Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
20:44 (GMT +7)

Ký ức lung linh về thành phố Tháng Mười

VNTN- Tôi mặc áo màu cam in hoa trắng đứng cạnh bạn cùng tên giữa đường tròn trung tâm thành phố, miệng hai đứa nở nụ cười thật tươi theo lời chú thợ ảnh dặn. Phía sau chúng tôi là những ngọn đèn đường sáng lấp lánh…

Tác giả (áo hoa) cùng bạn chụp ảnh lưu niệm ở đường tròn trung tâm TP. Thái Nguyên (năm 1998)

May mắn tôi có người chị Hai hơn tôi 5 tuổi, chị học giỏi và có năng khiếu môn cờ vua, cầu lông. Từ bé, chị chính là người thầy dạy tôi học, dạy tôi chơi hai môn thể thao này. Năm lớp 4, tôi được chị dạy chơi cờ vua. Từ nhớ tên từng quân cờ, cách xếp bàn cờ đến nước đi của quân tốt, xe, tượng, mã, hậu, tướng, rồi chiến thuật tấn công, phòng thủ, tôi đã trở nên thuần thục. Khi không có chị, một mình tôi có thể chơi cả hai bên, nghĩ ra nhiều nước cờ rất vui.

Năm lớp 8 (khoảng năm 1998, 1999), tôi được chọn vào đội tuyển của huyện tham gia Hội khỏe phù đổng cấp tỉnh môn cờ vua. Lần đầu tiên lên thành phố, tôi háo hức lắm. Trước khi đi, chị Hai thay mẹ chuẩn bị cho tôi đủ thứ, không quên dặn: “Thi đấu phải bình tĩnh, tự tin, tâm lý thoải mái, nhất là không được hấp tấp”. Kinh nghiệm từ lần đoạt giải Nhì cờ vua Hội khỏe phù đổng cấp tỉnh trước đó, chị truyền lại: “Mình nghĩ kỹ, đánh nước cờ của mình, xong phải tính xem đối phương sẽ đi nước nào, nếu họ đi nước đó, mình sẽ có phương án ra sao…”

Nơi tôi thi đấu cờ khi đó là Cung văn hóa thiếu nhi thành phố. Mấy trận đầu thắng, tôi vui lắm. Đến buổi cuối thi tranh giải Nhất, Nhì, tôi gặp một chị học lớp 9. Chị đi nước cờ nào cũng rất nhanh, ngay từ đầu đã tấn công tôi dồn dập. Tôi cố gắng cầm cự được đến hết thời gian thi đấu chính thức. Để phân thắng thua, chúng tôi đánh đồng hồ tính thời gian và ghi các nước cờ ra giấy. Hồi ấy, tôi chưa được rèn luyện nhiều kỹ năng này nên khá lúng túng và sau đó hết thời gian trước, bị xử thua. Ra khỏi phòng thi là chiều tối, tôi nghe thấy trên sóng phát thanh ca khúc “Mẹ yêu”: “Sinh con ra trong bao nhiêu khó nhọc, mẹ yêu thương con tha thiết/… Tình thương cho con bao la biết mấy/ Những đêm ôm con trong tay khóc ướt vai con/ Mẹ có biết con yêu mẹ nhiều…”. Nghe lời bài hát, tôi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ chị Hai và òa khóc như mưa. Thấy vậy, anh Đăng thi cờ vua và anh Tuấn béo thi vật tự do cùng đoàn với tôi chạy ra lo lắng: “Sao em lại khóc thế này?”. Tôi được thể càng khóc to hơn: “Em nhớ nhà, em muốn về nhà ngay bây giờ cơ”…

Hai anh cùng thầy cô đưa tôi về nơi cả đoàn của huyện ở, gần Khách sạn Thái Nguyên, dỗ: “Lần đầu thi tỉnh được giải Nhì thế là giỏi rồi. Em đừng buồn nữa, tối các anh dẫn đi ăn kem và chụp ảnh ở đường tròn trung tâm”. Nghe thấy thế, tôi vui hẳn lên, quên cả việc đòi về nhà trước đó.

Đúng như đã hẹn, tối ấy, tôi sướng rơn khi được các anh chị đưa đi ăn kem ốc quế ven đường. Nghĩ bụng, về sẽ kể cho tụi bạn cùng lớp nghe cho chúng nó tha hồ ganh tỵ. Vui hơn nữa là tôi được ra công viên chơi, thỏa thích ngắm đường tròn trung tâm có cột đồng hồ bốn mặt, được chụp ảnh lưu niệm. Chạy nhảy chán, lúc sau mỏi chân quá, tôi ngồi thụp xuống, anh Tuấn đã xung phong cõng tôi về.

Cột đồng hồ bốn mặt và công viên vườn hoa sông Cầu, còn cả hương vị cây kem ốc quế ngọt ngào và ánh đèn đường phố sáng lung linh vẫn luôn là ký ức tươi đẹp của tuổi thơ tôi. Tấm ảnh chụp với cô bạn cùng tên thi môn điền kinh năm ấy tôi vẫn giữ. Hai năm trước, nhờ đăng lên mạng xã hội facebook mà chúng tôi đã tìm gặp được nhau sau bao năm thất lạc. Còn anh Đăng, anh Tuấn giờ người làm giáo viên ở trường phổ thông, người là huấn luyện viên thể thao bên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Suốt thời sinh viên, rồi ra trường đi làm ở thành phố nên với mỗi góc phố, tên đường nơi đây đều gắn bó với tôi. Ấn tượng hơn cả là chiếc đồng hồ vuông bốn mặt trên cây cột gang ở đường tròn trung tâm. Có giai đoạn, đồng hồ chạy lúc nhanh, lúc chậm và nhiều khi bốn mặt đồng hồ cùng thời điểm chỉ giờ khác nhau. Cột đồng hồ được dỡ bỏ vào năm 2007, thay thế bằng công trình đài phun nước hình tròn được lập trình nhiều kiểu phun khác nhau rất quy mô và ấn tượng. Hàng trăm đèn led có hiệu ứng màu sắc rất đẹp khiến đài phun nước mỗi tối thu hút đông đảo người dân đến chơi, chụp ảnh.

Ngoài cột đồng hồ bốn mặt, tôi không quên hình ảnh một công viên vườn hoa ngay bên bờ sông Cầu hiền hòa, giáp Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Công viên có nhiều cây xanh và ghế đá, tối nào cũng đông người đi bộ thể dục, đi chơi. Cạnh công viên là Quảng trường 20-8 hồi ấy còn nhỏ hẹp. Do nhu cầu phát triển đô thị, công viên vườn hoa được chuyển đổi thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp như hiện nay. Ngày 25-8-2014, đúng dịp sinh nhật lần thứ 103 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, TP. Thái Nguyên đã công bố Quyết định điều chỉnh lại quy hoạch quảng trường, công bố Quyết định của UBND tỉnh về đổi tên Quảng trường 20-8 thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp. Quảng trường được mở rộng đến sát bờ sông Cầu, lấy toàn bộ diện tích vườn hoa. Tròn một năm sau, quảng trường được khởi công xây dựng. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Có thêm một quảng trường to đẹp, nhưng người dân thành phố lại thiếu một công viên, thiếu lá phổi xanh điều hòa khí hậu, cũng là nơi vui chơi, giải trí của trẻ nhỏ và thư giãn của người dân. Mong muốn có một công viên là điều bao người dân kỳ vọng, chờ đợi thời gian qua. Tin vui đối với người dân là vừa qua, TP. Thái Nguyên đã thực hiện rà soát các quỹ đất công viên, cây xanh tập trung công cộng, quy hoạch 5 công viên cây xanh. Đồng thời, đề xuất 6 vị trí dự kiến thực hiện khu công viên, cây xanh, vườn hoa công cộng với tổng diện tích trên 19.000m2.

Một góc nhìn trung tâm thành phố từ trên cao (ảnh của đồng nghiệp)

Tháng 8-2021, trong chuyến khảo sát vị trí đề xuất xây dựng khu công viên cây xanh, vườn hoa công cộng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng đã chỉ đạo thành phố cần khẩn trương phối hợp với sở, ngành liên quan khảo sát, tính toán các phương án xây dựng ngay các khu công viên, cây xanh, vườn hoa công cộng trên địa bàn theo mô hình tự quản, đảm bảo mỹ quan đô thị và tạo không gian thư giãn, nghỉ ngơi cho người dân. Nắm được thông tin, tôi cũng như bao người dân đều mong mỏi, chủ trương này sớm trở thành hiện thực.

Tối nay, đi qua Quảng trường lộng gió và đài phun nước sáng lung linh, tôi bỗng mỉm cười khi nhớ đến bóng dáng cô bé mặc áo hoa màu cam năm nào. Có chút nao lòng, bâng khuâng về những kỷ niệm xưa cũ cùng bao hồi ước tươi đẹp. Nhưng hơn cả là tình yêu và niềm tự hào trước những đổi thay của thành phố, vui mừng vì mình là một công dân của thành phố Tháng Mười xinh đẹp. TP. Thái Nguyên 59 tuổi nay mang một diện mạo mới, trẻ trung, hiện đại, năng động. Nếu có thêm một công viên thật đẹp, thật xanh, có lẽ mọi người sẽ thấy yêu hơn về một thành phố đáng sống, nhỏ xinh và cũng hết sức hiền hòa, thơ mộng…

Mai Linh Lan

(Phường Túc Duyên, TP. Thái Nguyên)

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Cầu Huy Ngạc trong tôi

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Đồi Dung

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Chã - nơi ấy có mẹ chồng tôi

Xem tin nổi bật 8 tháng trước

“Người Gang Thép!”

Xem tin nổi bật 9 tháng trước