Màng bong bóng xà phòng
Truyện ngắn. Abe Kobo
Abe Kobo (1924 - 1993) là một nhà văn hiện đại xuất sắc của Nhật Bản, có tầm ảnh hưởng quốc tế lớn lao. Ông đoạt Giải thưởng văn học Akutagawa năm 1953 với tác phẩm “Bức tường”. Năm 1962, tiểu thuyết “Người đàn bà trong cồn cát” được Giải thưởng Yomiuri và Giải thưởng dành cho tác phẩm văn học nước ngoài xuất sắc nhất tại Pháp. Ông còn tham gia viết nhiều vở kịch có giá trị. Tác phẩm của ông pha trộn tính chất mộng mị hoang tưởng kiểu Kafka với những dằn vặt về ý nghĩa cuộc sống.
Truyện ngắn “Màng bong bóng xà phòng” của Abe Kobo nằm trong tuyển tập “Trăng cười”, Nxb. Shinchosha ấn hành năm 2008. Trong tác phẩm này, Abe Kobo có chia sẻ sứ mệnh của nhà văn mà chúng ta cũng ít nhiều đồng cảm: “Tôi nghĩ rằng cả tiểu thuyết và sân khấu cuối cùng cũng chỉ là tiếng kêu gào đại diện cho tiếng kêu gào từ những bãi rác kia thôi”.
Tám tấm hình tôi đưa vào trong tiểu thuyết “Người hộp” đã nhận được nhiều lời khen ngợi. Việc có thể tự mình khen mình như thế chắc tại vì chúng vẫn còn dấu vết của sự nghiệp dư chăng? Thế nhưng từ đó trở đi tôi hầu như không thể chụp thêm một tấm nào nữa. Mặc dù chuẩn bị ấn nút chụp hình đối với tôi mà nói là một khoảnh khắc tất nhiên thôi, thế nhưng không hiểu sao lúc đó tôi trở nên hồ nghi và không sao nhúc nhích nổi ngón tay. Có lẽ ít nhiều tôi đã đạt đến cảnh giới chuyên nghiệp rồi chăng?
Thử ngẫm nghĩ xem thì thấy tôi vẫn chưa hình thành được phong cách, motif của riêng mình. Tôi vẫn chưa xác định được tâm tưởng của mình cho những vấn đề như tại sao mình định chụp hình, hay suy nghĩ xem mình muốn chụp những tấm hình như thế nào đây? Đó chỉ mới là những khuynh hướng tiềm tàng mà thôi. Mặc dù vẫn còn mơ màng nhưng phải thừa nhận tôi có một sở thích hứng thú nhất định. Trước khi phân tích đến cùng động cơ chụp hình, đầu tiên tôi sẽ liệt kê ra những ví dụ cụ thể tôi đã muốn chụp hình trong những trường hợp thế nào đã.
Đầu tiên đó là rác. Không hiểu sao tôi lại hứng thú với rác chứ? Hay là những bãi rác cũng vậy. Dạo gần đây việc xử lý rác đã đến mức tuyệt đỉnh rồi chứ còn cứ như ngày xưa ngay cả những chỗ không thích hợp cho việc đổ rác thì rác cũng tràn lan, hình ảnh về bãi rác thích hợp cũng mờ mịt lắm.
Tuy vậy không phải đã chấm dứt hoàn toàn những bãi rác tự phát. Những chỗ giao nhau của đường tàu, con lộ, sông ngòi hay những cây cầu, những vị trí mà con người không thể nào sống ở đó tự nhiên lại trở thành nơi đổ rác. Cũng may mắn là những chỗ như vậy đều là nơi kín đáo, ít bị mắt người đời soi mói. Cũng giống như những nơi tối tăm hay chỗ trũng trong thành phố nên dù có đi ngang qua, người ta cũng hiếm khi dừng lại. Nếu thật tâm muốn nhìn thì sẽ thấy đó nhưng nếu tảng lờ mà đi thì cũng xem như không thấy gì. Có thể xem đó là những không gian chưa đăng ký trên trần gian này vậy.
Tôi cũng không cố tình muốn nán lại những chỗ như thế đâu. Tôi lướt qua chúng như thể chúng chỉ lướt qua góc mắt tôi trong một khoảnh khắc mà thôi. Không hiểu sao tôi cứ ngại ngùng bất an không thể nào nhìn thẳng vào chúng được. Thế rồi ngay khi vừa bước qua tôi nghe tiếng gọi gì đó. Ngay lập tức, tôi cảm thấy tội lỗi hổ thẹn như thể mình đã không có thái độ đúng mực với khoảng không gian kia. Tôi đã có sự phân biệt đối đãi. Tuy nhiên cho dù phân biệt chi li thế nào đi nữa, tôi cũng không có ý muốn dừng lại. Thế là tôi giao nhiệm vụ cho cái máy ảnh hành động thay thế cho tôi. Hành vi ấn nút máy chụp hình ít nhất có lẽ cũng biện minh cho khoảng không gian và những vật thể đang chỉ trích sự xem thường của tôi vậy.
Trong trường hợp của tôi quang cảnh bãi rác luôn gợi lên một khung cảnh trong ký ức. Tôi nghĩ đó là khoảng thời gian mình học phổ thông. Phía nam thành phố Hoten nơi tôi lớn lên có một con đê lớn tên là Konga luôn dâng đầy ắp nước mỗi mùa mưa về. Nơi chỗ giao nhau giữa con đê và đường tàu có một bãi sình lầy lớn. Bãi sình lầy đó đã trở thành bãi rác của thành phố. Hơn nữa vì hơn nửa thời gian trong năm khô ráo nên nếu nhìn sâu hơn vào giữa bãi lầy ta thấy rác nổi lên trên mặt đất, và nếu như không bước chân vào thử thì sẽ không biết được đó là bãi sình lầy.
Vì trường học của tôi nằm gần bên nên tôi nhớ mình đã nhiều lần từng lân la chơi gần chỗ đó. Cũng chẳng phải có sự cấm đoán gì nhưng lý do hiếm khi chúng tôi muốn đến bãi rác có lẽ là vì sợ hãi.
Lũ chúng tôi luôn tin rằng bãi sình lầy đã hút hết rác rưởi gần đó vào giữa trung tâm. Sự thực thì chúng tôi cũng có nhìn thấy rác chôn sâu trong sình, gần vị trí trung tâm bãi sình lầy đó. Thêm nữa có lẽ vì ẩn giấu giữa trung tâm bãi sình không chỉ có rác mà còn có cơ man nào là quạ nữa. Có lần tôi đã trông thấy cả mấy ngàn con quạ bay nhảy vào buổi chiều như thể xới tung bề mặt bãi sình lên. Tôi còn nhớ một lần nửa bầu trời vẫn còn xanh trong thế mà đột nhiên trở nên đen kịt lại khiến chúng tôi sợ hãi đến mức ngồi bệt xuống mặt đê nữa. Có thể nói trong ký ức của tôi bãi rác vùng ngoại thành đó luôn gợi một vẻ gì tôn nghiêm khác thói thường.
Hay có lẽ bởi vì xa bãi sình lầy một chút có một cái đài bêu đầu của tù nhân tử hình(*) được xây dựng từ thời Edo nơi vị trí hướng ra đường ray tàu nên ấn tượng đó càng thêm mãnh liệt. Trên tấm bảng hình chữ T được gắn vào một cây cọc lớn là đài bêu đầu cho ba người gồm ba cây đinh sắt nhô ra từ phía sau như ba cái chân cắm nến. Nó nằm vị trí chính diện từ cửa sổ tàu nhìn ra.
Tôi không nhớ rõ là đã có ai nhìn thấy thực sự những cái đầu bêu trên đó chưa. Nhiều khi mình có cảm giác như nhìn thoáng thấy những vật như mớ chỉ đen rối bòng vô dụng nhưng có lẽ đó chỉ là do tưởng tượng của ký ức tạo nên thôi.
Những ai vì tội gì mà bị bêu đầu tôi cũng chẳng rõ nữa nhưng người ta nói rằng nó được làm trước hết để răn đe. Cho dù là ai đi chăng nữa thì từ cái nhân vật mà đột nhiên trong bóng tối chỉ xuất hiện cái đầu lâu trở thành mồi cho quạ rồi mất đi không tăm tích đó cũng gieo vào lòng chúng tôi một nỗi sợ hãi và ngưỡng mộ. Tôi nghĩ vì những nhân vật vô danh không được kể ra trong truyền thuyết mà cái bãi sình đổ rác có một quang cảnh dị thường thế kia.
Quá khứ đã hàm chứa sẵn tương lai. Chiếc miệng lớn của đại địa nhai vụn con người. Cả lưỡi cả răng cả môi tất cả đều một màu đất.
Ngoài ra tôi cũng chụp nhiều vật phế thải khác nữa. Tôi cũng chụp những người gần như là phế vật.
Tám tấm ảnh được chèn vào trong tiểu thuyết “người hộp” cũng đều gợi lên hình ảnh của phế nhân hay là phế vật trong một ý nghĩa nào đó.
- Một tên du đãng trẻ đang nhìn chăm chú vào số hiệu của tờ vé số quá hạn.
- Tờ giấy dán phòng bệnh dành cho những bệnh nhân nặng thổ huyết và hô hấp khó khăn.
- Cảnh những người khuyết tật chụp hình kỷ niệm trước hội trường của hội chợ quốc tế.
- Nhà vệ sinh công cộng nơi sân ga.
- Câu lạc bộ của trường hải quân cũ phản chiếu trong gương.
- Kẻ ăn mày chất hết tài sản của mình lên chiếc xe đạp không lốp rồi đẩy đi.
- Núi phế liệu.
- Rồi thì không hiểu sao có cả toa tàu chở hàng. Theo cách phân loại của tôi thì nó cũng gần với những loại phế vật.
Không phải tôi có mục đích tiết lộ ra để giải thích điều gì đâu. Vì những tấm hình tôi chụp không phải là ghi chép sự thực nên có giải thích nội dung cũng vô dụng mà thôi. Chỉ là tôi thử viết ra hết để giải thích những tình huống mà tôi đưa máy lên chụp hình.
Tuy nhiên, không phải tôi chụp là bởi vì bị thu hút bởi sự thú vị của những tình huống như thế đâu. Mà do tôi đã nghe ra được tiếng kêu gào đáng sợ của những bãi rác, những phế vật và phế nhân kia. Tôi không thể giải thích thêm nữa. Cũng giống như cái âm thoa vậy, có cái gì đó trong tâm tư tôi bắt đầu cộng hưởng khiến lông tóc dựng đứng lên rồi cứ thế mà bị kéo mạnh lại gần.
Tôi có cảm giác như mình vừa sợ tiếng kêu đó nhưng đồng thời cũng sợ không còn nghe ra được những tiếng kêu đó nữa. Dường như bởi vì nếu không còn nghe ra được những thanh âm kia thì xung động khiến tôi muốn chụp hình cũng sẽ biến mất vậy. Kinh thật. Đây không chỉ là vấn đề chụp hình thuần túy mà thôi đâu.
Tôi có một dự cảm rằng ngay khi hình ảnh về những bãi rác biến mất đi thì tôi sẽ mất trọn vẹn hứng khởi sáng tạo. Tôi nghĩ rằng cả tiểu thuyết và sân khấu cuối cùng cũng chỉ là tiếng kêu gào đại diện cho tiếng kêu gào từ những bãi rác kia thôi.
Nói chung là tôi luôn bị rác thu hút. Những cuộc gặp gỡ với những phế vật và phế nhân gây cho tôi niềm xúc động hơn tất cả. Nó giống như những miền sâu kín ẩn mật của con người, không muốn ai hay biết. Chỉ bằng sự tồn tại trống rỗng và tráng lệ như thế thôi nó đã áp đảo mọi ý nghĩa. Đó là điều đương nhiên thôi.
Cho dù “tính hữu dụng” có thể chịu thua “phế vật” đi nữa thì chắc hẳn “phế vật” cũng không thể nào khuất phục được “tính hữu dụng” đâu. Như động vật vốn là một thứ ngẫu nhiên ngoại lệ của thực vật, còn thực vật lại chỉ là một thứ sản phẩm ngẫu nhiên ngoại lệ của khoáng vật mà thôi. Điều đáng tiếc là nguyên lý chi phối lại nằm ở bên khoáng vật hơn là bên động vật. Chẳng hạn ta có thể lấy ví dụ trên chiến trường con người phải phó mặc cho phép tắc của khoáng vật vậy.
Chẳng phải bây giờ chúng ta cũng vẫn đang đau đầu nhức óc về vấn đề ô nhiễm môi trường do phế liệu sản xuất thải ra sao? Cái niềm tự hào rằng chúng ta đang khiêu chiến với rác đó chẳng phải nhấn mạnh thêm sự tái vũ trang của rác thải hay sao? Nếu chúng ta hiểu và thừa nhận điều đó là được.
Tôi không phải là người lạc quan đến mức ra vẻ ta đây với người theo chủ nghĩa hư vô nhưng nếu nói đến niềm hy vọng thì tâm tính bẩm sinh của tôi cũng có quá nhiều điểm tương đồng với rác. Chỉ có điều là tôi có thêm cái tâm ích kỉ muốn cự tuyệt cái chết bình thường để ít nhất có thể chết được theo kiểu riêng chính mình mà thôi.
Những tiếng kêu than tôi nghe được từ bãi rác dường như là tiếng kêu than của “tính hữu dụng” đã bắt đầu bị bãi lầy nuốt rác ngậm lấy và nhai nghiền nát ra. Ít nhất thì tôi nghe ra như vậy. Đó là lớp màng bong bóng xà phòng mà tôi đã tạo nên và duy trì hàng ngày bằng cảm giác (có thể là huyễn ảnh) rằng mình không phải là rác.
Trên lớp màng xà phòng đó, có lẽ ngày mai thế nào tôi cũng tìm cách để tiếp tục vẽ bản phác thảo về đầm lầy nuốt rác. Bởi có lẽ rác chính là truyền thuyết của con người bị nghiền nát ra.
* Nguyên văn là “晒し首用の台” , đài bêu đầu tù nhân tử hình được xây dựng vào thời Edo (1600 - 1867)
Dịch giả: Hoàng Long
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...