Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
14:38 (GMT +7)

Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên: Gặp mặt người viết văn trẻ khu vực Việt Bắc

VNTN - Với mong muốn tạo diễn đàn để các tác giả trẻ làm quen, giao lưu, có mối quan hệ ngày càng gắn bó, khơi thêm cảm hứng sáng tạo cùng hướng ngòi bút về một vùng đất, một vùng văn hóa thân quen là quê hương Việt Bắc, đồng thời cũng là dịp để các Hội VHNT trong khu vực cùng nhìn lại việc bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ của mình, trao đổi và tìm ra cách làm hiệu quả nhất, trong ba ngày từ 10/8 đến hết 13/8, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên tổ chức cuộc Gặp mặt những người viết văn trẻ khu vực Việt Bắc năm 2015, tại thành phố Thái Nguyên, gồm 35 tác giả đại diện cho lực lượng sáng tác trẻ 7 tỉnh (Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Bắc Giang).

Tới dự cuộc gặp mặt có: nhà văn Nguyễn Bình Phương - Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội; đại diện lãnh đạo các Hội VHNT khu vực Việt Bắc. Đại biểu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Văn học nghệ thuật thiểu số tỉnh Thái Nguyên; các văn nghệ sĩ là ủy viên Ban thường vụ, ủy viên Ban chấp hành Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên cũng có mặt.

Ông Triệu Văn Doanh Chủ tịch Hội VHTN tỉnh Thái Nguyên phát biểu khai mạc 

Toàn cảnh buổi gặp mặt

Tại báo cáo đề dẫn, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Phó chủ tịch Hội – Tổng biên tập báo Văn nghệ Thái Nguyên cho biết: “Được lựa chọn từ đội ngũ những người viết trẻ 7 tỉnh trong khu vực. Một số bạn đã có những thành công bước bước đầu ấy đã thực sự khiến cho chúng tôi và bạn đọc vì nể, có thể kể ra đây như: Cặp chị em tài năng Nguyễn Huyền Trang – Nguyễn Hồng Ngọc với bút danh chung là Minh Mẫn, xuất bản 5 đầu sách, trở thành một cái tên khá nổi tiếng của văn học mạng và nhận được sự yêu thích của công chúng trẻ. Cây bút trẻ Vũ Phương Thảo, giải A Cây bút tuổi hồng 2013-2014 của báo Thiếu niên Tiền phong. Trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài khu vực, bạn đọc đã biết đến những cái tên: Phạm Văn Vũ, Nguyễn Bích Hồng caycodai, Triệu Hoàng Giang, Ma Thị Hồng Tươi, Vừ Thị Mai Hương, Nguyễn Thị Thu Hiền, Nguyễn Nhật Huy, Nguyễn Thị Thoa – Thoa Pyo, Bàn Hữu Tài,… với những bước đi ban đầu hứa hẹn sẽ còn xa hơn. Một số khác, con đường sáng tác chỉ mới bắt đầu, nhưng đích hướng tới đã là rõ ràng”.

Bằng kinh nghiệm của người đi trước nhà thơ cũng nhắn nhủ tới người viết văn trẻ: “Ở cuộc gặp mặt này, chúng tôi trao diễn đàn cho các bạn và chào đón các bạn bằng sự yêu quý, trân trọng những người bạn viết. Các bạn hãy nói với nhau những gì mình nghĩ, chia sẻ với nhau những sáng tác mới nhất. Trong một thời đoạn có quá nhiều thứ khiến cho văn chương không còn được nhìn nhận đúng với giá trị thực của nó, việc các bạn chọn sáng tạo văn chương làm đam mê, khiến cho chúng tôi, những người sinh trước các bạn trên đời, vào nghề viết trước các bạn, rất đỗi vui mừng. Bởi lựa chọn văn chương là lựa chọn nghệ thuật vì con người một cách sâu sắc nhất. Hãy nghĩ về nơi mình đang đứng và cái đích mình hướng tới, trong dòng chảy chung của văn chương và của đời sống văn chương trẻ nước nhà. Mong các bạn bền bỉ nuôi ước mơ, cần mẫn thực hiện nó, bước đi những bước vững chãi, tự tin, thành công trên con đường sáng tạo”.

 Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Phó chủ tịch Hội – Tổng biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên, báo cáo đề dẫn

Về việc phát hiện và tổ chức bồi dưỡng tài năng văn học của các Hội VHNT địa phương. Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh cũng có những chia sẻ: “Bồi dưỡng các lực lượng trẻ là một trong những nhiệm vụ của các Hội VHNT địa phương. Đây là công việc thể hiện tinh thần trách nhiệm của những người đi trước, là nhiệm vụ nặng nề và cấp bách của tổ chức Hội quan tâm thế hệ kế tiếp. Đối tượng chủ yếu là những người trẻ, trẻ về tuổi đời và tuổi nghề. Không giống như những ngành nghề khác việc bồi dưỡng tài năng văn học nghệ thuật nhiều khi thành quả chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, biết thế nhưng không thể không làm, vì đây là công việc có ý nghĩa lâu dài, một phần không thể thiếu của đời sống. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, mà mỗi Hội có một cách làm khác nhau… Tuy nhiên cũng phải khách quan mà nhìn nhận rằng, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng phần lớn các Hội trong khu vực chúng ta, việc tổ chức các lớp bồi dưỡng chưa được thường xuyên, chưa tạo ra hiệu ứng tích cực, liên tục trong sáng tạo mang tính bền bỉ lâu dài. Đặc biệt là chưa tranh thủ sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, tranh thủ sức mạnh của internet, mạng xã hội trong việc phát hiện, tập hợp và tổ chức hoạt động của những người viết trẻ”.

Cùng trăn trở với nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, nhà thơ Dương Khâu Luông (Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Cạn), nhà thơ Trịnh Phương (Chủ tịch Hội Văn Học nghệ thuật tỉnh Cao Bằng) và nhà văn Nguyễn Trần Bé (Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Giang) cũng bày tỏ những mong muốn về yêu cầu sáng tạo văn chương đối với những người viết trẻ: sáng tạo không được tách rời những đặc trưng riêng của vùng miền, đặc biệt, để thành công, yếu tố quyết định phải là sự nỗ lực tự khẳng định của mỗi cá nhân. Đồng thời, đại biểu cũng đánh giá cao sáng kiến tổ chức cuộc gặp mặt của đơn vị chủ nhà, cho đây là việc làm thể hiện sự quan tâm thiết thực, ý nghĩa của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đối với những người viết văn trẻ của khu vực.

Nhà Thơ Nguyễn Bình Phương Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam -  Tổng biên tập Tạp Chí Văn nghệ Quân 

đội tặng hoa cho các tác giả trẻ khu vục Việt Bắc

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy (Tạp chí Văn nghệ quân đội) đã có những chia sẻ rất chân tình, cởi mở đối với các tác giả trẻ. Từ những kinh nghiệm sáng tác và trưởng thành của bản thân, nhà văn cho rằng, để thành công, mỗi tác giả hãy luôn biết đặt ra những mục tiêu cụ thể; xóa bỏ tâm lý tự ti, hãy tự tin bày tỏ những cảm nhận, khám phá mới của mình.

PGS – TS, nhà phê bình văn học Trần Thị Việt Trung bày tỏ sự vui mừng, tự hào về thế hệ văn chương tương lai: Trong bối cảnh hầu hết mọi người đều quan tâm đến kinh tế thì các bạn vẫn đam mê văn chương đó đã là điều rất đáng trân trọng. Nhiều bạn có cách nhìn sâu sắc, dám nói dám khẳng đinh cái tôi, tin rằng sẽ có luồng gió mới, hởi thở mới. Tuy nhiên các bạn vẫn phải không ngừng tìm tòi, nâng cao vốn sống vốn hiểu biết về văn hóa, chính trị…  và kết hợp hài hòa giữa cá nhân không tách khỏi các vấn đề xã hội.

PGS - TS - Nhà lý luận phê bình văn học Trần Thị Việt Trung chia sẻ kinh nghiệm với người viết văn trẻ

Nhà Văn Đỗ Tiến Thụy (Tạp chí Văn nghệ Quân đội)

Các tác giả trẻ đều rất vui, cảm động và bày tỏ sự biết ơn đối với lãnh đạo Hội VHNT Thái Nguyên đã tổ chức cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa này. Đây là động lực để họ có thể tiếp tục theo đuổi đam mê sáng tác của mình. Bên cạnh những suy nghĩ về nghề viết, về những trăn trở của người viết trẻ đã được các tác giả trải lòng, tác giả trẻ Ngô Bá Hòa (đoàn Lạng Sơn) đã mạnh dạn đề nghị lãnh đạo các Hội Văn học nghệ thuật trong khu vực nên thành lập Câu lạc bộ Người viết văn trẻ khu vực Việt Bắc để họ có thêm được sân chơi lành mạnh.

Tác giả trẻ Ngô Bá Hoà( Lạng Sơn)

 

Kêt thúc buổi gặp mặt, ông Triệu Văn Doanh - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên một lần nữa khẳng định việc chăm lo, bồi dưỡng những người viết trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các hội VHNT. Tiếp thu và ghi nhận ý kiến từ phía các đại biểu, đặc biệt là các tác giả trẻ, lãnh đạo Hội sẽ tiếp tục có những sự quan tâm, chỉ đạo thiết thực, phù hợp với tình hình sáng tác của khu vực Việt Bắc.

 

Thanh Tâm - Anh Thắng - Lê Tú

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy