Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
08:05 (GMT +7)

Khai mạc Trại sáng tác văn học trẻ năm 2023

VNTN - Ngày 13/8, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã khai mạc Trại sáng tác văn học trẻ Thái Nguyên năm 2023 (Trại).

                                    trai-sang-tac-tre-a-1691928151.JPG
Quang cảnh buổi khai mạc

Là hoạt động thường niên, Trại vẫn được tổ chức dưới hai hình thức: trực tiếp và trực tuyến. Trại sáng tác năm nay thu hút khoảng 50 trại viên bao gồm các thanh thiếu nhi (từ 10 - 19 tuổi) có năng khiếu, đam mê sáng tác văn chương cùng những nhà văn, nhà thơ trong cả nước và trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sáng tác cho thiếu nhi. Có gần 20 trại viên tham dự trực tiếp tại điểm cầu của Hội. Tại điểm cầu Định Hóa các trại viên tham dự trực tuyến qua ứng dụng Google Meet.

Phát biểu khai mạc Trại, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT Thái Nguyên bày tỏ sự xúc động, vui mừng khi mỗi mùa hè đến lại được chào đón, làm quen với các trại viên  khi đến với Trại sáng tác văn học trẻ. Nhà thơ cũng cảm ơn các trại viên, đặc biệt là các trại viên “nhí” đã gắn bó với Trại qua các mùa sáng tác. Nhà thơ gửi gắm: Trại được tổ chức, mong muốn truyền cảm hứng cho các em, từ đó những tác giả sẽ dùng con chữ để viết nhiều hơn, thành công hơn trên con đường sáng tác. Mọi người đến đây vì văn chương thì cũng mong sẽ đi với nhau dài hơn vì văn chương. Và dù chúng ta có học nghề gì, làm công việc gì thì hãy chọn văn chương như là một phần cuộc sống của mình - vì nó làm cho chúng ta sống tốt đẹp và bản lĩnh hơn…

                                    z4599051874845-41f993f531fa35a9aff0cd99e9c54c66-1691927733.jpg
Các trại viên ở điểm cầu Định Hóa

Buổi sáng ngày làm việc thứ nhất, các trại viên được giao lưu, trò chuyện với nhà văn, nhà thơ Nguyễn Bình Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên tại Thái Nguyên, về với Trại sáng tác nhà văn Nguyễn Bình Phương như về với ngôi nhà của mình, ông đã nhiệt tình truyền cảm hứng cho người nghe về những điều cơ bản của văn chương cùng những câu chuyện “bếp núc” trong sáng tác văn chương.

                                    trai-sang-tac-tre-1-1691927776.JPG
Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Bình Phương

Ông cho rằng, người viết chuyên nghiệp là người trình bày chính xác nhất, dễ hiểu nhất điều mình cần thể hiện. Người viết văn và đến với văn học lúc đầu còn có những cái lúng túng, vụng về, thậm chí bị cảm xúc dẫn dắt, nhưng khi chúng ta có kỹ năng thành thạo rồi thì sẽ biết tiết chế và điều khiển được cảm xúc, để thể hiện được dễ dàng nhất những thứ chúng ta cần thể hiện. Ông so sánh: Người viết văn, đến với văn học giống như người cưỡi ngựa - anh phải làm quen với ngựa, tìm hiểu đặc tính của nó. Khi mới bắt đầu có thể có những cái vụng dại, chập choạng, thậm chí có thể bị ngã, nhưng khi đã quen rồi chúng ta sẽ điều khiển con ngựa tốt hơn, thậm chí không cần cả yên cương.

                                    trai-sang-tac-tre-1691927800.JPG
Các trại viên tập trung nghe giảng 

 Ông nhấn mạnh: Thứ quan trọng nhất với nhà văn là cần phải học. Và nhà văn có ba cách học cơ bản: học qua trường lớp; học qua sách vở; học chính mình - qua những sáng tác của mình rồi mày mò rút ra kinh nghiệm (đây là công đoạn lâu dài bền bỉ nhất). Ngoài ra ông cũng đi phân tích chi tiết về chức năng của văn chương; ngôn ngữ trong văn chương; thế nào là tác phẩm lớn; sự đa nghĩa trong tác phẩm…

Cởi mở và lôi cuốn là phần thảo luận trao đổi về sáng tác văn xuôi. Những đánh giá thẳng thắn của nhà văn và các trại viên lớn tuổi đã giúp mọi người nhận diện về điểm mạnh và hạn chế trong tác phẩm của mình, để tự tin hơn khi sáng tác.

                                    z4599991058662-fb765c1d0800a99046ab934bd1801059-1691927834.jpg
Nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ. Ảnh: Anh Tú

Buổi chiều, Trại sáng tác được gặp gỡ, giao lưu với nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ - Chi hội trưởng Chi hội Thơ, Hội VHNT Tỉnh Thái Nguyên. Qua giảng giải và thảo luận nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ đã chia sẻ lý thuyết và những ví dụ sinh động về thơ và kinh nghiệm sáng tác thơ của cá nhân.

Ngoài ra nhà thơ cũng đi phân tích về thơ Việt Nam hiện đại, lịch sử và thi pháp. Cuối buổi nhà thơ đã nhận xét và phân tích những tác phẩm thơ của các tác giả tham dự trại, từ đó chỉ ra những điểm mạnh cũng như hạn chế của từng tác phẩm.  

Lần thứ 4 may mắn được tham gia Trại sáng tác văn học trẻ, trại viên Nguyễn Thị Phương thổ lộ niềm xúc động: Trại sáng tác văn học trẻ luôn tạo cho em cảm giác gần gũi và thân thương. Tại đây chúng em có cơ hội quý báu được gặp các nhà văn, nhà thơ lớn, các bạn viết cùng trang lứa. Và đặc biệt, qua đây chúng em không chỉ được học hỏi thêm những kiến thức bổ ích về văn chương từ những câu chuyện đời thường xoay quanh nó, mà còn được lắng nghe, chia sẻ những cảm nhận rất đúng với lứa tuổi của mình. Trại sáng tác làm phong phú hơn vốn hiểu biết cho chúng em và giúp những trại viên trẻ trưởng thành hơn trên con đường sáng tác...

Trại sáng tác trẻ năm 2023 sẽ kéo dài 15 ngày. Ngoài thời gian học tập, trang bị kiến thức Trại sẽ tổ chức đi thực tế sáng tác tại Đền Gióng và Việt Phủ Thành Chương (Sóc Sơn, Hà Nội) ngày 15/8  và tổng kết ngày 27/8.

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy