Kỷ niệm về miền quê, gia đình và tuổi học trò của tôi
Thái Nguyên hôm nay. Ảnh: Việt Hùng
Tôi sinh ra tại Bái Thượng – Thanh Hóa đến năm lên 6 tuổi, gia đình tôi chuyển ra sinh sống tại Thái Nguyên. Những năm tại Bái Thượng, nhà tôi ở gần đập, trước nhà phía bên kia đường là dốc lên đồn Bái Thượng. Gia đình tôi có thầy mẹ, bà ngoại, và cậu út. Buổi chiều, bà ngoại hay dẫn tôi ra đầu cầu để đón mẹ đi chợ về. Thầy tôi lúc đó đi chở bè thuê, dăm bữa nửa tháng mới về. Tôi là con đầu, cháu sớm nên được cả nhà thương yêu, chiều chuộng.
Gia đình tôi ra Thái Nguyên ban đầu cũng nghèo lắm, làm công nhân đội quặng. Thầy tôi thì đi chở bè thuê, sau này có vốn thì ông chuyển sang buôn bè, nhà có khá giả hơn một chút. Tuy vậy, thầy tôi lại dính vào cờ bạc, nên nhiều khi thua bạc gia đình tôi lại lâm vào cảnh túng quẫn. Sau đó, nhờ có Cách mạng nên nạn cờ bạc bị xóa bỏ, đồng thời thầy tôi cũng tham gia Tổng khởi nghĩa (19/8/1945) vì trước đấy ông đã được tuyên truyền tham gia vào Giải phóng quân. Tháng 10/1945, ông cùng đoàn quân giải phóng Nam tiến đánh Tây ở đường 9, Nam Lào. Tại đây ông bị thương được đưa về Hà Nội làm huấn luyện viên tự vệ Thành, đóng tại khu Đấu Xảo. Đến ngày 19/12 ông bị thương tại mặt trận sinh tử Hàng Đẫy và được chuyển ra chiến khu, biên chế vào Trung đoàn Thủ đô với chức vụ Đại đội trưởng.
Tác giả Nguyễn Trà, 85 tuổi.
Bà ngoại tôi là con gái thầy đồ nên biết chữ Nho và rất thông chuyện kim cổ, ca dao, hò vè, ví von. Cụ cũng rất phong kiến, chỉ quý con trai và con rể, và đặc biệt là cháu ngoại vì lúc đó chỉ mới có mình tôi là cháu. Mẹ tôi và mợ tôi thường xuyên bị cụ chửi. Chửi có bài bản bằng thơ, điển tích cũ. Đến cuối năm 1946, cụ bị bệnh nặng, trước khi mất, cụ réo gọi tôi và thầy tôi (lúc đó bố con tôi ở Hà Nội), chỉ đến lúc bố con tôi về gọi bà: “Bố con con đã về”, cụ mới từ từ nhắm mắt ra đi.
Bà ngoại tôi sinh hạ được ba người con: chị gái đầu đi làm xa từ lúc còn trẻ, còn lại ba mẹ con đi đâu cũng dắt díu nhau đi cùng. Sau ngày chuyển từ Bái Thượng ra Thái Nguyên, cậu út lấy vợ. Mợ dâu tôi, con gái nông thôn nhà nghèo nên thường bị bà ngoại tôi xét nét, suốt ngày bị mắng mỏ. Cậu tôi tính nóng nảy, gia trưởng, nhiều khi bị mẹ la, cơn giận trút lên đầu mợ tôi. Mợ tôi là người rất nhẫn nhịn, thương quý gia đình nhà chồng. Tôi cũng rất được mợ tôi cưng chiều.
Lúc “toàn quốc kháng chiến”, cậu tôi đi thoát ly, tham gia quân giới. Ở nhà, hai chị em (mẹ tôi và mợ) cùng nhau tăng gia sản xuất. Cậu mợ tôi sinh được hai em trai. Đến năm 1952, cậu giải ngũ vì lý do sức khỏe, về tham gia công tác tại địa phương vì cậu là Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Cậu là người thầy đầu tiên cho tôi hiểu biết về Đảng và động viên tôi tham gia các phong trào tại địa phương. Do nỗ lực tham gia các hoạt động, tôi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu Quốc năm 15 tuổi (lúc đó đủ 18 tuổi mới được kết nạp Đoàn). Sau này, cậu nợ tôi chuyển sang huyện Đại Từ làm ăn sinh sống tại xóm Liên Giới, xã Hùng Sơn và sinh thêm được bốn em nữa. Cậu mợ dạy em rất nghiêm, cho học hành đầy đủ, sống tình nghĩa, thương yêu nhau nên bây giờ các em đều phương trưởng và có cuộc sống với con cháu, dâu rể thật viên mãn. Từ sau ngày mẹ tôi mất, tôi coi đây là nhà của mình. Dù ở Hà Nội hay ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi cũng hay về thăm gia đình khi có dịp. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi đều đã có dịp ghé nhà, các bạn đều được cậu mợ tôi coi như con cháu.
Mẹ tôi - một phụ nữ tần tảo, có hiếu, thương chồng con, thương các em. Bà cũng rất vất vả vì bố con tôi trong những năm kháng chiến chống Pháp. Lúc đấy, tôi còn đang đi học còn thầy tôi thì đi bộ đội. Một phụ nữ ở thành phố đi tản cư về nông thôn phải tăng gia sản xuất, vỡ đất, lên rừng chặt cây, kiếm thức ăn nuôi con ăn học. Bà còn là mẹ chiến sĩ, nên nhà tôi thường xuyên có khách trọ: là bộ đội, cán bộ ghé qua, là các thầy giáo vùng xuôi lên dạy học, là các bạn học sinh từ miền khác đến chỗ tôi tản cư. Thông thường, nếu là cán bộ, bộ đội thì mẹ tôi đãi cơm, còn các bạn, các thầy cô thì góp gạo, thức ăn là của nhà tôi tăng gia, trồng trọt, nuôi gà vịt, hoặc vào rừng kiếm măng, rau rừng về cùng ăn. Vì quá lao lực cộng thêm di chứng của sốt rét động đến tim mạch, nên cuối năm 1955, mẹ tôi qua đời. Bà chính là điển hình của người phụ nữ Việt Nam, đảm đang việc nhà, thương chồng con, sống nhân hậu với mọi người, tham gia tích cực các hoạt động xã hội.
Năm 9 tuổi, tôi học lớp Đồng ấu tại Trường Con gái, thị xã Thái Nguyên, ở đây tôi cũng có bạn thân là chị Oanh, con cụ Trường Sơn cùng tham gia Cách mạng với bố tôi. Lúc ấy, bạn nhỏ tuổi người mảnh mai hay bị bắt nạt, tôi thì ngổ ngáo hay bênh bạn (theo lời Oanh kể). Sau này, Oanh lại lấy bạn cùng học phổ thông của tôi nên mỗi lần có dịp ra Hà Nội hay gia đình Oanh vào Sài Gòn, chúng tôi đều tới thăm nhau. Những ngày tháng 8 năm 1945 thật sôi động. Chúng tôi tham gia Đội Thiếu niên Nhi đồng Cứu Quốc, ngày ngày vác cờ, đánh trống đi cổ động Cách mạng, tham gia giành chính quyền ngày 19 tháng 8, và các cuộc mít tinh ủng hộ chính quyền Cách mạng, hoặc “Tuần lễ Vàng” ủng hộ Cách mạng. Tôi cũng ủng hộ một đôi khuyên tai do thầy mẹ tôi sắm cho.
Cuối năm 1946, thực dân Pháp lăm le chiếm lại Việt Nam, toàn dân được lệnh tản cư ra khỏi thị xã về vùng nông thôn quanh thị xã, lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là ruộng vườn. Tôi là đứa hiếu động suốt ngày ra ruộng mò cua bắt ốc dưới trời nắng nên mặt tôi luôn đen nhẻm, tóc thì cháy sém. Có lần bị đỉa trâu bám, tôi sợ quá khóc váng cả vùng, lúc bà con chạy ra thì con đỉa đã rơi đâu mất.
Năm 1947, Pháp bắt đầu đánh chiếm các vùng ngoài Hà Nội, gia đình tôi và cậu mợ tản cư lên xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, cách thị xã 30 cây số ở vùng núi giáp ranh. Tại đây, chúng tôi được sống với đồng bào dân tộc, đồng bào ở đây chủ yếu là dân tộc Tày. Con người ở đây rất thật thà, chất phác, hết lòng ủng hộ kháng chiến, bộ đội, dân tản cư. Nhà tôi cách nhà cụ Huyến có một thửa ruộng. Khi nhà chúng tôi tản cư đến đây, cụ và bà con địa phương đã ủng hộ tre nứa, lá cọ, và chung sức giúp chúng tôi lợp nhà. Vì ở vùng rừng núi nên vật liệu xây dựng rất dễ tìm. Nhà tôi dựng được một căn năm gian ở ngay ven đường, cũng là nơi trú ngụ của bộ đội, khách vãng lai, các thầy cô ở dưới xuôi lên dạy, các bạn học sinh tản cư ở các huyện về cư ngụ.
Gia đình tôi và gia đình cụ Huyến coi nhau như ruột thịt, tôi thường lê la qua nhà Cụ vừa để học thêm các thầy, vừa để chơi với các con của Cụ. Các dịp Giỗ, Tết, chúng tôi đều qua lại thăm hỏi nhau. Cuối năm, hai nhà thường gói bánh chưng, để biếu mọi người (tôi đã có bài thơ về nồi bánh chưng ngày Tết chính là ở tại địa điểm này). Nhà cụ Huyến là nhà sàn, cột bằng gỗ lim, sàn lát bằng cây bương, mái lợp bằng sống lá cọ đã ngâm nước. Những ngôi nhà như thế này có thể chống chịu được mưa gió trên 50 năm. Ở đây có rất nhiều loại măng, chính là nguồn thực phẩm cho chúng tôi. Những loại như măng tre, măng mai, hay bương phải chờ mọc cao hơn mặt đất rồi mới lấy. Còn đối với măng vầu thì lại phải lấy chân rà trên mặt đất, nơi nào thấy hơi cộm thì đấy chính là măng, dùng dao hoặc thuổng đào lên. Được cái rừng vầu rất sạch, không gai góc nên lúc tìm kiếm măng cũng không quá khó khăn.
Dần dần, dọc đường gần nhà tôi dân tản cư lên ở cũng đông, hàng xóm láng giềng ở với nhau rất thuận hòa qua 9 năm kháng chiến. Tại đây, khi tôi đã lớn, cũng đã biết đỡ đần cho mẹ vì nhà chỉ có hai mẹ con, kinh tế gia đình lúc ổn định, lúc khó khăn. Chính ở nơi này, tôi bắt đầu học từ lớp 1 đến đầu lớp 9, các thầy cô dạy bảo rất tận tình. Những thầy cô tôi nhớ nhất hồi cấp 1 có thầy Đỗ Văn Ngôn là Hiệu trưởng, tuy thầy khá nghiêm khắc nhưng lại rất công bằng, tôi thì ham chơi, nghịch ngợm nên hay bị thầy quở trách, nhưng nhờ học lực khá nên vẫn được khen thưởng.
Đây là ngôi trường tôi học từ tuổi ấu thơ cho đến tuổi trưởng thành. Tháng 7 năm 1954, chuẩn bị cho tiếp quản Thủ đô, tôi được Đoàn trường cử vào Đội Thanh niên xung phong công tác tiếp quản Thủ đô. Từ đó, tôi rời xa nhà trường và thầy cô giáo, cuộc đời tôi bắt đầu sang trang mới.
Hôm nay, bỗng nhớ Thái Nguyên da diết, được biết Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên có Chuyên mục “Tôi và Thái Nguyên” để những người yêu Thái Nguyên như tôi có dịp được trải lòng, tôi xin được viết bài này với tấm lòng tri ân người dân và tỉnh Thái Nguyên đã cho tôi được sống, học tập, và lớn lên thành người lương thiện, có ích. Bài viết dài dòng, lê thê vì tôi không phải nhà văn nên không biết chỉnh sửa thế nào cho gọn gàng, tôi đành có sao viết vậy. Đây là những cảm xúc và câu chuyện có thật về bản thân tôi.
Bài viết này, trước hết là viết cho chính tôi vì tuổi đã già, trí nhớ lúc lẫn lúc quên, khác với các nhà khoa học và nhà văn dù già đến đâu cũng còn minh mẫn, sáng tạo. Vì thế đây là cách tốt nhất giúp cho đầu óc tôi làm việc, và còn để lại vài ý tốt cho con cháu. Cũng nhân dịp này, mong muốn con cháu sẽ thấy được mặt mạnh mặt yếu của cha mẹ để thông cảm, chia sẻ và đồng cảm trong việc dạy bảo con em sau này. Bên cạnh đó, tôi cũng mong các bạn già sẽ tìm thấy một vài điều gì đó giống mình để đỡ lãng quên tuổi thơ của chúng ta.
Xin kính chúc Thái Nguyên thân thương ngày một phát triển. Kính chào các bạn già, trẻ, cũng như các thế hệ con cháu đang là những công dân Thái Nguyên. Trân trọng cảm ơn tất cả mọi người đã dành thời gian đọc bài viết này với sự sẻ chia, đồng cảm với tôi.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 8 năm 2022
Nguyễn Trà
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...