Hương quê thơm khắp mọi miền
VNTN- Trong đời, tôi đã nhiều lần xa quê, thời gian dài có ngắn có. Và mỗi lần chứng kiến cái hương vị mang tên Thái Nguyên được lan tỏa trên mọi vùng miền, tôi lại thêm yêu, tự hào về mảnh đất của quê mình.
Vùng chè Hoàng Nông, huyện Đại Từ. Ảnh minh họa: Phan Thái
Tôi là người con của Thái Nguyên, đi đến miền nào, gặp bất cứ người bạn mới nào biết tôi ở Thái Nguyên đều bảo: Quê anh có chè ngon lắm! Tôi biết nhiều người chưa bao giờ đặt chân đến mảnh đất quê tôi. Họ chỉ được thưởng thức hương vị của trà để biết về một đặc sản đã nổi tiếng hàng trăm năm nay của mảnh đất này. Còn tôi, tôi sinh ra ở đây, nắng gió, buồn vui có bao kỷ niệm gắn bó với cuộc đời mình. Nó máu thịt, sâu nặng lắm.
Để ai đã từng đến với Thái Nguyên thì nhớ lại. Ai chưa bao giờ đặt chân tới sẽ hình dung mảnh đất quê tôi. Nếu bạn đi từ Hà nội lên theo hướng bắc, bạn sẽ thấy dãy núi Tam Đảo xanh mờ phía tây. Hướng đông cũng một dải núi xanh mờ nữa. Giữa hai đường viền xanh mờ của núi ấy là Thái Nguyên. Trong dải đất xen kẽ lô nhô đồi núi nhỏ ấy lại có hai con sông uốn lượn đem phù sa bồi đắp đôi bờ. Sông Công ở phía tây thành phố có hồ Núi cốc với chín mươi chín đảo núi đã đi vào huyền thoại. Sông Cầu đi qua lòng thành phố cũng làm nên sự giao thoa điệu sli lượn vùng núi với quan họ vùng xuôi. Chính hai con sông và những dải núi xanh mờ ấy cùng khúc xạ ánh nắng mặt trời đã tạo nên một vùng thổ nhưỡng đặc biệt của Thái Nguyên. Nó tạo nên một hương vị của chè mà không nơi nào có được. Hương vị ấy bay đi khắp nước, bay sang cả các châu lục khác với sản phẩm in đậm hai chữ Thái Nguyên.
Nơi tôi sinh ra là một làng ở phía đông thành phố. Dãy núi xanh mờ phía đông nằm trên đất xã Linh sơn của tôi. Tôi lớn lên bên cánh đồng và những quả đồi mùa hè bát ngát màu hoa sim tím. Da thịt tôi nhuốm màu nắng gió, bùn đất đồng làng. Chỉ thi thoảng được mẹ cho đi cắt tóc hay đi chơi dịp lễ mùng hai tháng chín mới vượt sông Cầu sang trung tâm thành phố. Con đường đôi có hai hàng xà cừ xanh mát từ chợ Thái ra Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ngày ấy có bao niềm vui vẫn nhảy nhót trong tôi đến tận bây giờ. Bước chân bọn trẻ chúng tôi diễu đi, diễu lại không biết bao lần trong dòng người khắp nơi đổ về. Trời nắng, mặt đứa nào cũng đỏ gay, nhễ nhại mồ hôi. Đến trưa mới chịu ra về, tay đứa nào cũng xách tòng teng vài cái bánh mỳ. Vị ngọt que kem làm bằng đường đen một hào, rồi mùi thơm chiếc bánh rán hai hào, chiếc bánh đùi gà ba hào, hay gói bi zon zon năm hào mấy chục năm vẫn ủ nguyên hương vị trong sâu thẳm lòng tôi.
Có một nỗi niềm mà tuổi thơ ai cũng có, đó là khát vọng được bay xa. Tôi luôn mơ ước được đến những miền đất khác. Sự háo hức cứ lớn dần cùng năm tháng tôi lớn lên. Đã nhiều lúc tôi chán nản bởi phải làm những công việc quanh mảnh vườn nhà. Chè đến lứa, anh em tôi sáng đi học, chiều về phải hái xong mấy hàng chè bố mẹ đã khoán. Công việc hái chè đòi hỏi luôn tay, tỉ mẩn chẳng khác gì phải vặt lông vịt giữa kỳ thay lông. Những con muỗi, con rĩn lại thi nhau quấy rầy. Tôi chẳng bao giờ để ý đến hương vị của chè khi đêm về bố mẹ tôi thay nhau vò chè sao suốt. Đôi bàn tay bố mẹ tôi đen sẫm nhựa chè vì hôm sau lại nhúng xuống đất bùn. Tôi chỉ luôn ước ao thoát khỏi cảnh lam lũ quê mình, như cánh chim khát khao bay đến vùng đất mới.
Rồi ngày xa quê cũng đến. Đất nước còn chiến tranh, những thanh niên như chúng tôi đều phải gác lại việc học tập lên đường nhập ngũ. Xa quê rồi mới thấy nhớ đến cồn cào mảnh đất Thái Nguyên quê mình, mới thấy thương cha mẹ và bao người lam lũ ở quê hương. Xa quê rồi, gặp một người nào ở Thái nguyên để được gọi hai chữ đồng hương sao cũng như điều gì thiêng liêng, quí giá. Có những đêm đứng gác, nhìn về phương trời phía ấy quê mình, tôi lại nhớ đêm đêm ở phía nam thành phố có một vầng sáng hồng rực lên khi mỗi mẻ gang khu Gang Thép ra lò. Có dịp được tranh thủ về nhà, ngồi tàu nhìn thấy dãy núi Tam đảo xanh mờ phía xa, lòng đã rạo rực như tín hiệu quê hương bắt đầu rộn lên đánh thức. Khi trở về đơn vị, trong ba lô không thể thiếu gói chè. Đồng đội cứ bỗ bã hỏi ngay: Có khoản roong roong đấy chứ! “Roong roong là chỉ âm thanh cánh chè sao suốt khi bỏ vào ấm phát ra” rồi chia nhau, người gọi nhau pha ngay, người bọc gói cẩn thận, chờ dịp vui mới lại mở ra. Lúc này tôi mới thấm cái hương vị tôi chẳng bao giờ để ý ngày nào, giờ là sự tự hào, là hương quê kết nối với bạn bè muôn nơi.
Giờ thì tôi đã thuộc lớp người hết tuổi lao động, trở về sống ở quê nhà. Quê hương đã bao đổi thay. Bao kỷ niệm ấu thơ chưa kịp quên, mái đầu đã bạc hết rồi. Những ngày rỗi rãi, tôi hay cùng mấy anh bạn thích chụp ảnh đi khắp các địa danh trong tỉnh. Có một điều đặc biệt là đến huyện thị nào, dù Phú Bình, Phổ Yên, Sông Công ở phía nam, Đại Từ phía tây, Đồng hỷ phía đông hay Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa phía bắc. Dẫu có rung động trước cảnh núi non, sông nước, nhưng cứ đứng trước những đồi chè xanh mỡn hàng hàng trùng điệp, lòng tôi lại rung lên một cảm xúc rất riêng. Bây giờ giống chè không chỉ có giống cũ Trung du mà còn bao cái tên mỹ miều Bát Tiên, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên và nhiều giống khác. Người làm ra chè không phải bán chui bán lủi như xưa mà đưa thương hiệu quảng cáo mọi vùng miền, sang cả các châu lục khác. Tôi lớn lên bên những hàng chè, nên lòng tôi luôn rung động trước những bức tranh tuyệt đẹp được vẽ bằng mồ hôi và lòng bền bỉ vì chính cuộc sống của người nông dân quê tôi.
Thi thoảng, tôi lại cùng gia đình đi du lịch đó đây. Lần nào đi định ghé thăm bạn bè các tỉnh khác cũng phải mang theo vài cân chè làm quà. Đi dọc từ bắc vào nam, ở đâu tôi cũng nhìn thấy những biển hiệu các đại lý bán chè Thái Nguyên. Chỉ nhìn thấy những biển hiệu ấy đã thấy như quê hương rất gần gũi, bớt đi sự cô đơn ở một nơi lạ lẫm quê người. Có một lần vào Vũng Tàu, tạm dừng chân ở Thành phố Hồ Chí Minh một ngày để thăm anh bạn cùng học một thời. Khi tôi biếu cân chè làm quà, anh bạn cầm lên ngắm nghía, xuýt xoa khen mẫu mã đóng gói. Rồi anh nói như kêu lên: Ông chẳng biết tâm trạng những thằng xa quê như bọn tôi tí nào cả. Đáng ra phải đóng làm mười gói nhỏ thế này tôi còn mang cho mỗi người bạn trong này một gói chứ. Bây giờ xé ra gói bằng túi bóng, mất cái bao bì mang chữ Thái Nguyên còn gì. Tôi hiểu ra nỗi tiếc anh bạn tôi, dù biết rằng cứ pha trà thì hương vị ai chẳng nhận ra. Vào đến Vũng Tàu biết một anh bạn mới quen rất nghiện chè, tôi liền biếu anh một gói. Tôi biết anh rất trân trọng và mừng bởi gói quà nhỏ mọn ấy. Anh bảo ở đây dù có thèm anh uống chè khác, gói chè Thái Nguyên anh cất cẩn thận để hôm này về pha làm quà chung cho mấy anh em thân thiết nơi anh. Thấy anh nói thế mà lòng tôi sao bỗng xốn xang đến lạ.
Trong đời, tôi đã nhiều lần xa quê, thời gian dài có ngắn có. Và mỗi lần chứng kiến cái hương vị mang tên Thái Nguyên được lan tỏa trên mọi vùng miền, tôi lại thêm yêu, tự hào về mảnh đất của quê mình!
Phạm Quý (thành phố Thái Nguyên)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...