Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
15:49 (GMT +7)

Hy vọng nẩy sinh từ tuyệt vọng (kỳ 2)

(Tiếp theo kỳ trước và hết)

(Cuộc trò chuyện giữa nhà văn Thiết Ngưng - Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc và nhà văn Nhật Bản đoạt giải Nobel văn học năm 1994 Oe Kenzaburo)

Thiết Ngưng (TN): Mỗi lần gặp nhà văn Oe Kenzaburo, mỗi lần đọc tác phẩm của tiên sinh tôi đều nhận ra có một sức mạnh. Chẳng hạn rất nhiều lần tiên sinh nói đến nỗi tuyệt vọng, chỉ người thực sự cảm thấy tuyệt vọng mới có được hy vọng. Tôi đã đọc bộ tiểu thuyết “Nàng Annabel Lee…”. Đọc xong có cảm giác đó là thơ. Chỉ nhà thơ mới viết ra được một bộ tiểu thuyết như thế này. 

Nhà văn Thiết Ngưng                                                               Nhà văn Oe Kenzaburo

Tôi rất tán thành ý kiến của nhà văn Đức Günter Wilhelm Grass, một cuốn tiểu thuyết hay là được sinh ra từ thơ. Cho nên tôi có cảm giác tiểu thuyết “Nàng Annabel Lee…” phải bắt đầu từ thơ, là lấy cảm hứng từ thơ mới ra được.

Oe Kenzaburo (OK): Đúng thế, hoàn toàn đúng như chị nói.

TN: Mọi đau khổ trong tác phẩm, cảm thấy sự “run rẩy thấu buốt” không phải là nhân vật chính mà là người đọc, kể cả tác giả. Đó là một sức mạnh thần bí. Đọc bộ sách này rất rất khó, rất không suôn sẻ. Nhưng cuối cùng tôi cảm nhận là mình tiếp thu được một năng lượng quí báu. Khoảng 1/3 cuốn tiểu thuyết, khi cô gái đến quê hương của nhà văn Kudai Tchenyi, lúc đó trên thực tế, hình ảnh người mẹ của Hakira đã trùng khớp với cô, sự đau khổ, nỗi oan khuất mà cô phải chịu đựng, đã thể hiện một sức sống mãnh liệt. Đó chính là nguồn của sức sống. Tôi nói nguồn là nói nơi bắt đầu của sức sống. Bằng sự đọc của mình, tôi cho tính cách của người phụ nữ Nhật là rất ôn thuận - ôn hòa và nghe lời. Nhưng qua tiểu thuyết của Oe tiên sinh, trong cách nhìn của tiên sinh hoặc là chính tiên sinh nói ra với chúng tôi, thì tính cách của người phụ nữ Nhật rất mạnh mẽ, rất kiên trì và rất quyết liệt. Hoa anh đào không yếu đuối, nó bung nở tung, rụng trắng mặt đất, rồi năm sau lại nở. Cho nên tôi cảm thấy trong tâm hồn của Oe tiên sinh chất chứa thiện ý, sự tôn trọng xuất phát từ đáy lòng.

OK: Đúng như chị đã chỉ ra, hiện tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết, nhân vật chính là em gái nhà văn. Nguyên mẫu nhân vật nhà văn là tôi. Bằng giọng kể của người em gái, cô chán ngán tất cả đàn ông, cô phê phán bọn họ. Đây rất có thể là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của tôi. Có thể gọi đó là cuốn tiểu thuyết nữ tính. Như chị nói, hình ảnh người phụ nữ cương cường là chủ đề lớn nhất của tôi…

TN: Tôi vẫn muốn nói thêm về cuốn tiểu thuyết “Nàng Annabel Lee…”, có được không tiên sinh?

OK: “Nàng Annabel Lee…” được chị yêu mến, khiến tôi rất vui. Được chị khen, tôi rất thích. Nếu chị công kích tôi, không biết tôi phải như thế nào đây?

TN: Không, tôi chỉ muốn bàn về cuốn tiểu thuyết thôi. Cô gái sau khi đi vào khu rừng rậm của bốn nước, cô có thể là hóa thân của người mẹ của Hakira, cũng có thể là một người bình thường. Người phụ nữ có sức sống mãnh liệt này, có thể là một ngôi sao màn bạc, cũng có thể là một nữ nông dân, không sao, điều đó không thật quan trọng, cũng có thể cô là tất cả những con người ấy, bởi vì sức mạnh đó là không thể ngăn trở. Trên thực tế tiên sinh viết về sinh nở, viết về các thế hệ, tiên sinh còn viết về mối quan hệ siêu quy phạm. Là vì có một truyền thuyết, mẹ của Hikaru nói với Hikaru, nếu con chết, mẹ còn có thể sinh con, chỉ cần mẹ còn, đất đai còn, rừng còn là còn có thể sinh nở. Tôi nghĩ rằng con người và tự nhiên đều là như thế, chúng là sức mạnh phi thường đánh động con tim, tôi nói là chúng đánh động con tim. Còn có một tình tiết nữa tôi đặc biệt chú ý, ấy là khi mọi người tham gia bạo động, mẹ Hakira nói với mọi người muốn phá thùng rượu lớn cần phải phá từ trên xuống mới xong. Chi tiết ấy khiến tôi cảm thấy sức mạnh của người phụ nữ. Tôi tưởng tưởng ra một phân cảnh của điện ảnh.

OK: Đấy là lời của mẹ tôi nói với tôi. Trước khi tôi lên Tokyo học, mẹ tôi bảo, bọn người xấu ở Tokyo nhiều lắm, đại học Tokyo là của người Tokyo, con lên đấy có thể sẽ bị bắt nạt, con nên chơi với các sinh viên từ nông thôn lên, đoàn kết thành một nhóm mà chống lại. Vùng quê hay có bạo động, khi phá những thùng rượu lớn, phá ở xung quanh rất khó, phải phá từ trên xuống. Con phải mang tinh thần ấy mà lên Tokyo, không sợ.

TN: Tôi nghĩ mẹ tiên sinh là một người rất mạnh mẽ.

OK: Hình ảnh bà mẹ trong tiểu thuyết có bóng dáng của bà.

TN: Thật lớn lao, người phụ nữ đối với thế giới quả có ý nghĩa vĩnh hằng.

OK: “Vĩnh viễn lâu bao lâu” là một tác phẩm viết về sự vĩnh hằng.

TN: Hai bộ sách này ở Nhật có thể xem là truyện dài chăng? Tôi muốn hỏi tiên sinh, ở Nhật như thế nào thì được xem là tiểu thuyết?

OK: “Vĩnh viễn lâu bao lâu” là tiểu thuyết.

TN: Ở Trung Quốc, tiểu thuyết phải có dung lượng từ 13 vạn chữ Hán trở lên.

OK: Ngày học trung học, tôi quen Itami Juzo, một chàng đẹp trai sau này là đạo diễn điện ảnh. Từ đó tôi quen em gái anh ấy, người bây giờ là vợ tôi. Từ đó tôi dấn thân vào con đường sáng tác. Chúng tôi lấy nhau, sinh được Daito. Cháu bị tật nguyền. Đêm tôi phải chăm sóc sửa lại tấm đắp cho cháu, từ đó nẩy sinh văn học. Nếu không có Itami Juzo giới thiệu, thì tôi làm sao quen được em gái anh. Sau khi cưới em gái anh, tôi đi vào con đường sáng tác. Nếu không có đứa con tật nguyền- một sự ngẫu nhiên- chắc không có sự nghiệp văn học của tôi hôm nay. Văn học của tôi sinh ra từ đây.

Tôi quen các nhà văn nữ từ sau khi 75 tuổi, không như Thiết Ngưng tiên sinh, vừa trẻ, vừa đẹp, vừa chu đáo mà lại rất chú ý lễ tiết. Một nhà văn như thế bây giờ là bạn tôi. Trước khi chưa biết kĩ về Thiết Ngưng tiên sinh, vừa mới nhìn thấy, tôi liền nghĩ, phụ thân của nhà văn này phải là nhân vật ghê gớm, chỉ có một người cha không tầm thường mới có thể dưỡng dục nên một người con gái như vậy. Phụ thân của vợ tôi cũng là một nhân vật ghê gớm. Ông không chỉ là một nhà đạo diễn điện ảnh nổi tiếng, mà còn là một nhà văn. Tác phẩm của ông viết ra luôn được đánh giá cao. Cá nhân tôi nghĩ, tốt nhất là nên kết hôn với con gái của các nhân vật ghê gớm, nhưng các cụ không nên quá thọ, bởi không áp lực sẽ rất đáng sợ. (Cười)

TN: Oe Kenzaburo tiên sinh, hôm nay tiên sinh và phu nhân đã mời thăm tư gia và tiếp đãi rất thịnh tình. Tôi mạo muội xin đưa ra một lời mời, nếu tiên sinh có cơ hội đến Bắc Kinh, tôi sẽ rất vinh hạnh được mời tiên sinh đến thăm tư gia?

OK: Rất cảm ơn chị. Nhưng xem ra tôi không thể đi Bắc Kinh được nữa, vì tuổi cao rồi. Cuốn sách tôi đang viết, có kế hoạch cuối năm nay sẽ ra mắt. Hoàn thành cuốn sách này là tâm nguyện lớn nhất của tôi hiện nay, cũng là công việc cuối cùng của tôi. Chắc tôi cũng không thể làm thêm gì nữa, nhưng sang năm ở Tokyo sẽ tổ chức một cuộc hội thảo về Oe và tôi cũng đã đồng ý, vì thế cũng phải chuẩn bị kĩ và tham gia.

TN: …Đối với phu nhân tiên sinh, không hiểu sao tôi đặc biệt kính trọng? Vì bà không chỉ là một người mẹ, người vợ phi thường mà còn là một nhà nghệ thuật tài hoa.

OK: Bà ấy vẽ, bà ấy là một nhà nghệ thuật.

TN: Nhưng bà ấy không giống những người đàn bà khác. Có một số người quá coi trọng bản thân, coi nhẹ gia đình. Tôi cảm thấy phu nhân đã hi sinh một số công việc để chăm sóc Oe tiên sinh và Daito, phu nhân thật là vĩ đại.

OK: Tôi rất rất tán thành cách đánh giá của chị.

TN: Tôi nghĩ một người phụ nữ cần chứng tỏ mình với xã hội, không nhất thiết phải rời bỏ gia đình.

OK: Chị chính là một ví dụ… Trong “Người đàn bà tắm” chị đã sáng tạo nên ba cô gái, trong hoàn cảnh khó khăn, họ có một ước mơ, làm một bữa tiệc. Nguyên liệu khó kiếm, nhưng bằng rất nhiều cách, cuối cùng họ cũng kiếm đủ. Trong ba cô, có một cô thuộc loại gái hư, có một cô làm công tác biên tập giống như Thiết Ngưng tiên sinh, làm việc tận tâm, chân thành học hỏi. Ba người, mỗi người sống theo lối riêng của mình. Cuối cùng, cô gái hư muốn thực hiện ước mơ thuở trẻ của mình, cụ thể có phải như vậy không, tôi nhớ không rõ, họ đã làm một bữa cơm. Ở đoạn này rất thu hút người đọc, rất đau đớn. Cả ba cô gái, bao gồm cô gái hư, trên thực tế đang tìm kiếm hy vọng từ trong tuyệt vọng. Có điều hết sức rõ ràng, cô gái ấy chết đi, còn cô gái khác vẫn phải tiếp tục sống. Nếu coi ba cô gái là một hình tượng thì họ rất có dũng khí, đã báo thù kẻ hành hạ cô nữ biên tập. Cuối cùng chỉ còn lại cô biên tập viên. Cô tiếp tục sống. Phía trước cô là hy vọng. Bản thân tôi là con người tuyệt vọng, dù tuyệt vọng nhưng tôi vẫn tìm kiếm hy vọng. Về điểm này, tôi và chị giống nhau. “Người đàn bà tắm” là trong tuyệt vọng tìm kiếm hy vọng. Tôi cũng vậy, trong tuyệt vọng tìm kiếm hy vọng.

TN: Năm 2009, tiên sinh đi Bắc Kinh và đã đặc biệt tìm tôi để nói những lời đó. Tôi rất cảm kích. Năm 1963, tiên sinh xuất bản truyện vừa “Tính người”, tôi sinh năm 1957, tức là tiểu thuyết “Tính người” của tiên sinh xuất bản lúc tôi mới 6 tuổi. Bối cảnh của truyện là vào những năm 1950? Khoảng trước sau năm 1957, tác phẩm miêu tả tâm lí của đám thanh niên Nhật sau chiến tranh. Tôi chú ý thấy, trong tất cả các luận văn của tiên sinh, tác phẩm “Tính người” không được nhắc đến nhiều, nhưng tôi rất coi trọng tác phẩm này. Tiên sinh đã viết về những thiếu nữ hư, và cả những thiếu niên hư.

OK: Vâng, tôi đã viết thế. Thiết Ngưng tiên sinh viết truyện ngắn, nhưng tôi nghĩ, tiên sinh có năng khiếu viết tiểu thuyết. Trung Quốc là một nước lớn, lãnh thổ rất rộng, mọi giai tầng đều có, có thành thị, có nông thôn. Người viết có thể bao quát các khu vực, có thể xây dựng các hình tượng nhân vật của các giai tầng, của lớp trí thức, của các cô gái hư…một cách hoàn mỹ, rất phù hợp với tiểu thuyết. Ngoài ra, tôi còn muốn nói đến những người phụ nữ trong lịch sử Trung Quốc, như Tạ Băng Tâm, Hứa Quảng Bình, phu nhân của Lỗ Tấn tiên sinh. Họ đều là những phụ nữ ưu tú, để lại những tác phẩm ưu tú. Tôi đang nghĩ, vào quãng những năm 30 tuổi, họ là người như thế nào? Đến quãng 50 tuổi họ ra sao? Bây giờ cứ coi chị là rõ. (Cười)

TN: Oe tiên sinh quá khen rồi. Thật đấy, tôi không khách khí đâu. Bởi vì, khoảng 30 năm lại đây đã xuất hiện một lớp nhà văn nữ, tôi tự đánh giá mình không phải loại xuất sắc nhất, chẳng qua là tôi chịu viết. Cũng có thể tác phẩm của các nhà văn nữ Trung Quốc được dịch ra tiếng Nhật còn chưa được nhiều. Bởi vì trong một xã hội nam quyền, chúng ta thường nghe họ khen một nhà văn nữ, là nữ viết vậy là tốt rồi. Nhưng Oe tiên sinh không nghĩ thế. Tôi thật không dám nhận những lời khen, bởi tiên sinh bình luận với một cảm tình riêng, không như một số nhà phê bình đã phê bình.

OK: Vừa rồi tôi xưng hô Thiết Ngưng tiên sinh, giờ đổi là tiên sinh. Truyện ngắn của tiên sinh dĩ nhiên rất hay, nhưng tôi vẫn cho rằng tạng của tiên sinh hợp với tiểu thuyết.

TN: Hiện nay tôi đang chuẩn bị cho một cuốn tiểu thuyết. Vì thời gian luôn bị gián đoạn. Viết tiểu thuyết cần được cách li một thời gian, phải được dành hẳn một khoảng thời gian, nhưng nay tôi không có tư cách đó.

OK: Mỗi người đều có công việc của mình cần làm, đó là đất sống. Công việc của chị là sáng tác…

Trong tác phẩm của mình, Thiết Ngưng tiên sinh đã xây dựng hình tượng người phụ nữ mới. Chẳng hạn trong “Người đàn bà tắm” là các hình tượng về người phụ nữ mới. Ngoài ra, đáng chú ý hơn, người mẹ của cô gái hư là một phần tử trí thức bị đầy đọa trong “đại cách mạng văn hóa”. Người đàn bà ấy trong hoàn cảnh tuyệt vọng, trước khi tự sát, vẫn gửi gắm hy vọng vào người con gái. Và người con gái tiếp tục sống nhờ nguồn hy vọng ấy. Việc mô tả thật quá giỏi, chỉ Thiết Ngưng tiên sinh mới làm được. Trước đây tôi cho rằng văn học tiếng Tây Ban Nha thuộc hàng ưu tú nhất, nhưng nay tôi chú ý đến một hiện tượng là các nhà văn Trung Quốc như Thiết Ngưng, Mạc Ngôn… đã sáng tác bằng tiếng Trung Quốc được thế giới chú ý. Không còn nghi ngờ gì nữa, trong vòng 30 năm tới văn học Trung Quốc sẽ chiếm vị trí trung tâm của văn học thế giới. Thiết Ngưng tiên sinh, việc chị phải làm là trong vòng ba mươi năm tới phải viết được cuốn tiểu thuyết hay hơn nữa.

TN: Tôi sẽ ghi nhớ kĩ lời của tiên sinh. Buổi tối hôm nay đối với tôi thật là khác thường. Tôi nghĩ, một mặt tôi phải nỗ lực, mặt khác với cương vị của mình, nếu tôi làm được gì đó có lợi cho các đồng nghiệp thì cũng rất tốt.

OK: Đúng vậy.

TN: Mạc Ngôn gần đây có một cuốn tiểu thuyết, bắt đầu bằng việc tác giả viết cho một nhà văn nổi tiếng lớp trước một bức thư, lấy đó tổ chức kết cấu tiểu thuyết. Tôi nghĩ rằng, vị nhà văn tiền bối đó, trên thực tế chính là tiên sinh. Tôi không biết văn bản tiếng Nhật của cuốn tiểu thuyết đó đã dịch xong chưa, và tiên sinh có biết cuốn tiểu thuyết này không?

OK: Tôi hy vọng sớm được đọc cuốn tiểu thuyết này.

TN: Mạc Ngôn để cho việc trao đổi thư từ quán xuyến suốt cuốn tiểu thuyết.

OK: Tôi đoán là trong tiểu thuyết, Mạc Ngôn có viết về Bà đỡ, cũng tức là viết về bà mẹ của ông ấy.

TN: Vâng, đúng.

OK: Tôi cũng đã được gặp mẹ ông ấy.

TN: Nói chuyện với Oe tiên sinh bao giờ cũng cảm thấy thời gian quá ngắn. Vừa muốn nghe tiên sinh nói, lại vừa muốn trình bày ý kiến của mình. Hồi tháng 9 tôi có đi thăm quê hương Mạc Ngôn. Hiện nay ở Cao Mật có bảo tàng văn học Mạc Ngôn. Trong bảo tàng ấy có ảnh của tiên sinh và Mạc Ngôn. Ở đấy còn có một xưởng rượu Nhật, bởi vì thích “Cao lương đỏ” của Mạc Ngôn nên người ta làm xưởng chuyên chế rượu cao lương đỏ. Tôi có cảm giác rằng tình cảm của Mạc Ngôn đối với tiên sinh như là tình cảm của người con đối với cha. Vùng đất Cao Mật và người dân địa phương rất tự hào vì có Mạc Ngôn. Không biết có ai dịch “Ếch” của Mạc Ngôn chưa? Có ai dịch chưa?

OK: Hiện giờ tôi không biết. Chỉ mong sớm được đọc bản dịch tiếng Nhật.

TN: Tháng 01 năm ngoái thăm Bắc Kinh, tiên sinh có nhắc đến dịch giả Phạn Mông Dung. Tôi đã nói với Phạn Mông Dung những lời bình luận của tiên sinh, anh ấy đã rất ngỡ ngàng.

OK: Trước đó, Phạn Mông Dung có đưa Cao Hành Kiện đến thăm tôi. Trong lúc nói chuyện có nhắc đến việc Mạc Ngôn đang viết “Ếch”, tôi nói với anh ấy rằng nhân vật nhà văn già người Nhật tên Iza Daneku được lấy từ nguyên mẫu thực tế là tôi, anh ấy đã rất kinh ngạc phải kêu lên. Tôi còn nói với anh ấy rằng, đoạn đối thoại giữa bà mẹ với nhà văn già Nhật chính là ghi lại những lời đối thoại thực giữa Bà đỡ đáng kính và tôi vào Tết năm 2002 khi tôi tới thăm Cao Mật quê hương Mạc Ngôn. Lúc đó Phạn Mông Dung lại càng tỏ ra kinh ngạc. Ha ha ha ha. Anh ấy tỏ vẻ nghi ngờ hỏi tôi, bộ tiểu thuyết của Mạc Ngôn mới phát hành ở Trung Quốc, chưa hề có bản tiếng Nhật làm sao mà ông biết? Ha ha ha ha. Tôi dọa anh ta thế.

TN: …Tôi muốn quay lại vấn đề đang nói bị ngắt quãng, đó là con người thế nào thì gọi là bình thường, thế nào gọi là bệnh tật. Thực ra, về mặt nào đó mà xét, chúng ta đều mang bệnh. Toàn bộ nhân loại đều mang bệnh. Chúng ta được gọi là bình thường vì chúng ta đã giấu kín bệnh tật. Cậu bé Daito có thể là rất thản nhiên sống, không đề phòng gì cả, hoàn toàn phơi bày con người mình ra trước thế giới. Tôi nghĩ thật khó nói điều đó là bình thường. Còn có rất nhiều người gọi là bình thường trong chúng ta thì lại che giấu việc chữa trị bệnh tật. Đây cũng là một vấn đề mà văn học cần đối mặt.

OK: Tôi rất tán thành quan điểm của chị. Thực ra đây cũng là vấn đề mà tôi luôn suy ngẫm. Con người hiện nay luôn nói rằng mình bình thường, không chỉ cá thể mà là cả quốc gia, rằng tôi là người bình thường, tôi là chính nghĩa. Nhật Bản cũng vậy, Mỹ cũng vậy, Nga  cũng vậy, đương nhiên Trung Quốc cũng như vậy. Mọi người đều nói mình có chính nghĩa, rằng mình rất chính đáng, còn người khác thì không chính đáng. Nhìn lại lịch sử, Thiên Chúa giáo thời kì văn học Phục hưng Pháp tự cho mình là chính xác, tân giáo cũng chủ trương mình là chính xác, từ đó dẫn đến các kiểu đấu tranh với nhau. Vấn đề bây giờ lại là anh tự cho mình là chính đáng, còn đối phương nhất định là không chính đáng, phải bị tiêu diệt. Kiểu suy nghĩ đó là rất không bình thường. Hiện nay, dù là cá nhân hay quốc gia đều không thừa nhận là mình có bệnh tật. Còn có loại không biết là mình sinh bệnh, giấu bệnh đi nói là không có bệnh.

Hàng ngày tôi đọc báo, thấy suốt ngày nẩy sinh đủ các loại vấn đề, khiến con người cảm thấy tuyệt vọng. Nước Mỹ, nước Nga v.v… đương nhiên hiện nay càng ngày càng nói về Trung Quốc. Liệu có thể nhận ra những người sống trong tăm tối đang chết dần trong tuyệt vọng, hy vọng mọi người có thể ghi nhớ về những người này, làm cho hình ảnh của họ hiện ra trước mắt của nhiều người hơn nữa. Những người bình thường liệu có thể quan tâm đến những người có bệnh, thực sự hiểu họ, gần gũi dần với họ, để xác nhận rằng họ đúng là có bệnh để hiểu mình có thực là người bình thường không. Đó chính là sự khoan dung. Con người liệu có thể đạt đến khoan dung không? Mỗi ngày đọc báo xong, tôi đều cảm thấy tuyệt vọng, nhưng sáng hôm sau lại phải cùng với Daito bắt đầu một ngày, lại phải tiếp tục viết. Nếu không từ trong tuyệt vọng kiếm tìm hy vọng thì thực là quá tuyệt vọng. Đó chính là nhiệm vụ của văn học. Đối với văn học Mỹ, văn học Nhật hay văn học Trung Quốc thì đó chính là trách nhiệm. Đó cũng chính là hy vọng bắt đầu từ tuyệt vọng. Không chỉ tôi là như vậy, mà thực ra Thiết Ngưng tiên sinh cũng là như vậy.

TN: Thực ra ngay trong “Tự thuật của Oe Kenzaburo qua lời kể” trước lúc tiểu thuyết “Nàng Annabel Lee chết yểu trong giá buốt” ra đời, tiên sinh đã kể một chuyện. Rằng có một phụ nữ chuẩn bị sinh con, trong lời giới thiệu cuốn sách tôi cũng đã viết, tiên sinh đã chúc phúc cho người đàn bà sinh ra một con người hoàn toàn mới, mới hơn tất cả mọi người, sẽ dùng một thứ ngôn ngữ hoàn toàn mới, không phải tiếng Nga, cũng không phải tiếng Nhật, là một thứ ngôn ngữ hoàn toàn mới. Tôi có cảm giác, Oe tiên sinh ở vào tuổi như hiện nay mà còn say đắm như thế, thật sự làm cho người ta hết sức xúc động. Trong bộ tiểu thuyết tiếp sau là “Nàng Annabel Lee…” lại khiến tôi nghĩ đến sự sống sinh sôi nẩy nở, cảm thấy sức mạnh của sự sống như cơn hồng thủy, không thể ngăn trở. Tôi thấy niềm hy vọng mà Oe Kenzaburo gửi gắm ở trong đó. Và niềm hy vọng phần lớn gửi gắm ở nơi người phụ nữ, bởi vì ở Trung Quốc, người phụ nữ là tượng trưng cho sự thông tuệ và kiên nhẫn.

OK: Đúng là như thế. Lần này trong cuốn tiểu thuyết mới tôi sẽ viết, hy vọng không gửi gắm ở đàn ông mà là gửi gắm ở nơi đàn bà.

Hà Phạm Phú dịch

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước