Kiến tạo “ngôi nhà văn nghệ” Thái Nguyên với niềm tin yêu chân thành và nỗ lực lao động sáng tạo
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh (Chủ tịch Hội khóa VII)
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, xuất phát từ tâm nguyện của văn nghệ sĩ tỉnh Bắc Thái về việc cần có một tổ chức của những người làm công tác văn học nghệ thuật nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị sáng tạo văn học nghệ thuật góp phần vào việc làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, được sự ủng hộ và tạo mọi điều kiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Thái, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Thái đã được xúc tiến thành lập.
Sau nhiều năm nỗ lực của Ban Vận động thành lập Hội, tiếp đó là Ban Chấp hành lâm thời trong việc xây dựng tổ chức bộ máy, tuyển chọn nhân sự, vận động văn nghệ sĩ tham gia, vào ngày 25 và 26/7/1987, Đại hội lần thứ nhất – Đại hội thành lập Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Bắc Thái được tổ chức tại Hội trường Nhà khách UBND tỉnh (khu Bệnh viện Điều dưỡng hiện nay) với 71 hội viên đầu tiên.
Đây là một dấu mốc rất đáng nhớ đối với những người hoạt động văn học nghệ thuật của tỉnh Bắc Thái – Thái Nguyên và ngày 25/7 được lấy làm Ngày Truyền thống của Hội.
Sự ra đời của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh là một sự kiện quan trọng của đời sống văn học nghệ thuật Bắc Thái lúc bấy giờ. Đội ngũ hội viên là các văn nghệ sĩ được rèn luyện trong phong trào công nhân và đời sống văn hoá của đồng bào các dân tộc, sáng tạo và trưởng thành ở trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục đồng thời là trung tâm hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật của nhân dân các dân tộc Việt Bắc, kế thừa sự nghiệp rực rỡ của Hội Văn nghệ Khu Tự trị Việt Bắc.
Khen thưởng hội viên có thành tích xuất sắc trong năm, được thực hiện tại mỗi kỳ Tổng kết Hội
35 năm qua, đồng hành với công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước và quê hương Thái Nguyên, hòa nhịp với tiến trình vận động của nền văn học nghệ thuật nước nhà, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã từng bước được xây dựng và trưởng thành về mọi mặt.
Về xây dựng tổ chức, phát triển đội ngũ: Hội VHNT Thái Nguyên đã tổ chức 7 kỳ Đại hội, trong đó bao gồm cả việc chia tách Hội VHNT Bắc Thái thành 2 Hội Thái Nguyên và Bắc Kạn khi chia tách tỉnh năm 1997; Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên kế thừa cơ bản cơ sở vật chất và những thành tựu, giá trị VHNT của tỉnh Bắc Thái.
Từ 71 hội viên ban đầu, Hội hiện có 288 hội viên (trong đó có hơn 100 người là hội viên các Hội chuyên ngành trung ương); 11 Chi hội chuyên ngành, gồm: Văn xuôi, Thơ, Âm nhạc, Kiến trúc, Múa, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Văn nghệ dân gian, Lý luận phê bình, Điện ảnh – Phát thanh truyền hình; 8 Hội cấp huyện và 5 CLB trực thuộc Văn phòng Hội.
Tổ chức Hội ngày càng được củng cố, đoàn kết và lớn mạnh, thể hiện rõ vai trò, vị trí của mình trong đời sống văn hoá xã hội của tỉnh trung tâm vùng, được đánh giá là một trong những Hội mạnh của cả nước.
Đội ngũ văn nghệ sĩ của Hội gồm 4 thế hệ (Thế hệ tham gia chống Mỹ cứu nước & xây dựng nền văn nghệ Việt Bắc; Thế hệ trưởng thành sau chiến tranh; Thế hệ trưởng thành trong công cuộc Đổi mới; Thế hệ trẻ đương đại) đã đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc tạo ra các giá trị thẩm mỹ cho đời sống cộng đồng. Đoàn kết, phát huy tính tự chủ, sáng tạo được nhiều tác phẩm, công trình VHNT mới có giá trị, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hoá văn nghệ của nhân dân các dân tộc Thái Nguyên, từng bước khẳng định vị thế của giới mình trong khu vực cũng như trên cả nước.
Hội đã có 05 hội viên được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Nhiều hội viên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân Ưu tú. Có những tác phẩm nổi tiếng của văn nghệ sĩ Thái Nguyên đã đi vào lịch sử như ca khúc “Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam” của nhạc sĩ Đỗ Minh sáng tác, ca khúc “Hãy hát lên bài ca Công đoàn” của nhạc sĩ Lê Tú Anh được chọn làm bài hát chính thức của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Nhiều tác giả, tác phẩm được giải thưởng trong nước, khu vực và quốc tế.
Việc tổ chức các hoạt động VHNT trên địa bàn đã dần đi vào chiều sâu, thiết thực, sáng tạo, hiệu quả trong việc tập trung phản ánh những thành quả to lớn của sự nghiệp đổi mới, góp phần tôn vinh các giá trị tư tưởng, đạo đức, văn hóa, khơi dậy niềm tự hào trong công chúng về lịch sử vẻ vang của quê hương cách mạng, của đất nước. Nhiều hoạt động VHNT do Hội chủ trì đã tạo được ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng (như Lễ hội thơ Nguyên tiêu hàng năm, Gặp mặt văn nghệ sĩ trẻ Việt Bắc, Trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi, Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về Đại đội TNXP 915 anh hùng,... cùng nhiều cuộc thi văn học nghệ thuật trong và ngoài tỉnh, mỗi cuộc thi đã thu hút hàng trăm người tham gia).
Việc sáng tạo và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật luôn được quan tâm chú trọng. Trong 35 năm qua, Hội đã tổ chức xuất bản và hỗ trợ hội viên xuất bản gần 500 tập sách văn học nghệ thuật; Tổ chức gần 60 triển lãm nghệ thuật (gồm các chuyên ngành nhiếp ảnh, mỹ thuật, kiến trúc) với hơn 3.500 tác phẩm; đăng cai tổ chức thành công 3 triển lãm Mỹ thuật, 3 Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực các tỉnh vùng núi phía Bắc. Tổ chức nhiều chương trình công diễn tác phẩm thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (múa, âm nhạc, sân khấu) của hội viên. Các tác phẩm của văn nghệ sỹ Thái Nguyên ngày càng có sự đầu tư, phong phú, đa dạng về thể loại, từng bước đổi mới cả nội dung lẫn hình thức thể hiện.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", trong 10 năm qua, hơn 100 lượt văn nghệ sĩ đã đoạt giải ở trung ương và tỉnh.
Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên, cơ quan ngôn luận của Hội đã có quá trình trưởng thành đặc biệt, từ tờ báo 8 trang, 1 số/ tháng từng bước trở thành một trong ba tuần báo văn nghệ địa phương cùng với Hà Nội và TP. HCM. Nay chuyển đổi sang tạp chí, Văn nghệ Thái Nguyên đã đồng thời phát triển hai loại hình xuất bản là tạp chí in và tạp chí điện tử. 35 năm qua, các ấn phẩm Văn nghệ Thái Nguyên đã đăng tải hàng chục nghìn tác phẩm VHNT, đồng thời làm tốt trách nhiệm của cơ quan báo chí địa phương.
Hội đã tổ chức hàng trăm cuộc đi thực tế tại nhiều vùng, miền, nhiều địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, giúp cho hội viên bổ sung kinh nghiệm, vốn sống, cảm hứng sáng tạo. Cùng với đó, Hội đã tăng cường phối hợp với nhiều ngành, đơn vị, địa phương để từng bước xã hội hóa và nâng cao hiệu quả các hoạt động VHNT, tạo điều kiện cho hội viên sáng tạo và cống hiến cho xã hội tốt hơn.
Có thể khẳng định, sự nghiệp VHNT Thái Nguyên 35 năm qua về cơ bản đã bắt kịp với xu thế hội nhập và phát triển, hoạt động hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng hành với sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Với những thành quả đã đạt được, Hội VHNT Thái Nguyên đã 2 lần được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, nhiều cờ và bằng khen của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cơ quan ban ngành, Hội trung ương. Nhiều hội viên được vinh danh trong các cuộc thi và hoạt động VHNT cấp quốc gia và khu vực.
Xin cảm ơn các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, hội viên, viên chức, người lao động và các tổ chức thành viên đã chung tay xây dựng tổ chức Hội VHNT trong suốt 35 năm qua, với những niềm tin yêu chân thành, nỗ lực lao động sáng tạo và sự sẻ chia đồng cam cộng khổ chung vui. Đặc biệt tri ân thế hệ đầu tiên đã nhọc nhằn khởi sự, đặt nền móng cho ngôi nhà Hội VHNT vững chãi, bề thế hôm nay. Nhiều người giờ đã không còn nữa, như các ông bà Hoàng Thể, Nguyễn Đình Áo, Đỗ Tố, Giang Khuê Tấn, Đỗ Minh, Vi Hồng, Vương Khánh Trường, Khánh Kiểm, Vương Thào, Lâm Tiến, Vũ Châu Quán, Hữu Tiệp, Dương Thị Nội, Chu Thi, Trần Thông... nhưng tên tuổi cùng công lao của họ vẫn được lưu giữ trong niềm trân trọng của các thế hệ sau.
Là Hội VHNT địa phương, trong suốt 35 năm kể từ ngày thành lập, Hội VHNT Thái Nguyên thường xuyên nhận được sự động viên, ủng hộ về chủ trương, cơ chế chính sách của các thế hệ lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự hỗ trợ của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội chuyên ngành Trung ương; sự phối hợp giúp đỡ của nhiều sở, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh; sự ủng hộ to lớn của nhân dân, nhất là cộng đồng văn học nghệ thuật. Chúng tôi trân trọng tri ân sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn này.
Bên cạnh những thành quả to lớn đã đạt được, Hội VHNT Thái Nguyên còn có những hạn chế, nhược điểm cần khắc phục như: Hội viên đông về số lượng nhưng chưa thực sự đồng đều về chất lượng. Lượng tác phẩm được sáng tác khá lớn nhưng chất lượng cao chưa nhiều. Việc tham mưu, đề xuất xây dựng chính sách, góp ý kiến tư vấn, phản biện các vấn đề kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực văn hoá, văn học nghệ thuật ở địa phương với cấp ủy và chính quyền các cấp còn hạn chế. Nhiều cấp hội cơ sở không có kinh phí hoạt động, không có biên chế, không có phụ cấp nên chưa phát huy được tiềm năng của lực lượng văn nghệ sĩ ở cơ sở… Việc vận động đầu tư cho hoạt động văn học nghệ thuật tuy đã có nhiều cố gắng nhưng thiếu đồng bộ, chưa xứng tầm với Hội ở một tỉnh trung tâm vùng.
Tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội và toàn thể hội viên sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc nâng cao yêu cầu và chuẩn giá trị sáng tạo, đoàn kết học hỏi đổi mới phương thức hoạt động để khắc phục những hạn chế, nhược điểm này nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Trước mắt, Hội sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm là: Chú trọng công tác tập hợp, đoàn kết đội ngũ đi đôi với việc nâng cao chất lượng và tinh thần trách nhiệm của hội viên. Phát hiện, bồi dưỡng các tài năng văn học nghệ thuật.
Nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật. Sáng tạo được nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Tiếp tục mở rộng mạng lưới của Hội. Tham gia tích cực, chủ động trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, gắn với phát huy vai trò của các Hội VHNT cấp huyện thành thị.
Đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật của hội viên thông qua báo chí, xuất bản sách, triển lãm, biểu diễn..., tích cực ứng dụng chuyển đổi số. Làm cho các tác phẩm văn học nghệ thuật đến được với công chúng trong và ngoài tỉnh, bạn bè quốc tế nhiều hơn nữa.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng.
Chặng đường dài phía trước đã và đang có rất nhiều khó khăn thách thức. Sự đoàn kết, đồng tâm của toàn thể đội ngũ văn nghệ sĩ hội viên, người lao động trong Hội sẽ là nguồn sức mạnh quan trọng nhất để chúng ta cùng nhau vượt qua. Mong mỗi văn nghệ sĩ đều có khát vọng và hoài bão trong lao động sáng tạo để chúng ta có nhiều tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phản ánh tâm hồn và tính cách Thái Nguyên cùng những điều lớn lao của con người và thời đại. Và mong mỗi người đều dành thời gian chăm lo xây dựng Hội để chúng ta có một “ngôi nhà văn nghệ” Thái Nguyên vững chãi hơn, bề thế hơn, xứng tầm với vị thế của tỉnh và sự trân trọng dành cho giới văn nghệ sĩ của nhân dân Thái Nguyên.
Nguyễn Thúy Quỳnh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...