Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
17:27 (GMT +7)

Hương sắc tháng Tư

Mỗi khi ngồi cùng bạn bè nhấp chén chè thơm của quê nhà bên quán nước vỉa hè, trong tôi lại trào lên nỗi nhớ quê hương Thái Nguyên với bao kỷ niệm ùa về.

Tác giả (phải) chụp ảnh với mẹ trong một lần về thăm quê

Nhà tôi có trồng mấy sào chè trong vườn. Nhiều lúc thấy ba cầm cuốc vun xới, nâng niu chăm sóc cho những cây chè thật là cẩn thận, tôi thấy cảm động.

Ba bảo:

- Chè nhà mình trồng được, tự sao lấy uống ngon lắm con à!

Tôi cũng rất quý cây chè trong vườn, vì một phần kinh tế của gia đình lúc đó dựa vào nó.

Ngày đi học Sư phạm Việt Bắc, cứ hai tuần, tôi lại về hái chè giúp ba mẹ. Những búp chè non tơ mơn mởn, dưới làn gió bay bay. Ba bảo:

- Không được dứt mà phải hái con nhé!

Khi bắt đầu hái ba nói to:

- Nhớ một tôm hai lá, một cá hai chìa!

Tôi chưa hiểu thế nào là một tôm hai lá, một cá hai chìa, ba chỉ cho tôi và nói:

- Là hái một cái ngọn gồm có búp và hai lá. Muốn có chè ngon gọi là chè móc câu, thì phải hái đúng như thế. Khi sao nó đẹp và bán đắt hơn con nhé!

Thế là cả buổi hái, tôi cứ nhẩm "Một tôm hai lá một cá hai chìa" .

Thường thường, vườn chè nhà tôi rộng nên phải hái đến tận trưa mới xong. Những lúc khát nước, mệt, tôi ngồi nghỉ luôn tại luống chè, vạch dưới tán lá có những quả chè tôi vặt lên, lau lau vài cái rồi cắn nó vỡ ra. Ôi! Bên trong một khối chất lỏng như những cục thạch trắng, kề miệng vào hút chụt một cái, cục thạch đó trôi vào trong miệng rất mát và thoảng vị hơi chát nữa. Có hôm, tôi thấy mẹ ra hái những chiếc lá già, cho vào kho cá ăn rất là thơm ngon.

Chè quê tôi như vậy đấy, khi hái xong mẹ nhóm bếp để sao. Với chiếc chảo rộng vành và to, ngọn lửa bập bùng phía dưới, đợi chảo nóng, mới cho chè tươi vào đảo tái rồi bỏ ra nia. Lấy hai tay vò thật kỹ, rồi lại cho vào sao và điều chỉnh ngọn lửa đến khi búp chè xoăn tít, cong như cái lưỡi câu thì thôi.

Sau vài tiếng đồng hồ, những búp chè đều nhau, khô cong sẽ được chuyển sang lấy hương bằng cách đảo đều trên chảo nóng già tay khoảng 2 - 3 tiếng đồng hồ. Sau khi lấy hương, những búp chè có vị thơm ngậy được bao bọc một lớp phấn trăng trắng trông sáng và đẹp mắt.

Ba tôi là người đầu tiên thưởng thức mẻ chè do chính tay ba trồng. Ba ngẩng đầu nhìn lên trời, đôi mắt lim dim, cái miệng thì chẹp chẹp. Tôi không thể tả được cảm giác sung sướng, thỏa mãn của ba khi được tận hưởng hương vị nồng nàn, chan chát ngòn ngọt, thanh tao của mẻ chè vừa có được. Ba cũng đưa cho tôi thử, càng chép miệng tôi càng thấy vị ngòn ngọt, thao thảo trong cổ họng, thật dễ chịu.

Năm ngoái, cũng trong tiết tháng Tư như này, tôi về quê và đến tham quan mấy nơi trồng chè nổi tiếng của tỉnh. Như vùng chè xã Tân Cương của thành phố Thái Nguyên, một vùng đất địa lợi nhân hoà có một nguồn nước, khí hậu ưu ái để tạo nên một vị hương ngọt ngào quyến rũ không nơi nào có. Tiếp nữa là vùng Đại Từ, với đất đai thổ nhưỡng thuận lợi, nguồn nước và khí hậu dung hoà ở ven chân Tam Đảo tạo nên những hương vị chè đặc biệt. Và đây nữa, tôi bắt gặp những đồi chè xanh rờn của huyện Đồng Hỷ nằm sát bên bờ sông Cầu...

Màu xanh của chè được phủ lên những đồi trọc xưa kia trông thật là đẹp mắt, huyền diệu vô cùng. Những búp chè mọc lên tua tủa, non mỡn dưới những cơn gió xuân thỉnh thoảng lại rung rung như vẫy chào đón khách. Tôi cũng gặp rất nhiều đoàn thăm quan, họ ở nhiều tỉnh trên toàn quốc đến đây, vừa khám phá những điều mới lạ về quy trình chăm bón, chế biến chè, vừa chụp ảnh “check in” cùng màu xanh bạt ngàn của những nương chè đó. Rồi còn được thưởng trà miễn phí với những trà nương xinh đẹp nhiệt tình giới thiệu, quảng bá sản phẩm trà của họ.

Giờ đây, chè Thái Nguyên quê tôi như một món hàng đặc sản "Đệ nhất danh trà". Với sự cần mẫn và cả tình yêu của những người nông dân Thái Nguyên dành cho trà, lại được sự hỗ trợ của kỹ thuật tiên tiến, của du lịch và quảng bá mạnh mẽ trên internet ra toàn thế giới, mỗi năm đã cho ra thị trường hàng trăm nghìn tấn chè búp tươi, doanh thu đạt hơn 10.000 tỷ đồng.

Trở lại Thái Nguyên, tôi đi thăm nội đô của “thành phố thép”, thủ phủ Khu Tự trị Việt Bắc xưa, quê hương An toàn khu kháng chiến nay đã thay da đổi thịt. Cây cầu Gia Bẩy cho tôi bao kỷ niệm thời chiến tranh chống Mỹ giờ đây vẫn sừng sững mặc cho thân mình còn mang bao chứng tích của chiến tranh. Chỉ cách đó chừng 1km, cây cầu Bến Tượng hoành tráng và hiện đại đã hiện hữu, chạy sát ngay Chợ Thái nổi tiếng. Những con đường rộng lớn trải ra, toả đi muôn nơi. Những khu đô thị mới, các tòa nhà cao tầng đang mọc lên, lấp lánh dưới ánh mặt trời.

Tôi thầm nghĩ: Cùng với sự lãnh đạo của Đảng bộ và các cấp chính quyền, thì sự quyết tâm đồng lòng, kiên trì vượt qua gian khó của những người dân đã làm cho Thái Nguyên có được diện mạo như ngày hôm nay. Đây cũng là niềm vui lớn nhất của tôi mỗi khi trở về thăm quê.

Có một sợi dây gắn kết tôi với Thái Nguyên mỗi ngày. Đó là mỗi khi đi dạo qua các tuyến phố ở thành phố Hải Phòng, tôi lại bắt gặp một số cửa hàng có biển hiệu bán chè Thái Nguyên. Đặc biệt số nhà 66 phố Cầu Đất có biển đề "Chè Ấm Vàng" từ mấy chục năm nay rất uy tín và lan tỏa trên toàn quốc.

Tác giả và ông Đàm, chủ cửa hàng "Chè Ấm Vàng"

Chủ cửa hàng là ông Cao Xuân Đàm. Ông vốn là người xã Thuận Thành, huyện Phổ Yên xuống Hải Phòng lập nghiệp. Lúc đầu ông làm ở Công an Thành phố, sau chuyển sang làm Phó Giám đốc Công ty Bách hóa Thương mại Minh Khai. Vì quyến luyến với hương trà quê hương, ông bà mở cửa hàng bán nước chè ở thành phố Cảng. Sau này, khi về hưu, ông vẫn tiếp tục duy trì cửa hàng và chuyên bán chè búp khô Thái Nguyên. Nay cửa hàng của ông có thể nói là nơi bán chè Thái Nguyên nổi tiếng nhất ở Thành phố.

Cứ mỗi lần đi qua cửa hàng của ông Đàm, tôi lại nhớ tới quê hương, nhớ những đồi chè của gia đình tôi ở xã Nam Tiến. Từ khi Phổ Yên nâng cấp lên thành phố, thì khu vực Nam Tiến trở thành khu Quảng trường và trung tâm hành chính mới rất to đẹp. Các cửa hàng, phố đi bộ và biệt thự mọc lên san sát. Những đồi chè ở quê tôi giờ không còn nữa, người dân đã chuyển đổi sang những cây trồng khác kinh tế hơn. Dẫu vậy, hễ cứ nhớ về quê, tôi lại nhớ đến những đồi chè và như còn thấy cả mùi cốm ngậy mỗi khi mẹ đảo chè lấy hương. Nhiều lúc mẹ và các em tôi cứ bảo: “Về quê mình ở đi con, giờ quê mình đẹp lắm rồi!”. Và quả thật, tôi đang có ý định trở lại quê nhà sinh sống sau năm mươi lăm xa cách.

Tôi tự hỏi có phải hương vị chè Thái Nguyên kia cũng đã góp phần làm thay da đổi thịt bộ mặt của quê hương. Và hơn thế, hương chè ấy đã níu giữ hồn quê, níu chân những người con Thái Nguyên mỗi khi trở lại.

Tôi yêu quê hương Thái Nguyên đến nhường nào!

Hải Phòng, 14/4/2023

Nguyễn Kim Dung

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đồi Dung

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chã - nơi ấy có mẹ chồng tôi

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

“Người Gang Thép!”

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Một miền quê yêu dấu

Tôi và Thái Nguyên 9 tháng trước

Tiếng gọi điều công

Tôi và Thái Nguyên 9 tháng trước

Lũng Luông kỉ niệm

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước

Phúc Lộc – làng quê êm đềm tuổi thơ tôi

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước