Khi xuân sang
Truyện ngắn. Donat Freidlich (Đức)
Ngoài trời mưa từ nhiều ngày nay. Rất hiếm khi lớp mây phủ dầy để một tia nắng yếu ớt lọt qua, sau đó không khí ẩm có vẻ như bốc hơi xung quanh nó. Nằm trên giường, ông vẫn còn có thể nhìn thấy một vài ngọn cây qua khung cửa sổ phòng mình. Ông biết, nhất định các cây có mùi hấp dẫn - tuy nhiên hoa nhiều màu sắc của mùa xuân và sự sinh sôi nảy nở mạnh mẽ của thiên nhiên lại có vẻ làm tăng thêm sự đau đớn trong ông. “Sinh ra và mất đi - tất cả mọi thứ đều luôn diễn ra song song và cùng một lúc tại đây”, ông ngẫm nghĩ.
Những đau đớn mà căn bệnh gây ra cho ông xuất hiện dồn dập từng cơn; sau đó chúng qua đi một lát và để lại ông căn phòng với những cảm giác khác. Trong những khoảnh khắc này phần nhiều ông nhìn chằm chằm vào bức ảnh trên cái tủ nhỏ cạnh cái gối đầu. Trong phòng bệnh của ông, bức ảnh là thứ duy nhất hơi có nhiều màu sắc, ngoại trừ màn hình của các thiết bị theo dõi chức năng sống của ông. Bức ảnh bị ố vàng chụp vợ và ông trong những năm tháng tuổi trẻ, tay trong tay với một nụ cười mỉm ở giữa một mảnh vườn đầy cây ăn quả - đang nở hoa khi xuân sang. Ông nhớ lại những ngày tháng ấy, khi cuộc sống còn đang ở phía trước, khi ông vô tư trao trái tim mình cho mọi thứ làm ông xúc động.
“Những khoảnh khắc đó đâu rồi? Niềm vui, niềm khát khao cháy bỏng về cuộc sống đâu mất rồi? Mọi thứ đã có thể tuột khỏi tay ta như thế nào?”, giờ đây ông thường tự hỏi mình một cách đầy nuối tiếc. “Phải chăng ta chưa bao giờ hiểu được ý nghĩa của điều đó - tại sao ta đã không cố hiểu nhỉ?”
Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt ông, làm ướt đẫm chiếc gối và cổ áo của bộ đồ ngủ - đã trở thành bộ quần áo duy nhất của ông. Ông biết mình không còn thời gian để được thay bộ quần áo khác. Các bác sĩ nói ông không sống được lâu nữa. Trong đời mình ông chưa từng thực sự sợ, ít nhất là ông không để nỗi sợ hãi đi vào trong tim mình, mà đẩy nó qua một bên, vào những góc không được định hình trong nội tâm ông. Tuy nhiên hiện giờ sự sợ hãi đang làm ông tê liệt, bóp nghẹt lấy cổ họng ông. Hơn nữa một sự nuối tiếc từ tận đáy lòng, một sự nuối tiếc chưa bao giờ đối mặt với điều quan trọng, một linh cảm đã trì hoãn mọi thứ mãi mãi. Ngay cả khi ông hoàn toàn không biết chính xác điều đó có thể là gì.
“Tất cả chúng ta sống cuộc sống giống nhau, chúng ta không khác nhau về điều gì. Tất cả chúng ta đều được liên kết bởi số phận giống nhau về sự sinh ra và chết đi - và chúng ta cũng đang lừa dối nhau. Đừng dò xét tất cả những điều đó có ý nghĩa gì. Nếu chúng ta không đối mặt với điều không thể hiểu được thì không bao giờ những câu hỏi đúng, những câu hỏi quan trọng muốn đặt ra cho nhiều câu trả lời”, ông liên tục tự nhủ khi ông nhắm mắt lại sau khi nhìn một lúc lâu vào bức ảnh. Sau đó ông hình dung hồi ấy ông đã có thể có sự hiểu biết mà giờ đây ông nhận được qua cái chết đang đến gần.
“Ta đã - đúng thế, ta đã làm gì nhỉ? Sao lại có thể xảy ra việc giờ đây ta sẽ chết một mình trong bệnh viện? Sao lại có thể xảy ra việc giờ đây ta mới tự hỏi mình sống và chết có ý nghĩa gì để ta cảm thấy không chuẩn bị trước như thế này cơ chứ?” ông nghĩ trong đầu. Những việc ông đã dùng cả đời để làm có vẻ như giờ hoàn toàn vô nghĩa và vô ích với ông. Đó là việc mua một ngôi nhà và trả dần nợ cho việc đó, là kế hoạch nghỉ hưu, là lo lắng về tương lai, là sự ảo tưởng được trả bằng giá đắt về sự tin chắc, là công việc mà không phải là sự chỉ định, giờ đây ông chỉ có thể nhớ lại nó một cách buồn chán, là những sự bực tức và những mối quan hệ hời hợt với những người khác. Và sự giận dữ, chừng ấy sự giận dữ. Cho đến trước quãng thời gian không quá lâu ông đã vướng vào những rắc rối này. Ông đã chợt hiểu ra. “Một cuộc đời không được sống, trống rỗng và vô nghĩa.”
Ông không còn tìm thấy sự yên ổn nữa, ông không thể tự xin lỗi mình. Giờ đây ông hoài nghi sự quý giá của một cuộc đời được sống một cách thực sự - ông bị nhấn chìm vào nỗi sợ hãi và vào nỗi cay đắng của mình.
Một buổi sáng, những cơn đau lại đánh bại ông. Khi chúng trở nên không thể chịu đựng ông thường bóp đầu, gọi y tá để đưa cho mình nhiều thuốc giảm đau hơn. Lần này ông không làm thế. Ông muốn chiến đấu. Chiến đấu chống lại những cơn đau trong niềm hy vọng chịu đựng được và chiến thắng những đau đớn trong tâm hồn ông cùng với những đau đớn của cơ thể. Ông nắm chặt tay, nghiến răng chịu đựng những cơn đau, những giọt nước mắt làm mắt ông mờ đi khi nhìn vào bức ảnh và những bông hoa của các cây mà giờ đây đang lấp lánh trong nắng sớm. Những âm thanh của cuộc sống ở ngoài kia lọt qua khe hở của ô cửa sổ bị lật nghiêng vào phòng bệnh trở nên ít ồn ào hơn. Cuối cùng ngừng bặt, cho đến khi ông chỉ còn có thể nghe thấy hơi thở đều đặn của chính mình trước khi ông ngủ thiếp đi.
Khi thức giấc ông cảm thấy tuyệt vời. Đã bớt đau đớn. “Thật đáng giá; đáng giá với việc chiến đấu, với việc chịu đựng sự đau đớn”, ông khẽ nói. Ông đứng dậy và cảm thấy muốn đi ra chỗ cửa sổ ngắm nhìn cuộc sống - cuộc sống, khi nó đang sôi động, khi những bầy côn trùng nhỏ hối hả bay tìm mật hoa trong nỗi sợ hãi trước từng đàn chim én đang bay ngang dọc bầu trời xanh, khi những cây hoa có màu sắc rực rỡ đang xoay những bông hoa của mình về phía ánh mặt trời ấm áp. Ông đứng bên cửa sổ và không kìm được nước mắt. Ông cảm thấy sự yên ổn sâu lắng và niềm vui đang tuôn tràn ở giữa sự tĩnh lặng không có chuyện gì xảy ra tại phòng bệnh của mình.
“Thật lạ lùng…”, ông nghĩ. Giờ đây ông mới sực nhớ ra, ông dễ dàng đứng lên từ giường bệnh và đi đến gần cửa sổ ra sao, đã được giải phóng khỏi các thiết bị theo dõi chức năng sống. “Thật lạ lùng, mình đã đứng dậy được một cách dễ dàng”, đã lâu ông không có khả năng làm việc đó. Khi đứng dựa vào tường quan sát thế giới ông ngạc nhiên nhận ra là ông đã phân biệt được mọi thứ. Như thể ông có thể nhìn xung quanh các góc của tòa nhà, thậm chí biết những gì đang diễn ra ở đó. Những người tỏ ra lo lắng đến thăm họ hàng và bạn bè bị ốm của họ đi qua cửa vào, một người mẹ rời khỏi tòa nhà với cô con gái nhỏ xinh xắn, nom chị rất vui, chắc là chị biết, chồng chị, người mà chị rất yêu thương sẽ khỏi bệnh. Mọi người cảm thấy ra sao ông cũng có thể cảm thấy như thế. Đại thể ông có vẻ hiểu và biết nhiều hơn bao giờ hết trong đời mình. Sự nhận thức của ông trải rộng một cách dễ hiểu trước mặt ông, vô tình tiết lộ cho ông những điều bí ẩn bề ngoài. Nhất định và dứt khoát ông biết rằng tất cả mọi người đều được liên kết với nhau, rằng trong tâm hồn của họ có sự bình yên trọn vẹn và tình yêu vĩnh cửu, ông nhìn thấy sự thật của họ đằng sau những hoàn cảnh của họ, ông cảm thấy cái gì đang ngăn cản họ tự nhận ra điều đó. Đồng thời ông cảm thấy sức sống này hoạt động bí ẩn ra sao đằng sau thế giới của những hiện tượng và hoàn toàn ngẫu nhiên.
Sự ngạc nhiên của ông mở đường cho một niềm tin sắt đá, cho sự tự do hoàn toàn khỏi nỗi sợ hãi. Trong khoảnh khắc này ông nghe thấy rất rõ ai đó đang đi đến gần ở phía sau lưng ông. Ông cảm thấy rất rõ sự hiện diện và biết, là ai đó đã yêu thương ông vô điều kiện. Ông từ từ, hơi hồi hộp hướng cái nhìn của mình từ cửa sổ vào giữa phòng bệnh.
Những gì ông nhìn thấy khiến ông rùng mình. Ông không nhìn thấy ai ở trong phòng bệnh.
Mãi bây giờ ông mới hiểu những gì đã thực sự xảy ra với ông và điều đó đối với ông là gì. Những bước chân ít ỏi bước về giường bệnh của ông không phải là bước chân, ông không di chuyển về mặt thân thể - vì ông nhìn thấy thân thể ông nằm ở trên giường bệnh, không thở, với gương mặt méo xệch bởi những cơn đau, hai bàn tay ông nắm chặt ở trên ngực mình.
“Ta đã chết”, ông tự hà hơi vào khuôn mặt bất động, lạnh cứng của mình. “Thân thể ta đã chết…”. Thậm chí chính ông cũng ngạc nhiên về việc ông vẫn giữ được bình tĩnh như thế trong khoảnh khắc của việc nhận thức này - quả thật không chỉ bình tĩnh và thản nhiên, mà là nhẹ nhõm. Ông cảm thấy cảnh ngộ không như đóng kịch, không quái dị hay làm kinh hãi. Ông cảm thấy rằng những cảm xúc này đã phải đến từ một nguồn khác, từ một nguồn mà với nó trong chốc lát ông đã không được kết nối. Ông cảm thấy là ông đang ở trong trạng thái của mình trong những khuôn khổ khác của sự nhận thức - trong một khuôn khổ rộng hơn của thực tại.
“Ta chỉ vừa mới thức dậy từ một giấc mơ, ta…”, ông ngần ngừ, vì giờ đây chính cái từ “ta” bé nhỏ này và ý niệm đằng sau đó có vẻ như làm ông bối rối. “Chúng ta đang ngủ trong đời, chúng ta dùng thời gian của mình để ngủ chừng nào chúng ta không thực hiện bước đi này”. Cùng với bước đi, ông biểu thị điều gì đó, điều mà trong đời mình ông chỉ có thể hiểu được một cách mập mờ và nhún vai coi khinh một cách nông nổi, nếu ai đó đã nói về sự khác nhau giữa lí trí và con tim. “Trái tim và những cảm xúc là chìa khóa. Chúng là cánh cổng dẫn tới một thực tại lớn hơn, tới một cuộc đời khác, tới trở thành sự thật và sự thật. Tất cả chúng ta đều biết rằng khi đó có điều gì đó, tất cả chúng ta đều biết được điều đó bằng trực giác. Chúng ta cố hiểu điều đó bắt đầu từ lí trí - bằng cách này không đạt được điều gì. Con tim có sự hiểu biết riêng của nó, sự hiểu biết mà có thể truyền đạt bằng tính chất xác thực này. Đó là giọng nói bên trong của chúng ta”.
Lúc này hai bác sĩ và hai y tá đột ngột xông vào phòng bệnh một cách ồn ào; hiển nhiên các thiết bị theo dõi chức năng sống của ông đã phát ra tín hiệu báo động và họ sợ là ông đã chết. Giờ đây, cho đến nay những khuôn khổ thân quen hữu hạn của ông không có hiệu lực, vì ông biết rằng một vài phút ít ỏi có thể trôi qua nhiều nhất giữa cái chết của ông và hiện tại. Đối với ông quãng thời gian đó có vẻ như một nửa ngày trời.
Ông nhìn thân thể mình từ trên xuống, ông nhìn thấy mọi người vui sướng nhảy cẫng lên xung quanh ông trong việc có thể vẫn còn có khả năng cứu sống ông. Họ cho ông uống một lượng thuốc nào đó, thực hiện các biện pháp hồi phục. Những sự đau đớn, sức ì đang đè nặng cơ thể, sự không am hiểu, đặc tính không hoàn hảo của tình yêu nơi ông - tất cả những điều đó ông đã có thể dễ dàng để lại phía sau, ông đang sẵn sàng bước đi. Ông đã quyết định. “Bác chưa đến lượt, bác phải ở lại!”. Giọng nói thân quen nhất và dịu dàng nhất mà ông đã luôn nghe thấy truyền cho ông thông điệp mà gây cho ông sự khó chịu lớn nhất, một sự khó chịu và một nỗi buồn rầu mà ông đã không thể mô tả bằng lời. Ông không muốn ở lại. Không đời nào - tuy nhiên ông cảm thấy rằng sức mạnh của quyết định này tràn đầy phòng bệnh như một tấm mạng bằng các tia sáng làm cho khí ê te run rẩy. Ông không cần phải ngước mắt lên để nhìn. Ông nhìn thấy một hình nón bằng ánh sáng trắng xóa, trong đó những người yêu quý ông biểu lộ cho ông biết rằng điều đó như thế là ổn, rằng tất cả đều ổn.
Những tiếng thình thịch đập trong tai ông đầu tiên rất không rõ ràng, sau đó ngày càng rõ ràng hơn và chói tai hơn làm ông đau buốt cả đầu, đúng nhưng làm đau đớn toàn bộ thân thể ông, mà ông cảm thấy nặng như chì và có vẻ xa lạ đối với ông. Việc lại nhìn bằng mắt mình - mới đầu tối đen, sau đó lờ mờ và không rõ nét - đảm bảo cho ông là ông đã lại đang ở trong thế giới vật chất. Những người xung quanh ông khoa chân múa tay rối rít, hét toáng cả lên, kiểm tra các thiết bị theo dõi chức năng sống của ông và chúc mừng nhau, như thể họ đã trả lại cho ông thứ quý giá nhất có thể có được mà gần như ông đã đánh mất.
Ông không hiểu. Ông vẫn không hiểu tại sao ông phải ở lại. Ở giữa tất cả những sự đau đớn, trong bầu không khí không có cá tính con người, lạnh lẽo của phòng bệnh giữa các máy móc bằng kim loại, với những cái kim được cắm vào da thịt ông và ở giữa những người lạ ông cảm thấy rất rõ trong lúc ấy trái tim mình nóng rực, nó gần như nhảy ra khỏi lồng ngực ông vì tình yêu thương, niềm vui và nói thầm với ông một cách tài tình rằng ông sẽ khỏi bệnh.
Ông chưa hiểu. Tuy nhiên ông hiểu rằng ông không cần phải hiểu. Ông nhìn chằm chằm vào màu trắng của trần nhà và bắt đầu khẽ khóc - những giọt nước mắt làm ướt đẫm chiếc gối và cổ áo bộ đồ ngủ của ông.
Phạm Đức Hùng (dịch)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...