Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
07:14 (GMT +7)

Mảnh đất cuộc đời tôi

Quê tôi vốn ở tỉnh Hà Đông. Năm 1960, bốn ông cháu lên Thái Nguyên ở với bà cô em ruột ông nội tôi. Bà sống độc thân tại một xóm nghèo, vắng vẻ, ngày ấy có cái tên là Bến Than, cách cầu Gia Bẩy gần một cây số.

Phía sau nhà tôi ở Bến Than

Không hiểu có phải đấy là nơi buôn bán than một thời không mà xóm có cái tên như vậy. Nhà bà tôi, một ngôi nhà ba gian rộng rãi nằm trên một khu đất rộng 300 mét vuông chạy dọc theo con suối chảy từ Quang Vinh ra sông Đào rồi đổ ra sông Cầu. Trong khu vườn của gia đình chúng tôi hồi đó trồng đủ các loại rau, xanh tốt bốn mùa, bán không xuể. Hằng năm, đến mùa mưa lũ, nước sông lại tràn vào mang theo phù sa bồì đắp cho đất thêm mầu mỡ.

Năm ấy ông tôi đã bảy mươi. Tôi là chị cả nhưng mới lên tám, đứa em út chưa đầy 3 tuổi. Chị em tôi mồ côi mẹ, bố bỏ ba chị em, lấy vợ tận Hà Bắc, cả năm không nhòm ngó đến bốn ông cháu tôi lấy một lần. Trong hoàn cảnh bĩ cực ấy, ông tôi quyết định chọn đất Thái Nguyên để sinh sống và nuôi ba chị em tôi trưởng thành.

Ngày qua ngày lặng lẽ trôi đi, tuy nghèo nhưng chị em tôi được ông và bà cô chăm chút, cho ăn học như mọi đứa trẻ khác. Sau đó ít lâu, bà cô tôi lâm bệnh qua đời, để lại toàn bộ đất đai, nhà cửa cho ông cháu tôi. Từ đấy, ông cháu tôi tự bảo lòng, rằng đã chính thức trở thành người Thái Nguyên, hãy lấy mảnh đất này làm quê hương thứ hai.

Tôi dần khôn lớn, chịu thương chịu khó làm đủ mọi việc: chăn nuôi, trồng trọt, khâu nón, buôn bán hoa quả… Vào những ngày chủ nhật, ngày lễ, tôi còn gánh hàng leo lên tàu hỏa về tận sân ga Hàng Cỏ bán. Cuộc sống của gia đình tôi mỗi ngày thêm khởi sắc trên vùng đất mới. Tuổi thơ của chị em tôi có nhiều gắn bó với dòng sông Cầu, với cây cầu Gia Bẩy. Đó là những năm tháng không thể nào quên.

Cứ chiều chiều, khi công việc đã xong xuôi, ba chị em lại rủ nhau ra tắm và câu cá ở mé sông gần nhà. Tôi vẫn nhớ như in trên khúc sông ấy có một tảng đá rất to, phẳng lì, có thể ngồi hoặc nằm trên đó để nhìn lên khoảng trời trong xanh không một gợn mây. Em trai tôi rất sát cá, bao giờ nó cũng câu được gấp đôi, gấp ba số cá của tôi. Con sông Cầu không chỉ cung cấp cho gia đình tôi thức ăn trong mỗi bữa cơm mà còn là nguồn chất đốt, nguồn gỗ lạt để sửa nhà, sửa các công trình phụ, và đặc biệt nhất là nguồn nước tưới vô tận cho việc trồng trọt chăn nuôi của người dân trong xóm…

Nhưng rồi những ngày yên ả đã không còn nữa. Đế quốc Mỹ bắt đầu leo thang bán phá ra miền Bắc. Chúng điên cuồng tấn công các trọng điểm kinh tế, quân sự ở Thái Nguyên. Một trong những mục tiêu lớn của giặc Mỹ là cầu Gia Bẩy.

Tôi không bao giờ quên được ngày 17/10/1965, tôi vừa tròn 13 tuổi, là ngày giặc Mỹ oanh tạc vào cây cầu thân yêu của chúng tôi. Tiếng còi báo động vừa rú vang thì từ trên không trung đã bất thần xuất hiện hàng chục chiếc máy bay chao lượn đen kịt bầu trời. Ông cháu tôi chạy vội xuống chiếc hầm kèo đào dưới gốc một cây mít to. Từ dưới hầm tôi lo lắng cố ghé mắt nhìn về phía cầu Gia Bẩy. Tiếng bom rung chuyển bầu trời, mặt đất. Từ phía đồi Két Nước, các chiến sĩ tự vệ của khu phố hối hả xả đạn lên trời, chống trả quyết liệt sự tấn công của quân thù. Trận bom ấy, tôi đã chứng kiến hàng chục người dân cùng xóm bị chết bởi bom giặc. Đau thương nhất là hầu hết các chiến sĩ của trung đội tự vệ đã anh dũng hi sinh trên đồi Két Nước.

Mấy năm sau trận bom đánh phá cầu Gia Bẩy, cũng ngay trên mảnh đất này, ông tôi mất trong một trận bom Mỹ. Từ đấy, tôi chợt hiểu rằng, trên mảnh đất yêu dấu của chúng tôi, đâu chỉ có niềm vui và hạnh phúc, mà còn có cả máu và nước mắt, còn có những nỗi buồn tử biệt sinh ly của gia đình, của bà con thôn xóm, những người đã cùng gia đình tôi đổ mồ hôi, sôi nước mắt để xây đắp cuộc đời. Cũng từ đấy, từ mái lá đến mảnh vườn, từ cây cầu đến dòng sông, từ con sóng lăn tăn đến hạt phú sa bé nhỏ đều đã nằm trọn trong trái tim bé nhỏ của chị em tôi. Những cái tên nghe rất đơn sơ, mộc mạc như cuộc đời: Bến Than, Két Nước, Gia Bẩy, Quang Vinh, Cao Ngạn, Sông Cầu… nhưng từ đây sẽ vĩnh viễn trở thành những dấu son trong hàng trang cuộc đời của chúng tôi.

Điều làm chị em tôi vui và tự hào nhất là ngay trên mảnh đấy ấy, tôi đã được kết nạp đoàn, rồi trở thành một nhân viên thuộc một công ty của nhà nước… Em trai tôi trở thành một công nhân ngành kiến trúc; em gái tôi vào quân ngũ. Khi trưởng thành, tuy chỉ là những công dân bình thường nhưng chúng tôi đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước…

Thái Nguyên đã trở thành quê hương thứ hai của tôi

Riêng tôi, ngoài những công việc chung, tôi còn có niềm say mê với thơ ca. Những lúc cảm hứng dâng trào tôi thường sáng tác thơ. Tôi hằng nghĩ, có lẽ tình yêu thơ ca của tôi được xuất phát từ con sông Cầu thơ mộng quanh năm uốn lượn trên miền đất gia đình tôi sinh sống. Bắt đầu từ những câu ca dao tình tứ: “Sông Cầu nước chảy lơ thơ/ Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi/ Ra sông lại nhớ đến người/ Xuống sông uống nước cho nguôi tấm lòng”; bắt đầu từ một khổ thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông viết về con sông mà ngay sau ngày giặc Mỹ ném bom xuống cầu Gia Bẩy, tôi đã nắn nót chép khổ thơ này vào cuốn sổ tay:

Sông Cầu ơi dòng nước chở trăng sao

Chở những đám mây hồng mây trắng

Ta soi bóng trong dòng vắng lặng

Bóng ta cùng bóng tháng ngày trôi.

Đến hôm nay, chị em tôi sinh sống và làm việc, mỗi người mỗi ngả, một phương trời, nhưng tôi hiểu, tình cảm của các em tôi vẫn mãi mãi hướng về mảnh đất xưa, nơi có biết bao kỉ niệm buồn vui, nơi chúng tôi đã học tập, lao động, phấn đấu hết mình, đặc biệt, nơi ấy đã gửi lại phần xương thịt của ông tôi, bà tôi cùng những người thân quen trong làng xóm đã ngã xuống trong những trận bom của giặc Mỹ.

Càng lớn lên tôi càng thấm thía hơn, rằng quê hương đâu chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn mà đó chính là nơi con người đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt cùng những vinh quang và cay đắng. Cái xóm Bến Than bé nhỏ của gia đình tôi, nếu có trên bản đồ của tỉnh Thái Nguyên, có lẽ cũng chỉ nhỏ xíu như một dấu chấm mờ. Nhưng với chị em tôi đó là một dấu son mà chúng tôi ghi khắc trong trái tim suốt một đời người.

Vũ Kim

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đồi Dung

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Chã - nơi ấy có mẹ chồng tôi

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

“Người Gang Thép!”

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Một miền quê yêu dấu

Tôi và Thái Nguyên 9 tháng trước

Tiếng gọi điều công

Tôi và Thái Nguyên 9 tháng trước

Lũng Luông kỉ niệm

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước

Phúc Lộc – làng quê êm đềm tuổi thơ tôi

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước