Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
03:55 (GMT +7)

Linh tính của bác Lai

VNTN- Tôi nghĩ, người Việt Nam ta ở đâu thì cũng “nhiễu điều phủ lấy giá gương”. Nhưng tình huống độc nhất trong đời cho đến nay của tôi chỉ gặp ở Thái Nguyên - vùng đất với những con người nhân hậu như cụ bà chủ quán và vợ chồng bác Lai mà tôi đã gặp sẽ không bao giờ quên được.

Đường tròn Thái Nguyên từ những năm xưa với cột đồng hồ có 4 mặt. Ảnh minh họa, nguồn: internet

Tôi vô cùng háo hức với thông tin cuộc thi “Tôi và Thái Nguyên” do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức. Nhờ đó, tôi đươc sống lại một kỷ niệm nhỏ, nhưng ngọt ngào về con người và vùng đất Thái Nguyên. Tuy nhiên, đã có lúc tôi rất đắn đo, bởi sợ chuyện của mình quá vụn vặt, đơn giản so với tầm của cuộc thi. Tưởng chừng đã tuột mất cơ hội, thì rất vui thấy thông báo gia hạn nhận bài, tôi lại như đứa trẻ, háo hức gõ phím…

Đó là hồi tháng 5 năm 1995, tôi được lãnh đạo Công ty Phân bón Sông Gianh - Quảng Bình cử ra công tác tại Chi nhánh, đóng ở thị trấn Đông Anh - Hà Nội. Công việc của tôi là ra đứng ngoài quốc lộ, vẫy những chiếc xe chạy không tải lên các tỉnh phía bắc, thương lượng để chở hàng.

Một hôm, Giám đốc Chi nhánh giao việc mới cho tôi, áp tải xe hàng lên thành phố Thái Nguyên, giao và nhận tiền về. Cũng cần nói sơ về việc kinh doanh của Công ty, vì nó có liên quan đến các tình tiết đằng sau. Công ty chúng tôi sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh. Sản phẩm là rất mới lúc bấy giờ, nên cần khâu tuyên truyền bởi vậy chủ trương là tìm kiếm những cán bộ về hưu có uy tín làm đại lý tiêu thụ. Tuy nhiên họ lại có điểm yếu là thiếu kiến thức kinh doanh, ít vốn, thậm chí còn nghèo. Hình thức làm thị trường của Công ty cũng rất lạc hậu. Sau khi kí hợp đồng, nếu đại lý có nhu cầu là ra bưu điện a lô (vì không mấy ai có điện thoại nhà), Công ty sẽ thuê xe chở đến, giao và nhận tiền.

Đúng ba giờ chiều, xe hàng rời Đông Anh. Tôi tính, đến thành phố Thái Nguyên chỉ hơn 50 km, chậm lắm cũng 5 giờ. Nhưng ác nỗi, chiếc xe Zin quá ọc ạch, lại chở quá tải, khiến nó chết máy thường xuyên, nên đến Thái Nguyên thì trời tối hẳn. Lái xe theo địa chỉ trong hóa đơn, đến một khu phố gần như là ngoại ô. Tuy nhiên, đã chui hết chỗ này sang chỗ khác để hỏi, vẫn không ai biết cái ông Lai tiêu thụ phân bón đâu cả. Lái xe nổi cáu và trút giận sang tôi. Anh ta còn dọa, nếu đến chín giờ đêm mà không giao được hàng thì sẽ đổ xuống đường để về trả xe cho đơn vị. Tôi biết, lỗi là do cô kế toán tắc trách viết sai địa chỉ nhưng mình là người công ty, không thể mặc kệ được. Bây giờ chỉ còn cách điện về Chi nhánh để hỏi lại xem, mặc dù chỉ là cầu may vì hết giờ làm việc. Trời tối, không có xe ôm, tôi đành phải chạy bộ đi tìm bưu điện, cũng may là cách đó chỉ hơn cây số. Không có ai cầm máy cả, tôi thất vọng trở lại chỗ đỗ xe thì hỡi ôi, xe và hàng đã biến đâu mất tích…

Bấy giờ trời lại đổ mưa rào, xung quanh nhà nào cũng đóng cửa. Lúc đầu tôi hy vọng, có thể lái xe sợ công an phạt phải tìm chỗ nấp, nên tìm hết đường phố này sang phố khác, nhất là những nơi không ánh sáng. Vẫn không thấy xe đâu cả, tôi đau đớn nghĩ đến chuyện lái xe là kẻ xấu. Trận mưa làm áo quần tôi ướt mèm nhưng miệng thì khô rát. Tôi bần thần, lang thang giữa phố, nghĩ đến gia cảnh mình, vợ không có việc làm, con còn thơ dại, nếu phải đền xe hàng 7 - 8 triệu thì lấy đâu ra? Chính vì hoàn cảnh mà khi ra Hà Nội tôi phải quyết định bỏ thuốc lá vì nó quá đắt đỏ so với đồng lương. Nghĩ đến đây, cơn thèm thuốc trở lại dày vò. Không cưỡng được, tôi tìm đến cái quán cóc của một cụ bà mua hai ngàn thuốc và xin nước uống. Cụ bà nhìn tôi hỏi, chú người Nghệ An à? Dạ, cháu Quảng Bình ạ! Sao lang thang giờ này ở đây? Tôi kể lại đầu đuôi thì được cụ mời ngồi. Cụ nhẹ nhàng: “Ông nhà tôi  đã từng chiến đấu ở Quảng Bình đấy! Chú cứ ở lại đây mà nghỉ tạm, mai hẵng hay”. Tôi mừng chảy nước mắt, chứ làm gì có tiền mà tìm nhà nghỉ.

Đang ngồi hút thuốc thì tôi thấy có một người đàn ông đi xe đạp đứng ngoài nhìn. Ông ta nhấn nhứ mấy lần rồi quyết định đẩy xe vào, nhìn tôi một lúc rồi hỏi, anh có phải Phân Vi sinh không? Tôi ngạc nhiên bật dậy, dạ đúng ạ! Bác là? Tôi là Lai đây, gớm tìm suốt từ tối đến giờ. Tôi và bác Lai bỗng ôm chặt lấy nhau như hai người thân quen gặp lại. Tôi vui như vớ được vàng. Bác Lai ra lệnh, lên xe đi, chần chừ gì nữa! Tôi cảm ơn cụ bà chủ quán rồi ngồi lên xe đạp.

Nhà bác Lai tiếng là ở thành phố nhưng phía trước vẫn có cánh đồng. Bác Lai đưa quần áo của bác và bảo tôi đi tắm. Bác gái dọn ra mâm cơm với đĩa thịt gà đầy ụ. Bác gái phân bua: “Đang xuống phân thì ông lái xe bảo, có người của Công ty đi theo xe, mà đang đi điện thoại, giờ không biết ở đâu. Ông nhà tôi nghe vậy là hoảng hốt đạp xe đi tìm”.

Vào ngồi ăn, bác Lai mới chậm rãi nói chuyện. Bác bảo linh tính của bác có từ thời chiến đấu trong Nam nên thường rất chính xác. Chiều nay bác có linh tính là xe phân bón sẽ lên. Nhưng bác chờ mãi, sốt ruột, chả lẽ linh tính mình đã sai? Bác bèn lấy xe đạp lòng vòng xem xe có hỏng hóc đâu không. Thật bất ngờ là bác gặp xe, sau khi trao đổi đúng thông tin, anh lái xe chạy theo bác về nhà. Khi biết tôi đã lạc, bác Lai tức tốc đạp xe đi tìm khắp thành phố Thái Nguyên. Đầu tiên, bác ra bưu điện, rồi đến các nơi có nhà trọ để hỏi. Bác còn tìm đến các quán cơm bình dân, quán phở vì nghĩ tôi sẽ vào ăn. Cho đến khi không còn hy vọng thì bất chợt thấy tôi trong quán cóc. Lúc này linh tính lại phát huy tác dụng, tuy có chần chừ nhưng bác đã đúng. Bác Lai cười khà khà, rồi mời tôi nâng cốc chúc mừng hội ngộ. Tôi rơm rớm nước mắt nghĩ, nếu vô tâm, bác Lai có quyền kê cao gối ngủ, chờ hôm sau tôi tìm đến thì giao tiền. Và như vậy, đêm nay tôi không biết sẽ như thế nào với sự lo lắng, sợ hãi, dù đã có cụ bà bán quán cho ngủ nhờ. Chính bác Lai đã làm cho tôi thấy con người và vùng đất Thái Nguyên trở nên thân thuộc, đáng yêu!

Sáng hôm sau, bác Lai chở tôi ra bến xe về Hà Nội. Bác biếu tôi 5 lạng chè ngon Thái Nguyên. Bác dặn: “Cháu phải đoạn tuyệt với thuốc lá độc hại đi. Lúc nào thèm thuốc, cháu nhón một chút chè cho vào miệng nhai sẽ hết. Bác hồi trước bỏ thuốc cũng làm thế”. Tôi làm theo bác và bỏ hẳn thuốc lá.

Tôi nghĩ, người Việt Nam ta ở đâu thì cũng “nhiễu điều phủ lấy giá gương”. Nhưng tình huống độc nhất trong đời cho đến nay của tôi chỉ gặp ở Thái Nguyên. Vùng đất với những con người nhân hậu như cụ bà chủ quán và vợ chồng bác Lai mà tôi đã gặp sẽ không bao giờ quên được.

Công việc cứ xoáy tôi không còn dịp trở lại Thái Nguyên. Giờ đây, tôi phải cảm ơn thật nhiều cuộc thi “Tôi và Thái Nguyên” đã cho tôi ôn lại kỷ niệm này. Tôi ân hận là đã không còn lưu lại chút thông tin về bác Lai, ngay cả họ và tên lót. Tôi đã đến công ty cũ để tìm hiểu, nhưng cũng không còn ai biết. Hai mươi sáu năm trôi qua, nếu còn sống bác đã gần 90 tuổi. Viết lại kỷ niệm này để gửi Cuộc thi, tôi hy vọng, nếu may mắn được đăng, sẽ có ai đó ở Thái Nguyên đọc được và giúp tôi kết nối với gia đình bác Lai.

Đỗ Thành Đồng (Ba Đồn, Quảng Bình)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một cánh chim bằng

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Mái trường của tôi

Tôi và Thái Nguyên 5 ngày trước

Dọc miền kí ức

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vẳng tiếng chuông chùa

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 5 tháng trước