Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
14:15 (GMT +7)

Kẻ bảo trợ

Truyện ngắn. Guy de Maupassant (Pháp)

Dịch giả: Trần Ngọc Hồ Trường

Anh ta chưa bao giờ nghĩ mình lại có một vận hội lớn như thế! Jean Marin là con trai của một viên lục sự ở tỉnh lẻ, cũng như nhiều người khác, anh ta đến học luật tại khu phố đại học Latin. Anh ta trở thành bè bạn của nhiều sinh viên ba hoa khi liên tục lui tới các quán bia khác nhau. Họ khạc nhổ vào các vấn đề chính trị khi uống bia. Anh ta thích thú với bạn bè, theo họ đến các quán cà phê, trả tiền cà phê khi có tiền.

Sau đó, anh ta trở thành luật sư, biện hộ cho các vụ kiện nhưng phần lớn đều thất bại. Một buổi sáng nọ, anh ta đọc báo và biết rằng, một người bạn cũ bây giờ đã là dân biểu.

Một lần nữa, anh ta lại là con chó trung thành. Những người bạn cũ giờ là kẻ lao dịch, kẻ đi chào hàng, khi đến tìm anh ta để được giúp đỡ, đều không thấy lúng túng. Thế rồi anh ta tình cờ trở thành nghị sĩ sau khi người bạn dân biểu trở thành bộ trưởng. Sáu tháng sau, Jean Marin được chỉ định làm cố vấn Hội đồng tư vấn tối cao.

Anh ta kiêu hãnh đến mất bình tĩnh. Anh ta ra đường, hứng khởi cho rằng người ta có thể đoán được địa vị của mình qua vẻ bề ngoài. Anh ta tìm cách nói với các chủ tiệm nơi anh ta đến, với người bán báo, người đánh xe ngựa một câu đầy ý vị: “Tôi là cố vấn Hội đồng tư vấn...”.

Ảnh minh họa

Một cách tự nhiên, anh ta thấy mình cần phải là một người bảo trợ nghiêm túc cho kẻ khác vì anh ta cho rằng mình có phẩm giá, nghề nghiệp của mình được cần đến và vì người ta muốn có một người quyền cao chức trọng nhưng hào hiệp. Anh ta giúp tất cả thiên hạ, tất cả các trường hợp với lòng hào hiệp vô tận.

Khi gặp bất kỳ ai quen biết trên đường, anh ta vui mừng sáp lại, nắm tay nắm chân, hỏi thăm sức khỏe và không chờ được hỏi, anh ta khoe:

“Anh biết đó, tôi là cố vấn Hội đồng tư vấn tối cao và để phục vụ anh. Khi anh cần điều gì, cứ hỏi tôi, đừng ngại. Ở vị trí của tôi, tôi phải dài tay”.

Và thế là anh ta đi cùng với người anh ta gặp vào quán cà phê, yêu cầu đưa một cây viết, một hũ mực và một tờ giấy viết thư: “... Tôi viết thư này để giới thiệu...”.

Thế là anh ta viết 10, 20, 50 lá thư gửi gắm như thế trong một ngày. Anh ta viết thư ở quán cà phê Américain, tại nhà Biguon, nhà Tortoni, ở Maison - Doréc, ở cà phê Riche, ở nhà Helder, ở Napolitain, ở tất cả mọi nơi. Anh ta viết thư cho tất cả các vị công chức, từ thẩm phán cho tới bộ trưởng. Anh ta thấy sướng vô cùng khi viết những lá thư ấy.

Một buổi sáng nọ, khi vừa ra khỏi nhà để đi đến sở thì trời đổ mưa. Anh ta định đi xe ngựa nhưng chần chừ và cuối cùng, cuốc bộ.

Mưa rào càng lúc càng to, làm ngập vỉa hè và lòng đường. Marin buộc phải đến núp dưới một cái cổng. Một thầy tu tóc bạc đã đứng sẵn ở đó. Trước khi làm cố vấn Hội đồng, Marin không hề thích giới tăng lữ. Nhưng giờ đây, anh ta trao đổi với ông ấy một cách chăm chú về việc một hồng y đã từng đến gặp anh ta để được tư vấn về một vấn đề phức tạp. Mưa lai láng, buộc hai người phải dời vào trạm gác của người gácdan (người canh gác cửa ra vào) để tránh bùn văng. Marin ngứa miệng, muốn nói gì đó để cho thấy giá trị của mình nên anh ta nói:

“Thời tiết thật quái quỉ, phải không ngài thầy tu?”

Ông thầy tu già nói:

“Ô, đúng, thật không hay cho người ta khi phải chỉ đến Paris trong những ngày này”.

“À, ngài ở tỉnh à?”

“Đúng rồi. Tôi đến đây có việc”.

“Thật vậy. Thật khó chịu khi thủ đô có mưa trong vài ngày. Tuy nhiên chúng tôi thì khác. Là công chức, chúng tôi ở đây quanh năm, không quan tâm mấy đến mưa gió”.

Ông thầy tu không nói gì. Ông nhìn mưa rơi càng lúc càng nặng hạt trên đường. Và bỗng nhiên, ông kéo áo chùng lên, như phụ nữ kéo váy lên để đi qua suối.

Marin thấy vậy nên nói:

“Ngài sẽ bị ướt đó, ngài thầy tu. Chờ một lát thôi, mưa sắp hết rồi”.

Ông thầy tu ngập ngừng rồi nói:

“Tôi đang có việc gấp. Tôi có một cuộc hẹn”.

Marin có vẻ thất vọng.

“Nhưng ngài chỉ cần chờ một chút thôi mà. Xin hỏi ngài cần đi đến khu phố nào?”

Ngài thầy tu lúng túng nói:

“Tôi đến gần lâu đài Palais - Royal”.

“Trong trường hợp này, nếu ngài muốn, tôi sẽ cho ngài mượn dù của tôi. Còn tôi sẽ đi đến văn phòng Hội đồng tư vấn tối cao. Tôi là cố vấn ở Hội đồng đó”.

Ngài thầy tu nghỉnh mũ lên nhìn người láng giềng, sau đó nói:

“Cảm ơn anh nhiều, tôi vui khi nghe như thế”.

Vậy là Marin khua tay múa chân tư vấn:

“Hãy nhìn dòng nước này, ngài thầy tu. Coi chừng xe cộ. Chúng sẽ làm bùn văng lên người ông từ chân tới đầu. Hãy chú ý tới dù của người trên đường. Đầu gọng dù không chỉ nguy hiểm cho mắt. Phụ nữ luôn không thể chịu nổi. Họ không chú ý gì hết. Họ sẽ cắm mũi nhọn của gọng dù vào người ngài. Họ luôn làm phiền kẻ khác. Họ nói thành phố này là của họ. Họ chiếm vỉa hè và đường phố. Tôi thấy họ thật kém giáo dục”.

Nói rồi Marin cười.

Ngài thầy tu không nói gì. Ông ta khom người xuống tìm chỗ đặt chân để cho giày và áo chùng không bị lấm bùn.

Marin hỏi:

“Ngài đến Paris để thư giãn à?”

Ông thầy tu đáp:

“Không. Tôi đến có việc”.

“À! Việc quan trọng không ngài? Tôi xin hỏi đó là việc gì? Nếu có thể, tôi sẽ giúp”.

Ông thầy tu lúng túng rồi thì thào nói:

“Ồ, việc nhỏ thôi mà. Một việc nhỏ... nhưng... khó, có liên quan đến giám mục của tôi. Chắc anh sẽ không thấy thú vị đâu. Đó là việc nội bộ của... giáo hội”.

Marin nhấn mạnh.

“Nhưng Hội đồng tư vấn tối cao có liên quan đến những việc như vậy. Trong vụ này, tôi có ích”.

“Đúng, thưa anh, tôi biết có Hội đồng tư vấn tối cao. Anh quá tốt bụng. Tôi sẽ phải gặp ông Leregène, ông Savon và có thể cả ông Petitpas”.

Marin lặng im chốc lát. “Nhưng đó là các bạn của tôi, ngài thầy tu ạ. Họ là bạn tốt, là đồng nghiệp tuyệt vời và là những người tử tế. Tôi sẽ nồng nhiệt gửi gắm ngài cho cả ba. Tin tôi đi!”

Ngài thầy tu rối rít cảm ơn. Marin thấy khoái chí.

“Hà. Ngài có thể thấy mãn nguyện vì ngài đã gặp được tôi. Ngài sẽ thấy nhờ tôi mà việc của ngài được trôi chảy”.

Họ đi vào văn phòng của Hội đồng tư vấn tối cao. Marin đưa ngài thầy tu vào phòng, kéo ghế mời ngồi, đốt lò sưởi sau đó anh ta ngồi vào bàn, bắt đầu viết:

“Các bạn đồng nghiệp quí mến. Cho phép tôi được gửi gắm một cách nồng ấm vị linh mục đáng kính, đáng được giúp đỡ. Đó là ngài...”.

Anh ta dừng lại và hỏi:

“Ngài tên gì, thưa ngài?”

“Thầy tu Ceinture”.

Marin viết tiếp: “Ngài Ceinture rất cần các anh giúp cho một việc nhỏ mà ngài sẽ nói với các anh. Tôi rất vui được gửi gắm ông ấy cho các anh...”.

Rồi anh ta kết thúc lá thư bằng lời khen ngợi, theo tập quán.

Sau khi viết xong 3 lá thư, anh ta trao thư cho ngài thầy tu và nói vô số lời cam kết.

Marin kết thúc một ngày làm việc mệt nhọc nhưng an bình, trở về nhà, ngủ say, thức dậy vui vẻ và cầm tờ nhật báo.

Trang đầu tiên anh ta lật ra có một bản tin của người cấp tiến. Anh ta đọc:

“Giới tăng lữ và công chức. Chúng ta không có ý định cho rằng toàn bộ giới tăng lữ là xấu xa. Nhưng có một linh mục tên là Ceinture được tin chắc là có âm mưu chống lại chính phủ hiện hành. Ông này đã có những hành động đáng phẫn nộ mà chúng tôi không chỉ ra đây. Ngoài ra ông ta còn bị nghi ngờ là một kẻ giả dối đội lốt thầy tu, bị giám mục cất chén thánh vì những lý do người ta khẳng định là đáng hổ thẹn, bị gọi lên Paris để giải thích cho các hành vi ứng xử của mình. Ông ta nhận được sự bảo trợ nhiệt thành của một người tên là Marin, cố vấn của Hội đồng tư vấn tối cao. Ông Marin không thấy sợ khi viết thư gửi gắm một kẻ xấu xa, ngụy trang bằng áo chùng, cho tất cả các công chức nước cộng hòa. Chúng tôi báo cho biết, thái độ không đúng mực của ông cố vấn Hội đồng tư vấn tối cao đang bị Bộ chú ý...”.

Marin đứng phắt dậy, mặc quần áo, chạy đến gặp đồng nghiệp Petitpas. Ông này nói với anh ta:

“Anh điên rồi hay sao mà gửi một kẻ già nua, có âm mưu cho tôi?”

Marin luống cuống nói:

“Nhưng không ạ... Anh thấy đó... Tôi bị lừa... Ông ta có vẻ của một kẻ đàng hoàng... Ông ta chơi tôi... Ông ta làm tôi giận dữ. Tôi van anh hãy trừng phạt ông ta thật nặng. Tôi sẽ viết thư. Cho tôi biết còn ai nữa sẽ trừng phạt ông ta để tôi viết thư. Tôi sẽ đi tìm công tố viên Tòa thượng thẩm và Tổng giám mục Paris, vâng, Tổng giám mục...”.

Sau đó, anh ta ngồi phịch xuống bàn của ông Petitpas và viết:

“Thưa các ngài, tôi xin quí ngài hiểu cho rằng, tôi là nạn nhân của các âm mưu và sự dối trá của một thầy tu tên là Ceinture. Ông này đã xúc phạm lòng chân thành của tôi. Tôi bị lừa bởi những cam kết của ông thầy tu này do đó tôi đã...”.

Sau đó, anh ta ký tên và dán phong bì rồi quay sang anh bạn đồng nghiệp, tuyên bố: “Anh thấy đó, anh bạn yêu quí, đây là một bài học cho tôi. Tôi sẽ không dám gửi gắm ai nữa đâu!”.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đêm Giao thừa

Văn học nước ngoài 1 ngày trước

Cuộc sống hào hoa

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Bánh quy gừng

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Một ngàn năm ở Tokyo

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Bí quyết mua xe cũ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Những vì sao

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Khi trúng số độc đắc

Xem tin nổi bật 3 tháng trước