Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
07:54 (GMT +7)

Hai người tình già

VNTN - Leyden quả thực là một ngôi làng của biệt thự. Những ngôi nhà đều được sơn trắng, rèm cửa màu xanh sáng. Có một vườn hoa nhỏ phía trước; những ô đất được thiết kế tinh xảo; cẩm chướng và đỗ quyên là những loại hoa được trồng phổ biến ở đây.

Bầu không khí nơi này khá vui vẻ dù nhịp độ phát triển chậm chạp, có ba xưởng giày cũ bị hư hại nặng. Nhiều năm trước, khi Hiram Strong đặt ba xưởng sản xuất giày thô dành cho giới lao động Mỹ, ông gần như không biết rằng chính ông là người vinh dự lập ra Leyden. Ông chọn những nơi xây cất trọng yếu bởi nó gần với đường tàu chạy thẳng tới thành phố, kéo dài 60 dặm. Ban đầu tốp thợ di chuyển đến những toa xe vùng lân cận, nhưng sau một thời gian họ trở nên mệt mỏi, rồi lần lượt tự xây những ngôi nhà nhỏ, lập gia đình và kéo những người họ hàng đến ở gần nơi làm việc của mình. Vì vậy Leyden ngày càng phát triển. Người A xây nhà giống người C, còn người B xây giống người D. Họ sơn chúng màu trắng, và treo rèm xanh lá, thiết kế vườn hoa phía trước và vườn rau sau nhà. Rồi từng lúc một nhà thờ, một cửa tiệm, một bưu điện ra đời, và Leyden trở thành một thị trấn khởi sắc.

Đó là khoảng thời gian cách đây đã lâu. Công việc kinh doanh đã trở nên trầm lắng; không còn vẻ hối hả tất bật như trước. Giống như các nhà máy, họ cũng bắt đầu trầm hơn. “Chậm như Leyden” là câu nói cửa miệng của các thành phố lân cận phát triển. […]

Một trong những người sống ở đây là bà góa Martha Brewster và cô con gái Maria. Ngôi nhà của họ có mái hiên chạy phía trước. Mùa hè họ uốn cây bìm bìm trên đó và trồng lên mảnh vườn nhỏ bé những hạt giống hoa phổ biến ở Leyden. Không có căn hộ nào quanh đó gọn gàng và rực rỡ hơn ngôi nhà của họ, bởi chỉ có hai người phụ nữ già ở đó, bà góa Martha Brewster đã gần tám mươi, và con gái Maria Brewster, gần sáu mươi tuổi. Hai người sống đơn độc từ khi Jacob Brewster mất và không còn làm ở nhà máy, cách đây 15 năm. Lão bỏ lại họ cùng căn hộ màu trắng đặc biệt này và một khoản tiền tiết kiệm nhỏ trong ngân hàng, bởi gia đình Brewster đã làm việc và chắt bóp trong cả cuộc đời. Những người đàn bà ở nhà thắt dây giày, còn đàn ông làm việc ở cửa tiệm và không bao giờ tiêu một xu mà không tính toán kỹ lưỡng.

 

Người dân Leyden đều nghĩ rằng David Emmons sẽ cưới Maria Brewster khi cha bà qua đời. “David có thể cho thuê căn nhà của ông ấy và về sống với Maria và mẹ bà”, họ nói vậy với một thiện chí đầy trìu mến để sắp xếp việc trọng đại này. Nhưng ông không. Mỗi chủ nhật vào tám giờ tối, David Emmons mặc những bộ quần áo đẹp nhất, thắt nơ trắng và một bó hoa thơm trên ngực, trên con đường tới nhà Maria Brewster, như người ta đã trông thấy ông mỗi đêm chủ nhật cách đây 25 năm, nhưng chỉ có vậy. Ông không minh chứng cho ý định thực hiện kế hoạch sáng suốt của mọi người đối với hạnh phúc của ông và Maria.

Nhưng dường như bà không hề héo hon trước niềm hi vọng bị trì hoãn, thực tình mà nói mọi người không thể tìm ra lý do gì để thương hại bà bởi sự chậm trễ của người tình. Chưa bao giờ có một người đàn bà vui sống đến vậy. Bà đã thực sự đắm chìm trong niềm an lạc. Gương mặt tròn và đôi mắt đen láy, điệu chân nhún nhảy ngộ nghĩnh khi bà bước đi.

Mẹ bà giờ đây đã quá yếu, nhưng Maria vẫn buộc dây giày cho nhà máy như trước đây. David Emmons đã gần sáu mươi, vẫn làm việc trong đó như thời trẻ. Ông là một người đàn ông già mảnh khảnh, khuôn mặt hiền hòa, với bộ râu màu vàng xám dưới cằm; đầu của ông đã hói đi. Mọi người nói rằng, trước đây ông rất đẹp trai. “Người chậm nhất trong số những người chậm ở Leyden”, người ngoài gọi ông như vậy. Có những lời đồn được nhắc đi nhắc lại rằng David Emmons đã mất một giờ đồng hồ để đi hẹn hò, và ông phải rời nhà từ lúc bảy giờ để có thể tới nhà Maria đúng tám giờ, và những lời trêu đùa luôn theo ông vào mỗi sáng đến cửa tiệm.

Tất nhiên David nghe thấy những lời trêu chọc đó - dường như đó không phải vấn đề tế nhị lắm giữa những người trong vùng với nhau - nhưng ông cũng góp vui một phần. Ông tự cười bản thân mình, nhưng có chút gì đó không đồng tình trong cách nói: “Ồ, tôi không biết phải làm sao nữa, nhưng với bản chất của tôi không thể làm khác được. Tôi đồ rằng tôi sinh ra trên cõi đời mà không có khả năng di chuyển nhanh. Các người phải đi đằng sau để đẩy tôi lên một chút chứ!”.

Ông có một căn nhà nhỏ màu trắng, được thiết kế kiểu mái hiên phía bên phải. Ông sống cô độc một mình. Có khoảng nửa mẫu đất cạnh căn hộ dành để trồng rau. Trước hoặc sau giờ làm việc, vào mỗi buổi tối và sáng, ông tỉ mẩn đào và nhổ cỏ giữa những luống ngô và đậu. David Emmons chậm chạp, nhưng luống rau của ông thì không. Không có khu vườn nào ở Leyden vượt qua được vườn rau tươi tốt của ông. Bắp của ông đã mọc râu dài và luống khoai tây đã nở trắng hoa.

Ông gần như ăn chay; thực phẩm chính của ông là các loại rau trái trong vườn. Mỗi sớm người đàn ông già độc thân hiền lành sẽ đặt nồi nấu sôi những nguyên liệu tươi xanh và thưởng thức bữa ăn một cách đầy biết ơn, như Robert Herrick dịu dàng, đối với các loại đậu và thảo mộc. Khu vườn của ông đủ cung cấp cho người tình và mẹ bà với phong phú các loại rau quả. Hàng tuần người ta có thể nhìn thấy David chậm rãi đi đến ngôi nhà Brewster với chiếc giỏ trên tay đầy ắp nguyên liệu cho một bữa ăn ngon lành.

Nhưng Maria không kém gì người tình già trong những hành động tử tế. Không chỉ một thứ bảy mà hàng tuần bà đều dành nhiều phần bánh nướng, phủ khăn ăn màu trắng gọn gàng, đặt trên bàn ăn nhỏ của David. Chiếc khóa cửa bí mật được lấy từ nơi cất giấu của nó (mà bà biết rõ) dưới căn bếp tối thui, mở ra cánh cửa và bà vào trong, đặt những thứ ngon lành lên đó, một cách đầy quyến rũ, dù không mang lại nhiều hiệu quả. “Maria đã tới đây cùng bánh nướng cho David”, người đàn bà nói, nhìn ra ngoài cửa sổ khi bà trở về, nhẹ nhàng và thận trọng hơn bình thường đi xuống phố. Và chính David biết rõ có một thiên thần đến chăm sóc, người mang đến những thức ngon lành khi ông nhấc khăn lên và nhận ra ánh mắt đẫm lệ từ những ổ bánh mỳ nâu và bánh nhân xốp - minh chứng cho tình yêu và kỹ năng nấu nướng của Maria.

Một số người trẻ và người ngoài đã có những suy đoán về cách thức tán tỉnh của đôi tình nhân già này 25 năm về trước. Đã từng có những nụ hôn, cái nắm tay âu yếm, hay những biểu hiện yêu thương thông thường giữa đôi tình nhân ấy chưa?

Số khác còn táo bạo hơn khi nhìn trộm qua cửa sổ phòng khách nhà Maria; nhưng họ chỉ thấy David ngồi trầm ngâm và nghiêm nghị trên chiếc ghế sofa lông ngựa mềm mại, còn Maria bên cạnh cái bàn, khẽ lắc lư cái ghế bập bênh. Liệu Maria có khi nào rời khỏi cái ghế bập bênh và ngồi lên chiếc sofa lông ngựa êm ái cùng với David không? Họ chẳng thể biết, và bà cũng chưa bao giờ làm thế. Có điều gì đó thật tức cười, đồng thời còn khá thảm hại về cách biểu lộ tình cảm của Maria và David. Những tình tiết phụ ngoài lề của “những kẻ tò mò cố thủ” luôn được theo dõi sát sao như họ đã từng làm cách đây 25 năm, khi David Emmons lần đầu đưa con mắt xanh dịu dàng đầy yêu thương lên gò má ửng hồng của Maria Brewster. Mỗi buổi tối chủ nhật, vào mùa đông, có một ngọn lửa tỏa lan trong phòng khách, đèn phòng khách quanh năm được thắp sáng lúc hoàng hôn, và mẹ Maria sẽ đi nghỉ sớm, để đôi bạn trẻ có thể “ngồi tâm sự”. Nhu cầu giấc ngủ của cặp tình nhân già làm hạn chế thời gian thể hiện tình cảm, tới 10 giờ đêm ngọn đèn cuối cùng nhà Maria sẽ tắt và David lại một mình đơn độc trở về nhà.

Người Leyden vô cùng tò mò xem David có khi nào cầu hôn Maria không, hay sự chậm chạp cố hữu của ông là một sai lầm. Sự tò mò của họ trở nên vô ích, còn bà góa nhà Brewster khi già yếu hơn đã trở nên nói nhảm, và một ngày đã kể với một người hàng xóm khi cô con gái vắng mặt, rằng David chưa bao giờ đặt vấn đề rõ ràng. Bà tin rằng ông ta có lúc sẽ phải tiến triển. Nhưng rồi bà biết Maria không hề quan tâm, và đôi lúc bà có những lời nói giễu “nhiều lúc, ta cảm thấy ta chẳng thể sống để chứng kiến đám cưới của họ nếu họ không nhanh lên”. Sau đó có những lời nói hớ về một loại lụa tơ tằm màu ngọc trai nào đó mà Maria đã mua được với giá hời cách đây khoảng 20 năm, khi bà có suy nghĩ rằng David sẽ tới cầu hôn; và còn có thông tin thêm rằng chiếc váy lụa đã được bí mật hoàn thành kể từ 10 năm sau, khi Maria một lần nữa tin rằng mục tiêu sẽ đạt được. Người hàng xóm trở về trong trạng thái vui sướng tột độ, với sự khéo khai thác đã lờ mờ biết được thông tin về chiếc váy lụa màu ngọc trai.

Sự thực là Maria không xem sự chậm trễ của David là vấn đề quá quan trọng đối với hạnh phúc của bà. Bà vẫn sống vui vẻ, luôn bận rộn, quá quan tâm đến những công việc hàng ngày hơn là buồn phiền về một điều gì đó. Bà không bao giờ ủy mị, và tình cảm của bà dành cho David thực sự mang tính thực tế của nó. Dù bà là phụ nữ, nhưng lại có cá tính mạnh mẽ, dường như giống một người mẹ hơn là người tình trong sự ân cần với ông. Chính bởi sự chăm sóc tận tình là đặc trưng cho tình yêu của bà mà nỗi đau duy nhất xuất phát từ thời gian tìm hiểu kéo dài và sự trì hoãn hôn nhân. Sự thực là nhiều năm trước đây, khi David hướng bà tới suy nghĩ, từ những câu nói ngập ngừng vào buổi tối chủ nhật đó, rằng chắc chắn ông sẽ sớm cầu hôn với bà, khiến trái tim bà rung động mãnh liệt. Rồi bà đã mua chiếc váy lụa màu ngọc trai đó.

Nhiều năm sau, trái tim bà một lần nữa lại run lên, nhưng đã bớt đi so với lần này. David dường như lại đặt vấn đề với bà vào một chủ nhật khác nữa. Rồi bà đã diện chiếc váy màu lụa ngọc trai. Bà thường đi lại, ngắm nhìn nó đầy trìu mến và ngưỡng mộ ngày qua ngày; bởi trong giây phút thử nó và ngắm mình trong gương, bà tự tưởng tượng mình là cô dâu của David - một cô dâu già nua, nhưng tràn đầy hạnh phúc và yêu thương.

Đôi lúc ngắm nhìn chiếc váy, bà thấy thoáng buồn khi thấy rằng bà sẽ chẳng nên mặc nó nữa. Nhưng bà buồn cho sự hi sinh của David hơn chính bản thân bà. Bà thấy ông ngày càng trở thành một ông già cô độc, cuộc sống không người chăm sóc khiến trái tim bà thương xót ông. Bà không hạn chế lòng tốt chỉ bằng việc nướng bánh mỗi thứ bảy nữa. Hàng tuần ngôi nhà bé nhỏ của ông luôn sạch sẽ và ngăn nắp, đồ vải của ông cũng được chăm chút.

Có một lần, vào đêm chủ nhật, khi bà phát hiện ra vết rách trong chiếc áo choàng của ông, bởi đã quá lâu không có bàn tay phụ nữ chăm sóc, bà đã khóc nức nở khi ông đi khỏi. Có điều gì đó thật đáng thương với bà, có điều gì đó chạm tới trái tim bà sâu sắc, trong vết rách trên chiếc áo choàng ngày chủ nhật của người tình trong suốt những năm dài mòn mỏi chờ đợi của bà.

Nhiều năm sau, bằng trái tim u buồn Maria đứng đó nhìn theo con người khốn khổ già nua chậm rãi đơn độc trên con đường về nhà; nhưng nỗi buồn luôn dành cho ông ấy chứ không phải cho chính mình. Bà cũng từng thắc mắc về ông đôi lần, dù luôn với sự dịu dàng chân thành nhất, rằng tại sao ông lựa chọn cuộc sống đơn độc, tẻ nhạt để trở lại ngôi nhà tối tăm, câm lặng của ông, khi ông có thể được che chở và chăm sóc lúc về già. Bà tin chắc đó chỉ là thói chậm chạp không thể sửa được của người tình, như đối với mọi việc khác. Bà không khi nào mảy may nghi ngờ về tình yêu của ông. Một số người phụ nữ có thể sẽ sốt ruột thúc giục, nhưng với Maria, với sự tế nhị đôi khi là bản chất thực tế và quyết đoán của bà, nếu bà chủ động đề nghị bà sẽ thấy mất đi lòng tự trọng.

Vì vậy bà đã sống vui vẻ với những đôi giày, dù những ngón tay bà đã trở nên chai cứng, người mẹ hóm hỉnh của bà đã ngày càng yếu đi và trẻ con hơn, chính là những điều tốt nhất bà có thể làm cho người tình già khốn khổ ngốc nghếch.

Khi David 70 tuổi và bà 68, bà đã tặng chiếc váy lụa màu ngọc trai cho con gái người chị em sắp kết hôn. Cô gái trẻ đẹp và hạnh phúc, nhưng nàng rất nghèo, và chiếc váy lụa này sẽ trở thành chiếc váy cưới sang trọng vượt quá kỳ vọng.

Maria già tội nghiệp nhẹ nhàng gấp chiếc váy bằng bàn tay nhăn nheo trước khi gửi nó đi, rồi bà khóc, thấy xót xa cho David và chính bà. Nhưng khi một giọt nước mắt vừa rớt xuống mặt lụa sáng bóng, bà ngừng khóc, nỗi buồn của bà chuyển sang sự thận trọng khi bà dùng khăn tay lau sạch giọt nước mắt mặn chát kia, và soi chiếc váy lên ánh sáng để chắc chắn rằng nó không bị đốm bẩn. Bản chất thực tế của Maria đôi khi đem lại lợi ích lớn cho người sở hữu nó. Không còn nghi ngờ gì khi bà lau khô nước mắt nhanh như vậy. Ở khía cạnh nào đó Maria luôn cảm thấy khác với David khi bà cho đi chiếc váy cưới. Vẫn có cảm giác e thẹn trong hành xử của bà với ông, một chút dè dặt và đề phòng trước mọi người. Nhưng sau khi cho đi chiếc váy cưới, tất cả những thắc mắc về cuộc hôn nhân đã hoàn toàn biến mất trong tâm trí bà, những sự ân cần tế nhị cũng mất đi. Bà cảm thấy khỏe mạnh và vui vẻ một cách khác thường so với phụ nữ ở tuổi bà; dường như có sự khác biệt rõ rệt trong hai năm chênh lệch giữa bà và người tình. Đó không chỉ là bánh mỳ và bánh ngọt vào thứ bảy duy nhất mà bà mang đến và đặt trên bàn ăn nhỏ của David mà, một cách cởi mở và táo bạo, không quan tâm ai theo dõi mình, có nhiều bữa ăn tối ấm áp như thế nữa diễn ra. Mỗi ngày, sau khi hoàn thành việc nhà, bà sẽ tới dọn dẹp sạch sẽ ngôi nhà của David. Bà tự nhủ ông cần có tất cả những sự tiện nghi thoải mái trong những năm cuối đời. Hiển nhiên đó là những năm cuối đời của ông. Ông ho, và giờ đây bước đi càng chậm chạp trong sự yếu ớt khiến những người theo dõi bấy lâu nay lo lắng không biết ông có thể tới nhà Maria Brewster trước buổi tối thứ hai được không.

Một đêm chủ nhật ông ở lại lâu hơn bình thường - đồng hồ đã điểm 10 giờ trước khi ông bắt đầu trở về. Rồi ông đứng dậy và nói, như ông đã làm vào mỗi tối chủ nhật cách đây nhiều năm, “Ồ, Maria, chắc tôi phải đi rồi”.

Bà giúp ông mặc áo choàng và quàng khăn. Trái với thói quen thông thường, ông đứng ở cửa và lưỡng lự một chút - dường như có điều gì muốn nói.

“Maria”.

“Em đây, David?”

“Em biết đấy, tôi đã là một gã già nua, một “kẻ chạy chậm”; tôi dường như không thể thay đổi được. Có rất nhiều thứ tốt lành tôi chưa bao giờ chạm tới.” Giọng nói ngắc ngứ của người đàn ông già thốt lên đau đớn.

“Em hiểu tất cả, David à; anh không thể thay đổi được nó. Nếu em là anh em sẽ không lo lắng về điều đó đâu”.

“Em không buồn tôi chứ?”

“Không đâu, David”.

“Ngủ ngon, Maria”.

“Ngủ ngon, David. Em sẽ mang cho anh bữa tối vào ngày mai”.

Bà để đèn sáng ngoài cửa cho tới khi bóng con người già nua khật khưỡng đi khuất. Bà lau nước mắt trên kính để đọc Kinh Thánh khi đi vào trong.

Sáng hôm sau bà vội vã dọn dẹp để tới chỗ David - bà cảm thấy lo lắng cho ông sáng nay - khi nghe tiếng gõ cửa dồn dập ngoài cửa. Khi bà mở cửa một chàng trai đứng đó, thở hổn hển, cậu là con trai người hàng xóm của David.

“Ông Emmons đang bệnh, và muốn gặp bà. Cháu chuẩn bị đi mua sữa thì ông ấy gọi qua cửa sổ. Bố mẹ cháu đang ở trong đó, với một bác sỹ nữa. Mẹ cháu bảo gọi bà đến ngay”.

Tin tức lan đi nhanh chóng; mọi người hiểu chuyện gì xảy ra khi thấy Maria vội vàng xuống phố không mũ nón, mái tóc màu xám của bà rối xòa tung bay. Một người phụ nữ kêu lên khi trông thấy bà. “Tội nghiệp!”, người ấy nức nở. “Tội nghiệp quá!”.

Đám đông vây quanh ngôi nhà của David khi Maria tới. Bà đi thẳng một mạch qua phòng bếp tới chiếc giường bé nhỏ của ông, và tới bên ông. Vị bác sỹ ở trong phòng cùng một vài người hàng xóm. Khi thấy Maria, David già tội nghiệp nắm lấy tay bà và mỉm cười yếu ớt. Rồi ông nhìn khẩn nài bác sỹ, và cả những người khác trong phòng. Vị bác sỹ hiểu, nói mọi người đi ra ngoài. Rồi ông quay sang nói thầm với Maria, “Nhanh lên”.

Bà ngả đầu xuống ông. “David yêu dấu”, bà nói, khuôn mặt nhăn nhúm của bà run lên, những sợi tóc màu xám vắt ngang trên má.

Ông nhìn bà bằng ánh nhìn kỳ lạ sâu trong đáy mắt. “Maria à”, giọng nói yếu ớt và khàn đặc, tựa cơn gió thổi qua những cây bắp ngô khô, “Maria, tôi sắp chết, và - tôi ngỏ ý - bảo em - kết hôn với tôi”.

 

Truyện ngắn. Mary Eleanor Wilkins Freeman (Mỹ)

Nguyễn Thị Thùy Linh (dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước