Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
03:20 (GMT +7)

Kẻ cầu may

Nhà văn, nhà thơ Stephen Crane (1/11/1871 - 5/6/1900) nổi tiếng không chỉ vì là một trong những tác giả theo Chủ nghĩa Hiện thực tài năng nhất, mà còn vì các thủ pháp, mô típ châm biếm đến nay vẫn còn được các nhà văn hiện đại sử dụng.

 

 

 

 

Tom ngắm nhìn những quyển sách bày trong tủ kính. Những cuốn sách bọc da thuộc, đầu đề viết bằng chữ vàng trông đẹp lắm. Chúng đều mang những cái tựa kiểu như “Làm giàu không khó” hoặc “Tự dạy cách làm giàu”,… Tom cũng muốn học làm giàu lắm chứ. Chỉ hiềm một nỗi là trong túi anh không hề có lấy nửa xu cắc để có thể mua những quyển sách.

Cơn lạnh chạy từ gan bàn chân lên sống lưng Tom. Anh lẩm bẩm rủa hết đôi giày rách đến cơn mưa lạnh. Những hôm nào mưa nhiều, Tom phải bỏ hai lá bài vào mỗi đôi giày để bịt lại cái lỗ thủng ở đế. Ngoảnh đi ngoảnh lại, từ đầu năm đến nay anh đã dùng gần hết hai bộ bài.

Có một lần Tom bỏ hai con “át” vào đế giày để cầu may. Ngày hôm ấy anh suýt nữa nhận được việc làm. Hôm nay anh cũng thử làm vậy xem mình còn may mắn đến đâu nữa. Tom vừa đi trên con phố Broadway, vừa phì phèo điếu thuốc lá rẻ tiền. Cứ trông cách đi nghênh ngang của Tom thì hẳn có người sẽ tưởng anh là kẻ giàu có lắm. Thực ra Tom đi như vậy vì hôm qua nằm ngủ không có lò sưởi, cả cơ thể bị lạnh nên sáng dậy cứ cứng hết cả người.

Còn điếu thuốc là do Tom mượn năm cent từ bà chủ nhà để mua. Bà ta luôn miệng phàn nàn về số tiền nhà Tom còn nợ, nhưng cuối cùng vẫn chịu rút ví ra cho anh. Về phần mình thì Tom nhẩm tính năm cent cũng chẳng là bao so với việc không có gì cho vào miệng, nên anh chịu bỏ tiền mua bao thuốc hút để giải quyết cơn đói.

Tom bước lên một cây cầu. Anh bất ngờ nhìn thấy một ông cụ đứng dựa vào lan can thành cầu. Miệng phì phèo tẩu thuốc mà ngắm nhìn con sông chảy dưới chân cầu. Ông cụ rít thuốc trông ngon lành đến mức Tom cứ đứng ở một chỗ ngẩn ngơ nhìn. Anh rút bao thuốc khỏi túi và lên tiếng: “Ông ơi có diêm không ạ?”.

Ông cụ suýt nữa ngã xuống sông khi cố nhoài người ra lan can: “Này cậu trẻ, thế cậu có biết đọc không?”.

“Có chứ!” - Tom vui vẻ trả lời, tay vẫy vẫy cái điếu thuốc chưa châm lửa.

Ông cụ vừa lục lọi túi, vừa nói với giọng van vỉ: “Ừ, trông cậu là người tử tế đấy. Tôi tìm một người thật thà gần cả tuần rồi. Hôm nay là thứ mấy nhỉ?”.

“Thứ Bảy cụ ơi!” - Tom nhanh nhảu.

“Vậy thì hôm nay là ngày thứ sáu tôi đứng trên cái cầu quỷ sứ này rồi. Đây!” - Ông cụ chạy xuống đường rồi dúi vào tay Tom một tờ giấy - “Cậu đọc cho tôi cái này!”.

Tom vuốt cho tờ giấy thật phẳng rồi mới ngồi xổm xuống vệ cầu. Sau khi hắng giọng, Tom chủ động dõng dạc:

“Văn phòng luật sư Ketchum R.Jones

Tin Can, Nevada, ngày 19 tháng 5

Kính gửi ngài Rufus Wilkins

Chào ngài! Kể từ khi gửi ngài bản nháp hợp đồng bán đất vào ngày 25 tháng 6, tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin gì từ ngài. Tôi viết thư này vì muốn được biết câu trả lời của ngài sớm.

Kể từ ngày 25 tháng 6, tôi đã bán được ba miếng đất với mức giá $5.000/miếng. Thành phố hiện đang mở rộng về hướng đó nên nhà cửa mọc lên như nấm sau mưa. Tôi cũng đã bán mảnh đất có mấy bụi cây xô thơm mà ngài từng định cho không người ta. Ông Simpson ở Boston mua miếng đất đó với giá $4.000. Ông ta là người tinh quái. Nhưng Simpson chưa ở xứ này đủ lâu để thành “ma đất này”. Nếu như ông Simpson giữ được miếng đất đó khoảng nghìn năm rồi bán đi thì mới có lãi được.

Ngoài ra tôi còn đang cộng tác với ông Simpson trong một dự án trải thảm đường.

Làm ơn gửi tôi địa chỉ người luật sư ở New York của ngài. Tôi sẽ gửi ngài giấy tờ theo địa chỉ đó càng sớm càng tốt.

Tôi còn muốn nhắc ngài rằng, nếu ngài có người bạn nào muốn đầu tư vào miền Viễn Tây, không nơi nào tốt hơn là thị trấn Tin Can. Bây giờ chúng tôi đã có ba đường ray tàu hỏa. Một ngân hàng. Một nhà máy điện. Một tuyến đường cho xe ngựa. Và một hội nghệ thuật. Ngoài ra ở rìa thị trấn còn có một nhà máy cưa, một nhà máy làm bánh xe, và một nhà thờ. Tin Can đang từng bước trở thành đô thị kiểu mẫu cho toàn bộ miền Viễn Tây…”

Tom ngừng đọc và quay nhìn ông cụ: “Cháu đoán là ông đã biết được điều mình muốn rồi?”.

“Đúng!” - Ông cụ dài giọng - “Đúng như tôi đoán. George đã lừa chính thằng bố nó!”.

Ông cụ vốn đã lù khù lại càng trông co quắp hơn vì cơn giận. Hai hàng nước mắt chảy dài trên má ông. Tom không khỏi mủi lòng. Anh vỗ vai động viên ông cụ: “Ông à, sao ông không tìm luật sư rồi làm tới cùng với George?”.

“Tôi được làm vậy ư?” - Ông cụ hồi hộp hỏi.

“Đất nước tự do này, ông làm gì mà chẳng được!” - Tom tự tin chắc nịch.

“Được rồi! Vậy anh có biết ông thầy cãi nào giỏi không?”

Tom làm bộ trầm ngâm suy nghĩ giây lát rồi mới mở lời: “Chà… Nếu ông không chê thì để cháu đại diện cho ông!”.

“Ơ hay, cậu là thầy cãi mà sao tôi không biết nhỉ?”

“Thế ông trông cháu có giống luật sư không? Làm cái nghề này là phải có cái “mặt tiền” trông tươm tất một tí nhưng vẫn phải làm người ta sợ được.”

Cụ già mừng như bắt được vàng. Ông vội nắm lấy cánh tay Tom và nói: “Quý hóa quá! Nào, ta cùng đi gặp thằng George!”.

Tom để ông cụ kéo mình đi trong khi mải mê suy nghĩ. Anh hạ quyết tâm đón chờ chuyện gì đến thì nó đến. Sáng nay anh không có đồng nào để nhét cái ăn vào bụng nên nếu có bị người ta đánh thì cũng chỉ nôn ra nước mà thôi.

Cụ già dẫn Tom đến một ngôi nhà gạch đỏ đã hóa nâu nằm thọt lỏn giữa những cửa hàng và nhà kho. Tom không khỏi nhận thấy tiếng thở dốc của ông cụ. Nhưng tuy mệt mà ông lão vẫn trông nửa hớn hở, nửa giận dữ, bộ mặt xoắn lại như con sói ngửi thấy mồi.

Ông cụ dùng chân đạp mở toang cánh cửa. Tom theo ông đi vào phòng bếp. Mũi anh bắt được nào mùi của trứng rán, của bánh mì đang nướng, của cà phê réo lên trong ấm. Tom phải ôm lấy bụng để đỡ cơn đau vì đói.

Cụ già lấy hết sức nói sang sảng, lại còn nhấn nhá từng âm tiết một: “George! Đây là ông… ông luật sư của tao. Và chúng tao muốn biết mày đã làm gì với tờ hợp đồng được gửi vào ngày 25 tháng 6!”

Người mà Tom đoán là George suýt chút nữa làm rơi tách cà phê trên tay. Khuôn mặt anh ta thì tái mét lại. George lập bập: “B-Bố…”.

Tom đứng thẳng người, đôi mắt nhíu lại, cố làm bộ mặt thật “lạnh” để ra đúng dáng người luật sư. Nhưng thật ra chính ông cụ mới là người đáng sợ nhất trong phòng. Ông gầm lên: “Mày giải thích làm sao cái vụ giấu bố mày bán mảnh đất chỗ mấy hàng xô thơm, hả? Mày có đem trả ngay không… Tao sẽ tự tay vặn ốc vít vào đầu mày!” - Vừa nói ông cụ vừa làm dấu bằng ngón tay.

“N-nhưng m-mà c-con chỉ mượn m-mảnh đất ấy có… một tháng t-thôi mà!” George còn định nói thêm nữa, nhưng cái nhìn của bố anh ta khiến người đàn ông đành câm miệng. Còn ông cụ, tuy cái trán vẫn còn cau có nhưng cũng đã bớt phần giận dữ. Dường như ông cảm thấy nhẹ người sau khi được xả hết ra.

George lí nhí: “Thôi được rồi! Con sẽ ký tờ séc đưa cho cha. Con chỉ định cho mượn mảnh đất có một tháng, nhưng nếu cha đã làm đến mức này thì thôi.”

Ông cụ hướng mắt về phía Tom: “Cậu luật sư à!”.

“Cứ chiểu theo luật pháp và thỏa thuận giữa hai bên thì trong trường hợp này, mình nhận séc cũng được cụ à.” - Tom tỏ ra rất quyết đoán.

“Mày nghe thấy luật sư nói rồi đấy. Ký séc nhanh lên không thì chết với tao!”

George lật đật mở tủ lấy ra tập séc. Tom nuốt nước miếng mà nhìn anh ta viết lên tờ séc. Lần đầu tiên trong đời Tom nhìn thấy nhiều số 0 như thế. Anh phải lấy hết sức kiềm chế trong mình để cầm tờ séc lên, giả vờ xem xét thật giả, rồi đưa cho ông cụ. Trước khi ra khỏi nhà, Tom còn ném về phía George một cái nhìn lạnh tựa lưỡi dao. Anh vẫn không quên cái vai mình phải đóng.

Khi đã đi khuất mắt căn nhà, ông cụ bất ngờ nhảy dựng lên vì vui mừng. Cụ vừa nhảy múa vừa bắt tay Tom mà nói: “Cám ơn, cám ơn cậu nhiều lắm. Nhờ cậu mà tôi mới tính sổ xong hết mọi chuyện!”.

Hai bác cháu cùng trở lại phố Broadway. Cụ ông lầm bầm: “Thằng quỷ! Tôi thề rằng đến chết cũng không nhìn mặt nó. Tôi sẽ tự đi thuê nhà…”.

Tom cảm thấy như tờ séc đang tuột khỏi tay mình. Anh vội nói: “Cháu muốn giới thiệu với ông chỗ này ổn lắm!”.

Vậy là ông cụ chuyển đến sống cùng nhà với Tom. Kể từ đó bà chủ nhà không bao giờ giục tiền trọ của Tom nữa. Lần nào gặp anh bà ta cũng mỉm cười. Không cười làm sao được khi bà ta bắt được ông cụ trả tiền nhà cao gấp đôi những người ở trọ khác.

Về phần Tom, anh được ông cụ coi như một đứa con trai không chính thức. Chẳng ai ngờ rằng cụ già không biết chữ nhưng có biết bao bạn bè từ ngày đi mở đất miền Viễn Tây. Ông mở rộng hết những mối quan hệ của mình cho Tom như gã say mở ví trả tiền rượu vậy. Thế là Tom nghiễm nhiên trở thành người quan trọng. Không ai rõ Tom làm nghề gì, nhưng ai cũng hiểu anh quen ông này. Rồi thì ông này lại quen ông kia. Và cứ thế lên đến tầng lớp cao nhất trong xã hội.

Bây giờ Tom lấy danh tiếng của mình ra để kiếm ăn. Lúc nào bụng đói mà trong ví không có tiền, anh chỉ việc đi vào nhà hàng trông bẩn bẩn một tí. Không ông chủ nhà hàng nào muốn làm phật lòng “ngài Tom” cả. Họ chỉ có nước bày sẵn bàn ăn mà mời anh ngồi vào.

Các tòa soạn báo. Rồi thì các nhà xuất bản đua nhau xin Tom viết bài cho họ. Anh nổi tiếng vì làm người thành công nhờ vào tài năng, tính kiên nhẫn và tinh thần xông xáo của mình. Tom không còn cần ngắm nhìn những quyển sách dạy làm giàu nữa. Anh là người viết những quyển sách đó.

Khi được phóng viên hỏi anh có lời khuyên nào đối với những thanh niên trên con đường khởi nghiệp để thành danh, Tom thản nhiên trả lời: “Để thành công trong cuộc đời, điều mà các bạn cần làm là hãy đi ra đường, tìm một ông cụ đứng dựa vào lan can cầu hút thuốc. Và hỏi xin ông cụ que diêm. Đơn giản thế thôi!”

Truyện ngắn. Stephen Crane (Mỹ)

Dịch giả: Lê Công Vũ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 21 giờ trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước