Kẻ ngoại tỉnh lạc giữa dòng Thái Nguyên
VNTN- Chẳng biết tự bao giờ trong tiềm thức vợ chồng tôi lại muốn ở lại Thái Nguyên đến như vậy. Chồng tôi vẫn luôn muốn mở một cái quán nhỏ bên kia sông Cầu để mỗi sáng cùng dậy sớm dọn hàng, chiều cùng nhau chạy bộ dọc con đường ruộng. Tôi thì vẫn luôn muốn chờ đợi ngày đổi mới Thái Nguyên làm cái phố đi bộ dọc hai bờ sông Cầu có đèn, có hoa như trong cái trí tưởng tưởng của mình...
Sông Cầu uốn lượn quanh khu vực trung tâm TP. Thái Nguyên. Ảnh: Trần Văn Minh
Vèo cái bốn năm trôi qua, tôi sống ở Thái Nguyên, nói đúng ra mất 5 tháng ở quê chờ sinh đẻ và ba tháng "trốn" dịch ở quê.
Cơn mưa chuyển mùa của miền Bắc và cũng là thời điểm báo miền Trung đón cơn bão số 7. Cậu con trai ho nhẹ, cô em làm cùng khi biết cu cậu ho nói đùa:
- Chị có cần mẫu test Covid không em còn 5 bộ, em mang sang test cho cháu cho?
Câu nói đùa được đà của hội chị em ùa vào:
- Su Hào mà bị thì toang cả nhà hàng!
Toang cả thành phố ý, đi học, lượn sang hàng xóm, khách nhà hàng đếm sao cho hết...
Câu chuyện vẫn nhao nhao cho một buổi tối mưa nhẹ. Trời bắt đầu trở lạnh, mùi khoai lang mật thơm phức trên chiếc bếp than hồng sau hiên nhà hàng, nơi chồng tôi gắn bó gần 8 năm.
- Alo mẹ à, trong quê mưa không ạ!
- Không con ơi, chưa thấy chi.
- Vâng. Bão mai vào đấy ạ, ngoài này mưa rồi ạ, trời cũng se lạnh. Mẹ cẩn thận nhé.
- Ừ. Hôm nay thủy lợi rút nước hồ, trơ hết cồn bãi lên rồi. Chắc người ta chuẩn bị đón nước không lại lo bà con bị ngập đá mà.
- Mai mẹ lấy bạt căng che cửa nhà trước nhà, tối mai xuống chị hoặc thím Tâm ngủ nhá.
- Ú trời. Yên tâm đi, 67 tuổi đầu chứ ít à. Chứ cháu đi mô con.
- Đang chơi với ông chủ trên nhà ạ.
- Ừ. Rứa được rồi cha, không phải lo cho mẹ mô cha. Có hàng xóm, anh em rồi. Thôi nhá.
Từ khi tôi lên Thái Nguyên tôi vẫn giữ thói quen hàng ngày gọi cho mẹ dù chỉ vài phút, tôi vẫn nhớ cái ngày tôi thay đổi quyết định rời bỏ công việc làm nông ở quê lên Thái Nguyên.
Cơn bệnh năm 2017 của mẹ đến như một cú sốc của hàng xóm, của gia đình mà có thế nói cả khoa tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa năm ấy. Sau khi qua khỏi, mẹ bảo tôi thực hiện ước nguyện của bà, tôi xách cái ba lô với ba bộ quần áo lên Hà Nội. Để rửa cái độ phèn của tôi chị mua thêm dầu gội, son, quần áo... chuẩn bị hành trang cho tôi lên Thái Nguyên nhập học.
9h tối, xe đưa chúng tôi vào một ngõ nhỏ, vừa trên xe chị vừa kể cho tôi nghe về gia đình mẹ cả của bố chị nơi tôi sắp tới. Qua lời chị, tôi biết rằng đó là một gia đình gia giáo, tâm lý, nhẹ nhàng. Chào đón tôi là bà cụ mái tóc tuy đã bạc nhưng dài ngang gối, hình như bà mới gội đầu tóc vẫn thả, nở nụ cười hiền hậu và vội vàng: “Lên tới nơi rồi à, vào ăn cơm nhanh không đói các con”.
Đây là người Thái Nguyên đầu tiên tôi gặp. Ôi! Đây có phải là thật, sao lại có người đón tiếp con riêng của chồng bằng cái giọng ngọt đến thế. Cái nhà to oạch và sang trọng làm tôi mất tự nhiên. Mọi người ăn cơm, cười nói. Tối đấy trôi qua nhẹ nhàng, đang lơ mơ trong mộng, chị tôi lay nhẹ: “Chị về Hà Nội đi làm đây, em ở lại chút chị Điệp dẫn lên trường nhé. Có gì cứ hỏi chị ấy, mọi người rất tốt em yên tâm nhé”. Tôi dụi mắt rồi thức luôn, xung quanh một đứa nhà quê 19 tuổi là những mông lung.
Cứ thế là tôi nhập học. Tôi ở cùng với ba cô bạn, cô bạn Hà Tĩnh nói giọng không ai biết người miền Trung, cô bạn Bắc Kạn nhẹ nhàng, thủ thỉ như cô Tấm còn cô bạn người Thái Nguyên hiện rõ chữ khắc khổ trên khuôn mặt. Cậu bạn học dẫn chúng tôi tầng 7 tòa nhà Victory uống nước ngắm quanh thành phố Thái Nguyên. Cô bạn lớp trưởng người Lạng Sơn áp mặt vào lớp kính dày cộm đếm các phòng khám và tiệm thuốc của thành phố sau đó quay ngoắt kêu: “Tiệm sách tìm thì khó chứ ốm không lo chết vì chỗ nào cũng nhà thuốc với phòng khám”.
Thời gian đẹp đẽ đấy chẳng hề mất đi mà chỉ nhẹ nhàng trôi. Đùng một cái tôi lấy chồng mặc dù mới đi học chưa được một năm. Cưới xong tôi vẫn đi học nhưng đầu học kỳ hai tôi nghỉ bởi một cái lý do "không nói ai cũng biết". Chồng tôi làm việc cho một nhà hàng mà tôi không ưng gì hơn ngoài tình người nơi đây. Chú quản lý mua bao bưởi thì cho tôi 10 quả ăn cho đỡ buồn miệng. Chị phụ bếp người Hòa Bình thì "đệ nhất" của hiền. Mấy đứa nhân viên hơn, bằng hoặc ít hơn tôi một vài tuổi vẫn cứ nhao nhao gọi tôi tao, mày nhưng có gì cũng cho tôi ăn. Chú bảo vệ hay gọi tôi là “ỏng” tôi hỏi tại sao chú bảo “chứ không gọi là gì”. Sau này mới biết cách gọi của miền Bắc.
Tôi chuyển ký túc ra chỗ trọ của nhà Cô Điệp, mẹ cô Điệp vẫn hay kéo lại hỏi cái câu chuyện muôn thuở “cái Thành khi nào lấy chồng”, rồi dúi dúi cho tôi mấy cái bánh bảo ăn đi, nhà nhiều lắm. Đấy có ai gặp một người vợ của bác rể mình mà đặc biệt như vậy không!
Sinh xong, con được bốn tháng tuổi thì tôi và con lên Thái Nguyên, chuyển trọ gần chỗ chồng làm. Ngày đầu tiên bà tổ trưởng và các bà xung quanh xóm trọ cứ xúm lại xin bế cái thằng cu có hai cái má lúm, ai hỏi cũng cười. Mấy đứa nhân viên lao nhao chạy sang xem mặt con trai anh Định giống ai, mấy đứa bạn đại học lách cách quần áo, sữa chua,… sang thăm thằng con trai của Ánh. Chẳng biết do Su Hào nhà tôi đáng yêu hay cái số tôi nó thế mà chẳng mấy chốc cả khu đấy ai có cái gì cũng mang sang cho mẹ con nhà nó từ nải chuối, miếng đu đủ chín cây, mấy cái bánh gạo thắp hương ngày rằm…
Con được gần 5 tháng tôi cho theo bố ra chợ. Các bà hàng rau đến giờ vẫn hay nói làm gì phải con nhà nó, bố mẹ nhìn chán thế mà thằng con có thích không. Bà bán thịt lợn dưới hầm chợ Thái hay cho gan khi tôi bầu, gửi ruốc bông về khi tôi đẻ, tặng vài cái chân giò, miệng gạ gẫm xong tự trả lời:
- Hai tỷ bán không, hay hơn mới bán?
- Ai lại bán em bé đáng yêu này nhỉ?
- Bà thích con nít nên đẻ bốn anh con trai luôn ấy!
Ông bà chủ nhận luôn chức bảo mẫu từ đấy. Có hôm ông chủ bế đi chơi ai hỏi cháu nội à ông, ông lại vui ra mặt rồi hỏi xem nó có giống ông không. Các bà quanh nhà hàng từ đấy nhầm luôn tới giờ vì làm gì có ông chủ nào đi tắm, xi tè, cho ăn, ru ngủ giúp... Hai ông bà đi đâu cùng gọi video xem Su Hào có nhớ ông bà không, khi về lại quà cáp để được thơm má cái. Nhiều lúc chồng tôi cũng vì thế áy náy, sợ sau này về quê sẽ rất khó xử khi bỏ lại nhà hàng.
Cô chủ nhiệm nhắn tin bảo tôi quay lại học bao lần, con bạn học cũ vẫn để dành tài liệu học cho tôi. Tôi quay lại đi học trong sự vui mừng của mẹ tôi, sự yêu thương và giúp đỡ của nhiệt tình của các thầy cô, bạn bè cùng khóa, khác khóa tại Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải cơ sở Thái Nguyên.
Chẳng biết tự bao giờ trong tiềm thức vợ chồng tôi lại muốn ở lại Thái Nguyên đến vậy. Chồng tôi vẫn luôn muốn mở một cái quán nhỏ bên kia sông Cầu để mỗi sáng cùng dậy sớm dọn hàng, chiều cùng nhau chạy bộ dọc con đường ruộng. Tôi thì vẫn luôn muốn chờ đợi ngày đổi mới Thái Nguyên làm cái phố đi bộ dọc hai bờ sông Cầu có đèn, có hoa như trong cái trí tưởng tưởng của mình. Cũng vì thế mà cứ mỗi chiều hai vợ chồng lại đèo nhau ra chợ mua đồ rồi ngắm nhìn "Hoàng Hôn sau nóc nhà Đông Bắc".
Trương Thị Thu Ánh (Ngõ 206, đường Minh Cầu, TP. Thái Nguyên)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...