Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
01:11 (GMT +7)

Lời thú tội của một người cha – Guy de Maupassant (Pháp)

VNTN - Mọi người dân Veziers-le-Rethel đều đưa tang M. Badon-Leremince, và những lời cuối cùng của bài điếu văn được phát biểu bởi đại diện của quận vẫn lưu lại trong tâm trí tất cả mọi người: “Ít ra thì ông ấy là một người trung thực!”

Ông đã là một người đàn ông trung thực trong mọi hành động, lời nói, thái độ, cách cư xử, sự nghiệp, trong kiểu râu và dáng mũ của mình. Ông không bao giờ nói điều gì mà không làm gương cho người khác, không bao giờ cho đi của bố thí mà không thêm vào một lời khuyên, không bao giờ chìa tay ra mà không tỏ ra đang ban phúc lành.

Ông có hai người con, một trai một gái. Con trai ông là tổng cố vấn còn con gái ông lấy luật sư M. Poirel de la Voulte và gia nhập tầng lớp thượng lưu bậc nhất ở Veziers.

Họ không thể nguôi lòng trước sự ra đi của cha mình vì họ yêu ông chân thành.

Ngay khi buổi lễ kết thúc, con trai, con gái và con rể ông trở lại nhà tang lễ và sau khi vào thư viện đóng kín cửa lại, họ mở di chúc. Dấu niêm phong được mở khi không có người khác xung quanh và chỉ sau khi quan tài đã nằm trong lòng đất. Mong muốn này thể hiện bằng một dòng lưu ý trên phong bì.

M. Poirel de la Voulte xé phong bì với cách của một luật sư đã quen với những việc như thế này, rồi chỉnh lại kính và đọc bằng giọng đơn điệu được tạo ra để đọc nội dung hợp đồng:

“Các con yêu dấu của ta, cha không thể nào yên nghỉ trong giấc ngủ vĩnh hằng nếu không từ dưới mồ thú nhận với các con, sự thú nhận một tội lỗi, ăn năn mà nó đã hủy hoại cuộc đời ta. Đúng vậy, cha đã phạm một tội, một tội lỗi khủng khiếp đáng kinh tởm.

Năm đó cha 26 tuổi, vừa được gọi tới tòa án ở Paris và đang sống cuộc sống của đám thanh niên trẻ đến từ tỉnh lẻ, những người bị mắc kẹt trong thị trấn này không một người quen, họ hàng hay bạn bè gì hết.

Cha có người yêu. Có những người không sống một mình được. Cha là một trong số đó. Cảnh cô đơn làm cha đau khổ khủng khiếp, cứ tối đến cha lại cô đơn ở trong phòng bên cạnh bếp lửa. Lúc đó cha cảm thấy như thể mình đơn độc trên đời bị vây quanh bởi những mối nguy hiểm mơ hồ, những thứ kinh khủng vô danh. Bức vách ngăn cách cha và người hàng xóm mà cha không quen giữ cha cách rất xa anh ta như khoảng cách đến các vì sao mà cha thấy qua cửa sổ. Có gì đó như cơn sốt thâm nhập người cha, cơn sốt thiếu kiên nhẫn và sợ hãi, sự yên tĩnh của các bức tường làm cha khiếp đảm. Sự yên tĩnh của căn phòng nơi người ta sống một mình mới khắc nghiệt và u sầu làm sao. Đã bao lần trong lo lắng và sợ hãi bởi sự yên tĩnh im lìm này, cha đã bắt đầu nói, lặp đi lặp lại từ ngữ vô nghĩa chỉ để tạo ra âm thanh gì đó. Những lúc đó giọng cha nghe kì lạ đến nỗi cha cũng thấy sợ nó luôn. Có cái gì khủng khiếp hơn là nói chuyện với chính mình trong một căn nhà trống chứ? Giọng của chính mình nghe như của người khác, một giọng xa lạ nói vu vơ không với ai hết, nói vào hư không, không cái tai nào nghe hết. Và khi họ sầu thảm nhắc lại trong thinh lặng, dường như chỉ một tiếng vọng, một tiếng vọng kì dị những từ ngữ mà ý nghĩ của họ thì thầm.

Người yêu của cha là một cô gái trẻ như các cô gái trẻ khác sống ở Paris nhờ vào số tiền công ít ỏi không đủ sống. Nàng hiền lành, tốt bụng và đơn giản. Cha mẹ nàng sống ở Poissy.

Cha đã kín đáo sống với nàng được một năm, quyết định rằng sẽ bỏ nàng khi cha tìm được ai đó đủ thích để cưới. Cha sẽ chu cấp chút ít cho cô gái này vì cũng dễ hiểu là trong khuynh hướng xã hội này, tình yêu của phụ nữ nên được trả công, bằng tiền nếu cô ta nghèo, và bằng quà tặng nếu cô ta giàu.

Nhưng một ngày nàng bảo cha nàng có mang. Cha như bị sét đánh và ngay lập tức thấy rằng cuộc đời mình sẽ bị hủy hoại. Cha thấy cái xiềng xích mà mình sẽ mang đến chết, ở bất kì đâu, trong cuộc sống gia đình tương lai, trong tuổi già, mãi mãi; cái xiềng xích của một người phụ nữ gắn kết với cuộc đời cha qua một đứa trẻ; cái xiềng xích của đứa trẻ mà cha phải nuôi lớn, trông nom, bảo vệ trong khi phải giữ cho nó không biết về mình, và che giấu nó không cho thế giới biết. Cha vô cùng bối rối trước tin này, và một ham muốn lộn xộn, một khát khao tội lỗi dâng lên trong tâm trí; cha không nói chính xác được nhưng cảm thấy nó trong tim, nó đã chực chờ thể hiện ra ngoài như thể có ai đó ẩn sau màn cửa chờ ra dấu vậy. Giá mà có tai nạn nào đó xảy ra! Có quá nhiều sinh vật nhỏ nhoi như thế này chết trước khi ra đời.

Ôi! Cha đâu có mong cho người yêu mình chết! Cô gái tội nghiệp, cha yêu nàng nhiều lắm! Nhưng cha ước giá mà đứa trẻ chết trước khi cha nhìn thấy nó.

Thằng bé ra đời. Cha sắp xếp căn hộ độc thân nhỏ của mình, bắt chước một ngôi nhà, với một đứa trẻ kinh khủng. Nó trông giống mọi đứa trẻ khác, cha không quan tâm tới nó. Những người cha mới đầu thường không thể hiện tình cảm. Họ không có cái dịu dàng bản năng và tha thiết của người mẹ; tình cảm của họ phải được thức tỉnh từ từ; tâm trí họ phải trở nên gắn bó bởi những mối ràng buộc hình thành hàng ngày giữa những người sống trong thế giới của nhau.

Một năm trôi qua. Lúc bấy giờ cha tránh về nhà, cái nơi quá chật chội với đồ vải lanh bẩn, quần áo em bé và tất dài rộng cỡ găng tay nằm ngổn ngang, cái nơi có hàng ngàn thứ đồ đủ loại nằm trên bàn ghế, trên tay vịn ghế bành, ở khắp mọi nơi.

Cha đi ra ngoài chủ yếu là để không nghe thấy tiếng trẻ con khóc bởi nó khóc vì mọi lí do nhỏ nhất, lúc nó tắm, lúc bị chạm vào, lúc được cho đi ngủ, lúc bị dựng dậy vào buổi sáng, khóc không ngừng.

Cha đã làm quen với vài người mới và gặp một người phụ nữ ở một cuộc tiếp đón, người sẽ trở thành mẹ các con. Cha yêu bà ấy và khát khao được cưới bà ấy. Cha tỏ tình với bà ấy; cha hỏi cha mẹ bà ấy cho cưới và được chấp nhận.

Cha lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan: vừa phải cưới người thiếu nữ mà mình yêu tha thiết trong khi đã có một đứa con, nếu cha nói thật thì sẽ phải từ bỏ nàng cùng hạnh phúc, tương lai của mình, mọi thứ; vì bố mẹ nàng, những người sống nguyên tắc cứng nhắc, sẽ không trao nàng cho cha nếu họ biết được.

Cha sống một tháng trong khổ sở khó chịu, trong sự tra tấn cực độ, một tháng bị ám ảnh bởi cả ngàn ý nghĩ khủng khiếp; và cha cảm thấy một lòng căm thù đối với con trai mình, cái con người nhỏ bé, hay kêu gào đó, người chặn đường sống của cha, làm gián đoạn cuộc sống của cha, buộc cha phải sống mà không có được chút kì vọng mong manh nào, lớn dần trong cha.

Nhưng ngay sau đó mẹ người tình của cha bị bệnh và cha ở lại một mình với đứa trẻ.

Đó là vào tháng 12 và thời tiết lạnh kinh khủng. Một đêm kinh hoàng!

Người tình của cha mới vừa đi khỏi. Cha ăn một mình trong phòng ăn nhỏ rồi nhẹ nhàng vào căn phòng đứa bé ngủ.

Cha ngồi xuống một chiếc ghế bành trước lò sưởi. Gió đang thổi làm cửa sổ khua lách cách; đó là một cơn gió khô rét. Qua cửa sổ cha thấy những vì sao tỏa thứ ánh sáng sắc nhọn chúng có vào những đêm băng giá.

Thế rồi cái ý nghĩ cứ ám ảnh cha cả tháng lại dâng lên. Ngay khi cha im lặng là nó lại đến quầy rầy. Nó ăn vào tâm trí cha như một ý niệm bất di bất dịch, như bệnh ung thư phải ăn vào máu thịt. Nó ở đó, trong đầu, trong tim, trong toàn bộ cơ thể cha; và nó nuốt chửng lấy cha như một con thú hoang. Cha cố gắng xua nó đi, đẩy lùi nó, mở tâm trí mình cho những ý nghĩ khác như người ta mở một ô cửa sổ cho làn gió ban mai tươi mới lùa thứ không khí bẩn thỉu ra ngoài. Nhưng cha không thể xua nó ra khỏi óc mình, không một giây phút nào hết. Cha không biết làm sao để diễn tả sự tra tấn này. Nó gặm nhấm linh hồn cha, và cha thấy đau khổ khủng khiếp, một nỗi đau thể xác và tinh thần thực sự.

Cuộc đời cha đã bị hủy hoại rồi! Làm sao cha có thể thoát khỏi tình thế này đây? Làm sao cha có thể rút lui và thú tội đây khi cha yêu tha thiết đến điên cuồng người sẽ thành mẹ các con.

 Một cơn thịnh nộ khủng khiếp xâm chiếm lấy cha, làm cha nghẹt thở, cơn thịnh nộ gần như điên cuồng. Rõ ràng tối hôm đó cha đã phát điên!

Đứa bé đang ngủ. Cha đứng dậy và nhìn nó ngủ. Là nó, cái giống này, cái thứ không gì hết này, đã buộc cha lâm vào tình cảnh bất hạnh không thể thay đổi được!

Nó ngủ, miệng hé mở, người nó bọc trong chăn nằm trong cũi cạnh giường cha, nơi cha chẳng thể nào ngủ được.

Làm sao cha lại làm được cái điều mình đã làm? Làm sao cha biết? Điều gì đã thôi thúc cha vậy? Sức mạnh tà ác nào đã chế ngự cha? Ôi sự cám dỗ gây tội ác đến với cha mà không hề báo trước. Tất cả những gì cha nhớ được đó là tim cha đập dữ dội. Nó đập mạnh tới mức cha nghe được như người ta nghe tiếng búa đập sau một bức vách. Đó là tất cả những gì cha nhớ được  nhịp đập tim mình!

Trong đầu cha có một sự rối loạn kì lạ, một sự bối rối, một sự lộn xộn điên rồ. Đó là một trong những giờ phút hoang mang và đầy ảo giác khi một người không ý thức được hành động cũng như không thể điều khiển được ý muốn của mình.

Cha nhẹ nhàng giở mấy tấm chăn đắp trên người đứa bé, lật chúng xuống chân cũi và nó nằm đó không che chắn và trần truồng. Nó không thức dậy. Rồi cha đi tới cửa sổ, rất nhẹ nhàng, mở cửa ra. Một luồng khí lạnh lướt vào như một kẻ ám sát; nó lạnh tới mức cha lùi qua một bên còn hai ngọn nến bập bùng. Cha cứ đứng gần cửa sổ không dám quay lại như thể sợ thấy chuyện đang diễn ra sau lưng mình và cảm giác khí lạnh tiếp tục bay qua trán, má, bàn tay, cái không khí chết chóc cứ tuôn vào. Cha đứng đó rất lâu.

Cha không suy nghĩ gì hết. Đột nhiên một cơn ho nhẹ khiến cha rùng mình khủng khiếp từ đầu tới chân, một cơn rùng mình cha vẫn còn cảm giác ở chân tóc. Với một cử động điên rồ cha bất ngờ đóng cả hai cánh cửa và quay lại chạy tới chỗ cái cũi.

Nó vẫn ngủ, miệng nó mở và trần truồng. Cha chạm vào chân nó; chúng lạnh như băng và cha che chúng lại.

Trái tim cha đột nhiên xúc động, đau đớn, tràn đầy lòng trắc ẩn, sự dịu dàng, tình yêu dành cho cái con người ngây thơ tội nghiệp mà cha đã muốn giết này. Cha hôn mái tóc mảnh mềm mại của nó âu yếm thật lâu. Rồi cha đi tới ngồi xuống trước lò sưởi.

Cha ngạc nhiên và ghê rợn nghĩ về điều mình vừa làm, tự hỏi những giông tố của tâm hồn đó từ đâu tới mà một người đàn ông trong cơn bão mất hết khả năng cân nhắc về mọi chuyện, mất hết khả năng làm chủ bản thân và hành động như trong một tình thế say sưa điên cuồng, không biết mình đang đi đâu  như một con tàu trong cơn cuồng phong.

Đứa bé lại ho và khiến trái tim cha giật mạnh. Giả sử nó sẽ chết! Ôi Chúa ơi!

Chuyện gì sẽ xảy đến với cha đây?

Cha đứng lên đi tới nhìn nó, và với cây nến trong tay cha cúi xuống. Thấy nó thở êm ái cha thấy yên lòng. Khi nó ho đến lần thứ ba cha sốc tới mức lùi lại y như điều người ta làm lúc nhìn thấy thứ gì kinh khủng, và đánh rơi cây nến.

Vừa đứng thẳng người sau khi nhặt cây nến lên, cha để ý thấy thái dương mình ướt đẫm mồ hôi, thứ mồ hôi lạnh ngắt gây ra bởi sự đau khổ của tâm hồn. Cha cứ cúi xuống bên con trai mình tới khi trời sáng, lòng thấy bình tĩnh khi nó giữ yên lặng được một lúc rồi đau khổ tan nát cõi lòng khi một trận ho yếu ớt đến.

Nó thức dậy với đôi mắt đỏ ngầu, cổ họng nó bị nghẹt và có vẻ đau đớn.

Khi người phụ nữ giúp việc dọn dẹp đến, cha liền cho bà ta đi gọi bác sĩ. Ông bác sĩ đến sau một tiếng và hỏi cha sau khi kiểm tra đứa bé:

“Nó có bị cảm lạnh không?”

Cha bắt đầu run rẩy như người bị liệt và ấp úng nói:

“Không, tôi không nghĩ vậy đâu.”

Và rồi cha nói:

“Có chuyện gì vậy? Có nghiêm trọng không?”

“Tôi vẫn chưa biết,” ông ta đáp. “Tối nay tôi sẽ lại đến.”

Tối đó ông bác sĩ đến. Gần như cả ngày thằng bé trong tình trạng ngủ lơ mơ và ho suốt. Chứng viêm phổi đến trong đêm.

Chuyện đó kéo dài 10 ngày. Cha không thể diễn tả điều mình đã trải qua trong những giờ vô tận chia ngày và đêm đó ra.

Thằng bé chết.

Và kể từ lúc đó, cha đã không sống được một giờ nào không nhớ đến cái kí ức kinh khủng đã thiêu đốt, gặm nhấm, dường như siết chặt trái tim cha, thức tỉnh trong cha như một con thú hoang bị giam giữ trong thẳm sâu linh hồn.

Ôi giá như cha có thể phát điên!

M. Poirel de la Voulte đẩy kính lên với một động tác riêng của mình mỗi khi đọc xong một bản hợp đồng; và ba người thừa kế của người quá cố nhìn nhau không nói gì, vẻ nhợt nhạt và bất động.

Một lát sau viên luật sư tiếp tục:

“Thứ đó phải bị tiêu hủy.”

Hai người kia cúi đầu ra dấu tán thành. Anh ta đốt nến, cẩn thận tách những tờ giấy chứa lời thú tội có hại đến những người liên quan trong việc giải quyết tiền bạc, rồi giơ chúng trên cây nến và ném vào lò sưởi.

Họ nhìn những tờ giấy trắng cháy tới khi chúng đã biến thành những đống vụn đen nhỏ. Và khi thấy vài chữ vẫn còn hiện trên hàng kẻ trắng, cô con gái khẽ dịch mũi giày nghiền nát mảnh giấy, hòa nó lẫn vào đám tro cũ trong lò.

Rồi cả ba người đứng đó nhìn một lúc như thể họ sợ bí mật bị tiêu hủy có thể trốn thoát khỏi lò sưởi.

Trương Thị Mai Hương 

(Dịch)

Nguồn: americanliterature.com

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước