Lễ hội Thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên 2016: Bay cao những khát vọng
VNTN - Khai mạc vào lúc 8 giờ sáng ngày 21/02 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Bính Thân), Lễ hội Thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên với chủ đề Khát vọng mùa xuân, do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức, với sự tham gia phối hợp của các đơn vị: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Hội VHNT thành phố Thái Nguyên; Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc; các trường đại học, cao đẳng, trung học cơ sở trên địa bàn; các Câu lạc bộ Thơ trong tỉnh; Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên; Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh… diễn ra tại sân khấu ngoài trời Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã thu hút hàng nghìn người tham gia.
Đến dự Lễ hội Thơ có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các Sở, ban ngành, các đơn vị, tổ chức xã hội, tôn giáo; đại diện lãnh đạo các huyện, thành thị; các đơn vị doanh nghiệp, trường học trong tỉnh. Đại diện các cơ quan báo chí trên địa bàn.
Khai hội với màn hát múa Đất nước trọn niềm vui, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đã mang đến một bầu không khí rộn ràng của mùa xuân với bao niềm vui, ước mơ và hy vọng của sinh linh vạn vật và của con người.
Mở ra một không gian Lễ hội sang trọng, hấp dẫn đến công chúng yêu thơ, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã dóng hồi trống khai mạc. Đây là một nghi thức thể hiện sự linh thiêng truyền thống ở các mùa lễ hội.
Luôn tìm tòi, sáng tạo phương thức thể hiện mới mẻ nhằm tạo ra sự hấp dẫn tới đông đảo khán giả qua từng mùa Lễ hội Thơ, năm nay bài thơ Nguyên tiêu của Hồ Chủ tịch đã được các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc diễn ngâm và múa phụ họa. Đây thực sự là tiết mục để lại ấn tượng bởi khâu dàn dựng đơn giản mà không kém phần sang trọng.
Bằng sự kết hợp độc đáo giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa thơ và âm nhạc, ba tuyệt tác thơ gồm Vịnh người hái củi, Vịnh người đi cày, Người đánh dậm của nhà vua - thi sĩ Lê Thánh Tông đã được các nghệ sĩ Hội VHNT thành phố Thái Nguyên trình diễn, ngâm theo lối cổ là một nét khác mới mang lại cảm hứng khá thú vị cho người thưởng thơ khi được trở về với một nền thi ca trung đại Việt Nam, “gặp gỡ” một nhà thơ cũng là một trong những vị vua tài ba, một nhà văn hóa lớn trong lịch sử nước nhà. Với sự thể hiện giàu cảm xúc, các nghệ sĩ đã góp phần đưa những câu thơ gần gũi viết về những nhân vật bé mọn trong đời sống song lại cách điệu lên thành một hình tượng kì vĩ, đến thật gần với công chúng Thái Nguyên.
Bám sát chủ đề “Khát vọng mùa xuân”, nhạc phẩm bất hủ Mùa xuân đầu tiên của cố nhạc sĩ Văn Cao như một “nốt trầm xao xuyến” rộn rã đi qua bao mùa xuân đất nước đã điểm xuyết cho “bản hòa ca” Lễ hội Thơ thêm rộn ràng. Ấy là “mùa Xuân mơ ước đã đến đầu tiên”, đi qua những chiêm nghiệm đớn đau về lịch sử, về thân phận dân tộc và con người, mở ra những khát vọng về hòa bình, yên ấm, đầy yêu thương.
Tình yêu là yếu tố làm nên những điều kỳ diệu nhất của đời sống, và trong Lễ hội Thơ năm nay, tình yêu được khai thác và tôn vinh là tình yêu đất nước. Đó là tinh thần yêu nước thương nòi, niềm tự hào dân tộc, tình yêu với từng tấc đất biển trời quê hương; là hình tượng từng lớp lớp trai tráng mang dòng máu Lạc Hồng đã không tiếc tuổi xuân kiên trung giữ từng tấc đất, từng ngọn sóng khơi xa của Tổ quốc. Thi phẩm mang âm hưởng hùng tráng mà chất chứa Tổ quốc ở Trường Sa của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến là những phút giây để hàng ngàn người đến dự Lễ hội Thơ hướng về Trường Sa, Hoàng Sa, về những con người đã vững vàng qua bao “giông bão” để “thêm một lần Tổ quốc được sinh ra”. Để rồi sau đó, mạch nguồn “Tổ quốc được sinh ra” ấy trường tồn, mang đến những mùa xuân vĩnh hằng, Mùa xuân trên bản Mông đã tạo nên những sắc màu văn hóa rực rỡ cho đất nước. Tác phẩm Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi của nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ do hai nghệ sĩ Xuân Chiến, Thanh Lan (Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc) thể hiện, là dặm dài hành trình nước non qua bao bể dâu thăng trầm vẫn tràn ứ tình yêu cuộc sống, tình yêu con người. Sự sống và niềm tin yêu luôn đầy ắp, “Như tiếng gọi ngàn đời không khuất phục/ Đất nước giống như con thuyền xuyên gió mạnh/ Những mối tình trong gió bão tìm nhau”.
Tiết mục múa Mùa xuân trên bản Mông
Tiếp nối chương trình là phần giao lưu với một vị khách đặc biệt - Đại đức Thích Chúc Tiếp, Chánh Văn phòng Tỉnh hội Phật giáo Thái Nguyên về một nền thơ Phật giáo vô cùng đặc sắc mà đỉnh cao là thơ thiền, về mối lương duyên đặc biệt giữa thơ và thiền; những chia sẻ hết sức sâu sắc và ấn tượng của Đại đức về tác phẩm thơ thiền nổi tiếng Cáo tật thị chúng (Có bệnh bảo mọi người) của Thiền sư Mãn Giác thời Lý. Đó là những chiêm nghiệm sâu sắc về triết lý nhân sinh, Đời và đạo, dù mùa xuân có đi qua, nhưng tâm chúng ta an lạc thì mùa xuân luôn trường tồn mãi cùng thời gian. Phần giao lưu mang đến không gian Lễ hội một sắc màu mới.
Màn hòa tấu dàn nhạc ngũ âm của dân tộc Khơme do cán bộ Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam thể hiện đã mang lại sự bất ngờ cho khán giả, sự thích thú với những thanh âm độc đáo của mảnh đất chùa tháp, về một dân tộc giàu bản sắc văn hóa Việt.
Kết cấu chặt chẽ, mang tinh thần nhân văn, trí tuệ, sau tình yêu đất nước lớn lao là tình yêu với xứ sở, đất và người Thái Nguyên hiền hòa, dung dị. Nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ - giảng viên Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, với tác phẩm Sông quê đã đưa hình ảnh của vùng đất hội tụ, gặp gỡ của nhân tài bốn phương Thái Nguyên đầy ấm áp, thân tình, chở che và nuôi dưỡng; chuyên chở lời tri ân của một thế hệ người Thái Nguyên mang đậm dấu ấn văn hóa Thái Nguyên, gửi về những quê hương yêu dấu.
Màn hát múa Tôi yêu Việt Nam thể hiện một sắc thái tình yêu đã vượt lên thành lời hiệu triệu muôn trái tim yêu nước đã khép lại chương trình Lễ chính Lễ hội Thơ Nguyên tiêu 2016. Và 10 câu thơ hay trong giờ phút thăng thiên luôn là những phút giây được chờ đợi, cho một bản hoan ca trọn vẹn tình người, tình thơ của mảnh đất Thái Nguyên.
Chị Nguyễn Thị Minh, tổ Ngữ Văn, trường THPT Lương Ngọc Quyến chia sẻ: Đây là một không gian sang trọng để tôn vinh thơ và người làm thơ bằng hình thức sân khấu hóa, điều mà các nhà thơ thế hệ trước đây chưa bao giờ có được, khiến cho những người yêu thơ chúng tôi rất thích. Mong rằng ở mùa Lễ hội năm sau, Ban Tổ chức sẽ đa dạng hơn các hoạt động để thơ đến gần hơn với công chúng, chẳng hạn dành các mảng, sân chơi như bình thơ, thi viết lời bình cho thơ, kéo công chúng trẻ đến sân chơi này nhiều hơn nữa thì rất tuyệt.
Kết thúc chương trình Lễ chính là nhiều hoạt động phụ trợ phong phú ở các vườn thơ: Vườn thơ Thành phố Thái Nguyên, Vườn thơ Trẻ, Vườn thơ Muôn nhà. Một sân chơi lý thú của người yêu thơ ở hoạt động Thi đề thơ vào ảnh nghệ thuật với chủ đề Hoa và Mùa xuân. Một không gian náo nhiệt và thu hút cho các em học sinh thỏa sức sáng tạo Thi vẽ tranh theo thơ tại vườn Thi - Họa… Phần trưng bày 50 câu thơ hay và các gian sách, báo của Hội VHNT tỉnh, Thư viện tỉnh, Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, CLB Văn học Trẻ…, khá đa dạng và bắt mắt giúp đem lại một không gian khám phá thú vị cho công chúng.
Lễ hội Thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên 2016 thêm một lần nữa kiến tạo chiếc cầu nối chuyên chở những khát vọng, niềm tin, hy vọng mùa xuân bay cao, bay xa, góp phần làm cho những giá trị văn học, thi ca được chắp cánh, tạo nên nét văn hóa riêng, một mỹ tục đẹp của đất nước. Xin hẹn gặp lại ở mùa Lễ hội Thơ năm sau!
Thực hiện: Lê Đình - Lê Tú - Anh Thắng - Thu Huyền
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...