Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
04:58 (GMT +7)

Lan man từ một cái Tết ở nhà giàn

KỶ NIỆM 30 NĂM VĂN NGHỆ THÁI NGUYÊN XUẤT BẢN SỐ ĐẦU TIÊN (6/1991 - 6/2021)

VNTN - Ít người, nhiều việc, cũng như các anh chị em ở Văn nghệ Thái Nguyên (VNTN), tôi vừa làm công tác biên tập nhưng cũng kiêm nhiệm những công việc “bếp núc” của tòa soạn, khi cần cũng sẵn sàng “lăn xả” để viết lách. Được Tòa soạn tin tưởng, tôi hay có cơ hội được tác nghiệp tại các sự cố, thiên tai, lũ lụt, biển đảo…

Tham gia nhiều chuyến công tác biển đảo, nhưng lần đầu tiên tôi có chuyến đi dài ngày trên tàu HQ 621 của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, tới những nhà giàn trên biển vào cuối năm 2015. Biển động, say sóng, thưởng trà trên bong tàu, chuyển hàng qua dây tới nhà giàn… đấy là những trải nghiệm không dễ gì có được của người viết, nhưng tôi vẫn nhớ nhất đó là hôm đón Tết với lính hải quân trên nhà giàn DK1/10.

 

Tác giả trên tàu HQ 621

Những chuyến ra thăm đảo cận Tết biển thường khắc nghiệt lắm. Sóng to gió lớn, tàu rung lắc kinh hoàng, mỗi nhà báo trong đoàn phải có sức khỏe tốt mới có thể vượt qua được những cơn say sóng để tác nghiệp. Có những nhà báo nữ mặc dù đã được ưu tiên ở những khoang tàu tốt nhất nhưng không quen sóng gió, hầu như phải nằm li bì suốt chặng hải trình. Khó khăn như vậy những anh em cánh báo chí chúng tôi luôn chuẩn bị đồ nghề của riêng mình và bảo quản một cách tốt nhất. Sóng có lúc cao 7 - 8m nhiều người dù say sóng lử đử vẫn tranh thủ vác máy ra boong tàu để chụp, quay những khoảnh khắc quý giá, sống động ấy.

Sóng gió tạm yên, những gương mặt ủ rũ lại hồng hào. Tàu tiến dần về bãi cạn Cà Mau - nơi nhà giàn DK1/10 cắm giữ. Chúng tôi ra boong hưởng nắng gió. Nghe thông báo của trưởng đoàn, tất cả phóng viên sẽ được lên DK1/10 để đón Tết sớm cùng anh em chiến sĩ, mọi người ồ lên vui sướng.

Tàu thả neo, anh em hải quân phải dùng thuyền nhỏ để tăng bo đến sát chân nhà giàn, rồi từng người một được đu dây kéo lên. Chúng tôi có mặt trên nhà giàn sau khi vượt qua những bậc thang thép chênh vênh. Khác xa với tưởng tưởng và những gì đã biết về nhà giàn trước đây, trên độ cao 20m so với mặt nước biển DK1/10 thực sự là một ngôi nhà nhỏ ấm cúng những trang bị thiết yếu gần như có đủ cả. Nào là ti vi, tủ lạnh, bể chứa nước sạch, bồn rau xanh, chuồng gà, chuồng lợn… và cả khu đánh bóng bàn để các chiến sĩ giải lao sau những ngày vất vả. Ấn tượng nhất giữa “ngôi nhà ” là bàn thờ Tổ quốc với ảnh Bác Hồ, cờ đỏ sao vàng được treo ở vị trí trang trọng. Mâm ngũ quả, đã chuẩn bị đầy đủ, bày biện gọn gàng, sinh động.

Gió biển hiền hòa mát rượi. Ngả lưng trên những chiếc võng dù ngoài ban công, phía trên là giàn mùng tơi xanh mướt giăng mắc che nắng, nghe những chú chim sẻ biển do các chiến sĩ nuôi đang ríu rít trong lồng, bỗng thấy đất liền và nơi đây không hề có khoảng cách.

Chúng tôi vừa chuyện trò vừa cùng các anh khẩn trương bắt tay chuẩn bị mâm cỗ tất niên sớm. Chú heo mọi nhanh chóng được xẻ thịt pha các món. Người nhặt rau người đãi gạo, xóc đỗ, chẻ lạt, tước lá dong, bày chậu mai… tiếng nói cười cứ tíu ta tíu tít. Vui nhất là được ngồi gói bánh chưng. Những người lính nhà giàn ai cũng khéo gói bánh. Cứ thế từng chiếc bánh vuông đét, tăm tắp được hoàn thành bởi những bàn tay lính. Nhìn lính nhà giàn khéo léo gói bánh ai cũng phục lăn, mấy nữ phóng viên xúm vào thi nhau học. Có lẽ sau chuyến đi này các chị không chỉ biết có say sóng mà chắc hẳn còn tự hào vì đã biết gói bánh chưng mà lại gói theo “chuẩn víp” của lính nhà giàn.

Không có nồi lớn, chiếc bình inox chứa nước được “nâng cấp” làm nồi nấu bánh. Bếp dầu thay củi và than chỉ một loáng nồi bánh đã xình xịch sôi, bên nhành mai vàng tươi tắn.

Mâm cỗ Tết thịnh soạn và đầy chất lính có bánh chưng xanh, giò lụa, thịt lợn quay, canh miến, các món cá… và tất nhiên không thể thiếu các món rau xanh. Bên chén rượu nồng, chúng tôi cùng nghe những câu chuyện về những lần đón Tết ở nhà giàn.

Thiếu tá Hoàng Văn Thảnh, người có hơn 20 năm ăn Tết ở các nhà giàn DK1 kể: Vì quen sống trong cảnh tiết kiệm ở nhà giàn lúc về đất liền nhiều lúc anh còn không dám vặn to vòi nước, bữa cơm nhìn rau mà luống cuống mãi mới dám gắp. Trung úy Phạm Khắc Chuyên, quê Thủy Nguyên - Hải Phòng cũng nhiều năm đón Tết trên nhà giàn DK1. Cả hai lần vợ sinh con anh đều không có mặt ở nhà. Đứa đầu vợ mang bầu được hai tháng thì anh ra biển, khi về thì đã có con bồng. Đời lính biền biệt, khi về thăm nhà nhất định cháu không nhận bố, chỉ nép sau lưng mẹ nhìn trộm. Tối đến cháu đuổi anh ra khỏi giường, “không cho bố ngủ cùng”.

Những câu chuyện như thế cứ rì rầm trong đêm tất niên. Thỉnh thoảng chiếc đàn ghita đứt mất một dây lại hòa cùng tiếng hát của chúng tôi cùng chiến sĩ vang lên ấm áp giữa rì rào sóng biển…

Từ một kỷ niệm trên để thấy: Những chuyến đi đó cho tôi nhiều vốn sống, điều đó vô cùng cần thiết với người cầm bút. Và dù là một tờ báo về văn học nghệ thuật nhưng chưa khi nào VNTN rời xa hiện thực cuộc sống. Ngược lại, VNTN luôn bám sát những sự kiện lớn, những vấn đề nóng mà xã hội quan tâm và phản ánh nó dưới lăng kính văn nghệ một cách nhân văn, thẫm đẫm hơi thở cuộc sống. Nhiều năm qua những trang bút ký, phóng sự, ghi chép của VNTN luôn gây được tiếng vang và được đông đảo bạn đọc đón nhận. Tôi thấy tự hào vì được công tác ở một môi trường như thế.

BTV Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy