Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
17:15 (GMT +7)

Hành hương về nguồn nhân 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh, Điện ảnh Cách mạng Việt Nam

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023), sáng nay (14/3), đoàn công tác gồm hơn 200 người do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Tạ Quang Đông làm Trưởng đoàn có chuyến hành hương về nguồn tại ATK Định Hóa.

Clip: Tham quan Di tích lịch sử Đồi Cọ, ATK Định Hoá

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Tạ Quang Đông (thứ 3 từ trái sang) thăm Di tích lịch sử nơi ra đời ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam tại Khu di tích Đồi Cọ, xóm Bản Bắc 1, xã Điềm Mặc (Định Hóa)

Cùng tham gia chuyến hành hương về nguồn còn có nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; lãnh đạo Cục Điện ảnh, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam; Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên và đông đảo các nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh đang hoạt động trong 2 lĩnh vực nghệ thuật này.

Dâng hương tại Khu di tích Đồi Cọ, xóm Bản Bắc 1

Đoàn đã đến thăm và dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia Đồi Cọ, xóm Bản Bắc 1, xã Điềm Mặc huyện Định Hóa. Cách đây 70 năm, ngày 15/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”, đặt nền móng cho sự phát triển của hai ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam. Tại Đồi Cọ, ngày 18/3/1953 đã diễn ra Lễ công bố Sắc lệnh số 147/SL. Ngày 16/12/2002, Bộ Nội vụ đã đồng ý lấy ngày 15/3 hàng năm là Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam.

Chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích

Qua những chặng đường xây dựng và phát triển, Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã đồng hành với từng giai đoạn lịch sử dân tộc, phản ánh chân thực và sinh động cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước của nhân dân ta. Trong dòng chảy hơn 70 năm, nhiều thế hệ nghệ sĩ đã góp phần làm nên thành công của những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng vừa mang giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật, thấm đẫm niềm tự hào dân tộc, vừa để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng.

Trong 70 năm xây dựng và phát triển, Nhiếp ảnh Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ống kính của các nhà nhiếp ảnh đã để lại pho tư liệu lịch sử bằng ảnh quý giá, đầy tự hào về chặng đường đấu tranh giành độc lập và đổi mới đi lên của đất nước. Hàng ngàn nghệ sĩ và các nhà hoạt động nhiếp ảnh trên khắp mọi miền đất nước, từ thế hệ các nhà nhiếp ảnh lão thành, các nghệ sĩ - phóng viên chiến trường, đến các nhà nhiếp ảnh trong thời kỳ đổi mới đã dành trọn tâm huyết, tài năng, trí tuệ xây dựng nền Nhiếp ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hàng ngàn tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc đã được trao giải thưởng cao quý tại các cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế, khẳng định vai trò của nhiếp ảnh trong đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời xác lập vị trí của Nhiếp ảnh Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Thái Nguyên là chiếc nôi khai sinh của Điện ảnh, Nhiếp ảnh cách mạng của đất nước. 70 năm qua, tỉnh đã xây dựng và hình thành một đời sống nhiếp ảnh và điện ảnh đa dạng, phong phú. Các nghệ sĩ đã không ngừng nỗ lực sáng tạo, tạo ra dấu ấn riêng cho Nhiếp ảnh, Điện ảnh tỉnh nhà, qua đó góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, đưa Thái Nguyên liên tục phát triển mạnh mẽ về mọi mặt.

Các nghệ sĩ, người hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, điện ảnh tại Thái Nguyên

NSNA Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam cho biết: Hàng năm, vào dịp này Hội Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam đều tổ chức chuyến hành hương về nguồn. Đây là dịp để các nghệ sĩ ôn lại truyền thống hào hùng của nền Nhiếp ảnh, Điện ảnh Việt Nam đã được gây dựng từ các thế hệ đi trước, qua đó nhắc nhở mỗi nghệ sĩ cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết; phát huy khả năng sáng tạo, sáng tác ra những tác phẩm chất lượng hơn nữa để phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương và sự phát triển của đất nước. Đồng thời đây cũng là dịp để các nghệ sĩ được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, kinh nghiệm hoạt động qua đó góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết trong nền Nhiếp ảnh, Điện ảnh nước nhà.

Đoàn cũng đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm Người trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình; Tham quan Nhà Trưng bày ATK Định Hóa và di tích Đồi Tỉn Keo; Không gian trưng bày 70 tác phẩm của giới Nhiếp ảnh Thái Nguyên.

Đoàn dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm Người trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình

Tham quan di tích Đồi Tỉn Keo

Các đại biểu tham quan không gian trưng bày 70 bức ảnh tiêu biểu của giới nhiếp ảnh Thái Nguyên

Đặc biệt, Đoàn đã đến dự và chia vui với bà con nhân dân xóm Bản Bắc 1, Bản Bắc 2 nhân dịp Lễ Khánh thành nhà văn hóa xóm Bản Bắc 1 và trao số tiền hỗ trợ 80 triệu đồng của Cục Điện ảnh và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam để 2 xóm xây dựng nhà văn hóa; trao quà tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở đây…

NSNA Trần Thị Thu Đông (ngoài cùng bên phải), Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam và ông Vi Kiến Thành (ngoài cùng bên trái), Cục trưởng Cục Điện ảnh trao quà hỗ trợ cho 2 xóm Bản Bắc 1 và Bản Bắc 2

Các đại biểu tham gia cắt băng khai trương Nhà văn hóa xóm Bản Bắc 1

Chuyến về nguồn ấm áp đã tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với các đại biểu; kết nối tình cảm của những người nghệ sĩ trong dịp về thăm quê hương cách mạng “Thủ đô kháng chiến” Thái Nguyên - chiếc nôi khai sinh ngành Điện ảnh, Nhiếp ảnh cách mạng của đất nước.

Tin, ảnh: Anh Thắng

Clip: Mỹ Anh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy