Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
20:39 (GMT +7)

Hương vị người Thái Nguyên

VNTN- Tôi không có người thân nào ở Thái Nguyên. Nhưng tôi đã có một nhân vật, một người bình thường, hào sảng, thi vị của đồi núi Thái Nguyên.

Nhân vật Khoái, ảnh năm 2016, nguồn: cand.com.vn

Gần 30 năm trước, tôi được biết một người sinh ra ở chính đất Thái Nguyên, nơi có đủ hương vị đậm đặc không thứ gì sánh được của vùng chè Tân Cương. Anh, vốn là nhân vật đặc biệt có tên là Khoái. Khoái, trong tiểu thuyết “Một phút và nửa đời người” của nhà văn Triệu Bôn.

Nhà văn Triệu Bôn làm việc với một nữ nhà báo nước ngoài. Nguồn: cand.com.vn 

Khoái vừa bước từ trong nhà tù ra ngoài đời, vừa được tự do, lại vừa hay tin nhà văn viết về mình bị ốm. Khoái cạy cục hỏi thăm rồi đi từ Thái Nguyên về Hà Nội, vào Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô thăm hỏi nhà văn. Thời đó một người vừa ở tù ra, hiểu được giá trị của tự do quý giá nhường nào. Khoái không giống một ai trong cách thăm hỏi.

Hồi đó, đi thăm người bệnh mà có một hộp sữa bò và một cân đường trắng đã là một sự cố gắng lớn. Năm 1993, đời sống thường dân còn chật vật lắm. Vậy mà nhân vật Khoái xách theo một cái chai 65ml, không phải sâm nhung; không phải sữa; càng không phải rượu… Chàng Khoái bọc nó trong báo, rồi cho vào cái túi vải cũ đeo trên vai, đi xe khách. Hỏi thăm mãi rồi cũng gặp được người muốn tìm trong bệnh viện. Rụt rè anh ta hỏi, rất kính cẩn: “Thưa, bác Triệu Bôn, bác còn nhận ra em không? Em là Khoái ở Trại giam Phú Sơn?”. Mặc dù còn rất mệt, nhà văn Triệu Bôn đang liệt nửa người vẫn cố nhỏm dậy khẽ reo, mừng rỡ: “Ôi, Khoái, chú ra rồi đấy à?. Lại còn lặn lội xuống thăm anh. Khổ, mưa gió, lạnh thế này!”.

Trên người Khoái, áo lấm tấm nước mưa, Khoái vui mừng kể lại sau lần nhà văn lấy tư liệu ở trại Phú Sơn. Lần đó nhà văn gặp Khoái trong tù, anh Triệu Bôn cũng phải cắt tóc húi cua, trên đầu trọc lốc. Khi về nhà vợ con nom sợ lắm, con giai anh, mới 4 tuổi khóc thét, không dám lại gần bố.

Khoái thủ thỉ “anh ạ, em nổi tiếng ở trong tù không phải vì giang hồ hảo hán gì? mà vì tiểu thuyết anh viết về em, từ người quản giáo đến bạn tù đều đọc, truyền tay nhau, nhàu nát cả quyển sách”. Khoái thấy những giọt nước mắt đục, lăn trên gương mặt nhà văn Triệu Bôn thật cảm động. Trong nghề viết không gì bằng món quà vô giá của bạn đọc tặng lại cho mình, những cảm xúc, sự thức tỉnh nhân văn. Khoái có cách sống “hảo hán” của một người làm nghề đào vàng. Cậu ấy từng phạm tội vì đủ lý do, vì cái “máu đàn ông” luôn sôi sùng sục trong người. Cậu ấy tù tội và thức tỉnh. Khoái giàu có, và từng trắng tay vì vàng. Nhất là khi đọc xong “Một phút và nửa đời người”, Khoái đã sống khác đi rất nhiều. Anh hiền lành và thiện lương. Khoái nói, đã đi trồng rừng, trồng sắn và trồng chè nuôi con gái nhỏ. Vợ Khoái ốm đau, con còn nhỏ lắm, vẫn chạy ăn qua ngày.

 Rồi thư thả, Khoái mới lôi trong cái túi cũ ra một chai 65ml, không phải rượu, không phải sữa mà là… vàng. Vàng cám. Khoái nói: “em không có gì ngoài chai vàng cám này, đem biếu anh. Nghe tin anh ốm, thú thực em không còn tiền, chỉ có tí quà này nhờ anh nói với chị bán đi đổi ra ít tiền tiền mua thuốc cho anh!”.

Nhà văn Triệu Bôn  cố gắng lắm mới nhỏm hẳn nửa người và mặt anh hơi cau có không rõ vì đau hay vì giận, đáp lễ: “Em nghe anh, hãy cất ngay chai vàng cám đi. Chú đừng để vàng xen vào giữa anh và chú!”. Triệu Bôn đợi cho Khoái cất chai vàng cám đi, nói tiếp: “Anh không đến nỗi nào. Được nhìn thấy chú tự do, về nhà lo cho vợ con chặng cuối là anh mừng cho chú. Đừng giận anh, mang món quà này về cho con gái, nhé”.

 Rồi mai kia khỏe lại, anh còn lên chơi Thái Nguyên với chú, đi lại các địa điểm lịch sử của vùng Định Hóa, ngồi uống chè đinh với chú, anh còn viết tiếp cuốn tiểu thuyết khác cũng nên.

 Lần đó ở trong bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, tôi nhìn thấy hành lang trắng xóa, bóng dáng nhân vật trong tiểu thuyết vẫn lầm lụi, rất đáng thương. Với những lời khích lệ của nhà văn an ủi, chân tình, Khoái ôm cái túi đựng chai vàng cám ra về. Nhân vật của tiểu thuyết ngoài đời có cuộc gặp gỡ lần thứ hai, sau ngày ở trại Phú Sơn cùng nhà văn, thì lần này ở tại bệnh viện, được gặp gỡ người viết về mình là niềm hạnh phúc nhất với riêng Khoái.

Mười năm sau cuốn tiểu thuyết của nhà văn Triệu Bôn được tái bản khi nhà văn đã mất. Tôi được nhà văn nhắn gửi lại: “Em nhớ mang mấy cuốn tiểu thuyết  Một phút và nửa đời người tặng Khoái giúp anh”.

 Cũng vào dịp chớm đông. Tôi đã lên Thái Nguyên, qua thành phố, thuê xe ôm tìm đến một địa chỉ có ngôi nhà của Khoái. Nhà khóa cửa, nghe nói anh lại đi kiếm việc làm và vợ con thì về nhà ngoại. Không có cách nào bỏ nổi quyển tiểu thuyết vào trong nhà.

 Tôi treo nó ở tay nắm cửa rồi ra về, chỉ mong ở đó, đúng là ngôi nhà của Khoái. Tôi thật sự mong được gặp Khoái, nhắn lại lời nhắn gửi của một nhà văn cho nhân vật của mình và ước gì, nhân vật Khoái được yên hàn, có đủ cơm no áo ấm, và bình yên trong khát vọng của nhà văn .

Thời gian cũng đã trôi đi 28 năm kể từ chuyến thăm ở bệnh viện. Một người từng đi thăm người viết bằng một chai vàng cám và lủi thủi mang về trong chiều mưa lạnh năm nào. Sau lần ở bệnh viện ra, nhà văn Triệu Bôn còn day dứt mãi vì lo không biết Khoái có đủ tiền tàu xe về Thái Nguyên hay không? Khi Khoái vừa mới ra tù đã  đem dốc cả tài sản đi  thăm người ốm, dù đó chỉ là một nhà văn. Một nhà văn chỉ hơn kẻ ăn mày một bậc (ý của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp). Ám ảnh  một chai vàng cám năm nào của Khoái, nó còn cao hơn vàng là tình anh em, trượng nghĩa. Cao hơn vàng là tình người, là cánh đồng chữ của vàng đen. Tình nghĩa mênh mông không giới hạn. Không gì có thể thế chấp, ngoài trái tim yêu thương con người.

Tôi không có người thân nào ở Thái Nguyên. Nhưng tôi đã có một nhân vật, một người bình thường, hào sảng, thi vị của đồi núi Thái Nguyên. Khoái, vốn đầy những đau khổ, Khoái can trường và tình cảm. Khoái, có số phận đặc biệt, giống như vị của chè đinh, muốn nâng trên tay thưởng lãm hương, không dễ uống ngay mà phải để thấm vị. Hương và vị của phận người Thái Nguyên chắc còn nhiều ẩn khuất trong hồn người Việt, như “sỏi đá cũng cần có nhau” vậy.

Lộc Vừng

(Hà Nội)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Cầu Huy Ngạc trong tôi

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Đồi Dung

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Chã - nơi ấy có mẹ chồng tôi

Xem tin nổi bật 8 tháng trước

“Người Gang Thép!”

Xem tin nổi bật 9 tháng trước