Khoảng trời tràn nắng
VNTN- Lấy tấm gỗ dài phẳng tự chế làm chiếc ghế, bố cẩn thận chằng buộc lên pooc-ba-ga chiếc xe đạp. Xong xuôi, chúng tôi trèo lên. Đứa bé 4 tuổi, đứa lớn nhất cũng chưa lên 10 bám víu nhau trên đó. Bố gò lưng làm “ông xe thồ” đèo ba đứa đi phố.
Gia đình tôi năm 1981, tôi được mẹ bế
Nắng, lách qua mái lá, trườn nhẹ qua song cửa sổ, rồi nhảy nhót nghịch ngợm trên mặt tôi nhồn nhột. Mắt nhắm mắt mở, tôi leo tót xuống giường, bước thấp bước cao ra khoảng sân trước cửa. Trời đã sáng bảnh. Vẳng lại giọng chí chóe của anh chị cùng dáng mẹ thấp thoáng phía góc vườn, tôi ấm ức lắm. Anh chị thức dậy mà không gọi, đang định ăn vạ một chập cho bõ tức, thì bỗng có tiếng vo ve quen thuộc ở trên đầu.
Ái chà! Hôm nay trở trời thế nào mà “phi đoàn xanh” kéo nhau ra lắm thế. Khoảng trời trước sân lũ nhặng bay vù vù. Chúng tập trung “xếp hàng” rất có tổ chức, như thể đang tập một kiểu trận pháp bí ẩn. Cách đó không xa, bầy chuồn chuồn lượn lờ hệt máy bay trực thăng đang “rình mồi”. Thích nhất là mấy chú chuồn ngô cường tráng, mình mẩy vàng rực dưới nắng, nom thật hùng dũng. Sáng nào cũng vậy, rời khỏi giường là tôi lại ra ngồi ở bậu cửa, lim dim thả hồn vào cái khoảng không gian đó rồi tha hồ mà mơ ước.
A… Út đã dậy rồi này? Hôm nay có cơm rang đấy!
Nghe tiếng giục, tôi mới nhớ đến cái bụng đang cồn cào. Chiếc mâm nhỏ đặt trên miệng cái chậu, bố bày sẵn những bát cơm rang được chia đều, thơm phức. Vâng! Cơm rang là món ăn sáng xa xỉ và khoái khẩu của anh em tôi, cả tháng mới đôi lần được thưởng thức. Những hạt cơm gầy chỉ chạy qua hàng mắm, mỡ nhưng dưới bàn tay của bố vẫn giòn tan, ngọt thỉu, thơm phưng phức đến tận ruột gan. Thời bao cấp, bữa sáng chúng tôi thường nhịn đói, họa hoằn mới có bữa sắn luộc, khoai luộc. Mùa hè thì no nê hơn, hôm có quả mít chín, hôm có củ dong riềng hoặc hạt mít đem luộc, ngon hết sẩy. Bữa nào có cơm rang thường hay có điều đặc biệt. Mấy anh em vừa ăn vừa ngước đôi mắt lay láy, đợi chờ một điều gì đấy, ước đoán là rất thú vị.
Cũng không phải đợi lâu, chưa kịp xong bữa bố đã trịnh trọng: Hôm nay là mùng 2 tháng 9, tí nữa bố chở ba đứa ra đường tròn. Chỉ chờ có thế chúng tôi tha hồ mà hí hửng, mà hò reo…
***
Lấy tấm gỗ dài phẳng tự chế làm chiếc ghế, bố cẩn thận chằng buộc lên pooc-ba-ga chiếc xe đạp. Xong xuôi, chúng tôi trèo lên. Đứa bé 4 tuổi, đứa lớn nhất cũng chưa lên 10 bám víu nhau trên đó. Bố gò lưng làm “ông xe thồ” đèo ba đứa đi phố.
Bố đạp xe tắt ngang qua cánh đồng, rồi rẽ ra đường cái. Đường phố rợp cờ hoa, san sát những dãy quán mới dựng ven đường bán bóng bay và đồ chơi cho lũ trẻ. Nắng vàng sóng sánh, bóng bố đổ dài, mấy đứa con ngồi sau cứ thi nhau líu ríu hỏi bố biết bao nhiêu là chuyện.
Bố tôi dáng tầm thước, thân hình hơi gầy gò, nhưng ở bên bố chúng tôi luôn yên tâm. Chuyện gì bố cũng biết cũng giải đáp tận tình. Vừa đạp xe chầm chậm bố vừa giới thiệu như một “hướng dẫn viên” thông thái về thành phố, nào là hiệu kem, nào là bách hóa tổng hợp, ngã tư Đồng Quang… Anh em tôi ngồi chĩnh chện, ngắm phố phường và khoái trá ngấu nghiến những điều bố kể.
Bố là vậy, ông gần gũi ấm áp và uyên thâm như một cuốn “từ điển sống”. Nhìn vầng trán cao mênh mông cùng ánh mắt sáng ngời đầy hoài bão của bố, tôi ước đoán hẳn ông đã dành cất nhiều thứ vào đó để kể cho các con.
Sinh năm 1940, bố người gốc miền Đất Tổ Phú Thọ. Vốn là sinh viên giỏi của Trường Đại học Sư phạm I, Hà Nội, ông được giữ lại trường giảng dạy. Sau đó vài năm có chương trình đi xây dựng miền núi, bố xung phong đi Lào Cai, rồi ông lại chuyển về Bắc Thái (Thái Nguyên) làm giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc vừa mới thành lập. Dạy ở trường mấy năm ông yêu và lấy mẹ tôi, một sinh viên người Tày ở lớp ông giảng dạy. Bố kể, mẹ là hoa khôi Khoa Sử, múa Chămpa rất dẻo, nhưng điều ông thích mẹ là làn da trắng mịn, nết thật thà và sự đằm thắm của bà.
Lúc mới về Thái Nguyên và đến mãi sau này bạn bè của bố dưới Hà Nội vẫn thường lên nhà tôi chơi. Thăm thú Thái Nguyên xong, các bác ngồi thưởng trà và nói chuyện liên miên cả ngày. Hôm nào cao hứng lại đàm đạo văn chương thông đêm. Có khi còn kéo dài vài ngày như thế. Những câu chuyện dù chúng tôi cố hóng hớt cũng chẳng hiểu gì. Tầm hơn 10 tuổi tôi mới biết các bác toàn những người uyên thâm và là những tên tuổi lớn của các ngành như: Địa chất, Văn hóa, Hán Nôm, Văn học… Trong số các bạn, bố tôi thân nhất là hai bác Lê Văn Thân - Tiến sĩ ngành địa chất; và bác Phạm Tiến Duật - nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam. Chúng tôi khoái bác Thân hơn vì bác có cái giọng hùng biện hút người nghe đến lạ và luôn những trò vui hấp dẫn như biểu diễn ảo thuật, kể chuyện cổ tích… Bố tôi lại quý bác Duật hơn, không phải vì bác là bạn học của bố từ thuở nhỏ, cũng không phải vì tài thơ của bác, bố hay nói, bố thương bác Duật vì cái sự quá chân thành và sống nhiệt huyết đến ngây thơ với cuộc đời…
Bố tôi (bên phải) và bác Duật năm 1965 ở Hà Nội
***
Đến đoạn Rạp ngoài trời, đường cơ man là trẻ con. Chúng diện quần áo mới thung thăng đi bộ. Lòng đường người đi xe đạp chở theo con cũng đông lắm. Thỉnh thoảng thấy có cả những chiếc xe máy vè vè lượn, để lại phía sau làn khói xanh thơm nức mùi xăng.
Khách sạn 5 tầng sang trọng, sáng bừng như một biểu tượng văn minh của trung tâm thành phố. Bố bảo, khu vực này dành cho chuyên gia nước ngoài ở. Họ sang đây để giúp xây dựng ngành công nghiệp gang thép của tỉnh.
Con đường cạnh hàng rào khách sạn rộng rãi. Phía bên trong, đám trẻ da trắng tóc vàng đang thoải mái nô đùa, lúc hứng chí còn bám vào song sắt xì xồ gì đó với đám trẻ Việt phía ngoài.
Khu trung tâm người đi lại như mắc cửi. Quần áo nhiều màu sắc vui mắt. Bố giải thích, mặc áo chàm là người Tày, còn người Dao và người H’Mông váy áo màu rực rỡ. Trong đám đông tôi còn thấy khá đông những phụ nữ và đàn ông da trắng cao lớn. Không phân biệt màu da, mọi người hân hoan đón mừng Ngày Quốc khánh.
Nô đùa với biết bao là trò chơi ở khu đường tròn. Sau đó bố còn dẫn anh em tôi đi thăm Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, xem động vật ở vườn thú cạnh công viên Sông Cầu… Kết thúc một ngày thỏa chí, trời đã sang chiều, bố dẫn ba đứa vào khu công viên, nghỉ ngơi, ăn kem và chơi đu quay, sau đó mới trở về.
***
Bố tôi giờ tóc đã bạc lắm. Bạn bè ông cũng người còn người mất. Và tôi đã chứng kiến không ít lần trước khi tạm biệt Thái Nguyên các bác đều khuyên bố tôi nên chuyển gia đình về Hà Nội. Sống ở đấy bố chắc chắn sẽ thuận lợi hơn cho chuyên môn. Những lúc đó ông thường cười: “Tớ nghiện chè Thái chẳng bỏ được”. Thực ra trong những lúc an lành cùng con cháu ông thường bảo: Thái Nguyên là một trong những trung tâm giáo dục lớn, nhưng bố thích nhất sự thoáng đãng, chất “tứ chiếng” của đất này - vùng đất hội tụ của những con người dám bứt phá.
40 năm đã qua, Thái Nguyên đang vươn mình khang trang hiện đại. Ba anh em tôi giờ ai cũng trưởng thành và đều hạnh phúc với gia đình riêng. Ngày Quốc khánh năm nào chúng tôi cũng tổ chức đưa tụi nhỏ ra chơi ở đường tròn trung tâm Thành phố. Vui bên các con mà lòng cứ rưng rưng nhớ cái dáng cần mẫn đầy yêu thương của bố khi chở đàn con về dưới nắng chiều năm ấy.
Minh Quang
TP. Thái Nguyên
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...