Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
03:01 (GMT +7)

Hoa của thép

VNTN- Tôi đã tưởng như mình sẽ dừng lại và không thể vượt qua những quanh co, gấp khúc trong cuộc đời mình. Thế nhưng, đúng lúc ấy bà ngoại tôi đã an ủi, vỗ về tôi bằng câu: Nước nóng đến đâu rồi cũng phải nguội con ạ. Thật sự khi sống chậm lại, tôi đã thấy mọi nóng bỏng đến mức nào rồi cũng nguội dần đi.

Một hoạt động văn hóa được tổ chức tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, TP. Thái Nguyên. Ảnh minh họa, nguồn: vannghethainguyen.vn. 

Nghe tin từ em gái: “Chị ơi, thông chốt rồi, về đi!”, lòng tôi bỗng bừng nắng. Đã hơn 4 tháng rồi tôi không được tung tăng trên con phố Việt Bắc, được hét lên sung sướng: “Mẹ ơi con về này”, và được một đàn cháu ríu rít chạy ra chào đón. Trong phút giây háo hức ấy, có một Thái Nguyên bừng thức trong trái tim của một tôi 6X. Đó là một Thái Nguyên với những chàng trai, cô gái xứng danh là “hoa của thép”.

Đã là hoa thế hệ 6X thì có thể chưa đi học lớp 1 nhưng đã biết đun nấu, hoặc là bếp dầu, bếp củi, bếp vỏ gỗ, bếp mùn cưa, bếp trấu, bếp than, hoặc là bếp vỏ lạc, bếp rơm rạ, cỏ tranh. Ngoài 10 tuổi đã có thể đi kiếm, đi mua các loại chất đốt cho gia đình.

Thứ có thể kiếm trước hết là vỏ gỗ. Những cây gỗ tươi còn nguyên lớp vỏ nằm trong bãi gỗ đối diện nhà ga Đồng Quang là mục tiêu của lũ nhóc chúng tôi. Dẫn dắt chúng tôi là chị đại của xóm. Chị thuộc 6X đời đầu. Ăn trưa xong, chúng tôi theo chị đi đến bức tường đá ngăn nhà ga với bãi gỗ nép vào đó chờ hiệu lệnh của chị. Chỉ cần nghe: “Lên!” là cả lũ nhóc vun vút nhảy lên bãi gỗ, chạy tới đám gỗ, thọc cây gậy sắt vào lớp vỏ. Thật là sung sướng nếu vớ được một cây gỗ mà thanh sắt đi đến đâu vỏ gỗ rong róc ra đến đấy. Đang say sưa mà nghe thấy tiếng: “Chạy!”, là lập tức cả bọn vơ vội đám vỏ gỗ guồng chân chạy dọc theo đường tàu về nhà. Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao chả đứa trẻ nào xóm tôi bị các ông bảo vệ bắt. Bởi vì có ông bảo vệ nào giàu đâu. Mà không giàu thì chắc chắn biết vỏ gỗ là thứ vô nghĩa với nhà máy nhưng lại là “của nả” đối với đám con nhà nghèo chúng tôi.

Có một thứ khác cũng dễ kiếm đó là cỏ gianh và những bụi cây lúp xúp trên đồi Đông Đống. Cho dù có khéo đến bao nhiêu nhưng chắc hẳn đứa nào cũng có những trải nghiệm bị lá cỏ cứa những vết sắc như dao lam. Thế nhưng, chính những vết cắt cứa ấy đã khiến đôi bàn tay của chúng tôi trở nên rắn rỏi hơn.

Còn những thứ phải đi mua thì lại cho chúng tôi nếm trải những cảm giác khác. Chiếc xe cải tiến, anh tôi cầm càng, tôi và em gái đẩy đằng sau bon bon chạy đến Bến Than gần cầu Gia Bẩy. Cửa hàng Chất đốt này lúc nào cũng nóng rẫy, đông đúc khiến anh em chúng tôi phải chen chúc mới có thể chọn được chỗ than đen nhánh và óng ánh đúng chuẩn loại than dùng để nung gạch. Đội nắng trên đầu, anh em tôi dùng xẻng xúc than lên xe rồi ra sức đập cho than được lèn chặt. Xe than được kéo ra đến cổng, cô bán than đứng chờ sẵn ở đấy để đo rồi tính tiền.

Còn mua trấu thì anh em chúng tôi sẽ đến Nhà máy xay xát Mỏ Bạch. Bãi trấu nằm ngay đằng sau xưởng máy với những đường ống cao đến mức tôi phải ngửa mặt lên mới nhìn thấy. Từ đường ống ấy, trấu và bụi phun ra mịt mùng. Thế nhưng, mặc khói bụi, người lớn lẫn trẻ em vẫn xông vào núi trấu xúc tới tấp, đổ vào bao dứa và nhồi thật chặt. Sau này, tôi ngẫm được rất nhiều bài học từ công việc đó, chẳng hạn như: Nếu muốn biết ai là người chăm chỉ xốc vác thì hãy nhìn vào độ lấp lánh, trơn láng của cây cọc gỗ dùng để nhồi trấu còn muốn biết ai tính toán, tham lam thì cứ nhìn vào cái bao dứa được can thêm phần miệng cho thật dài.

Sau mùa đi mua trấu là đến mùa đi mua mùn cưa ở Đồng Bẩm. Chúng tôi kéo xe đến xưởng gỗ nằm dọc đường quốc lộ gần trung tâm huyện Đồng Hỷ. Vẫn là bụi mù trời, tiếng cưa máy chạy trên cây gỗ lớn rèn rẹt. Đống mùn cưa tuy không chất ngất như đống trấu nhưng cũng cao vượt tầm với của anh em tôi. Vì phải đi rất xa nên lần nào anh em tôi cũng tranh thủ mua ba bao, một bao xếp xuống lòng xe còn hai bao vắt ngang trên thành xe. Rõ ràng mùn cưa cũng không nặng mà sao chỉ lên cái dốc cầu Gia Bẩy thôi cũng là một sự vượt khó của anh em chúng tôi rồi.

Chỉ có một thứ chất đốt mà anh em chúng tôi không phải đi mua đó là vỏ lạc. Vỏ lạc được tận dụng khi anh em chúng tôi mỗi mùa hè bóc tới 5 tấn lạc thuê cho Ngoại thương. Hãy cứ chìa bàn tay ra đi, bạn sẽ nhìn thấy cả một hành trình lao động nặng nhọc in hằn lên những ngón tay khớp to, da xếp nếp và hai bàn tay chai sần. Những bàn tay rắn rỏi ấy đã làm nên cả một chặng đường dài cho quê hương.

Quả thật “Hoa của thép” đã vươn thẳng lên bầu trời như thế và ở trên cao nó tỏa ra muôn ngàn ánh kim. Thứ ánh kim lấp lánh ấy được khơi lên từ thế hệ những người già trên quê hương của tôi.

Người đầu tiên tôi kể các bạn nghe đó là người bà đã bán nhà cho gia đình tôi vào năm 1975. Bà tên gọi là bà Bách. Bà Bách có một đàn gà và bà chăm chút cho đàn gà chủ yếu để lấy trứng chứ không phải để thịt. Cái con bé 8 tuổi là tôi lúc ấy thấy bà yêu quý đàn gà là có thật. Thế mà có đứa “chết toi” nào nó bắt mất của bà một con gà. Bà tức đến đỏ căng da mặt. Bà xăm xăm chạy ra ngõ. Phen này chắc chắn lũ chúng tôi sẽ được nghe bà chửi cho cái đứa trộm gà một bài. Và tôi nhớ bà chửi thế này:

- Tiên sư bố đứa nào ăn trộm gà nhà bà. Mày ăn gà nhà bà như là mày ăn... (chắc bà phải cho nó ăn thứ gì ghê tởm lắm đây)... như là mày ăn... miếng thịt chó ấy!!!

Rõ ràng là người ta không cần phải sống với nhau dài lâu mới nhớ nhau. Bà Bách ở lại xóm tôi thêm chừng mươi ngày nhưng một câu bà chửi kẻ trộm mát nhẹ đến thế cũng đủ để tôi nhớ bà.

Người thứ hai tôi muốn kể đó chính là bà nội của tôi. Bố tôi là con trai thứ nhưng đi bộ đội xa nhà nên bà lên ở với nhà tôi. Đất vườn nhà tôi rất rộng, khoảng hơn 2.000m2. Trong vườn trồng đủ thứ. Tôi trở thành đứa cháu được bà dạy về cây trái. Bà dạy tôi cách chọn hạt đu đủ, hạt na, hạt mít, cách chặt đốt sắn, cắt dải khoai lang, chọn ngọn dứa để làm giống. Bà cứ thủ thỉ thù thì với tôi, với cây: cây nó cũng biết đau đấy, hãy nhẹ nhàng với nó. Người nào yêu cây, yêu vườn thì sẽ rộng lòng, sẽ dịu ngọt như bà tôi thôi. Người bà của tôi đã cho tôi hiểu phải biết nén các vị cay, chua, chát, đắng thành vị ngọt thảo trong lòng. Với cây, ta có thể nhẹ tay đến thế thì với đời sao không thể nhẹ lòng hơn.  

Người thứ ba đã trao cho tôi cách nhìn và cách đối diện với những trắc trở, mất mát trên đường đời đó là bà ngoại tôi. Đường đời không bao giờ là một đường thẳng mà luôn có khúc quanh. Điều quan trọng là cách con người vượt qua những khúc quanh ấy để thẳng lưng, ngẩng đầu đi tiếp. Tôi đã tưởng như mình sẽ dừng lại và không thể vượt qua những quanh co, gấp khúc trong cuộc đời mình. Thế nhưng, đúng lúc ấy bà ngoại tôi đã an ủi, vỗ về tôi bằng câu: Nước nóng đến đâu rồi cũng phải nguội con ạ. Thật sự khi sống chậm lại, tôi đã thấy mọi nóng bỏng đến mức nào rồi cũng nguội dần đi.

Những bông hoa 6X đã sống trọn vẹn cuộc đời mình như thế. Xin trao lại yêu thương cho những đóa hoa của thép đang và sẽ bừng nở với những lấp lánh mới cùng Thái Nguyên.

Thạch Thảo

(Đống Đa, Hà Nội)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Cầu Huy Ngạc trong tôi

Xem tin nổi bật 4 ngày trước

Đồi Dung

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Chã - nơi ấy có mẹ chồng tôi

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

“Người Gang Thép!”

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Một miền quê yêu dấu

Tôi và Thái Nguyên 9 tháng trước

Tiếng gọi điều công

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước

Lũng Luông kỉ niệm

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước