Kẻ cắp
VNTN - Cảnh một cuộc đời chó
Một vụ bê bối ở siêu thị: anh ta không chỉ ngấu nghiến lon thịt hộp cho chó ngay giữa mặt thiên hạ mà còn bắt đầu kêu rống lên.
Mùa đông không quá lạnh nhưng cái ẩm ướt xâm lấn anh ta đến tận xương. Ngồi bên vệ đường trước các siêu thị của vùng ngoại ô, Pierre chờ đợi từng cử chỉ từ thiện của người dân thành phố nơi anh ta sống. Pierre đặt chiếc bê-rê Baxco ở chân, tay cầm tấm biển carton TÔI ĐÓI mà anh ta đã viết từng chữ in hoa từ hôm trước.
Mùa đông, đêm buông xuống thật nhanh. Pierre không chắc rằng, những kẻ vào ra ở cái cửa hàng lớn này có thể đọc được những gì anh ta đã viết trên tấm carton. Vả lại, ngay chính họ cũng rét mướt và thật tội nghiệp. Họ không đói như anh ta, nhưng cái nghèo khó thì dù sao vẫn lộ rõ. Đã hai giờ trôi qua, Pierre chỉ gặt hái được 3 franc(1) trong chiếc mũ của mình, không đủ cho một chiếc baguette(2) . Pierre thật sự cồn cào, anh ta chẳng có gì cho vào cái bụng rỗng từ hôm trước. Anh ta đã lang thang suốt ngày khắp cái khu dân cư hạng bét này, với hi vọng kiếm được một công việc, dù là với thù lao rẻ mạt. Mùa hè, thi thoảng chủ các căn nhà nhỏ thuê anh ta việc rửa xe. Nhưng vào mùa đông, cái ngoại ô nghèo khó này khép kín lại như một con sò. Những cư dân HLM(3) này chẳng cần đến những dịch vụ như thế của anh ta. Quả vậy, Pierre đã đi, đi và suốt ngày chỉ là sự từ chối, những vẻ mặt nhăn nhó và những cánh cửa đóng chặt. Thế nhưng, đi mà chẳng có gì vào bụng thì bụng càng cào xé hơn, người vật vã hơn, rốt cục là đầu quay cuồng và chân lẩy bẩy.
Pierre không có nổi một nghề nghiệp nên hồn, không cha mẹ, không ai ban cho anh ta một sự bảo trợ nào cả. Đã hai năm trôi qua, cái sự thất nghiệp vẫn theo đuổi anh ta. Pierre đã rời mảnh đất Corrère quê hương đến Paris kiếm sống. Kể từ đó anh gặp phải hết rắc rối này đến rắc rối nọ. Một vòng xoắn ốc những bất hạnh đã kéo anh ta xuống tận cùng của xã hội. Pierre tàn tạ đến mức không thể cầu xin một công việc, ngay cả chuyên chở hàng hóa tạm bợ. Các ông chủ lớn chỉ để mắt đến những người đàn ông vạm vỡ, khỏe mạnh, nên chỉ cần cái liếc mắt qua vẻ còm nhom xanh mét của Pierre, anh ta chỉ còn cách trụ lại trên vỉa hè. Những chủ xưởng nhỏ thì ít khi bị khủng hoảng, họ luôn nắm lấy cơ hội thay thế công nhân bằng rô-bốt, bởi thế công việc đã hiếm lại càng khan.
Cần phải có một nơi ở để hưởng trợ cấp xã hội. Từ lâu, Pierre đã không có một nơi trú ngụ nên hồn, anh ta chia sẻ một căn lều công trường bỏ hoang với Emile, một kẻ ăn mày vô gia cư. Mặc cho những bất công của cuộc đời, anh ta vẫn giữ được phẩm cách của mình với chút sức lực còm cõi. Emile là mẫu người tương phản với Pierre: lang thang trong bộ áo quần rách nát, bốc mùi như một con dê đực và nhấn chìm nỗi sầu đời của hắn trong rượu Pinard(4). Không! Không! Pierre không chấp nhận một sự xuống dốc của cuộc đời như thế. Anh ta mài sắc lưỡi dao cạo kế thừa từ đời ông nội trên một viên đá lửa cho đến lúc dùng nó để cạo mà không dùng đến kem. Tối đến, mặc cho tất cả, Pierre vào phòng vệ sinh của nhà ga giặt giũ với những mẩu xà phòng còn sót lại trên các máy phân phối tự động. Thế nhưng để tồn tại, Pierre buộc phải tha phương cầu thực như Emile và phải đau khổ như lúc này đây: đói và rét.
Nửa giờ sau, siêu thị sẽ đóng cửa. Những người đàn bà, đặc biệt là đàn ông, độc thân hoặc là ông bố của một gia đình, vội vã lao vào đó sau một ngày làm việc rồi trở ra với những túi đồ ăn cho buổi tối. Cuộc chiến với thời gian đã làm tăng tốc dòng khách hàng qua lại. Nhưng cũng chính sự vội vã đó mà không một đồng xu nào rơi thêm vào cái bê-rê xấu số của Pierre. Họ lướt qua anh ta nhưng cũng chẳng ai thèm ném cho anh ta một cái nhìn thậm tệ. Kẻ ăn mày non nớt hồi tưởng lại lời bình của Emile rút ra từ một chuỗi kinh nghiệm của cuộc đời ăn xin “Không phải vì người ta thiếu lòng nhân ái mà là người ta vội, thậm chí người ta chẳng thấy mày nữa. Nếu mày là một con chó, với tiếng tăm mà B.B(5) tạo nên để bảo vệ các loài thú thì có thể…”.
Pierre không phải là một con chó, nhưng anh ta cảm nhận cái đói như bất kì một con vật nào. Cái đói làm dạ dày anh ta quặn thắt. Anh ta mơ tưởng đến một miếng thịt rôti và nuốt nước miếng ừng ực. Vì lẽ gì mà kẻ này ăn còn kẻ kia nhịn cơ chứ? Tất cả đều như một con chó, Pierre muốn không chỉ là một cái đuôi baguettte mà là một đĩa thịt.
- Đừng có chần chừ nữa! Pierre tự nhủ. Anh ta đứng lên, lượm lấy cái bê-rê, vân vê ba đồng franc trong túi rồi bước vào siêu thị. Đẩy cửa kính vào, Pierre đi dọc những quầy tính tiền đang đầy ắp kẻ xếp hàng, anh ta tìm kiếm gian hàng thức ăn cho chó và mèo. Trông thấy nó, Pierre đi thẳng một mạch và chộp lấy một lon to hiệu Pal, sau đó ngồi bệt xuống đất, ngay giữa hai dãy hàng hóa, mở lon ra bằng một con dao nhỏ rồi ngấu nghiến với sự trợ giúp của mười ngón tay. Sản phẩm đó - một miếng thịt xay, có lẽ ngon tuyệt với anh ta. Nhờ có nó, anh ta đã lấp đầy cái dạ dày rỗng trong sự thúc giục của cơn đói mà không cần nhai. Vị giác của anh ta, thứ mà đã từ lâu không được thưởng thức hương vị thịt, thì lon Pal cho chó vẫn không kém phần ngon tuyệt.
Chẳng bao lâu, anh ta được bao quanh bởi vô khối khách hàng. Họ trố mắt trước cảnh tượng lạ lẫm này, một số cười man dại, một số khác thì không chấp nhận nổi. Mặc! Pierre tiếp tục ngốn sạch lon thịt. Bỗng nhiên, một cú đấm giáng vào vai anh ta. Quay lại, Pierre nhận ra hai gã bảo vệ, hai gã đàn ông này nhìn anh ta trừng trừng. Chúng mặc đồng phục chỉnh tề, trên áo gắn tấm biển ghi kí hiệu các gian hàng mà chúng phụ trách.
- Hừm! Vậy hả! Một trong hai gã giận dữ hỏi Pierre. Mày chẳng còn lòng tự trọng gì cả, mày ăn cắp giữa thanh thiên bạch nhật hả? Thay vì trả lời, Pierre đứng lên lật ngược tất cả túi của cái áo măng-tô sờn và cái quần tơi tả.
- Như các ông thấy đấy, thưa các ông, tôi chẳng ăn cắp gì sất!
- Thế cái hộp này?- Tôi không ăn cắp nó, tôi đã ăn nó.
- Mày đã ăn nó, thế thử hỏi mày đã trả tiền chưa?
- Không. Thế một con chó phải trả tiền thức ăn của nó sao?
Gã đàn ông vạm vỡ, chừng 50 tuổi, dưới đôi lông mày rậm, bộ ria trắng mấp máy, lắp lắp:
- Chó… thì… không… nhưng chủ của nó thì có.
- Nhưng tôi, tôi không có chủ, Pierre chầm chậm quan sát gã ta.
Lần nữa, viên bảo vệ gầm gừ:
- Mày không phải là chó, tao biết.
- Tại sao không phải là chó? Cuộc đời tao là một cuộc đời chó và tao vừa nuôi sống mình bằng một hộp thức ăn chó.
Có những tiếng thì thầm xung quanh, một đôi người động lòng thương cho Pierre.
- Hừm, cãi bướng hả! Không biết nói gì cả, gã bảo vệ gào lên. Mày lịch sự theo chúng tao đến đồn cảnh sát hay là chúng tao gông mày đến đó và nhớ là đừng bỏ trốn đấy. Gã bảo vệ xốc lấy nách Pierre.
- Sao chúng mày không buộc tao bằng một cái dây buộc chó? Như thế, chúng mày sẽ yên tâm là tao không trốn thoát.
Điên tiết vì sự ngạo mạn đến thế, mặt gã ta đỏ lừ lên.
- Mày tự xưng là một con chó. Vậy thì điều gì ngăn cản tao…. Gã ta vung nắm tay… Pierre rống lên, nhe răng ra và bắt đầu gào rống. Sự ngạc nhiên, đúng hơn là sự sợ hãi đã làm chùn bước hai gã bảo vệ. Một người đàn ông theo dõi cảnh tượng này từ xa. Ông ta khá trẻ, ăn vận chỉnh tề, râu cạo nhẵn, ánh mắt mạnh mẽ đầy quyền lực, tay cầm tờ bạc 50 franc, bước đến trước mặt hai gã bảo vệ:
- Cầm lấy, người anh hùng, anh ta nói nhằm về phía viên bảo vệ đã giơ nắm tay.
- Hãy đến quầy thu tiền, trả phần cái lon thịt hộp và mang trả tôi tiền thừa.
- Ông đã chứng kiến cả, thưa ông cảnh sát trưởng! Viên bảo vệ kêu lên, vô cùng sửng sốt, chúng tôi đề nghị ông dẫn gã này về bót.
- Các ông thấy đấy, chẳng có gì nghiêm trọng cả.
- Nhưng đó là một tên ăn cắp, một thành phần nguy hiểm.
- Nguy hiểm ư? Tôi không nghĩ vậy. Nhưng anh ta có thể trở nên nguy hiểm đấy. Tôi khuyên các ông là hãy thận trọng. Nếu không, chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ bị bao quanh bởi những con chó hung hãn.
Truyện ngắn. André Kédros (Pháp)
Cao Nguyệt Hoa dịch từ tờ Le monde diplomatique, tháng 3/1992
Chú thích:
1. Franc: Đơn vị tiền tệ của Pháp. Đồng franc Pháp lưu thông trên thị trường cho đến 2002 truớc khi sử dụng đồng tiền chung châu Âu Euro.
2. Baguette: Một loại bánh mì rẻ tiền nhất ở Pháp.
3. HLM (Habitation de loyer moderé): Nhà ở rẻ tiền.
4. Pinard: Một thứ rượu nho thông dụng ở Pháp.
5. B.B: Diễn viên Brigit Bardo.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...