Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
16:53 (GMT +7)

Khách loại hai – Tiêu Băng (Trung Quốc)

VNTN - Một ngày, một người thanh niên vào một nhà hàng cao cấp, anh ta mặc đồ tây nhưng chiếc áo bên trong lại nhàu và bẩn, hai bàn tay trông rất thô ráp, có chỗ còn có vết nẻ, nhìn cũng biết là người lao động nặng nhọc. Anh ta đảo một vòng ở tầng dưới sau đó đi lên tầng trên là nơi dành cho khách sang trọng, có nhiều tiền. Tú Lệ là nhân viên phục vụ thấy vậy vội ngăn anh ta lại: "Này anh, trên này dành cho khách quý, khách thường ở dưới tầng một".

Người thanh niên nhìn Tú Lệ rồi chau mày nói: "Tôi muốn ăn một bữa cao cấp, trang nhã lịch sự". Tú Lệ bĩu môi nói giọng kéo dài: "Ở trên này các món đều giá rất cao đấy!"

Người thanh niên hỏi thăm dò: "Mức  thấp nhất là bao nhiêu?". Tú Lệ muốn anh ta nghe mà sợ phải bỏ đi mới tiện mồm nói: "Mức thấp nhất cũng phải một nghìn đồng!".

Người thanh niên nắn nắn túi áo ngực theo bản năng chần chừ một lúc mới nói: "Được, cũng được". Tiếp theo anh ta cầm lấy bản thực đơn trong tay Tú Lệ xem đi xem lại, cuối cùng nói với Tú Lệ: "Làm cho tôi món thịt báo ninh thuốc bắc, thịt hươu kho tàu và bướu lạc đà hầm". Đây là các  món cao cấp nhưng nó chỉ là chiêu bài của nhà hàng. Tất cả hết 1200đ.

Nhìn ánh mắt Tú Lệ có vẻ không tin mình người thanh niên móc từ trong túi áo ra  tập tiền loại một trăm đồng giơ ra trước mặt Tú Lệ: "Cô xem, đây có đủ không?". Thấy dáng vẻ nhà quê của anh ta, Tú Lệ quay đi báo cho bộ phận nấu nướng "Khách loại hai". Đây là tiếng lóng của nhà hàng bởi vì các món trên chỉ chiêu bài để câu khách chứ hàng  thật thì rất hiếm nên gặp những khách lạ muốn thưởng thức các món này thì chỉ “treo đầu dê bán thịt chó”: thịt mèo thay thịt báo, thịt lừa thay thịt dê, nầm lợn nái thay cho bướu lạc đà. Một bàn tiệc bình thường thu hơn một nghìn thì thực tế chỉ đáng ba, bốn trăm đồng. Theo như lời ông chủ nói kể cả những người sành ăn nếu cho thử những món này cũng không thể biết được.

Người thanh niên chọn bàn số 7 nhưng vừa ngồi xuống lại đứng ngay lên đi xuống tầng dưới. Tú Lệ thấy thế vội ngăn anh ta lại: "Này anh đi đâu?"- "Tôi đi đón người nhà" - "Các món ăn của anh đã đặt nấu rồi nếu nhỡ anh không quay lại thì tôi phải chịu đấy, ông chủ sẽ trừ lương của tôi".

Người thanh niên có vẻ hơi bực nói: "Cô, cô coi thường người quá". Nói xong rút ra mấy tờ một trăm ấn vào tay Tú Lệ: "Đây là tiền đặt cọc, cô yên tâm chưa?", sau đó vội vàng đi xuống tầng dưới.

Tú Lệ nhìn theo cái bóng của anh ta lẩm bẩm: "Đồ ngang ngạnh, có bị rút ruột mới biết thế nào là nhà hàng cao cấp". Nhưng vì nhân viên cũng được hưởng phần trăm từ tiền ăn của khách, với "khách loại hai" này càng được hưởng nhiều hơn nên bực thì bực Tú Lệ nhanh chóng quên đi và đưa mấy tờ một trăm lướt qua môi hôn một cái, bởi vì có ai là không thích tiền đâu?

Không lâu sau, người thanh niên dìu lên gác một bà lão, bà lão ăn mặc rất quê mùa, tay cầm một chiếc gậy bằng gỗ dương liễu miệng không ngừng cằn nhằn: "Con ơi, ăn một bữa cơm mà phải đến những nơi này để làm gì, chúng ta có phải là người có nhiều tiền đâu?". Người con trai nói: " Các nhà hàng ở thành phố đều như thế này cả mẹ ạ". Cách ăn mặc của hai mẹ con người thanh niên so với sự lộng lẫy của nhà hàng như là một sự châm biếm tương phản lẫn nhau.

Vì khoản tiền phần trăm mà Tú Lệ tỏ ra nhiệt tình. Cô vội vàng đỡ bà lão ngồi xuống ghế rót trà, trải khăn ăn. Bà lão nhìn Tú Lệ chép miệng: "Cô gái, cô uống nước đi, một bà già như tôi là cái gì đâu mà cô phải chạy đi chạy lại cho vất vả". Sau đó lại lẩm bẩm: "Con gái ở nông thôn bằng ngần này vẫn còn làm nũng bố mẹ, vẫn còn khóc đỏ cả mũi, đi ra ngoài kiếm được đồng tiền đâu có dễ".

Câu nói của bà lão làm Tú Lệ thấy xúc động, cô nhìn hai mẹ con người khách lần nữa và bất cứ ở góc độ nào họ đều không phải là người có tiền. Có lẽ bà lão này mắc một chứng bệnh nan y nào đó nên bác sỹ bảo với người nhà là bà lão muốn ăn gì thì cho bà ăn nên mới đến đây. Nếu đúng như vậy mà cô gọi phương án "Khách loại hai "thì quá nhẫn tâm. Nghĩ đến đây Tú Lệ hỏi bà lão: "Bà ơi, bà nhiều tuổi rồi mà trông bà vẵn rất khỏe mạnh?".

Bà lão cười nói: "Khoẻ, vẫn khỏe, người nông thôn vốn chắc khỏe, cô đừng xem  thường tôi đã qua tuổi 70 rồi mà vẫn còn làm mấy mẫu ruộng đấy!".

Tú Lệ lại hỏi: "Các con của bà làm ăn chắc phát đạt?" -  "Phát đạt cái gì? Dựa vào sức lao động mỗi tháng kiếm được mấy trăm đồng thôi".

Lúc này người thanh niên nhẹ nhẹ kéo vạt áo của Tú Lệ ý là cô đừng hỏi nữa.

Tú Lệ đi ra chỗ khác, người thanh niên vội vàng đi theo cô nói như cầu khẩn: "Cô ơi, lúc nữa món ăn mang tới mẹ tôi hỏi bao nhiêu tiền thì món đắt nhất cô cũng không được nói quá hai mươi đồng nhé" - "Vì sao?" - "Nếu mẹ tôi biết bữa hôm nay hết ngần nấy tiền thì mẹ tôi xót ruột không ăn được đâu".

Tú Lệ liếc nhìn người thanh niên nói: "Hoàn cảnh gia đình không được dư dật sao lại đến chỗ này để cho phí tiền, nên cố tiết kiệm dùng cách khác để chăm sóc, phụng dưỡng bà lão có hơn không?".

Người thanh niên ngẩng đầu, mặt đỏ lên mấp máy môi định nói gì đó nhưng không nói ra được, một hồi lâu sau mới hỏi lại Tú Lệ: "Như thế có được không?". Tú Lệ trả lời vẻ lạnh nhạt: "Được, có gì mà không được, anh bảo tôi nói một đồng một món tôi cũng làm theo anh, khách hàng là thượng đế mà".

Người thanh niên nói hai tiếng "Cảm ơn" rồi quay người đi, nhưng đi được mấy bước lại dừng lại, quay đầu nói ấp úng: "Anh trai tôi khi xây ngôi nhà này không may bị ngã mất đi. Trước khi mất anh tôi có dặn tôi khi nào có điều kiện phải đưa bố mẹ tôi đến đây ăn một bữa để được mở mày mở mặt, nhưng mấy năm vừa rồi tôi lấy vợ lại sinh cháu cái gì cũng cần tiền nên rất khó khăn, với lại tôi nghĩ bố mẹ tôi vẫn còn khỏe sau này còn có cơ hội. Nhưng không ngờ bố tôi đột nhiên ra đi chỉ còn lại mẹ tôi, bà không còn được như xưa, tôi sợ rằng lại có một ngày… Mẹ tôi cả đời chưa bao giờ được vào nhà hàng nào sang trọng, to đẹp như thế này. Chúng tôi vào đây các cô cảm thấy lạ lắm à?".

Trong lòng Tú Lệ không nén nổi sự rung động, họ từ nông thôn đến, cách nghĩ cũng đơn giản thật thà, một cái mong ước nhỏ nhoi mà như trong mộng. Cô nói: "Xin lỗi, xin lỗi, tôi đã hiểu nhầm anh". Cô cảm thấy hối hận và đột nhiên mạnh bạo nghĩ ra một cách để tiền bằng mồ hôi và nước mắt của người thanh niên khỏi phải lãng phí vô ích. Cô nói: "Lúc nữa ông chủ qua đây anh cứ nói là thức ăn không đúng vị, tôi sẽ tìm cách nói với ông ấy giảm giá cho anh?".

Người thanh niên mở to mắt nhìn Tú Lệ: "Mấy món này từ trước tới giờ đã ăn đâu mà biết đúng hay không đúng vị, có khác gì bảo tôi trèo cây bắt cá".

Không ngờ lại gặp người có đầu óc quá là ngờ nghệch, Tú Lệ không còn cách gì khác liền nói nhỏ với anh ta: "Đây là bù cho anh là người có hiếu, tôi nói thật cho anh biết mấy món anh gọi đều là món giả đấy. Hàng bán quanh năm lấy đâu ra nhiều thịt báo, thịt hươu thế!".

Người thanh niên ngẩn người rồi dậm chân nói: "Đồ lừa đảo!". Nói xong định chạy đi tìm ông chủ. Tú Lệ kéo anh ta lại nói: "Anh đừng có gây chuyện, như thế là làm hại cả tôi đấy, với lại chỉ có mình anh thì làm gì được nào?". Nghe Tú Lệ nói anh ta mới thôi ý định đó.

Tú Lệ thở một hơi dài rồi đưa trả anh ta số tiền đặt cọc: "Đều là người làm thuê cả, kiếm được đồng tiền đâu có dễ, thôi anh về bàn ngồi đi". Người thanh niên gật đầu quay về ngồi ăn với bà lão.

Khi hai mẹ con đang ăn thì ông chủ đến bên cạnh cười híp híp con mắt hỏi: "Các vị ăn có ngon không?  Đây là những món đặc sản thịt rừng chính cống đấy!".

Tú Lệ đã có cách, cô kéo ông chủ ra một bên nói: "Họ là người vùng núi, họ không lạ gì các món thịt thú rừng, chúng ta làm thế này nhỡ lộ ra thì gay".

Người thanh niên ngẩng đầu nhìn ông chủ, lại nhìn bà mẹ đang ăn rất ngon nói: "Rất ngon, rất ngon!", rồi quay sang nói với mẹ: "Ngày xưa chỉ có người trong Hoàng cung mới được ăn các món này đấy mẹ ạ!".

Bà lão gắp một miếng "bướu lạc đà hầm" cho vào mồm nhai rồi tặc lưỡi nói: "Cũng không ngon lắm, sao lại có vị của sữa?”. Người thanh niên vội vàng giải thích: "Đây là thịt bướu lạc đà nơi dự trữ dinh dưỡng, dinh dưỡng nhiều là vị như thế!".

Tú Lệ thấy thất vọng, khi ông chủ đi cô kéo người thanh niên ra bên cạnh chỉ vào mặt anh ta nói: "Sao anh lại nhẫn tâm lừa cả mẹ mình?". Ánh mắt anh ta vẻ buồn buồn nhìn ra ngoài cửa sổ nói rất nhỏ: "Mẹ tôi phải nhịn mồm, nhịn miệng để nuôi chúng tôi khổ cả một đời rồi, tôi đưa mẹ tôi đến đây là để mẹ tôi được nếm mùi vị của các món quý hiếm nên tôi không thể nói thật với mẹ tôi được".

Trong lòng Tú Lệ lại bị rung động lần nữa, suýt nữa thì cô ứa nước mắt: "Tôi không trách anh, tôi có lỗi, đáng nhẽ ra tôi không nên bảo người ta làm thế này".

Tú Lệ đi gặp ông chủ, mấy lần ấp úng mới nói ra lời: "Ông chủ, có thể hạ giá cho bàn số 7 được không? Họ không phải là người có tiền?".

Ông chủ hơi bất ngờ nhìn Tú Lệ hỏi lại: "Họ là người nhà của cô à?". Tú Lệ lắc lắc đầu. "Hay là người quen của cô?". Tú Lệ vẫn lắc đầu. Ông chủ không hiểu lại hỏi: "Vì sao cô lại làm việc này cho người không quen?" -  "Bởi vì người thanh niên là người  con có hiếu, chúng ta không thể mất hết lương tâm để kiếm đồng tiền từ lòng hiếu thảo của người ta. Xin ông chủ thương tình mà giảm bớt giá cho họ". Rồi Tú Lệ không nhịn được kể hết nguyên nhân sự việc hai mẹ con người thanh niên đến nhà hàng cho ông chủ nghe.

Ông chủ nghe xong, vành mắt đỏ lên, ông ta trầm tư một lúc rồi cầm bút viết mấy chữ vào tờ giấy đưa cho Tú Lệ. Tú Lệ cầm tờ giấy nhảy cẫng lên hết sức vui mừng, nội dung ông chủ viết là: "Miễn phí cho bàn số 7". Tú Lệ cảm ơn ông chủ rồi chạy đi ngay. Ra ngoài quầy hàng thấy hai mẹ con người thanh niên đã đi rồi, trên bàn còn đặt một tờ giấy và 1200đ để thanh toán. Tú Lệ cầm lên đọc:

"Cảm ơn cô gái mà tôi chưa biết tên, cô là người có lòng tốt nhưng tôi không muốn làm khó cho cô. Tôi đưa mẹ tôi đến đây là tôi đã có tiền, sự hiếu thảo không thể hạ giá. Không kể món ăn thật hay giả chỉ cần mẹ tôi ăn ngon và vui vẻ là tôi mãn nguyện rồi".

Cũng từ đấy Tú Lệ không bao giờ báo phương án "khách loại hai" nữa.

Nguyễn Thiêm (dịch từ Storychina.cn)  

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước