Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
06:37 (GMT +7)

Lễ hội Thơ Nguyên tiêu – Thái Nguyên 2018: Tổ quốc, thơ ca và tình yêu

VNTN - Xuân mới - mưa bay và nắng ấm như đang tiếp sức cho cây cối đâm chồi nảy lộc; hòa trong không khí vui tươi ấy, thêm một mùa Lễ hội Thơ Nguyên tiêu sang trọng và sáng tạo được tổ chức, góp phần cho mỹ tục đẹp đầu xuân của đất và người Thái Nguyên nhiều năm qua ngày thêm căng tràn sức sống.


Chính thức khai mạc vào lúc 14 giờ ngày 02/03 (tức ngày 15 tháng Giêng năm Mậu Tuất), Lễ hội Thơ Nguyên tiêu - Thái Nguyên 2018 với chủ đề  “Tổ quốc - tình yêu” diễn ra tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Chương trình do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng tổ chức. Các đơn vị phối hợp thực hiện gồm: Đoàn Nghệ thuật tỉnh; Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên; Thư viện tỉnh Thái Nguyên; các trường Đại học, THPT, THCS trên địa bàn thành phố; các Câu lạc bộ, trang thơ trong và ngoài tỉnh.

Đến dự Lễ hội, về phía Trung ương có đồng chí Vũ Công Hội, Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương; tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các đơn vị: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; đại diện các Sở, ban ngành trong tỉnh.

Đông đảo người yêu thơ, học sinh, sinh viên và đồng bào địa phương đã đến dự sự kiện này.

Màn hát múa khai hội “Ngàn tinh hoa hội tụ”, do các nghệ sĩ diễn viên Đoàn Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên biểu diễn đã mang đến Lễ hội bầu không khí rộn ràng; khai mở những ý niệm đẹp đẽ về Tổ quốc và tình yêu. Đó cũng là khát vọng và lí tưởng đã được bồi đắp qua bao thế hệ, để hôm nay chúng ta thêm yêu quý, tự hào về đồng bào và quê hương, đất nước.

Hồi trống khai mạc được đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dóng lên, thể hiện sự linh thiêng truyền thống ở các mùa lễ hội.

Sau phần trình bày thi phẩm bất hủ Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng) của Chủ tịch Hồ Chí Minh - bài thơ được coi như mạch nguồn cảm hứng để mỗi dịp xuân về chúng ta hội tụ, gặp gỡ trong không gian thi ca mùa xuân trang trọng, là khát vọng về sự yên bình, ấm no dành cho nhân dân, đất nước từ những vần thơ đẹp đẽ mà xúc động trong các thi phẩm Tự thuật kì 2, Hạnh Yên Bang phủ, Cung viên xuân nhật hoài cựu của Trần Thánh Tông. Một vị vua không chỉ tài ba trong việc trị vì đất nước mà còn rất mực tài hoa trong văn chương, thi phú.  Phần bình thơ của nhà thơ Võ Sa Hà đã đem đến cho công chúng những hiểu biết về con người, sự nghiệp và phong cách thơ của Trần Thánh Tông, cụ thể về thể thức, bút pháp và tư tưởng nghệ thuật. Những tác phẩm như muốn nhắn nhủ mọi người hãy yêu mùa xuân, yêu con người, yêu đất nước chúng ta.

Tập trung làm nổi bật, sáng rõ chủ đề, thi phẩm “Bài thơ của một người yêu nước mình” của nhà thơ Trần Vàng Sao được chọn để trình diễn tới công chúng qua giọng đọc giàu cảm xúc của nhà giáo Đặng Quyết Tiến (Đại học Sư phạm Thái Nguyên). Tác phẩm được viết năm 1967, khi đất nước còn chia cắt hai miền Bắc - Nam, là niềm tâm sự thể hiện những tình cảm bình dị mà cao đẹp về tình yêu đất nước, về khát vọng hòa bình thống nhất; là tình cảm lớn lao, mãnh liệt và vô cùng thiêng liêng trong sâu thẳm mỗi người con nước Việt.

Tổ hợp múa Tổ quốc ở Trường Sa do đoàn trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc trình diễn, dựa trên bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã mang đến một trải nghiệm mới mẻ về sự kết hợp giữa thơ và múa. Đây là lần thứ hai biên đạo múa Hoàng Thiện Thực dàn dựng tiết mục thơ múa trình diễn tại Lễ hội Thơ Nguyên tiêu. Ở đó Tổ quốc không chỉ là những dãy núi mờ xa, cánh đồng bát ngát, dòng sông chảy dài, miền đất biên cương, mà còn là những con người đang ngày đêm kiên gan bám biển, dành trọn thanh xuân cho biển trời đất nước thiêng liêng.

Một tiết mục đặc biệt thú vị khi có sự tham gia trình diễn của 13 nhà văn, nhà thơ Thái Nguyên - những tác giả đã lặng thầm đóng góp và làm nên diện mạo thơ tỉnh nhà những năm qua. Liên khúc thơ mang chủ đề đất nước, tình yêu và cuộc sống là một dịp hiếm hoi để họ được hội tụ, hòa nhịp trong nhiều giọng thơ, nhiều phong cách, những ghép nối tạo nên sự kết tụ và thăng hoa của thơ Thái Nguyên trong niềm vui đầy trân trọng dành cho thơ, cho những ý niệm giản dị về tình yêu và cuộc sống.

Biểu diễn Dàn nhạc ngũ âm Khơme Nam Bộ và múa

Nghệ sĩ Phan Anh Dũng với ca khúc Em ơi, Hà Nội phố

Các tiết mục ca múa: Cung đàn mùa xuân, Gọi tên ngày mới, Sóng lụa, biểu diễn Dàn nhạc ngũ âm Khơme Nam Bộ và múa, với những giai điệu sôi động, ca từ vui tươi, lạc quan, làm nổi bật một mùa xuân với những sắc diện chuyển mình - hồi sinh, khai mở của tình yêu - hạnh phúc. Tiếng kèn saxophone nổi tiếng đầy cảm xúc của nghệ sĩ Phan Anh Dũng đến từ Hà Nội với ca khúc Em ơi, Hà Nội phố, đã một lần nữa minh chứng rằng thơ ca đi vào lòng người không chỉ bởi ngôn từ, hình ảnh, mà còn bằng những rung cảm kì diệu và mê hoặc của âm nhạc.

Thả 10 câu thơ hay về tình yêu

Khép lại chương trình, màn hát múa Chào xuân mới gửi thông điệp chào đón cuộc sống mến yêu chan hòa, để hạnh phúc đến với muôn nhà, như muôn hoa, như chim ca, cho mùa xuân mới yêu thương. Nghi lễ truyền thống thăng thiên những câu thơ hay luôn khiến lòng người xốn xang, dư vị Lễ hội mùa xuân đầm ấm tựa như một chén trà, ngọt ngào và say đắm.

Năm nay, Lễ hội Thơ diễn ra cả ngày thay vì một buổi như những năm trước đây. Vào buổi sáng, sân chơi Thơ Muôn nhà dành cho các Câu lạc bộ, các trang thơ mạng diễn ra sôi nổi dù thời tiết không mấy ủng hộ. Tại đây, những tiết mục ca, múa, ngâm thơ, trình diễn nhạc cụ dân tộc được dàn dựng kỹ lưỡng, công phu, thực sự là một sân chơi bổ ích và thú vị với người yêu thơ.

Vườn Thi - Họa

Vườn thơ Muôn nhà

Ngoài ra, Ban Tổ chức tiếp tục duy trì những hoạt động phụ trợ phong phú. Các Vườn thơ Trẻ, Vườn thơ Muôn nhà vẫn tạo sức hút, ngày càng đông đảo thành phần tham gia; có con đường Thi ca, gồm 100 câu thơ hay của các tác giả trong nước và trong tỉnh về Tổ quốc và Tình yêu; trưng bày ảnh nghệ thuật và thi đề thơ vào ảnh; thi Vẽ tranh theo thơ tại vườn Thi - Họa, sân chơi này luôn là một không gian trải nghiệm thú vị cho các công chúng nhỏ tuổi; Trưng bày sách, báo của Thư viện tỉnh, Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, trưng bày và giao lưu thơ của các Câu lạc bộ Thơ…

60 tác phẩm ảnh với nội dung khai thác vẻ đẹp thiên nhiên của Thái Nguyên nói riêng, các vùng miền trong cả nước nói chung; đời sống sinh hoạt, các nét văn hóa, phong tục đồng bào các dân tộc trong và ngoài tỉnh… đã được các nghệ sĩ thuộc Chi hội Nhiếp ảnh Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên chọn lựa, đem đến trưng bày, tạo cho không gian Lễ hội Thơ thêm phần sang trọng, ấn tượng.

Lễ hội Thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên 2018 như đã điểm thêm một bản nhạc vui chào xuân mới, hi vọng đã đem đến cho công chúng những dấu ấn sâu sắc về Tổ quốc, thơ ca và tình yêu!

Một số hình ảnh tại buổi Lễ:

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm không gian trưng bày của Hội VHNT tỉnh

Khu viết chữ thư pháp

Lê Đình - Anh Tú

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy