Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
05:53 (GMT +7)

Ký ức về những người thày

VNTN- Trong quá trình giáo dục, dạy dỗ học trò, những lời nhận xét, những lời phê của người thày tưởng chỉ là một việc nhỏ nhưng đôi khi lại trở thành những câu chuyện lớn đối với cuộc đời của mỗi con người.

Từ phải sang: “Bộ ba” Chử Văn Giao (thứ 4), Trần Gia Quý (thứ 5), tác giả (thứ 6) và các bạn học

Những ký ức này tôi viết lại đều là sự thật.

Năm 1961 tôi học lớp 7 (lớp cuối cấp 2 thời đó) tại trường cấp II Nha Trang, thị xã Thái Nguyên. Ngày ấy tôi là một đứa bé nhút nhát, học hành lười biếng. Vì thế, ở trường, tôi như một cái bóng mờ nhạt trong con mắt thày cô và bạn bè. Ở nhà, gia đình luôn lo lắng về tôi. Bố mẹ tôi thường nói: “Thằng này đần thế, sau này không biết làm gì nên ăn”. Trước mọi người, tôi là một đứa bé dốt nát với một tương lai mù mịt.

Nhưng rồi cuộc đời tôi bỗng lóe lên một tia sáng mà sau này tôi gọi là tia sáng vàng. Đó là một lần, có một thày giáo đến lớp tôi dạy một tiết văn thay thày giáo bộ môn bị ốm. Đây là lần đầu tiên tôi gặp thày vì thày là giáo viên dạy các lớp buổi chiều. Sau tôi mới biết tên thày là Minh Hùng. Thày có dáng người đậm, nụ cười luôn lấp lánh niềm vui. Không ngờ người bị thày gọi lên kiểm tra miệng đầu tiết học hôm ấy lại là tôi. Tôi run run bước lên bảng. Run, vì tôi có bao giờ thuộc bài đâu. Tôi không nhớ câu hỏi kiểm tra của thày hôm ấy thế nào, chỉ biết rằng tôi đã trả lời rất lung tung, nghĩ gì nói thế. Sau câu trả lời của tôi, thày lặng lẽ quan sát tôi một lúc khá lâu rồi mỉm cười:

- Đào Việt Hải (tên thật của tôi), em không thuộc bài. Em chỉ được 1 điểm thôi. Nhưng em có biết không? Em là người rất thông minh, một người có những dấu hiệu sáng tạo văn chương đấy. Cố lên, chăm chỉ hơn lên, chắc chắn em sẽ là người có ích. Em đừng buồn vì điểm 1 hôm nay nhé.

Hôm ấy bị điểm 1 nhưng đó lại là một ngày tươi sáng nhất của đời tôi. Trời ơi! Tôi như muốn hét lên, muốn bay lên.“Thông minh! Có những dấu hiệu sáng tạo văn chương!”. Từ ngày cha sinh mẹ đẻ, tôi chưa được ai nhận xét về mình như vậy bao giờ, mà chỉ toàn là những lời “thằng này dốt như bò”, “Thằng này thiểu năng trí tuệ”. Vì không phải là thày giáo dạy chính thức của lớp nên từ đó tôi không được gặp lại thày nữa. Nhưng chỉ mấy lời đơn sơ của thày thế thôi mà chẳng hiểu sao từ đấy tôi như thoát khỏi một cái vòng Kim cô luôn đè nặng trên đầu.

Tâm trí tôi được mở dần ra. Rồi từ đó tôi chăm học hẳn lên. Đặc biệt là có thói quen đọc sách. Tôi bắt đầu say sưa với những cuốn như “Dế mèn Phiêu lưu ký”, “Đảo giấu vàng”, “Không gia đình”… rồi lân la tìm đến những tác phẩm kinh điển của Victor Hugô, Alphonse Daudet, A. Chekhov, Lỗ Tấn, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan… Tôi trở nên chăm học, chăm đọc sách trong đó có một nguyên nhân sâu xa bởi những lời nhận xét của thày Minh Hùng cứ luôn vẳng bên tai tôi. Rất nhiều năm sau, khi đã trưởng thành, nghĩ lại chuyện này tôi vẫn không hiểu thật rõ ngày ấy thày có một cảm quan của một nhà tiên tri hay chỉ là những lời động viên quí báu của một người thày đối với một học trò vốn lười nhác và tự ti như tôi. Nhưng dù thế nào đi nữa, lời nhận xét của thày đã theo tôi suốt cuộc đời. Mỗi khi cần vượt qua tính tự ti, nhút nhát thì những lời ấy lại vẳng bên tai, giúp tôi lấy lại sự tự tin mạnh mẽ. Lời thày chỉ đơn giản vậy nhưng nó giống như một khởi động cho cả một hành trình, như kim chỉ nam trong sự nghiệp của tôi.

Đến bây giờ, từ một học trò lười biếng, yếu kém, tôi đã phấn đấu trở thành một nhà giáo, rồi một nhà văn, một nhà biên kịch điện ảnh. Nghĩa là tôi cũng đã ít nhiều trở thành người có ích đúng như lời nhận xét của thày Minh Hùng năm nào. Tôi nghĩ rằng, có những người thày như thày Minh Hùng thì sẽ không một học sinh nào tụt lại phía sau. Ở Trường Cấp II Nha Trang, ở mảnh đất Thái Nguyên ngày ấy đã có một người thày như thế. Mấy năm trước, ngày cựu học sinh những khóa đầu của trường họp mặt, dò hỏi mãi, tôi mới biết người thày mà tôi ngầm mang ơn suốt gần sáu chục năm qua không còn nữa. Do hoàn cảnh không cho phép, tôi không được thắp nén hương vĩnh biệt ngày thày ra đi, nhưng có một điều chắc chắn, hình ảnh thày sẽ mãi mãi trường tồn trong trái tim tôi.

Đó là một kí ức vui. Nhưng những năm trong nghề dạy học, tôi cũng có một kí ức rất buồn, mà xuất phát điểm cũng từ những lời phê của người thày. Năm ấy tôi là giáo viên chủ nhiệm lớp học cuối cấp tại một trường cấp II ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Lớp tôi có một cô học trò tên là Nguyễn Thị Liên, học lực rất khá, tính tình hiền lành, ngoan ngoãn. Nhưng không hiểu sao đến gần cuối năm học em bỗng mắc một khuyết điểm khá nặng. Hôm ấy, lớp trưởng thu tiền xây dựng của cả lớp, chưa kịp nộp cho giáo viên thì bị mất không còn một xu. Sau khi điều tra, phát hiện ra thủ phạm chính là cô học trò nọ. Là giáo viên chủ nhiệm, tôi lấy làm lạ nên quyết định tìm hiểu mọi chuyện. Cuối cùng mới biết, em lấy số tiền kia là để đưa mẹ đi bệnh viện tỉnh. Mẹ em bị bệnh rất nặng, nếu không được chữa trị sẽ khó qua khỏi. Tôi ngậm ngùi nghĩ, trong cái khuyết điểm rất lớn kia thấm đẫm tình mẫu tử. Lần ấy, Liên bị cảnh cáo toàn trường trước cờ. Dù là vậy, nhưng nhớ lại những lời nhận xét của thày Minh Hùng năm xưa, tôi đã phê trong học bạ cuối cấp của em thế này: “Học lực của em rất đáng khen. Về đạo đức, lễ độ với thày, chan hòa với bạn, đặc biệt là có hiếu với bố mẹ. Chỉ hơn buồn, cuối năm học, em đã để xảy ra một việc rất đáng tiếc. Nhưng mừng là em đã biết nhận ra lỗi lầm. Mong em hãy lấy đó làm bài học sâu sắc để không bao giờ lặp lại chuyện cũ. Cố lên em. Thày luôn tin tưởng ở em”.

Thế nhưng, lời phê này của tôi đã bị hiệu trưởng cực lực phản đối, cho là hữu khuynh. Rồi ông lệnh cho thư kí Hội đồng nhà trường phê lại như sau: “Hư hỏng. Mắc khuyết điểm ăn cắp tiền của tập thể lớp. Bị cảnh cáo toàn trường, bị tước quyền thi tốt nghiệp một năm”.

Năm sau, tôi xin sang dạy ở một trường khác. Câu chuyện ấy cũng dần lãng quên. Tận ba mươi năm sau tôi vô tình gặp cô học trò nọ. Kinh tế gia đình em lúc ấy có vẻ rất khó khăn. Bản thân em có thu nhập rất thấp. Em nhìn tôi bằng ánh mắt buồn buồn:

- Ngày ấy, chỉ vì lời phê trong cuốn học bạ mà năm sau, em xấu hổ  không muốn thi lại nữa. Cái mộng trở thành giáo viên thế là tan tành. Đành chọn một nghề lao động để kiếm sống.

Vì tất cả đã trở thành quá khứ nên tôi không muốn nhắc lại mọi việc với em. Nhưng nếu biết chuyện này, có lẽ nào, những người thày thay đổi lời phê của tôi trong cuốn học bạ ngày ấy không có chút thức tỉnh lương tâm?

Từ thực tế ấy, tôi đã viết truyện ngắn “Chuyện từ quyển học bạ” rút  từ thực tế có thật tới 90%, với ý muốn được các bạn giáo viên đồng cảm thì may ra có thể bớt được một nỗi buồn hoặc mang lại niềm hạnh phúc cho mỗi đời người mà nguyên nhân do chính từ những lời nhận xét, những lời phê của người thày. Truyện được đăng trên Báo Nhân Dân, được tuyển chọn vào tập truyện “Chuyến xe cuối cùng đã đi” của Nhà Xuất bản Giáo dục năm 2007.  Sau đó, tôi đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của các giáo viên trong tỉnh.  

Một lớp học của Trường cấp 1-2 thị xã Thái Nguyên (nay là Trường THCS Nha Trang), ảnh chụp khoảng năm 1959

Trong quá trình giáo dục, dạy dỗ học trò, những lời nhận xét, những lời phê của người thày tưởng chỉ là một việc nhỏ nhưng đôi khi lại trở thành những câu chuyện lớn đối với cuộc đời của mỗi con người.

Ngày 8/11/2021

Hồ Thủy Giang

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Cầu Huy Ngạc trong tôi

Xem tin nổi bật 4 ngày trước

Đồi Dung

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Chã - nơi ấy có mẹ chồng tôi

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

“Người Gang Thép!”

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Một miền quê yêu dấu

Tôi và Thái Nguyên 9 tháng trước

Tiếng gọi điều công

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước

Lũng Luông kỉ niệm

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước