chìa khóa rời khỏi áo. Cha tôi là một người ham vui. Ông có nhiều bạn. Ông bỏ thời gian ra để nhậu nhẹt, đánh bài với họ.
Tôi nhớ một trường hợp mẹ tôi kể lại cho tôi. Một hôm, cha tôi về nhà sau khi thua sạch túi trong một cuộc bài. Ông đòi mẹ tôi đưa cho ông chiếc xuyến và cái kiềng vàng. Khi bà không chịu đưa, ông đánh bà. Khi bà tiếp tục từ chối, ông đe là sẽ giật lấy chìa khóa và mở cái rương bà cất dưới giường. Chỉ đến khi đó mẹ tôi mới đưa cái kiềng và chiếc xuyến vàng cho ông. Cha tôi lại thua chiếc xuyến và cái kiềng trong cuộc chơi bài. Tuy nhiên, nhờ đó mà ông đã thay đổi tốt hơn. Ông không bao giờ đánh bài nữa sau khi thua mất chiếc xuyến và cái vòng cổ.
Chuyện đó xảy ra trước khi tôi chào đời. Thỉnh thoảng tôi nghe cha tôi nói với mẹ tôi, “Có gì trong rương mà em không muốn tôi lấy chìa khóa mở rương ra đến mức chịu đưa cái kiềng và chiếc xuyến vàng?”. Cha tôi thường nói về những ngày mẹ tôi sống ở Nyaung Hla với ba mẹ bà và cách mà cha tôi, một thợ máy ở Công ty Dầu khí Anh thích hát, chơi cây đàn măng đô lin dưới cây Banyan không xa nhà mẹ tôi. Ông chưa bao giờ chiếm được trái tim bà. Cha tôi chống chế là vì bà e lệ và làm cao. Cuối cùng, ông nhờ cha mẹ chính thức đặt vấn đề với gia đình của mẹ tôi. Cha tôi (sai lầm) tin rằng mẹ tôi thực sự yêu ông và chỉ vì kiêu hãnh và e lệ nên bà không thể hiện tình yêu. Cha mẹ tôi lấy nhau theo sự sắp đặt của những người lớn. “Cha ước gì chuyện tình của cha mẹ lãng mạn hơn”, cha tôi thường nói thế.
Nhiều năm trôi qua. Họ có một cuộc sống vui vẻ, với tính ưa nhậu nhẹt, nóng nảy, thiếu tinh thần trách nhiệm, ích kỷ, ưa đánh đập của cha tôi, mẹ tôi giả bộ vui, ngoài ra còn có tình tiết (tôi biết được sau này) là mẹ tôi không yêu ông. Các anh và chị tôi đã lập gia đình và đi ở riêng. Tôi là người duy nhất còn sống chung với cha mẹ. Chiếc chìa khóa của mẹ tôi vẫn còn đó, gắn chặt với áo ngoài của bà bằng chiếc ghim an toàn.
III. Hôm đó, tôi một mình ở nhà với mẹ. Tôi vẫn nhớ những bông hoa Padauk nở phía trước nhà. Hoa Padauk báo hiệu mùa hè sắp đến. Mẹ tôi đang nhìn ra cây Padauk. Bà hỏi tôi một câu khá lạ, “Từ hồi quân Nhật chiếm đóng và phong trào kháng chiến bùng nổ đến nay đã bao năm rồi?”.
“Hơn bốn mươi năm.” Tôi đáp.
“Thế à? Hơn bốn mươi năm rồi sao?”
Bà ngừng nói. Bà đi vào phòng ngủ.
Kế đó bà gọi, “Vào đây con, mẹ cho con xem cái này.”
Đó là lần đầu tiên tôi thấy bà dùng chiếc chìa khóa để mở rương. Trong rương, dưới lớp quần áo, là một cái hộp sơn mài nhỏ. Trong hộp là một cái tách bạc nhỏ, những vật nho nhỏ nhiều màu, những đồng tiền bạc, mấy tờ tiền Nhật cũ, và bà lấy ra từ dưới đáy ba tấm ảnh cũ.
Bà cho tôi xem tấm ảnh đầu tiên. Trong ảnh là một cô bé cỡ mười tuổi và một người phụ nữ.
“Đây là bà ngoại con, mẹ của mẹ. Tên bà là Daw Thawt. Bà rất đẹp.”
“Còn cô bé này?”
“Là mẹ. Lúc này mẹ mới chín tuổi.”
Tôi có cảm tưởng cả hai đang nhìn máy chụp ảnh như thể đó là một đồ vật bí ẩn chứ không phải là đứng tạo dáng để chụp ảnh.
“Ở cảnh nền phía sau, con có thể thấy khu công nhân Công ty Dầu khí Anh ở Nyaung Hla. Đó là nơi mẹ sống suốt thời thơ ấu và trẻ tuổi.”
Bà cho tôi xem bức ảnh thứ hai. Ảnh chụp một cô gái mặc trang phục thời trước, cằm đặt trên bàn tay. Trên cảnh nền có một bức tranh trong một phòng khách. Mặc dù cô gái đang cười, nụ cười của cô vẫn có vẻ thiếu thiếu điều gì đó. Có thể nói cô gái không có sức sống.
“Cô này là Mya Sein, bạn thân nhất của mẹ. Như những người bạn thân, bọn mẹ cãi nhau nhiều, nhưng cũng như những người bạn thân, bọn mẹ cùng nhau làm mọi chuyện. Một hôm, bọn mẹ đi Yenangyaung để chụp ảnh, mà ba mẹ không biết. Khi mẹ về nhà trễ, ba của mẹ nổi giận và đánh mẹ.”
Bà dừng lời. Tôi cảm thấy còn có chuyện gì khác nữa. Tôi bình tĩnh đợi. Mùi hương hoa Padauk, dấu hiệu những cơn mưa trước mùa hè, tất cả đang dẫn đến một điều gì đó. Cuối cùng thì điều ấy đã đến.
“Con, hãy xem tấm ảnh này.” Mẹ tôi nói.
Đó là một tấm ảnh rất cũ, đã mờ nơi bốn góc. Ảnh chụp một người đàn ông, không đẹp trai lắm nhưng đầy nam tính.
“Ông này là ai hả mẹ?” Tôi hỏi.
“Hãy nhìn mặt lưng tấm ảnh.” Bà nói.
Tôi nhìn và thấy dòng chữ sau đây.
“Tặng Mya em yêu dấu của anh. 13-3-1945.”
“Đó là người yêu đầu đời của mẹ, tên là Ko Ba Aye. Ông đã nhập ngũ kháng chiến chống Nhật. Không bao giờ trở về. Họ có ba người, là Ko Ba Aye, Ko Kant Maung và Ko Paik Tin. Sau chiến tranh, mẹ nghe nói Ko Paik Tin sống ở Yangon. Mẹ chỉ biết thế. Ko Kant Maung trở về làng. Nhưng não ông bị tổn thương. Ông không nói được. Nhưng, Ko Ba Aye, người ta nói, đã chết trận ở Tayyet hay ở Pyinmanar.”
“Vậy thì, tấm ảnh này…”
“Ừ, ông ấy đã tặng mẹ tấm ảnh này trước khi lên đường nhập ngũ. Ông ấy lấy đi tấm ảnh của mẹ, tấm ảnh mà mẹ đã chụp với Mya Sein ở Yenangyaung. Ông nói ông sẽ gìn giữ nó cho đến chết. Ngày mà mẹ và ông ấy chia tay, bọn mẹ nói tạm biệt ở cảng Nyaung Hla. Mẹ nhìn theo chiếc thuyền máy cho tới khi nó biến mất ở chân trời.”
“Ba có biết…”
“Không. Ba con không biết gì về Ko Ba Aye hay về tấm ảnh. Đó là một bí mật mẹ giữ riêng cho mình.”
Tôi vẫn nhớ mùi hương hoa Padauk trong không khí. Bây giờ, lý do mà mẹ tôi không yêu cha tôi trở nên rất đơn giản: bà đã yêu một người khác.
IV. Mẹ tôi đã qua đời năm ngoái. Mặc dù cha tôi say sưa, thiếu trách nhiệm, ích kỷ, có một điều tôi có thể nói tốt cho ông, cụ thể là sự tôn trọng sâu sắc của ông về bí mật của mẹ tôi. Ông không hề xâm phạm bí mật của bà khi bà còn sống. Ông vẫn không mở hộp sơn mài suốt một năm nữa sau cái chết của bà. Rồi một hôm, cha tôi mở hộp sơn mài lần đầu tiên trong bốn mươi năm. Ông nhìn từng tấm ảnh. Cuối cùng ông nói, “Ba không biết ông ấy là ai.”
“Người yêu đầu đời của mẹ.” Tôi nói.
“Sao con biết?” Ông hỏi.
“Mẹ kể cho con.” Tôi trả lời đơn giản.
Ba tôi trả những tấm ảnh vào lại trong hộp.
Tôi có thể hiểu ông đang nghĩ gì.
Cuối cùng ông nói, “Con đã sai lầm khi không kể cho ba biết về những tấm ảnh vào ngày đưa mẹ con đi chôn.”
“Sao hả ba? Kể thì có ích gì đâu?”
“Con không hiểu sao? Nếu biết ba sẽ chôn những tấm ảnh ấy theo mẹ con. Hãy tưởng tượng mẹ con sẽ hạnh phúc đến thế nào khi mẹ con hòa hợp với bà ngoại con, bạn của mẹ con và quan trọng hơn hết, mẹ con và người yêu đầu đời sẽ hạnh phúc mãi mãi trong cuộc sống kế tiếp.”
Tôi có thể hiểu cảm xúc trên nét mặt của cha tôi là ông không say khi nói. Ông đang nói rất nghiêm chỉnh.
Về phần tôi, tôi không thể cầm được nước mắt.
Truyện ngắn. Nay Win Myint
Võ Hoàng Minh (dịch)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...