Hãy nói lời thương
VNTN- Từ đấy, cứ nghe ai nhắc tới sông Công, tôi lại có thêm một thứ tình cảm thân thiết khó hiểu với nó, đến nỗi, lật một trang sách, hai thứ tôi chú ý trước tiên nếu bắt gặp là tên mình và tên sông.
Người ta hay bảo, đôi khi yêu một vùng đất, chỉ đơn giản bởi nơi đó có một người đặc biệt. Thỉnh thoảng tôi lại mơ màng trong cái chênh vênh nhớ, nghĩ tới anh, rồi mông lung tưởng tượng nơi mà anh chọn về sống sau khi tốt nghiệp. Sâu trong trái tim của cô gái Sài Gòn chưa từng ra Bắc, chẳng biết tự bao giờ, đã khẽ cảm mến Thái Nguyên, bằng nhịp đập rung rinh với chàng trai xứ chè trầm ấm. Tình cảm giữa chúng tôi, chắc cũng đa màu như dòng sông Công, ẩn trong xanh biếc lại nhuốm màu hoàng hôn đỏ rực.
Thuở đầu trong trẻo
Tôi gặp anh tại câu lạc bộ nhiếp ảnh của trường, bên những khung hình về Thái Nguyên - miền quê anh luôn đặt trong tâm tưởng. Có lẽ ngay từ khi bắt đầu thì mảnh đất này đã chôn sâu hạt mầm vào kí ức của tôi, để trong những câu chuyện thường nhật anh kể mỗi khi rỗi rãnh sau này, Thái Nguyên lại in hằn, lại quyện hòa khó chia tách.
Anh bảo quê anh có sông Công trong vắt, hiền hòa, ôm ấp phù sa cho thành phố mang tên chính dòng sông ấy; có núi Cốc trập trùng xanh mướt, như thành lũy che chở cho bao thế hệ cư dân. Ban mai, khi nắng li ti khẽ trườn qua vạt nước, sông Công mượt như dải lụa mềm, êm như suối tóc của nàng thiếu nữ. Trong cái lờ mờ hùng vĩ, núi Cốc hiên ngang đứng cạnh bên, như chàng trai si tình, luôn canh giữ, dõi theo cô gái mình yêu mến. Giọng anh trầm khàn, lôi kéo tôi chìm vào sự tò mò của khung cảnh. Nếu lúc trước những thứ tôi biết chỉ giản đơn là tên gọi Hồ Núi Cốc - địa danh nổi tiếng trong bài hát của cố nhạc sĩ Phó Đức Phương, thì qua lời kể của chàng trai luôn đau đáu nhớ quê, từng ngọn cây lạch nước dường như cũng được thổi hồn sống dậy.
Những buổi hẹn hò nơi trời nam, dạo bước trên đường phố Sài Gòn rồi ngắm cầu Bình Lợi, anh thường mường tượng ra hình ảnh của cầu Bến Tượng quê mình, cũng cong cong, vòm vòm với các nhịp tương tự. Anh nói non nước Thái Nguyên đặc biệt vì chảy qua vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng và trung du, giữa cái êm đềm và thoai thoải dốc nhẹ. Tôi khẽ cười nhìn anh, bởi có lẽ, chính con người anh cũng mang thứ đặc trưng của vùng đất ấy: thích bình yên nhưng luôn muốn tự thách thức những đỉnh cao khúc khuỷu.
Tôi hiểu anh yêu Thái Nguyên, nhiều đến nhường nào, bởi chính tôi, chỉ nghe anh kể thôi, cũng cảm nhận được cái thứ tình cảm da diết ấy.
Có lẽ vì vậy chăng, mà tôi đã không cố giữ anh lại, vào ngày chia xa...
Ban trưa rì rào
Anh từng bảo tính tôi hoạt náo như tiếng khua nước của dòng sông Công lúc chèo thuyền: Không quá ồn ào nhưng lại luôn róc rách. Dòng chảy cứ vậy thấm vào thói quen, vào đáy mắt, vào cả sợi nhớ thương khờ dại. Thế là từ đấy, cứ nghe ai nhắc tới sông Công, tôi lại có thêm một thứ tình cảm thân thiết khó hiểu với nó, đến nỗi, lật một trang sách, 2 thứ tôi chú ý trước tiên nếu bắt gặp là tên mình và tên sông... Kể, cũng lạ lùng.
Như một tự kỉ ám thị, tôi nghĩ thế, khi cảm tưởng mối tình đầu với anh hệt sự đổi thay của dòng Công giang, dù rằng sự tích về nó, tuy đẹp, nhưng chẳng hề mang cái kết có hậu. Tôi nhớ có lần anh từng nói, sông Công ngày trước còn gọi là sông Giã. Từ giã, biệt ly. Tôi lúc ấy vừa đùa vừa dỗi, sao anh lại ví tôi như sông Công, lỡ đâu chuyện tình chúng tôi, cũng vỡ tan như tên của nó. Rồi sau này, không ít lần trong nhiều đêm dài nhung nhớ, thỉnh thoảng tôi lại vờ “trách móc” dòng sông này, như một cách giải tỏa nỗi ân hận muộn màng, khi đã chẳng dám bỏ lại nỗi lo sợ về khoảng cách địa lý để đặt chân tới mảnh đất anh sống. Dù rằng, tôi thương Thái Nguyên, như thương chính con người anh vậy.
Chúng tôi đã từng hẹn nhau sẽ thăm thú nhiều nơi, tới hang Phượng Hoàng, lội suối Mỏ Gà, ngắm Thác Mưa Rơi, chơi khu Đát Đắng... Nhưng rồi, tất cả chỉ kịp dừng lại trong đầu tôi bằng những thước phim anh quay lại lúc về quê một mình. Giữa mênh mông rừng núi bạt ngàn, sông nước bỡ ngỡ lọt thỏm trong ống kính của anh, còn anh thì lọt thỏm trong yêu thương của quê hương xứ sở.
Hoàng hôn tĩnh lặng
Ngày chia xa, tôi gói ghém anh cùng mảnh đất này vào một góc nhỏ, thỉnh thoảng lại lật giở ra xem, khẽ cười, khẽ rơi nước mắt. Thái Nguyên trở thành nơi yếu mềm trong tim tôi, bởi nơi đấy có người tôi thương đang sống. Tôi luôn bất giác tìm hiểu về nó, ở mọi khía cạnh, dù chưa từng một lần có dịp đặt chân. Đôi khi tôi phải giật mình, bởi càng biết nhiều về vùng đất này, tôi lại càng day dứt nhớ. Thì ra, trong một sát na mà mình chưa kịp phòng vệ, tôi đã thương anh, thương nơi này, nhiều đến thế rồi.
Dạo gần đây, tôi thường xem những bức ảnh hoàng hôn trên sông Công, bởi chẳng hiểu sao, lại thấy nó như đang nhuốm màu tâm trạng: của anh, của tôi, của những con người còn vấn vương chưa dứt. Mỗi lần nghe tôi nói thế, bạn bè thường cười trừ, bảo “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Có lẽ đúng thật. Chỉ là tôi nghĩ, riêng sông Công cũng đã tự mang trong mình cái u tĩnh của biệt ly từ ngàn năm trong truyền thuyết, nên mới hòa nhập vào tình cảm của tôi, nhiều đến như vậy.
Thời gian có lẽ là con quái vật chân dài đáng sợ nhất, như một bài hát nước ngoài tôi từng nghe dạo trước. Nó kéo mọi thứ trôi nhanh. Anh đang khác đi, đến Thái Nguyên cũng thay đổi từng ngày, theo chiều hướng tích cực nhất. Nhìn những điều tôi trân quý đang thay da đổi thịt. Những nhà máy, công trình nơi anh làm việc cũng ngày một mở rộng, khang trang, bất giác, tôi mừng thầm cho bao thành tựu của thời kỳ đổi mới. Có lẽ đúng như anh nói, Thái Nguyên sẽ phát triển, và anh sẽ góp công nhỏ của mình vào quá trình đó cho quê hương. Tôi tin anh, và cũng tin mảnh đất bạt ngàn chè sẽ làm được điều đó.
Mảnh đất tôi yêu, níu giữ người tôi thương, như bến neo cho hằng hà nỗi nhớ. Có lẽ sau này, mỗi chúng tôi sẽ trải qua những khúc náo nhiệt nhất của đời người ở hai xứ sở. Có lẽ nơi đây sẽ trở thành một hồi ức chung duy nhất cho tuổi trẻ khờ dại, nhưng tôi tin, sông Công, núi Cốc, cùng vô số câu chuyện huyền thoại anh từng kể về mảnh đất Thái Nguyên, sẽ là hành trang, theo tôi vượt qua vô số gập ghềnh trong tương lai không có anh bên cạnh.
Cảm ơn Thái Nguyên, đã mang anh đến với tôi, dù chỉ vỏn vẹn trong thanh xuân ngắn ngủi.
Nguyễn Trần Thanh Trúc
Sài Gòn ngày nhớ
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...