Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
09:44 (GMT +7)

Lễ hội Thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên: Những ước vọng an hòa, hạnh phúc

VNTN - Mùa xuân - mùa của sự khởi đầu và sinh sôi, mùa của những khát khao, tin yêu được ấp ủ và rỡ ràng bật dậy. Mảnh đất và con người Thái Nguyên chào năm mới với một mùa Lễ hội Thơ Nguyên tiêu ấm áp. Hãy cứ ước mong, hi vọng và bước tới…, để những ước vọng vững vàng vươn xa.


Khai mạc vào lúc 14 giờ ngày 17/02 (tức ngày 13 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), Lễ hội Thơ Nguyên tiêu - Thái Nguyên 2019 với chủ đề “Ước vọng xanh” diễn ra tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Chương trình do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh chủ trì, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tham gia đồng tổ chức. Các đơn vị phối hợp thực hiện gồm: Đoàn Nghệ thuật tỉnh; Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên; Thư viện tỉnh Thái Nguyên; các trường Đại học, cao đẳng, THPT, THCS trên địa bàn thành phố; các Câu lạc bộ, trang thơ trong và ngoài tỉnh.

Đến dự Lễ hội có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; lãnh đạo các đơn vị: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; đại diện các Sở, ban ngành trong tỉnh. Đông đảo người yêu thơ, học sinh, sinh viên và đồng bào địa phương đã đến dự sự kiện này.

Tiếng trống hội rộn rã của các diễn viên Đoàn Lân sư rồng Long Nghĩa Đường mở màn cho Lễ hội Thơ đã tạo nên bầu không khí vừa linh thiêng vừa náo nức. Ước vọng những điều may lành, đẹp đẽ trong cuộc sống tựa như kim chỉ nam dẫn đường cho những dự định, nỗ lực và thành công. “Ước vọng xanh” là một câu chuyện được kể bằng thơ, của nhiều người làm thơ và yêu thơ các lứa tuổi, mong cầu sự ấm no, hòa bình, hạnh phúc, về độc lập và chủ quyền dân tộc.

Màn trống hội mở màn cho Lễ hội Thơ Nguyên tiêu 2019

Câu chuyện của ước vọng được kể bằng thơ bắt nguồn từ “Hạt gạo làng ta”, đã được các học sinh trường THCS Chu Văn An trình diễn đầy dấu ấn. Tổ tiên chúng ta đã khởi dựng nền văn minh lúa nước, gieo nên khát vọng về sự ấm no, sinh sôi, trường tồn. Ước vọng được gieo mầm không chỉ từ những cánh đồng mùa vụ, mà trên cả cánh đồng chữ nghĩa. Chùm thơ cổ “Xuân cảnh”, “Thiên Trường vãn vọng” (Trần Nhân Tông); “Xuân nhật tức sự” (Nguyễn Quang Bích) - một người là vua, một người là tướng sống cách nhau sáu thế kỷ, song đều là thi nhân. Những vần thơ được viết nên từ chính những khát vọng về sự yên bình, ấm no dành cho con người, nhân dân, đất nước. “Xuân thanh tân” với những thi phẩm thơ mới được đan cài, ghép nối khéo léo trong hoạt cảnh sân khấu của các giảng viên trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên như đã đem mùa xuân về trong ánh sáng, trong sắc màu giao hòa của đất trời, cỏ cây, hoa lá, chim muông và tình yêu con người.

Tiết mục “Hạt gạo làng ta” của học sinh trường THCS Chu Văn An, TP. Thái nguyên

Cũng bởi những ước vọng về tình yêu đã khiến Xuân vì thế mà thanh tân. Tiếp nối mạch chuyện, “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi lại kể câu chuyện của tháng ngày mùa thu lịch sử với biết bao rung cảm, suy tư lớn lao về đất nước, dân tộc. Thơ ca đã thay nhân dân cất lên tình yêu nồng nàn, niềm tự hào vô bờ về Đất Nước: Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về… Khúc ca “Đường chúng ta đi” đã sáng bừng “Đường ta về trong nắng ấm ban mai/ Việt Nam! Việt Nam!/ Qua từng bước gian nan, lớn lên rồi đẹp những mùa xuân…”.

Trình diễn thơ “Xuân thanh tân” của các giảng viên trường Đại học Khoa học - Thái Nguyên

Cuộc đấu tranh giữ gìn độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc trong những ngày mùa xuân lịch sử tháng 2/1979 tàn khốc, dù bốn mươi năm hay nhiều hơn thế nữa, không ai bị lãng quên, không điều gì có thể bị quên lãng. Thi phẩm “Đồng đội trên điểm cao” đã được nhà thơ Phan Thái viết trên chốt tiền tiêu khi anh chưa đầy 18 tuổi, đang tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Cao Bằng trong những ngày xuân tháng Hai khốc liệt ấy. Chiến trường sục sôi, nhuốm đẫm “Cái rét tái rịm chiều sương muối/ Áo lính xanh lên đá núi mưa rừng”. “Mùa hoa cải trắng” của tác giả Dương Văn Mưu khiến trái tim người nghe se thắt lại, một nỗi hoài thương đau đáu: “Thư biên giới gửi về, mẹ bỗng mừng rơn/ Đúng nét chữ con rồi, sao ngoằn ngoèo đến lạ/ Có phải gió mùa làm con rét quá/ Đăng ơi!.”… Người con của miền đất Phú Bình ngày lên biên giới chiến đấu, mẹ thường gửi hạt rau cải lên để anh và đồng đội tăng gia sản xuất. Chiến tranh kết thúc, anh vĩnh viễn nằm lại với núi rừng Tây Bắc. Bốn mươi năm lặng trôi, nhưng cha mẹ già và những mùa hoa cải trắng tinh khôi vẫn đau đáu ngóng anh về. Tiếp tục kể về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc, “Tản mạn thời tôi sống” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là tiếng nói đau đớn về một thời đầy gian nan của thế hệ mình, đất nước mình, nhưng cũng là nơi gửi gắm niềm tin mãnh liệt về sự đổi mới và phát triển của tương lai.

Nhà thơ Phan Thái với bài “Đồng đội trên điểm cao”

NSNA Đỗ Anh Tuấn với bài thơ “Mùa hoa cải trắng”

Tiết mục diễn ngâm chùm thơ cổ của Trần Nhân Tông và Nguyễn Quang Bích

Quy luật của cuộc sống muôn đời, con người sẽ nhìn/ ngưỡng vọng những điều lớn lao, để rồi qua đủ đầy những buồn vui sướng khổ cõi nhân sinh, biết trân trọng những điều bé nhỏ gần bên. Phần trình diễn tổ khúc Thơ Thái Nguyên “Ước vọng xanh” mang đến màu sắc mới lạ. Những vần thơ đa giọng điệu, đa phong cách của các tác giả thơ Thái Nguyên, lặng lẽ gửi gắm những mong ước, hi vọng bình dị. Thơ đã không chỉ là con chữ mà là tinh thần, là cánh diều đưa những ước vọng xanh bay cao, bay xa.

Các tác giả Chi hội Thơ trình diễn tổ khúc thơ Thái Nguyên

Có một điều khá đặc biệt trong phần trình diễn thơ, đó là sự góp mặt của các nghệ sĩ nhiếp ảnh như Khánh Vân, Đỗ Anh Tuấn, Dương Tuấn Dũng. Họ đã đắm mình vào thơ như tìm thấy những mối đồng điệu, rung động mãnh liệt trước những điều thi nhân bộc bạch. Một Lễ hội Thơ đã chỉ có thơ, và thơ. Cảm xúc lắng lại sau những tác phẩm được trình diễn, nụ cười, và những giọt nước mắt dạt dào xúc động!

Năm nay, Lễ hội Thơ tiếp tục được diễn ra cả ngày. Vào buổi sáng, sân chơi Thơ Muôn nhà dành cho các Câu lạc bộ, các trang thơ mạng diễn ra sôi nổi dù thời tiết không mấy ủng hộ. Tại đây, những tiết mục ca, múa, ngâm thơ, trình diễn nhạc cụ dân tộc được dàn dựng kỹ lưỡng, công phu, thực sự là một sân chơi bổ ích và thú vị với người yêu thơ.

Vườn thơ Trẻ vẫn tạo sức hút bởi những phần thi, hoạt cảnh thơ - nhạc hết sức sôi nổi. Con đường Thi ca gồm 50 câu thơ hay của các tác giả trong nước và trong tỉnh về “Ước vọng”; phần thi Đề thơ vào ảnh, thi Vẽ tranh theo thơ tại vườn Thi - Họa… luôn tạo được một không gian trải nghiệm thú vị cho công chúng yêu thơ và các em nhỏ…

Thi vẽ tranh theo thơ tại Vườn Thi - Họa

Ngoài ra, Ban Tổ chức tiếp tục duy trì những hoạt động phụ trợ phong phú. 50 tác phẩm ảnh với nội dung khai thác vẻ đẹp xuân biên giới, hải đảo đã được các nghệ sĩ thuộc Chi hội Nhiếp ảnh Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên chọn lựa, đem đến trưng bày, tạo cho không gian Lễ hội Thơ thêm phần thú vị; 20 tác phẩm mỹ thuật của các em học sinh, được vẽ phỏng theo những tác phẩm văn học nổi tiếng cũng là một thưởng lãm lý tưởng.

Trong khuôn khổ Lễ hội, cuộc thi thơ Muôn nhà tiếp tục thu hút đông đảo người yêu thơ tham gia. Năm nay Lễ hội có thêm một cuộc thi thơ dành cho học sinh các trường tham gia Lễ hội, với mong muốn tạo thêm sân chơi cho giới trẻ, qua đó phát hiện những năng khiếu thi ca đương tuổi học trò.

Thành viên BGK cuộc thi “Đề thơ vào ảnh” đang chấm giải

Mặc dù còn có những tiết mục trình diễn chưa nhuyễn về giọng, nhịp, những vấp váp của người lần đầu đọc thơ trước đông đảo công chúng…, nhưng mùa xuân từ trong Lễ hội Thơ Nguyên tiêu - Thái Nguyên 2019 như đã đọng lại những niềm thương, mở ra những ước vọng an hòa, hạnh phúc. Như nhắn nhủ mọi người, hãy cứ ước mong, hi vọng và bước tới…, để những ước vọng vững vàng vươn xa.

 

Những khoảnh khắc nhiều cảm xúc của Lễ hội Thơ

Tiết mục quan họ của CLB Dân ca Hoa Sen

Tiết mục của CLB Hát Then với sự tham gia của đa số diễn viên đến từ Định Hóa, không quản ngại trời mưa và đường sá xa xôi

Tiết mục trình diễn bài thơ “Đi học” (Minh Chính) của học sinh trường THCS Chu Văn An

Trình diễn bài thơ “Câu chuyện cha kể” (Trần Thị Nhung) của các học sinh trường THCS Nguyễn Du đã khiến khán giả xúc động qua câu chuyện về các liệt sĩ TNXP Đại đội 915 Anh hùng.

Cuộc thi “Đề thơ vào ảnh” luôn cuốn hút công chúng tham gia

Những nụ cười rạng rỡ khi được lên bục nhận giải tại Cuộc thi “Trình diễn thi ca”

Niềm vui vỡ òa khi học trò của mình đoạt giải Nhất của Cuộc thi “Thơ trẻ”

Dự án The Book Circle do các em học sinh sáng lập, đã tự nguyện đến với Lễ hội Thơ, mang theo một sắc thái mới

Lê Đình - Ảnh: Đào Tuấn, Đỗ Tuấn, Anh Tú

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy