Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên: Sung sức tuổi 30
Kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên (1987 - 2017)
VNTN - Trong 2 ngày 25 và 26/7/1987, Đại hội lần thứ nhất - Đại hội thành lập Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Bắc Thái được diễn ra với sự tham gia của 71 hội viên tại Hội trường Nhà khách UBND tỉnh (khu Bệnh viện Điều dưỡng hiện nay). Đây là một dấu mốc rất đáng nhớ đối với những người làm công tác và yêu thích các bộ môn VHNT của tỉnh Bắc Thái - Thái Nguyên và ngày 25/7 được coi là ngày Truyền thống của những người làm công tác VHNT tỉnh nhà. Tuy nhiên, trước đó, từ năm 1978, Ban Vận động thành lập Hội đã được thành lập và hoạt động dưới sự bảo trợ của Ty (Sở) Văn hóa Thông tin Bắc Thái. Thành viên của Ban là một số anh chị em văn nghệ sĩ thuộc Hội Văn nghệ Khu Tự trị Việt Bắc sau khi Hội này giải thể cùng với việc giải thể Khu Tự trị. Trong một thời gian dài 9 năm đằng đẵng, Ban Vận động hoạt động khi hăng hái, lúc cầm chừng, mãi đến tháng 1/1987, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Thái mới có Quyết định cho phép thành lập Hội và ngày 28/3/1987, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Thái ban hành Quyết định số 78/QĐ-UB Quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, biên chế và kinh phí cho tổ chức Hội. Một bộ máy hoàn toàn kiêm nhiệm được ra đời để chuẩn bị các điều kiện cho Đại hội thành lập. Thế hệ văn nghệ sĩ (VNS) mở đường đó nhiều người ngày nay không còn nữa, như các ông Hoàng Thể, Nguyễn Đình Áo, Đỗ Tố, Giang Khuê Tấn, Đỗ Minh, Vi Hồng, Vương Khánh Trường…
Từ ngày thành lập đến nay, Hội VHNT Bắc Thái - Thái Nguyên đã tổ chức 5 kỳ Đại hội, trong đó có sự kiện giữa nhiệm kỳ II là cùng với việc chia tách tỉnh Bắc Thái thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn, một bộ phận anh em hội viên được chuyển đi để thành lập và sinh hoạt tại Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn. Tỉnh Thái Nguyên kế thừa cơ bản cơ sở vật chất và những thành tựu, giá trị VHNT của tỉnh Bắc Thái và đổi tên hội thành Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên.
Trong thời kỳ còn là Hội VHNT tỉnh Bắc Thái, trụ sở và nơi làm việc của Hội phải di chuyển đến 3 lần, đến cuối năm 1988 mới cơ bản ổn định.
Cùng với sự phát triển về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh và đất nước, sự nghiệp VHNT của tỉnh Thái Nguyên cũng có sự phát triển đồng hành bền vững, biểu hiện trên các mặt:
Trước hết, về đội ngũ: Khi mới thành lập, Hội VHNT Bắc Thái có 71 hội viên; đến Đại hội lần thứ III (1998) Đại hội sau khi chia tách tỉnh, số hội viên của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên là 161 người. Hiện nay, số hội viên của Hội là 265 người. Trung bình, mỗi năm chúng ta kết nạp thêm được thêm khoảng 10 hội viên mới. Con số đó không chỉ là sự phát triển cơ học tự nhiên mà là sự phát triển có chọn lọc. Tiêu chí kết nạp hội viên mới ngày càng được hoàn thiện theo hướng khắt khe hơn, chú trọng hơn tới tài năng và phẩm chất đạo đức. Điều đó đã làm cho đội ngũ hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên có sự kế tiếp các thế hệ một cách bền vững.
Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên có hơn 90 người là hội viên các hội chuyên ngành VHNT Trung ương, 4 tác giả được tặng Giải thưởng Nhà nước, 1 Nghệ sĩ Nhân dân, 7 nghệ sĩ Ưu tú.
Thứ hai: Thông qua hoạt động sáng tạo VHNT, anh chị em VNS đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đến đông đảo quần chúng nhân dân, nâng cao đời sống tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa và các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, quảng bá hình ảnh mọi mặt của tỉnh Thái Nguyên đến đồng bào cả nước và quốc tế. Mỗi năm, anh chị em hội viên và các cộng tác viên của Hội VHNT Thái Nguyên đã công bố, chuyển tải hàng ngàn tác phẩm VHNT, báo chí đến công chúng, đến bạn bè bằng các hình thức: xuất bản, triển lãm, biểu diễn, phát thanh - truyền hình, internet… Trong khoảng 15 năm trở lại đây, Hội và hội viên của Hội đã xuất bản được khoảng 230 đầu sách, gần 600 số báo Văn nghệ, 75 cuộc triển lãm, 120 trang văn nghệ truyền hình… Những năm gần đây, trang Thông tin điện tử vannghethainguyen.vn được thành lập, hàng ngày đều đặn cập nhật tin bài, tác phẩm của hội viên. Lượng truy cập đến nay khoảng 3,1 triệu lượt.
Thứ ba: Đường lối, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước về VHNT, sự nhận thức và tạo điều kiện cho hoạt động VHNT của cấp ủy, chính quyền các cấp ngày càng rõ ràng và thuận lợi hơn, nhất là từ khi Nghị quyết số 23 năm 2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới” được ban hành và quán triệt.
Hàng năm, Chính phủ cấp hỗ trợ một khoản kinh phí đáng kể để VNS sáng tạo, công bố tác phẩm VHNT, đi thâm nhập thực tế, hội thảo khoa học và các hoạt động chuyên môn khác. Tỉnh Thái Nguyên Ban hành Quy định về Giải thưởng VHNT, 5 năm tổ chức một lần (đã tổ chức được 5 lần), tạo điều kiện cho Hội VHNT tăng kỳ, tăng bản, tăng lượng phát hành báo Văn nghệ Thái Nguyên (thành tuần báo), đồng ý chủ trương cho ra đời trang thông tin điện tử vannghethainguyen.vn, chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã quan tâm thành lập tổ chức Hội VHNT, tổ chức các cuộc gặp mặt, thăm hỏi VNS, báo chí; điều kiện, phương tiện hoạt động của các tổ chức hội cũng được thường xuyên tăng cường, bổ sung…
Thứ tư: Đến nay, Thái Nguyên đã có 8/9 huyện (TP,TX) có tổ chức Hội VHNT. Đó là điều hết sức đáng quý, là điều mà nhiều tỉnh bạn chưa làm được. Một số hội cấp huyện bước đầu đã có những hoạt động tốt, thiết thực, đồng thời là nơi góp phần tập hợp, phát hiện, ươm mầm những hạt nhân VHNT từ cơ sở. Đây cũng là một trong những điều kiện để Hội VHNT tỉnh tiến tới thành lập Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, sự nghiệp và hoạt động của VHNT Thái Nguyên trong thời gian tới vẫn còn đứng trước những khó khăn, thử thách rất lớn. Đó là nguy cơ tụt hậu về sự nhận thức, về sự tiếp cận thực tiễn sôi động, biến đổi không ngừng của cuộc sống, làm cho anh chị em VNS không “bung” được hết tài năng hoặc “bung” lệch hướng, tự bằng lòng với những gì mình hiện có mà không có sự tìm tòi, sáng tạo mới để có những tác phẩm mới hơn, lớn hơn; là sự vướng mắc về cơ chế, chính sách, mô hình đối với hoạt động của VNS, của tổ chức Hội; và cả những sự ganh tỵ, công thần, bè phái, mất đoàn kết vẫn còn đâu đó trong chính đội ngũ của chúng ta.
“Chàng trai” VHNT Thái Nguyên đang độ tuổi ba mươi, độ tuổi sung mãn sức lực, độ tuổi đủ độ chín chắn, tự tin, kiêu hãnh bước lên phía trước để tiếp tục gieo trồng và đón chờ những mùa quả ngọt mới. Nhân dịp này, tôi xin kính chúc các văn nghệ sĩ Thái Nguyên luôn dồi dào sức khỏe, dồi dào sức sáng tạo, góp phần xây dựng Hội ta thành một khối đoàn kết, thống nhất, thực sự là mái nhà chung ấm áp của những người hoạt động trong “lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa”, như Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã nêu.
Một số hình ảnh hoạt động của Hội trong những năm qua:
Triệu Văn Doanh
(Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...