Lão gù – Wolfdietrich Schnurre (Đức)
VNTN - Ngôi nhà có kho đồng nát của lão gù là một ngôi nhà cũ và ở cạnh dòng kênh. Trước đây tàu bè đã từng đi lại được trên dòng kênh này, lão gù còn nhớ rõ những chiếc thuyền chở hoa quả đi trên đó. Ngày nay dưới dòng kênh có nhiều bộ khung của những chiếc cầu bị bom đánh sập, còn những người câu lươn thì chửi rủa, vì cước của họ vướng vào những thanh giằng bị ốc hến bám đầy.
Nếu lão gù nhìn ra xa qua chiếc bàn của mình và chiếc cửa sổ tầng hầm giăng đầy mạng nhện thì lão có thể nhận ra lan can sắt bị cọ bóng loáng vì chiều chiều những người câu lươn ngồi trên đó, và ở phía sau, trên bờ bên kia là cảnh hoang tàn của nhà máy cúc bị cháy rụi.
Bây giờ là bẩy giờ sáng, trời mưa như trút nước. Lão gù đã ở ngoài sân, lão vừa mang cho con chó kéo xe một khúc bánh mì và những đầu cá trích được chừa lại từ bữa tối hôm qua. Lão lau những giọt nước mưa ở trên chỗ hói đầu và cài then cánh cửa tầng hầm.
Trong tầng hầm gần như tối om. Karl, ông giúp việc, đã châm đèn trong phòng ngách tầng hầm và sắp xếp lại những đồ đạc đã bị mốc.
Lão gù leo lên chiếc ghế xoay và nhìn chằm chằm ra ngoài trời mưa qua cửa sổ tầng hầm. Lão chụm môi huýt sáo xịt và gõ tay lên chiếc bàn. Lão thích kiểu thời tiết này; nó làm cho công việc kiếm sống hàng ngày của lão - công việc mà lão rất căm ghét, nó vừa làm nhục lão lại vừa cần thiết đối với lão và nhờ nó mà lão sống được - trở nên không thể.
Tuy nhiên, lão gù thích trời mưa cũng còn vì một lí do khác: mưa giữ bọn trẻ ở nhà, những đứa trẻ mà lão còn căm ghét nhiều hơn công việc kiếm sống của mình, vì bọn chúng hay trêu lão. Giờ đây nhiều đứa trong số chúng trong lúc đang nằm ngủ cũng không cao hơn lão (khoảng một mét bốn nhăm), nhưng khi ngủ dậy thì tất cả bọn chúng đều cao hơn lão đến hai cái đầu.
Thế nhưng bây giờ trời đang mưa, điều đó làm cho lão gù dễ tính. Tối nay lão sẽ đi ăn món đùi lợn muối cùng với ông giúp việc, sau đó uống bia và xem vô tuyến; vì lão không thể tối nào cũng ngồi trên chiếc ghế xoay, còn ông giúp việc thì cũng xứng đáng được hưởng sự thay đổi này.
Ông giúp việc hơi chậm chạp. Có nhiều người quả quyết rằng lão gù bóc lột ông. Nhưng lão cho rằng họ không giúp gì được cho ông. Còn lão thì mang lại việc làm cho ông, trong khi tất cả mọi người đều phải làm việc.
Ngôi nhà của lão gù ở trong khu phố cổ đã được tay Chúa che chở trong chiến tranh, giờ đây khu phố này với những nóc nhà oằn xuống, với những tấm lợp rộng và với những bậc đá bị giẫm mòn nằm như một hòn đảo ở giữa cảnh điêu tàn.
Nơi đây là nơi suy tàn của đời lão. Lão gù biết điều đó; tuy nhiên, lão không muốn tin vào điều đó, lão đã hứa với bản thân mình phải đạt được điều gì đó ở trong đời. Nhưng ngay từ đầu lão đã phải phản bội lời thề, vì cha lão đã đi phiêu bạt khắp nơi cùng với một hòn đá mài dao kéo, còn thi thể của ông nội lão thì được người ta kéo ra từ gầm chiếc đàn thùng vì bị các bánh sau của nó đè lên khi đang đi hát rong.
Lúc này ông giúp việc nheo mắt nhìn vào trong phòng lão gù; ông cầm trên tay chiếc chụp bằng thủy tinh của chiếc đèn dầu, miệng dưới của nó đã bị ông làm vỡ.
Lão gù cảm thấy có người đang nhìn mình, lão quay người nhìn ra.
“Có chuyện gì vậy?”, lão gù lạnh lùng hỏi.
“Tôi đã đánh vỡ chiếc chụp đèn”, ông giúp việc nói và cúi đầu.
Lão gù quay người lại. “Đưa đây xem nào”.
Ông giúp việc run run đưa cho lão gù chiếc chụp đèn bị vỡ.
Lão gù đẩy kính lên trán, đưa cái chụp đèn ra phía cửa sổ và ngắm nghía kiểm tra nó.
“Lão phải trả ta hai mươi xu”, lão gù nói và đưa cái chụp đèn lại cho ông giúp việc.
“Xin ông chủ cho phép tôi trả mười xu thôi”, ông giúp việc khúm núm nói.
“Không được. Đưa hai mươi xu đây”. Lão gù chìa tay về phía ông giúp việc, ông giúp việc móc túi trả tiền cho khoản thiệt hại do mình gây ra và luống cuống đi loạng choạng trở lại kho.
Lão gù lại nhìn chằm chằm ra trời mưa. Lão thương hại ông giúp việc, vì ông còn bất hạnh hơn lão. Nhưng thỉnh thoảng lão cũng thích đánh đập ông, vì lão nghi ngờ ông láu tôm láu cá, và lão thấy như thế là không được phép đối với một người chậm chạp như ông; điều đó cản trở sự động lòng trắc ẩn trong con người lão.
Tuy vậy, lão gù thương xót mình nhiều nhất. Giờ đây lão vẫn tin rằng số phận đã sai lầm khi lần đầu tiên để lão mắc chó vào xe kéo đi thu gom giẻ rách và sắt vụn. Vì lão đã không muốn làm nghề này, còn cha lão thì đã luôn muốn lão làm một nghề gì đó sang trọng hơn. Nhưng như số phận đã định: Ngày hôm đó chính lão hành nghề này, thế là nó đeo bám lão cho đến tận ngày nay.
Sau chiến tranh lão mới chuyển đến khu phố cổ. Hồi ấy lão tin là ở đây, nơi tất cả mọi thứ đều rất cũ kĩ và hư hỏng, lão sẽ thu gom được nhiều đồ bỏ đi nhất. Nhưng hóa ra đó là một nhận định sai lầm, vì dân ở đây nghèo, và những người nghèo thì vẫn coi đồ cũ là đồ mới.
Từ đó lão gù không còn thích khu phố này nữa; nhưng mặc dù vậy lão cảm thấy nơi này vẫn có thể chấp nhận được, vì ở đây mọi thứ đều bé. Đồng thời bầu không khí ở ngay sát dòng kênh cũng không ảnh hưởng gì đến lão. Nhưng ai hít thở được bầu không khí mà lão tin là chỉ dành cho lão? Có nhiều bất lợi khi người ta phải chấp nhận bầu không khí ẩm ướt này.
Đương nhiên những ngày như ngày hôm nay cũng làm cho bản thân lão gù quên đi những sự bất lợi này. Trời đang mưa, cửa phòng lão đã được đóng kín, trong đó chỉ có một mình lão: Lão còn muốn gì nữa? Hai tay lão chống cằm và liên tục huýt sáo.
Có tiếng lách cách sắp xếp đồ đạc của ông giúp việc ở trong kho phía sau phòng lão gù. Ông đang tự mắng mình vì số tiền phải bỏ ra đền chiếc chụp đèn bị ông đánh vỡ. Nước mưa tạt vào kính cửa sổ tầng hầm, lão gù nhìn qua lan can sắt bị cọ bóng loáng bên dòng kênh sang những chiếc cửa sổ bị cháy rụi, đen đen của nhà máy cúc. Thỉnh thoảng lão cũng nhìn thấy một cặp chân trần trẻ em bị bao đựng bánh mì màu trắng đập vào bước nhanh qua những vũng nước hoặc người đi giày để hở bắp chân hay kéo cao ống quần vội vã bước qua.
Điều lạ lùng là lão gù đã luôn sống ở những căn hộ tầng hầm và những tầng hầm, nhưng chừng nào lão còn có thể suy nghĩ thì nguyện vọng cháy bỏng nhất của lão vẫn là được một lần sống ở gác thượng của một ngôi nhà cao tầng. Tuy nhiên, điều ấy sẽ chẳng bao giờ xảy ra, đó chỉ là mơ mộng hão huyền của lão. Vậy mà lão gù không muốn nhận ra điều đó, thậm chí lão còn ngày đêm nung nấu ước mơ đó.
Lão gù cũng sẽ không bao giờ muốn tin rằng trong thực tế lão ghét việc sống trên mặt đất, rằng lão đã chịu thiệt thòi nhiều với thân hình tí hon của mình và lão quá bé nhỏ để thực hiện việc rời khỏi mặt đất, để lên cao sống ngay dưới bầu trời. Hơn nữa ngay từ khi còn là trẻ con lão đã thích lẩn trốn bên dưới gầm ghế hay ở trong tầng hầm nhất, và nếu lão trung thực thì lão phải thừa nhận rằng giờ đây lão cũng chỉ cảm thấy thoải mái khi lão sống chui rúc ở dưới tầng hầm mà thôi.
Việc phân tích ý thích quái gở này là không khó đối với lão gù, vì lão không ngu dốt; nhưng sẽ là bắt ép lão khi buộc lão phải ngẫm nghĩ về mình, và lão không thích làm thế. Trong thâm tâm mình, lão rất kính cẩn trước những chiếc cửa sổ tầng hầm không được lau chùi, lão thích ngắm nghía chúng hơn, thay vì nhìn qua chúng. Dần dần lão tự rút ra kết luận: Cũng như những cửa sổ đầy bụi bặm và mạng nhện, kẻ xấu xí như lão thì cần phải cố gắng bù đắp lại điều đó bằng sự lì lợm và liều lĩnh. Tất cả những điều ấy đều dẫn đến hậu quả là không còn ai ưa lão, vì chẳng ai muốn dây với hủi. Cho nên giờ đây chỉ còn con chó kéo và ông giúp việc ở cùng với lão. Tuy thế, lão gù thường hay nổi giận, đến nỗi con chó và ông giúp việc cũng phản kháng lại lão. Nhưng con chó thì nhút nhát và được lão cho ăn, còn ông giúp việc thì cũng chả khác là bao, cho nên có lẽ nó và ông giúp việc sẽ hầu như không thể rời bỏ lão được. Chính ý nghĩ này an ủi lão gù, nhưng nó cũng hay làm lão nổi giận nhất, vì lão phàn nàn sẽ chẳng có gì thay đổi trong đời lão; lão muốn tất cả thay đổi kia mà!
Chiếc khung giữa cửa sổ có hình chữ thập lại vừa mới làm lão gù nhớ đến bãi tha ma (ngoài lão thì chỉ có trời mới biết được tại sao). Lão cần phải làm gì đó để quên điều đó đi, cần phải chứng tỏ rằng lão còn đang sống. Lão xoay người và quát mắng ông giúp việc.
Lão gù biết, có lẽ ông giúp việc sẽ không dám cả gan tỏ thái độ không hài lòng với lão suốt cả buổi sáng, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào cách xử sự của lão nữa. Và ngay lập tức lão nhớ đến những chuyến đi thu gom giẻ rách và sắt vụn hàng ngày của mình, trong khi lão hấp tấp đi từ cửa nhà này sang cửa nhà khác hỏi mua giẻ rách và sắt vụn thì ông giúp việc tụt lại phía sau cùng với chiếc xe kéo và con chó để phân loại giẻ, mặc dù lần nào họ cũng phải đi rất xa. Lão gù nhìn vẻ mặt bực bội, chế nhạo của các chủ nhà khi lão ăn nói sống sượng với họ, lão lúng túng đứng trước mặt họ, và lần nào lão cũng cố xoay mình để người ta không nhìn thấy cái lưng gù của lão, dù rằng điều đó là không thể, vì lão quá lùn.
Tuy nhiên vừa rồi, khi lão gù sắp chìm đắm trong dòng suy nghĩ thì lão sực nhớ ra mình đang ở đâu, lão thấy trời vẫn còn mưa, lão ngửi thấy đủ các thứ mùi do hơi ẩm đưa vào, và đột nhiên sự chán nản của lão gù biến mất y như khi nó đột nhiên xuất hiện.
Lão gù nhìn đồng hồ: bảy giờ mười lăm. Ở trên những bức tường vẫn còn tối đen các mảng nấm mốc có nhiều hình dạng khác nhau phát sáng lờ mờ một cách bí hiểm. Nước mưa rơi lộp độp vào kính cửa sổ ở phía ngoài, cửa đã cài then, lão gù nghĩ: hôm nay ta sẽ ở nhà, đi ăn món đùi lợn muối cùng với lão giúp việc vào buổi tối ở quán và sau đó uống bia.
Lão gù lại chống khuỷu tay lên bàn và chụm môi huýt sáo. Lão đưa mắt nhìn xa xăm, nhớ đến những buổi tối bên dòng kênh, khi lão đứng im lặng đằng sau những người đi câu đang dụ lươn cắn câu bằng mồi cá. Trời sáng dần, ở đằng xa tiếng ồn ào của thành phố văng vẳng bên trên những đống đổ nát, từ phía cầu vọng lại tiếng xe cộ, sau đó là tiếng đóng cửa, tiếng mèo kêu ở gần đó. Lão gù đã quên hết sự khinh rẻ của người đời: Từ trong sâu thẳm tâm hồn lão nghe thấy tiếng đàn thùng của ông nội lão, nghe thấy tiếng mài dao của cha lão; lão nhắm mắt lại và hát khe khẽ.
Tuy nhiên, chỉ một lát sau bỗng nhiên tiếng mưa ngừng bặt, cơn mưa rào đã tạnh như người ta vặn chiếc vòi nước khổng lồ lại, ánh mặt trời phản chiếu lấp lánh trên mặt đường vẫn còn đọng nước và trên lan can sắt bị cọ bóng loáng.
Lão gù lại nhìn thấy những đôi chân trần của một lũ trẻ lại bước nhanh qua các vũng nước, bốn cái chân chó xù lông dính đầy bùn bước theo sau. Lúc này lão nghe thấy một lũ trẻ la ó chửi nhau với một lũ trẻ khác, lão uể oải đứng dậy và xem giờ: bẩy rưỡi; đã đến lúc lão đóng chó vào xe\.
Phạm Đức Hùng dịch từ nguyên bản tiếng Đức
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...